Thí sinh: Tăng Thị Hải Yến
Gửi nhà văn Primo Levi,
“Liệu có được là người không khi sống trong trại tập trung của Đức Quốc Xã?”
Đây là câu hỏi hiện ngay trong đầu cháu khi cầm trong tay cuốn sách của bác - cuốn “Có được là người”.
Cháu thích đọc sách về chiến tranh, về số phận của những con người nơi thế chiến. Cháu đã đọc nhiều tác phẩm về đời người xoay vòng khác nghiệt bởi chiến tranh như truyện về cậu thanh niên Do Thái Max phải trốn chui lủi trong Kẻ trộm sách, cháu đã từng khóc nhòa mắt với kết thúc tàn bạo dành cho cậu bé Bruno trong Chú bé mang pyjama sọc, hay trải qua những khắc khoải, lo lắng cùng gia đình Frank trốn tránh nanh vuốt của Đức Quốc Xã trong Nhật ký Anna Frank,... thế nhưng sau tất cả cháu vẫn rất đỗi kinh ngạc khi đọc “Có được là người”.
Là nạn nhân và cũng là người sống sót, bác đã ghi lại chân thực cuộc sống của những người tù nhân Do Thái bên trong trại tập trung Auschwitz trong "Có được là người", tác phẩm khiến cháu bàng hoàng bởi sự kinh khủng của Holocaust.
Với cháu, cuốn hồi ký của bác lớn lao không chỉ bởi những ký ức “sống động” đến nghẹn thở bên trong trại tập trung, mà hơn tất cả chính bởi cuốn hồi ký đã chạm được tới tâm hồn, truyền tải được ý thức của những con người đã thực sự trải qua sự khủng khiếp đó. Cháu trước đó từng giản đơn nghĩ rằng trại tập trung đáng sợ bởi nó phá huỷ thể chất con người, bởi những công việc khổ sai nặng nhọc, bởi đánh đập bất công và kiệt quệ về thể chất. Thế nhưng sau khi đọc những dòng hồi ký trong "Có được là người", cháu mới biết các trại tập trung hiện lên là thực tại tàn nhẫn nhất không phải chỉ bởi nó phá huỷ thể xác những tù nhân mà chính bởi sức tàn phá khủng khiếp của nó lên tâm hồn con người. Thật chẳng sai khi gọi Auschwitz với cái tên "trại tử thần".
Cuốn sách đã cho cháu hiểu ra Auschwitz kinh khủng bởi nó tước đi bản thể, tước đi quyền được là con người của những người Do Thái. Họ bị ép đến tận cùng giới hạn chịu đựng của cả thể chất lẫn tinh thần, họ đơn thuần chỉ tồn tại chứ không phải sống, cố gắng vượt qua từng ngày từng ngày của lao động khổ sai, của đói lạnh cùng cực với mẩu bánh mì cỏn con và bát súp lõng bõng nước. Cháu chợt nhớ đến lời của nhà văn Nam Cao quê hương cháu: “Một người đau chân có lúc nào quên được cái chân đau của mình để nghĩ đến một cái gì khác đâu? Khi người ta khổ quá thì người ta chẳng còn nghĩ gì đến ai được nữa."
Thế nhưng cái "khổ" trong trại “tử thần” Auschwitz còn dã man tàn bạo hơn như thế bởi những tù nhân không còn có thể nghĩ đến ai, và cũng chẳng còn ý thức về chính bản thân mình. Tất cả những gì định hình lên con người họ, công việc, gia đình, thói quen, và thậm chí cả suy nghĩ, tên tuổi của họ đều bị tước đoạt. Không có tương lai, không có quá khứ, còn hiện tại chẳng khác gì địa ngục trần gian.
Thế nhưng bác cũng cho những người đọc như cháu niềm tin rằng dù ở trong những trường hợp kinh khủng và tàn bạo nhất, thì vẫn sẽ có lòng tử tế của con người lóe sáng dù nhạt nhòa ít ỏi. Và chỉ cần một hành động nhỏ bé xuất phát từ tình người cũng có thể kéo thoát con người ta ra khỏi lằn ranh tàn nhẫn của là con người và không còn là người, như cách mà những mẩu bánh mì của Lozenro đã níu giữ bản thể con người của bác trước sức phá hủy tàn bạo của trại Auschwitz.
Đọc những dòng hồi ký của bác, cháu có thể cảm nhận được những bóng ma ám ảnh của trại tập trung vẫn đeo bám bác không ngừng, chúng dằn vặt và tra tấn không nguôi. Chắc hẳn phải khó khăn lắm để "sống" lại một lần nữa những ký ức khủng khiếp đó. Cảm ơn bác vì đã không trốn tránh quá khứ để những người ở thời bình như cháu biết được rằng mình thật may mắn khi được hưởng tự do, khi trời vẫn xanh và vẫn được là người.
Điện Biên, ngày 22/05/2021.
Bạn có thấy đồng cảm với bức thư này không? Hãy chia sẻ cho Bookiee biết nhé!
(*) Bản quyền bài viết thuộc về BOOKIEE.ORG. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ gồm tên người viết, tên người thiết kế và Bookiee - Sách Là Niềm Vui. Mọi hành vi sao chép hoặc trích nguồn, chia sẻ bài viết không đầy đủ đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
______________________________
Bookiee - Sách là niềm vui
👉 Fanpage
👉 Youtube
Comments