Đầu đề bài viết hơi lạ một chút. Bình thường người ta hay nói: ” Xuân và tuổi trẻ”, đến nỗi có cả một bài hát quen thuộc của La Hối được hát lên mỗi mùa xuân về. “Ngày thắm tươi bên đời xuân mới - Lòng đắm say bao nguồn vui sống".
Vâng, Tuổi trẻ mang sức sống mới căng tràn nhựa sống, như Mùa Xuân mới đang về khắp phố phường, khởi đầu cho một năm mới an lành hạnh phúc. Nhưng Mùa xuân theo cái nhìn của người già thì sao nhỉ?
Với miền Nam, cuộc sống rộn ràng theo hai mùa: mùa mưa và mùa nắng. Với người cao tuổi, mùa xuân không chỉ là cành mai chớm nụ hay những luồng gió heo may mát mẻ, ấm áp, chan hòa thêm những ánh nắng ấm áp bừng lên rực rỡ. Đối với họ, mùa xuân bắt đầu khi không khí của Tết dần tràn ngập khắp nơi. Đó là lúc mà những ngày cuối năm dần qua, và một không gian mới đang được chuẩn bị cho những ngày đầu tiên của một năm mới.
Có thể nói, mùa xuân của người già cũng thế thôi, cũng những ngày tết trôi qua bình dị lặng lẽ. Dường như người già không có sự mong mỏi chờ đón Mùa Xuân. Xuân với người già trầm lặng hơn,thường quy về gia đình tình nghĩa.
Vớii tôi, lứa U70, Ngày mùng 1, như truyền thống, sang nhà đứa em, xá, thắp nhang cho ông bà, cha, mẹ và họp mặt đại gia đình. Cũng như mọi năm xong phần nghi lễ là phá cổ, lì xì mừng tuổi và nhất là tiết mục “hái lộc đầu xuân“. Cũng rôm rả, nhưng không khí kém sôi động hơn các Tết trước khi nhìn vào chiếc ghế trống với ly bia không vơi – nơi dành cho ANh Hai đã qua đời vừa tròn năm - Thằng cháu tôi sáng đã lẩm bẩm “Đã ít cậu mà bây giờ chỉ còn 1 cậu…..“
Tết là phải họp mặt đại gia đình sáng mùng một. Truyền thống này được lưu truyền từ thời ba tôi, với ông Tết là phải sum vầy, chung vui cùng gia đình. Đó có thể là một kỷ niệm về những tấm ảnh đầu năm như một tập tục tiếp diễn trong mấy mươi năm. Khi anh em chúng tôi lớn lên, người có vợ, kẻ có chồng cũng vẫn như thế. Cho dù đã ra riêng, nhất định sáng ngày mùng một tết, gia đình phải có một tấm ảnh không thiếu ai (hàng năm con bổ sung thêm mấy cháu VIP nội, ngoại).
Mùng 1 tết cha, mùng 2 tết mẹ…. “,
Nhưng năm nay gia đình xuất hành về Tết ngoại ngày mùng 4 tết (trùng với giỗ “nhạc phụ “). Và đến rồi, căn nhà nhỏ, trở nên ồn ào, náo nhiệt khi con cháu tụ về…. Sau phần nghi lễ trang trọng (mâm cúng , thắp nhang…), bàn ăn “đồng phục“ ngày tết (bánh chưng, bánh tét, thịt kho trứng….) điểm xuyết thêm những món ăn “ ngày giỗ “….. được các thành viên tận tình “dọn dẹp“. Bà ngoại các cháu “tuổi đà 93” hơi mệt những hôm trước Tết, hôm nay như khoẻ hẳn lại, ngồi cùng với các cháu, mắt bà ánh lên niềm vui, mỉm cười nhìn con cháu quay quần.
Đặc biệt, Ngoại vui hơn vì 7 đứa cháu “hồ lô“ - khi còn nhỏ “bu“ quanh ngoại những dịp cuối tuần - vì nhiều lý do khác nhau, rất lâu rồi mới tập họp cùng lúc, cùng thời điểm, cùng vui. Và ở thời công nghệ lên ngôi, những tấm ảnh chụp đại gia đình quây quần bên ngoại, mấy đứa cháu cẩn thận dìu bà từng bước đi… đã tô điểm cho bức tranh xuân thêm sinh động sắc màu, lấp lánh niềm vui, rộn vang tiếng cười.
Như câu đối các cụ ngày xưa: “Tết đến gia đình vui sum họp - Xuân về con cháu hưởng bình an". Vâng, tuy trong năm, gia đinh vẫn có những dịp họp mặt đông đủ (ngày giỗ, sinh nhật...) nhưng không khí ngày đoàn viên với hương vị Tết vẫn trọn vẹn với những cảm xúc riêng biệt, nó không riêng cho 1 gia đình nào mà hàng triệu gia đình cùng hòa niềm vui chung.
Với người cao tuổi, mùa xuân có buồn vì “mỗi mùa xuân sang già thêm một tuổi”. Nhưng có lẽ với tôi và “ngoại “ những kỷ niệm trong mùa xuân, mùa tết không chỉ là những hồi ức về quá khứ, mà còn là nguồn động viên, sức mạnh để tiếp tục bước đi trong cuộc sống, tràn đầy niềm tin và hy vọng vào những mùa xuân sum vầy kế tiếp.
Bài dự thi số 38
Thí sinh dự thi: THỜI ĐÃ QUA
Cuộc thi sáng tạo: Ta Nói Gì Về Mùa Xuân?
Bài viết hay quá ạ! Chúc bác có nhiều sức khỏe và hạnh phúc bên gia đình.