Thí sinh: ngocne
Hà Nội, chiều tháng 5!
Gửi tới bạn!
Đồng tiền - một thứ đồ “bình dân” có giá trị sâu sắc về mặt vật chất rất dễ dàng bị tha hóa từ chính những điều chân lý được gọi tắt là “lòng thương người”.
Văn hào Hector Malot (1830-1907) cùng tiểu thuyết siêu kinh điển Không gia đình (1878) đã mang lại cái nhìn siêu thực cho người đọc nói chung và cá nhân tôi nói riêng về một đất nước Pháp thu nhỏ, đầy rẫy biến động dưới con mắt thiếu hơi ấm gia đình của cậu nhóc tên Rêmi – một đứa trẻ không gia đình. Đứng tồn tại ở những bậc thang cuối cùng của một xã hội đầy bon chen và lừa lọc, đâu đó vẫn còn chỗ chứa cho những mảnh đời có cùng số phận mang trong mình tấm lòng vị tha, ngay thẳng. Chính từ những điều đơn giản nhưng vô cùng sâu sắc mà tác giả muốn truyền đạt tới bạn đọc đã khiến tôi bất giác phải suy nghĩ đôi điều.
Trước hết, tôi muốn dành sự biết ơn chân thành của mình đến với chính tác giả, người đã mang lại niềm tin và lòng biết ơn cho biết bao thế hệ bạn đọc, người đã dành cả tuổi xuân của mình để gây dựng và thấu hiểu tận sâu nỗi lòng của những người cùng khổ, người đã kết nối sợi dây vô hình của tình yêu thương con người cùng sự bao dung với những loài động vật. Cảm ơn vì những điều chân quý đó. Cho tôi mạn phép được đặt ra một câu hỏi “Liệu tình thương người có phải xuất phát từ lòng thương hại?” Tác giả đã giúp tôi trả lời phần nào câu hỏi khá nhạy cảm đặc biệt là trong xã hội hiện đại như này.
Điều mà tôi tâm đắc nhất, điểm sáng ở một cậu bé, dù có sa vào những chỗ dơ bẩn, tối tăm nhất, nhà văn vẫn không để Rêmi phải cầm nón ra đường ăn xin. Rêmi cũng đang phải chao đảo, ngả nghiêng dưới sức mạnh, quyền lực của đồng tiền, nhưng không vì thế em đánh mất đi lòng tự trọng, cái tôi vốn có của mình, mà tự phải tìm cách xoay xở cố gắng có được đồng tiền từ chính năng lực, khả năng của mình. Vấn đề quan trọng mà tác giả muốn nói ở đây không phải là sức hút và sự hủy diệt của đồng tiền mà đáng trân trọng và nể phục hơn cả là cách nhìn nhận và sự suy nghĩ thấu đáo xuất phát điểm từ chính cái tôi của tác giả. Mặc cho mọi thứ đang bao trùm, đè nén lên cuộc đời, nhưng không vì thế mà đánh mất đi cái chất, trở thành những thứ xấu xa, cặn bã ngoài xã hội. Dù không được sống trong sự bao bọc của tình thương gia đình, tác giả lại khéo léo để Rêmi có được hương vị hạnh phúc trong sự yêu thương, đùm bọc của chính những người bạn tốt xuất hiện trong cuộc đời cậu. Lòng thương người chân chính thật ra là những điều giản dị như vậy. Nó không phải xuất phát từ những toan tính, lừa gạt hay những thủ đoạn mất hết tính nhân văn, đánh mất đi bản chất vốn có của con người.
Thật vậy, tôi nhận thấy rằng, trong cuộc sống phát triển ngày nay, không có ít những bộ phận đang lợi dụng lòng tốt của mọi người xung quanh để kiếm lời, làm sai lệch đi cái giá trị của tình thương giữa người với người. Giá trị của con người đang dần bị tha hóa bởi vòng xoáy của đồng tiền để rồi định nghĩa về sự vô cảm lại xuất hiện ngày một dày đặc hơn. Không phải tôi hay mọi người không đồng cảm với những hoàn cảnh đó, mà cái tôi đang quan tâm ở đây là, cái giá trị về mặt vật chất ấy có đến được tay họ hay không, hay đó đơn thuần cũng chỉ là một cái “nghề” một công việc tầm thấp của xã hội. Người tốt thường đi kèm với sự hoài nghi, mà lòng người thì thật khó đoán, thật khó để nhìn ra được cái bản chất bên trong. Suy cho cùng, cái tâm thiện vẫn là yếu tố cốt lõi nhất, hãy sống là chính mình, hãy thật sự trân trọng những điều trân quý xung quanh, hãy theo đuổi và cố gắng với những đam mê, tôi chắc chắn một điều rằng, thành công sẽ mỉm cười với tất cả mọi người.
Trân trọng gửi tác giả!
Thân ái!
Ngocne.
Bạn có thấy đồng cảm với bức thư này không? Hãy chia sẻ cho Bookiee biết nhé!
(*) Bản quyền bài viết thuộc về BOOKIEE.ORG. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ gồm tên người viết, tên người thiết kế và Bookiee - Sách Là Niềm Vui. Mọi hành vi sao chép hoặc trích nguồn, chia sẻ bài viết không đầy đủ đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
______________________________
Bookiee - Sách là niềm vui
👉 Fanpage
👉 Youtube
Comments