Phải đi qua ba mùa mới có thể gặp lại mùa Xuân – một mùa chứa đựng biết bao điều ấm áp, thú vị. Thế nên nhân lúc mùa Xuân còn tại vị...
Xuân là gì trong bạn?
Cuộc đời mỗi người đều đã đi qua hai ngày – đó là ngày nắng và ngày mưa; ba buổi – buổi sáng, buổi trưa và buổi tối; bốn mùa – mùa xuân, mùa hạ, mùa thu và mùa đông. Vậy bạn đã trải qua được bao nhiêu mùa xuân xanh rồi? Chắc hẳn mỗi người đều có một con số khác nhau về những mùa xuân họ đã bước qua và có thể trong những mùa xuân từng trôi qua đó, có nhiều ký ức vẫn còn quẩn quanh trong lòng mỗi người.
Mùa xuân – mùa xuất hiện đầu tiên trong bốn mùa cũng là mùa gắn liền với sự bắt đầu của một năm. Cũng bởi thế Xuân là dấu hiệu cho sự khởi động của một năm mới. Nó dẫn dắt sự xuất hiện tiếp theo của các mùa khác bao gồm Hạ, Thu và Đông. Có lẽ do ý nghĩa mở đầu như thế, mùa Xuân thường được ví von như tuổi tác của mỗi người. Bạn đã đi qua bao nhiêu mùa xuân xanh rồi? – đó là câu hỏi dí dỏm những cũng không kém phần tinh tế để hỏi về tuổi tác mỗi người. Tuổi tác thường là một vấn đề nhạy cảm, nhất là đối với những người lớn tuổi. Vậy nên việc ví mùa Xuân là tuổi tác khiến nhiều người nhẹ nhõm hơn mỗi khi đưa ra con số tuổi của mình. Mùa Xuân thật là vĩ đại làm sao!
Mùa xuân – khoảng thời điểm đẹp trong mỗi năm để trở về nhà. Nhà như người ta thường nói – là nơi để trở về. Có người có thể về nhà lúc tối muộn sau giờ làm việc căng thẳng; có người chỉ có thể đợi những dịp nghỉ để trở về ngôi nhà thực sự, nơi có ba mẹ ngóng trông; có người lại phải qua nhiều mùa xuân mới có thể về thăm lại quê nhà của mình. Mỗi người đều có thể trở về nhà vào những thời gian khác nhau, nhưng có lẽ khoảng thời gian thích hợp và đẹp đẽ nhất để trở về chính là mùa Xuân. Tết đến Xuân về, Mai, Đào khoe sắc, chim én bay lượn; khung cảnh thật nhộn nhịp, thời điểm thật phù hợp để sum vầy. Tết là lúc để trở về nhà và mùa Xuân là dấu hiệu của điều đó. Vậy nên mùa Xuân và Tết luôn gắn liền với nhau qua mọi năm tháng. Có thể thấy, Xuân chính là mùa trở về nhà, nơi cha mẹ trông ngóng, gia đình hội họp, con cháu sum vầy. Mùa Xuân thật ấm áp làm sao!
Mùa xuân – còn là thời điểm để bắt đầu hoặc kết thúc điều gì đó đang vướng bận. Bước đi trong cái tiết trời không quá nóng cũng không quá lạnh của mùa xuân này, con người thường cảm thấy thoải mái và tràn trề hy vọng vào tương lai. Đó cũng là lý do vào mùa xuân, nhiều người thường đi chùa chiền cúng bái, viết nên những mơ ước, kỳ vọng cho tương lai, từ đó có thêm động lực để bắt tay thực hiện những mục tiêu dang dở. Mùa Xuân giúp chúng ta sẵn lòng từ bỏ những điều còn tồn đọng ở mùa trước, thêm chút năng lượng vào cuộc sống sau khi mới trải qua một mùa đông se lạnh và rồi con người lại lấy lại sức sống như những đóa hoa khoe sắc sau thời gian ngủ đông. Nhưng không phải lúc nào mùa xuân cũng mang đến những điều năng lượng như vậy. Mùa xuân còn mang một vẻ e ấp của thiếu nữ mới tỉnh giấc, có chút đằm thắm cũng mang chút ảm đạm vấn vương. Bởi vậy, mùa xuân còn có thể là sự kết thúc của những chuyện tình, những điều còn đang dang dở. Những chuyện tình mang một kết thúc buồn khi được trải qua vào mùa xuân thường khiến con người ta trở nên dễ dàng chấp nhận. Có lẽ bởi tiết thời dễ chịu vào đầu xuân, hay chăng là do mùa xuân mang một vẻ ấm áp lạ thường đến nỗi không ai có thể buồn bực quá lâu với nó. Nó mang sự man mác buồn sau mùa Đông nhưng vẫn có sự đằm thắm khác biệt, nó mang năng lượng trước mùa hè nhưng vẫn thật dịu dàng, ấm áp. Mùa Xuân chứa đựng bao cảm xúc của mỗi người, hỷ nộ ái ố, lúc thì năng lượng tràn trề cho sự bắt đầu, lúc lại buồn tủi chút ít cho việc kết thúc. Mùa Xuân thật chứa nhiều cung bậc cảm xúc làm sao!
Đông qua, Xuân về - Xuân đi, Hạ đến. Mùa xuân rồi cũng nhẹ nhàng đến và lại lặng lẽ đi trong lúc người ta chưa kịp nhận ra điều gì. Phải đi qua ba mùa mới có thể gặp lại mùa Xuân – một mùa chứa đựng biết bao điều ấm áp, thú vị. Thế nên, nhân lúc mùa Xuân còn tại vị, hãy tận hưởng và thổ lộ chút tâm tình với nó về những điều còn đang vương vấn ở mùa cũ nào.
Bài dự thi số 51
Thí sinh dự thi: Meteor
Cuộc thi sáng tạo: Ta Nói Gì Về Mùa Xuân?
Comments