Cái cảm giác thèm khát sum vầy đã hằn sâu vào đôi mắt của một bà cụ 75 tuổi, mong rằng ngày nào cũng có bữa cơm chiều quanh quẩn bên nhau…
Dưới ánh nắng vàng óng ả của mặt trời xuân, làn gió êm đềm mang theo hương hoa mai nồng nàn, là khi Tết đang về, quê hương của tôi bắt đầu thay đổi: từng con phố, từng góc phố, từng mái nhà đều bừng sáng, rực rỡ trong ánh đèn vàng lung linh. Những tiếng chuông chùa vang lên, tiếng gọi về của người dân xôn xao lo lắng, chuẩn bị cho một mùa xuân đầy ắp niềm vui và hạnh phúc.
Trong không gian rộn ràng của Tết, tôi lại nhớ mãi hình ảnh của ngoại, hình ảnh một bà cụ hiền lành và đẹp đẽ, luôn tỏa sáng như những tia nắng ban mai.
Những buổi sáng đầu năm, khi ánh nắng ban mai chiếu sáng qua cửa sổ, ngoại đã sớm dậy đun nước mâm cơm đầu tiên của năm mới. Những món ăn truyền thống được ngoại nấu: miếng thịt kho thơm phức, quả dưa hấu ngọt lịm, đĩa bánh tét thơm lừng,...Những món ăn quê hương nồng nàn ấy đã tạo nên bầu không khí dễ chịu và đầy sức sống. Tất cả đều mang hương vị Tết của ngoại dành cho con, cháu.
Bạn biết không? Thuở nhỏ, nhà tôi nghèo lắm. Không phải đỗ thừa cho cái nghèo, mà là nghèo thiệt nghèo. Cái gọi là nhà sàn cao vời vợi không thấy cửa, mái tôn cũ kĩ, gió lùa đằng trước luồn ra đằng sau, mỗi lần mưa dông lớn là mấy bà cháu phải chạy đi nơi khác mà tránh vì sợ sập nhà. Hai đứa con nít cùng với bà cụ đã ngoài 65 tuổi quẩn quanh trong căn nhà đó đã hơn 10 năm. Tuy cuộc sống nghèo khó nhưng cứ đến Tết, mọi người được ngồi quanh quẩn bên nhau, cạnh chái bếp nghèo đen mốc là lòng tôi lại thấy ấm áp đến lạ thường.
Ngoại tôi là người thích sạch sẽ. Hồi còn khỏe, cái nhà, cái sân, cái bếp, kệ chén,…ngoại dọn dẹp thường xuyên cho đến bóng loáng mới chịu. Bây giờ, ngoại đã 75 tuổi, tần suất dọn dẹp cũng ít dần đi vì sức khỏe nhưng cái nếp sạch sẽ của ngoại vẫn còn đó. Ngoại hay dặn mấy đứa con, cháu chừng lớn lên tạo dựng cho mình cái gia đình riêng nhỏ, nhớ phải giữ cái nếp này, ngoại nói: “Ăn ở sạch sẽ thì tốt nhưng đừng khó. Vì sống ở đời mà khó quá sẽ hư chuyện”. Vậy nên, mấy đứa con, cháu của ngoại khi lớn lên họ đều giữ cái nếp này và cho rằng đó là vẻ đẹp riêng của gia đình…
Tết lại về, là khoảnh khắc để tôi đắm chìm vào những kỷ niệm đẹp của tuổi thơ, những bài học vàng son mà ngoại đã dạy dỗ. Và những lời khuyên vàng của ngoại, như những bước chân dẫn lối cho tôi trên con đường cuộc sống. Tết bên ngoại, là dịp để tôi nhìn lại quá khứ và nhìn về tương lai. Đó là thời gian để tôi biết ơn và trân trọng những gì mình có và hướng về những ước mơ và hoài bão mới của mình. Bên ngoại, tôi thấy được ý nghĩa và giá trị thực sự của gia đình và điều đó luôn là nguồn động viên và sức mạnh lớn lao trong cuộc sống.
Hôm nay, ngồi quán cà phê nhỏ ở ven đường, tôi lại nhớ đến ngoại. Nhớ mãi câu nói mà ngoại thường dặn dò chúng tôi: “Phải biết tiết kiệm từ cái nhỏ lên cái lớn, cái gì còn xài được thì cứ giữ mà xài, phung phí quá sẽ không tốt”. Vậy mà, khi tôi càng lớn bữa cơm chiều của ngoại càng ít dần đi, cái cảm giác thèm bữa cơm chiều của người con xa xứ và hình ảnh chờ đợi trong cô đơn của một bà lão 75 tuổi khiến tim tôi quặn thắt… Mỗi năm Tết đến, hình dáng của ngoại lại già đi, sự đủ đầy vẫn còn đó nhưng sự khỏe mạnh đã dần phai mờ.
Sáng mùng 4 Tết, tiễn con, cháu đi lên Bình Dương bắt đầu với cuộc sống mưu sinh mà lòng ngoại thương nhớ. Cái cảm giác thèm khát sum vầy đã hằn sâu vào đôi mắt của một bà cụ 75 tuổi, mong rằng ngày nào cũng có bữa cơm chiều quanh quẩn bên nhau…
Bài dự thi số 27
Thí sinh dự thi: Lê Tuấn
Cuộc thi sáng tạo: Ta Nói Gì Về Mùa Xuân?
Comentarios