Đối với mẹ, con về quê ăn Tết là món quà ý nghĩa, là cách trả ơn làm mẹ hạnh phúc. Về bên mẹ để thấy sau bao nhiêu thăng trầm, thất bại, vui buồn, mẹ vẫn dang rộng vòng tay chào đón ta.
TẾT - VẸN TRÒN TRONG MẸ
Khi những ngôi nhà cao tầng mọc nhan nhản, những món hàng đưa tới tay bằng cái nhấc máy, hàng hóa ê hề ngoài cửa chợ, nhưng khi màu Tết chập chững bước vào hiên nhà bằng chút hơn hớt nắng vài lớp gió thoang thoảng qua bụi râm bụt, lòng người bắt chút gớn hối hả, chờ mong. Và mẹ tôi - người đàn bà dành cả đời chôn chân ở mảnh quê, xem Tết như một điều gì thiêng liêng lắm, đẹp lắm ngay cả khi bọn trẻ (kể cả tôi) nhìn về Tết bằng đôi chút hờ hững, lạnh nhạt.
Tết là dịp cả gia đình quây quần, đoàn tụ bên nhau sau những ngày làm việc vất vả. Mẹ cũng nôn nao chờ Tết, nhưng sốt ruột nhất vẫn là đợi con cháu về. Con lớn lên, đi học xa nhà, guồng quay công việc hối hả, bất giác nhận ra hai mẹ con chỉ có vài cuộc gọi rải rác.
Gần Tết, căn nhà của tôi trở nên sôi động, náo nhiệt hẳn lên. Những ngày thức khuya dậy sớm để gói từng tép chả, hương khói bóc lên nghi ngút, người người ra vào nhộn nhịp làm không khí Tết ngày càng gần hơn. Những ngày như thế tuy vất vả có nhưng được cái vui, mồ hôi đầm đìa thế mà nụ cười tươi vẫn giữ trên khuôn mặt mẹ, thế là đủ. Ôi nhớ những ngày tôi đèo theo em trai bon bon trên chiếc xe của mẹ giao từng đòn chả tới từng nhà để kịp ăn Tết, dù nắng, dù nhọc nhằn nhưng chúng tôi lại được ngắm nghía cái không khí vội vàng, hối hả của mọi người để chào đón ngày đoàn viên, mà chúng tôi cũng là một phần trong đó.
Tết đến mẹ tôi vất vả nhiều, mẹ lo đủ trăm chiều. Ngày Tết nhà cửa phải phong quang sạch sẽ, bởi vậy mẹ đã lo toan thế nào thì không mấy ai biết được. Từ việc quét lại cái sân, lau bộ bàn ghế gỗ, dọn bàn thờ tổ tiên hay việc mua đòn bánh chưng, mua bánh kẹo sắm sửa ngày Tết cũng một tay người phụ nữ ấy làm nên. Chẳng sai khi nói mẹ tôi mang Tết đến cho gia đình.
Càng cận Tết, mẹ đèo tôi trên chiếc Wave cũ dạo quanh khu chợ nom thích lắm. Những thanh âm náo nhiệt, dòng người tất bật càng làm tôi thêm phần thích thú, tươi vui. Mẹ dẫn tôi đi khắp ngỏ ngách mà mẹ đã đi mòn cả chân, đi từ gian bán thịt, tạt sang gian bánh kẹo, lại đến gian bày đủ loại cây chưng Tết. Thật tuyệt vời làm sao, chỉ mong có thể dừng lại tại thời khắc ấy.
Thời khắc giao thừa đến, mọi người cùng quây quần bên đống lửa, tôi tước măng, mẹ tôi chuẩn bị nồi thịt kho tàu, anh chị em tôi lại nướng đồ, mùi thức ăn cùng mùi khói như quện vào nhau thơm nức mũi. Chúng tôi cùng ngồi chờ, chờ những màn pháo hoa bắn rợp trời, rồi cùng nhau bật lên câu “Chúc mừng năm mới”.
Nhưng khi đã bước qua đêm giao thừa tôi lại có những luồng cảm xúc rất khác biệt, rất đặc thù. Sở dĩ tôi có suy nghĩ như thế bởi tôi cho rằng Tết chỉ vui trong khoảng hai mươi ba tháng chạp đến hết đêm giao thừa. Những đợt pháo hoa cuối cùng cũng là lúc báo hiệu Tết đã hết. Bởi một lẽ, khoảng thời gian trước Tết là lúc đông vui, nhộn nhịp nhất. Nhưng rồi, đến hết đêm giao thừa, mọi thứ lại vắng vẻ lạ thường.
Có lẽ vì thế, ngày mồng một tôi chỉ đi chúc Tết nội ngoại rồi lại quay về. Những ngày tiếp theo cũng chỉ quanh quanh gần khu nhà tôi. Đường phố vắng vẻ, mọi người ai ở nhà nấy và còn nhiều sự thay đổi khiến Tết trở nên… chán. Cũng có thể tôi đã sống cuộc sống sinh viên quá tất bật, Tết không phải là “vui Tết”, “chơi Tết” mà chỉ đơn thuần là nghỉ Tết. Nghỉ ngơi sau những ngày học hành bù đầu.
Cũng có thể, Tết không hề biến chất như tôi nghĩ, mà Tết vẫn như vậy, Tết vẫn khoác lên mình chiếc áo vui tươi khiến mọi người háo hức và mong chờ. Nhịp sống hối hả hiện đại có thể làm Tết thay đổi đôi chút, song tôi có thể chấp nhận sự thay đổi đó, thì Tết vẫn ở đó, vẫn nguyên vẹn.
Thời gian nghỉ Tết nói dài không dài, ngắn không ngắn nhưng thời gian ở bên gia đình không bao giờ là đủ. Ngày tôi chuẩn bị quay trở lại Sài Gòn để theo đuổi ước mơ, có thể với mẹ thế là hết Tết. Nhà còn bao nhiêu món ngon, mẹ gói ghém gửi con mang lên thành phố ăn dần. Ngày tôi đi, mẹ đưa ra đến tận cửa, ôi bóng dáng người phụ nữ tần tảo nuôi tôi khôn lớn sao cô đơn quá đỗi.
Đối với mẹ, con về quê ăn Tết là món quà ý nghĩa, là cách trả ơn làm mẹ hạnh phúc. Về bên mẹ để thấy sau bao nhiêu thăng trầm, thất bại, vui buồn, mẹ vẫn dang rộng vòng tay chào đón ta. Hãy về nhà với mẹ, bởi suy cho cùng, cái Tết hạnh phúc nhất trong đời người vẫn là khi có mẹ.
Bài dự thi số 44
Thí sinh dự thi: Hoàng Thị Hạnh Nguyên
Cuộc thi sáng tạo: Ta Nói Gì Về Mùa Xuân?
Comments