top of page
Ảnh của tác giảBookiee - Sách là niềm vui

[Review] Bình Địa Trong Lửa - Sự Giao Tranh Của Ngôn Từ

Đã cập nhật: 7 thg 3, 2023

“Bình địa trong lửa” là áng văn hiện thực, tái hiện một bối cảnh Mexico vô cùng ngột ngạt với những biến động chính trị – xã hội sục sôi âm ỉ, chìm ngập trong đó còn là thân phận con người bé nhỏ nhưng đầy tham vọng.


Trong một cuộc phỏng vấn năm 1978, Juan Rulfo nói rằng tuổi thơ của ông rất bất hạnh và sống tại một đất nước chịu nạn tàn phá tràn lan. Ông không bao giờ hiểu được logic của những hành động bạo lực của cuộc Cách mạng dẫn đến cái c.h.ế.t của các thành viên trong gia đình ông và “Bình địa trong lửa” là một lời tố cáo của những tội ác đó.


Vì sao bạn nên đọc cuốn sách này?


Lớn lên trong hai cuộc binh biến lớn của Mexico những năm 1910-1920 giữa quân Chính phủ và những phe phái nổi dậy, Juan Rulfo kể mười bảy câu chuyện mà từng câu chuyện đều bám chặt vào hiện thực. Trong đó có 3 trên 17 câu chuyện mang cốt truyện chiến tranh, những truyện còn lại xoay quanh: cái nghèo, cái đói, sự đơn độc. Nhưng tựu trung, tất cả đều do chiến tranh. Chính cái nghèo dẫn lối những người trụ cột của một gia đình phải dấn thân vào hành trình tìm cách thoát khỏi nó và không có dấu hiệu quay trở lại với gia đình của mình.


Hình ảnh đất nước Mexico


Tác phẩm được lấy bối cảnh ở một vùng nông thôn Mexico thời hậu chiến. Nơi đang vật lộn với tác động thất bại của cuộc cải cách ruộng đất không thực tế và có khả năng bị tham nhũng. Kết quả chính của nó là dẫn đến di cư ồ ạt từ làng này sang thị trấn khác, đến các thành phố. Trong khi để lại những thứ ở vùng nông thôn không thay đổi và thậm chí còn tồi tệ hơn.


Juan Rulfo – người kể chuyện dửng dưng


Juan Rulfo là một nhà văn, nhiếp ảnh gia và nhà biên kịch người Mexico. Mặc dù không có nhiều công trình văn chương, nhưng ông được coi là một trong những nhà văn quan trọng nhất của thế kỷ XX do lối kể chuyện đầy lôi cuốn.


Juan Rulfo vào năm 1985| Photo by Schiffer-Fuchs/ullstein bild via Getty Images


Tác phẩm của Juan Rulfo đặc trưng bởi việc nắm bắt các sự kiện liên quan đến cuộc sống nông thôn và một số sự kiện diễn ra sau Cách mạng Mexico. Tác phẩm vĩ đại nhất của Juan Rulfo được đưa ra ánh sáng vào năm 1955 với tựa đề “Pedro Páramo”. Trong cuốn tiểu thuyết đó, hiện thực và bí ẩn làm sống dậy một trong những tác phẩm hay nhất của văn học Mĩ Latinh vào giữa thế kỷ XX. Juan Ruaflo đã viết nên “Pedro Páramo” bằng những lát cắt thời gian sinh động để tái hiện nên cuộc đời của hệ thống nhân vật.


Với sáng tác nổi bật thứ hai là tập truyện ngắn “Bình địa trong lửa”, là nguồn cảm hứng cho Gabriel Garcia Márquez – tác giả của tác phẩm kinh điển nổi tiếng “Trăm năm cô đơn”.



Khía cạnh ấn tượng


Những cuộc trốn chạy tại vùng “Bình Địa”


Toàn bộ tác phẩm có ba cuộc trốn chạy khắc họa trọn vẹn sự khốc liệt của chiến tranh. Hơn hết, chúng còn gắn với bi kịch cá nhân và tập thể người dân sống trong khu vực, chiến tranh liên miên. Và chính địa hình đất nước khiến người dân hứng chịu cảnh đói, cảnh nghèo đẩy họ rơi vào hoàn cảnh phải đấu tranh và phản kháng.


Trước hết là hành trình trốn chạy khỏi cái nghèo, trong truyện “Paso del Norte” – Đường mòn phía Bắc, người con bỏ lại gia đình mình cho cha chăm sóc và lên thành phố kiếm việc. Những cuộc hành trình trốn chạy khỏi cái nghèo lại gặp nhiều cản trở khiến nhân vật chùn bước và chấp nhận buông bỏ.


Thứ hai là hành trình trốn khỏi sự truy đuổi. Các cuộc chiến bắt đầu bằng tiếng súng và chính khe núi vang vọng lại làm mọi vật tỉnh giấc, Juan Rulfo đã tái hiện khung cảnh này một cách đặc sắc nhất: từ con người đến động vật và thực vật đều như choàng tỉnh khỏi giấc ngủ vì tiếng kêu inh ỏi đó. Sau khi những tràng bắn cứ thế tiếp diễn, các nhân vật khom mình đằng sau những tảng đá lớn tròn trịa, thở gấp do trốn chạy. Hơn hết, khi những cuộc rượt đuổi diễn ra thì những ngọn núi được xem như chướng ngại vật họ phải vượt qua để tháo chạy. Đồng thời còn là nơi ẩn nấp tránh khỏi súng đạn và săn lùng của kẻ thù. Juan Rulfo khi đặt nhân vật vào tình huống phải trốn chạy thì luôn có sự xuất hiện của các dãy núi phù hợp với địa hình sinh thái.


Cuối cùng, hành trình trốn chạy sự thực và tìm kiếm hy vọng. Trong tác phẩm, tác giả xây dựng hình tượng các ngôi làng xuất hiện luôn gắn với “tiếng chó sủa”. Đây là điểm độc đáo trong sáng tác của Rulfo. Không gian trong tác phẩm chủ yếu là ban đêm và tiếng chó sủa đã mang một tầng ý nghĩa: dẫn dắt con người trong bóng đêm. Từ đó, gợi lên một niềm hy vọng vượt qua những khó khăn.


Sự cô độc từ cá nhân đến tập thể


Sự cô độc của tập thể được tác giả tái hiện qua khung cảnh của một vùng đất. Luvina là một trong số những dãy núi phía Nam, trong tác phẩm thì dãy núi này được coi là “một chốn buồn”. Trăng ở Luvina là hiện thân của niềm tuyệt vọng, nơi đây cái buồn làm tổ, vì ở đây không ai biết đến nụ cười, như thể mặt mọi người hóa thành gỗ. Lí do là ở đây toàn những người già và những đứa trẻ chưa ra đời, vì mọi người đàn ông sẽ rời khỏi vùng đất này để đi kiếm việc và chưa từng nghĩ sẽ quay lại.


Những người già chỉ ngồi ở bậu cửa và chờ đến ngày tử thần đến rước họ đi: Một mình, trong sự cô độc của Luvina. Chính sự cô độc và buồn bã ấy cho nên người ngoài không bao giờ thấy trời xanh ở Luvina, trong mắt họ chỉ là một đường chân trời không màu sắc, luôn bị đám màu mờ mịt không bao giờ tan bao phủ. Từ đây có thể thấy, không khí ảm đạm từ đời sống của con người tác động lên cả môi trường sống. Và Juan Rulfo cho rằng: “San Juan Luvina. Cái tên nghe như thể vũ trụ đối với tôi. Nhưng đó là luyện ngục”.

Sách Bình địa trong lửa do NXB Hội Nhà văn phát hành. Nguồn: ZingNews


Bên cạnh đó, Juan Rulfo còn nói đến nỗi cô độc của cá nhân nổi bật nhất thông qua “Câu chuyện về Matilde Arcangel”, nói về hai nhân vật cha con có tên giống nhau - Euremino Cedillio, họ đều đắm chìm trong nỗi cô độc riêng, người cha bị mất vợ và đối xử tàn nhẫn với con trai mình vì cho rằng con trai gây ra cái c.h.ế.t cho người vợ, chính vì vậy ông đơn độc trong chính cuộc sống của bản thân đến c.h.ế.t. Người con vì chịu sự áp đặt tội lỗi nên cậu cũng sống trong khoảng cuộc sống riêng của chính mình, đơn độc cùng chiếc sáo.

Tập truyện ngắn “Bình địa trong lửa” với phương thức lắp ghép, trong một truyện, tác giả đã tái hiện những sự kiện ở những thời điểm, những không gian khác nhau, mỗi sự kiện vừa có tính độc lập tương đối, vừa quan hệ với nhau, bổ sung, hỗ trợ nhau để tạo nên tính chỉnh thể, thống nhất cho tác phẩm.


Lời kết


Khi đọc “Bình địa trong lửa” không chỉ dừng lại ở niềm vui thích của những câu chuyện được kể một cách khéo léo, mà còn là niềm vui khi quan sát những ngày đầu chủ nghĩa hiện thực huyền ảo Mỹ Latin, khi chủ nghĩa hiện thực thuần tuý đang dần vỡ vụn như đất khô, mất dạng và bắt đầu tan chảy trong lịch sử, tội ác và giấc mơ để kiến tạo những hình thù mới.


Ruflo sử dụng ngôn ngữ như một tấm thảm ma thuật cho phép chúng ta nhìn thấy cảnh vật, đưa người đọc vào bên trong tâm hồn của các nhân vật, khiến chúng ta cảm nhận được những gì các nhân vật cảm thấy và nhìn thấy những gì họ nhìn thấy. Với ngôn ngữ, Ruflo đưa chúng ta vào một chuyến tàu lượn siêu tốc, trong đó một khoảnh khắc nào đó người ta dường như đang đọc một bài thơ hay trước thiên nhiên, nơi người ta có thể cảm nhận được niềm vui của những chú chim, bầu không khí trong lành. Và cũng ngay lập tức, người đọc thấy mình đang rơi xuống một thảm kịch nào đó, để rồi cuối cùng nhìn chằm chằm vào một khoảng trống cảm xúc...


Còn bạn, bạn thấy sao về cuốn sách này? Hãy chia sẻ cho Bookiee biết nhé!


Người viết: Kiều Khanh
Người thiết kế: Diệu Hương


(*) Bản quyền bài viết thuộc về BOOKIEE.ORG. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ gồm tên người viết, tên người thiết kế và Bookiee - Sách Là Niềm Vui. Mọi hành vi sao chép hoặc trích nguồn, chia sẻ bài viết không đầy đủ đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.


______________________________


Bookiee - Sách là niềm vui

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Comments


bottom of page