Có lẽ tiêu đề cuốn sách phần nào khiến bạn nghĩ rằng đây là một cuốn self-help thông thường. Thế nhưng, thực tế nó lại là một tác phẩm được viết theo phong cách nghị luận xã hội bởi tiến sĩ Đặng Hoàng Giang với những màn châm biếm cực trơn tru.
Giới thiệu
Tác giả
Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang là “một chuyên gia phát triển, nhà hoạt động xã hội và tác giả chính luận. Các hoạt động nghiên cứu và vận động chính sách của anh nhằm nâng cao chất lượng quản trị quốc gia, minh bạch, và tiếng nói của người dân. Đặng Hoàng Giang nỗ lực mở rộng không gian xã hội dân sự, truyền bá tri thức, khuyến khích tư duy phản biện và xây dựng văn hóa tranh luận.”
Về học vấn, Đặng Hoàng Giang tốt nghiệp kỹ sư tin học tại Đại học Công nghệ Ilmenau ở Đức, và có bằng tiến sĩ về kinh tế phát triển tại Đại học Công nghệ Vienna ở Áo. Sau hơn hai mươi năm sống và làm việc tại châu Âu, ông trở về Việt Nam “để thử nghiệm bản thân trong nhiều lĩnh vực”.
Tác phẩm
“Bức xúc không làm ta vô can” là tổng hợp của rất nhiều những quan sát sắc sảo và trần trụi về tình hình kinh tế - xã hội Việt Nam đương thời. Tác phẩm gồm 26 bài viết, chia làm ba phần: "Vẻ đẹp của người đứng một mình", "Rồi tất cả sẽ trở thành đồ sơn" và "Tôn thờ sách là mê tín dị đoan."
Góc nhìn của tác giả trải dài từ những vấn đề tưởng như rất quen thuộc đã trở thành điều hiển nhiên trong cộng đồng như thịt chó, ấn đền Trần, từ thiện câu like, phẫu thuật thẩm mỹ - thay đổi cuộc đời… đến những phương diện mang tầm vóc vĩ mô nhưng lại ảnh hưởng sâu sắc tới cuộc sống thường nhật như hậu quả của nền kinh tế thị trường, lý do thất bại của các quốc gia, du lịch đại trà, hay các vấn đề văn hóa như sính ngoại - bài nội, chương trình truyền hình thực tế…
(Nguồn ảnh: Internet)
Nhà báo Đinh Đức Hoàng đã nhận xét thế này: “Một góc nhìn thẳng thắn và tỉnh táo, xoáy vào những vấn đề bằng một con dao mổ sắc cạnh của tri thức. [...] Từ lâu, những cây viết của nước ta vẫn dùng dao gọt hoa quả có lưỡi lượn sóng để mổ xẻ các vấn đề. Chúng ta thiếu những con dao mổ lạnh, nằm trong những bàn tay ấm.”
Góc nhìn
Để trở thành tác phẩm xuất sắc nhất của Đặng Hoàng Giang, tôi nghĩ tựa sách này còn phải cố gắng thêm rất nhiều.
Cái hay là ở việc cuốn sách nhìn từ góc độ đa chiều với giá trị phản biện cao và cuối mỗi chương, tác giả đều đưa ra những giải pháp rõ ràng. Điều đó thể hiện tâm huyết và trách nhiệm công dân của tác giả Đặng Hoàng Giang trước các vấn đề thời sự nóng bỏng về kinh tế, văn hóa, xã hội. Tôi không đồng tình với mọi quan điểm của tác giả nhưng kho kiến thức và thông tin đồ sộ mà Đặng Hoàng Giang đem lại cho độc giả thì quả thực không thể chối cãi.
Nhan đề “Bức xúc không làm ta vô can”
“Bức xúc” là một trạng thái tâm lý ức chế, thể hiện sự lên án, không đồng tình trước một sự vật, hiện tượng.
Thoạt nhìn, “bức xúc” có vẻ là một tinh thần tích cực vì nó đang chứng minh rằng con người không hề vô cảm, lạnh lùng trước những bất công trong cuộc sống. Thế nhưng, Đặng Hoàng Giang có một lý giải và mổ xẻ hoàn toàn khác biệt về tâm lý “bức xúc”.
Nó là một vỏ bọc hoàn hảo giúp con người xoa dịu lương tâm cắn rứt thỉnh thoảng nổi lên vì đã im lặng trước cái sai trái trong xã hội. Khi bức xúc, chúng ta thầm cảm thấy mình “ưu việt về mặt đạo đức, và tự hài lòng vì thấy mình tốt đẹp hơn”. Chúng ta đang phát tín hiệu là mình vô can và vô tội, rằng chúng ta không phải những kẻ độc ác, kém văn minh ngoài kia, chỉ là chúng ta buộc phải sống chung với họ mà thôi.
Bởi vậy, bức xúc không đáng quý và không nên được khuyến khích nếu như “nó chỉ là một cái mặt nạ bên ngoài, hoặc để ve vuốt cái tôi bên trong”. Hãy “bức xúc” một cách đúng đắn, tức là hãy bình tĩnh, thấu hiểu và thực sự hành động!
Lối trào phúng sâu cay
Đọc “Bức xúc không làm ta vô can”, tôi mê ngay cái văn phong châm biếm đầy sắc sảo và hài hước của nhà văn.
Tiêu biểu cho phong cách trào phúng của ông phải kể đến bài viết “Những “hiểm họa” bất ngờ khi gửi con đi du học”. Tác giả liệt kê ra năm “rủi ro” cơ bản mà ông đúc kết được từ kinh nghiệm cá nhân và người thân, bạn bè. Trong đó, một mục rất hay là du học sinh dường như bị “lệch lạc suy nghĩ” vì bỗng bọn trẻ đâm ra trằn trọc về đường đi và ý nghĩa của cuộc đời như “Tôi là ai? Mục đích của tôi là gì?” hay “muốn đấu tranh với những bất công trong xã hội”.
Đến nỗi, các phụ huynh tá hỏa lên mà khuyên con rằng “nó không làm được gì đâu, đừng có dại, nhiều người giỏi bằng chán vạn nó đã thử rồi”, “cho nên chỉ cố vun vén cho gia đình mình thôi, đừng có va chạm gì mà chuốc thiệt vào thân”. Tựu chung lại, họ lo lắng khi tụi trẻ đi Tây về mà “gà tồ quá, gặp gì chướng tai gai mắt là phản ứng liền, không biết nịnh trên, nạt dưới, lấy lòng kẻ mạnh và trấn áp kẻ yếu”.
Vậy là nguy to!
Thế nhưng, tôi tâm đắc nhất với sự sắc sảo ở chương “Cơ thể giả, khát vọng thật”. Không biết từ lúc nào vẻ đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt Nam như “khuôn trăng đầy đặn, nét ngài nở nang” phải cúi đầu nhường chỗ cho một “chuẩn mực hoàn thiện hơn, phù hợp với thời đại hội nhập”: mặt phải thon, cằm thì V-line, mũi thật nhỏ và miệng phải rộng. Các chỉ số về ngực, eo hay mông ngày một tăng cao.
Bởi lẽ ấy, Đặng Hoàng Giang mô tả sự chuyển dịch sắc đẹp trong xã hội hiện đại như “một cuộc chạy đua về GDP”. Thế là người ta đổ xô theo nhau phẫu thuật thẩm mỹ, phổng mũi tự hào khi cơ thể mình được trưng ra để dư luận đánh giá, soi xét và tiêu thụ. Thông điệp của ngành công nghiệp tỷ đô này, theo tác giả, là “hạnh phúc, may mắn, sự sung túc, tình bạn, tình yêu, sự yêu thương của những người quanh bạn, sự nở hoa của con người bạn, tất cả, tất cả sẽ đến với bạn nếu bạn có một khuôn mặt hợp chuẩn, cho dù nó là một cái mặt nạ bằng thịt”.
Không hề khô khan mang tính học thuật, những bài tiểu luận của tác giả phần nào trở nên sinh động, sâu lắng nhờ lối châm biếm rất “đã”.
Những lập luận rõ ràng và sáng suốt
Tôi không dùng từ “đúng đắn” hay “chính xác” ở đây vì có những lập luận khiến tôi phải cau mày phản biện như “Lại chuyện bia, thịt chó và ấn đền Trần” hay “Người nghèo không có lỗi” và nhiều bài viết khác. Nhưng với tôi, sự tranh cãi đa chiều là một yếu tố quan trọng cho thành công của một bài phê bình xã hội bởi nó buộc chúng ta phải động não và suy ngẫm nhiều hơn.
Điều tôi muốn làm sáng tỏ là cách tác giả đưa ra luận điểm, chứng minh, giải thích, bác bỏ rất súc tích, dễ hiểu, thẳng thắn, không lan man. Ông khéo léo trong việc dẫn ví dụ giúp bài viết thuyết phục hơn và khiến tôi phải choáng ngợp trước sự hiểu biết sâu rộng của một vị tiến sĩ. Tôn Nữ Thị Ninh, một nhà hoạt động xã hội đã dành lời khen cho ông: “...không chỉ dừng lại ở sự quan sát tỉnh tảo và diễn giải lạnh lùng [...] Cuốn sách kết hợp một cách sống động và hấp dẫn hơi thở của cuộc sống với tia sáng của học thuật, lồng ghép khéo léo sự hóm hỉnh và châm biếm sắc sảo vào phê bình xã hội…”
Đặc biệt, những chủ đề Đặng Hoàng Giang đưa ra không hề xa lạ. Chúng đã và đang xảy ra trong thực tế, ngay trước mắt ta. Chúng ta không cần có một bộ não cao siêu, một kho kiến thức chuyên môn khổng lồ để hiểu được những gì tác giả muốn truyền tải.
Những khía cạnh khác
Không chỉ là phản biện và phê bình, Đặng Hoàng Giang còn thể hiện giá trị nhân văn của “một người dấn thân với số phận mọi người và mỗi người, đặc biệt những tầng lớp, những con người kém may mắn…” - Tôn Nữ Thị Ninh.
Trong chương “Vẻ đẹp của người chạy Marathon về chót”, Đặng Hoàng Giang đã để ngòi bút của mình ngợi ca nét đẹp của những cá nhân bị bỏ quên trên cuộc đua như em bé Ruby Bridge. Họ không phải là nhân vật “chủ chốt” hay sinh ra để giành chiến thắng huy hoàng nhưng đó chưa bao giờ là lý do để những con người ấy dừng bước. Vì “như cũ” chưa bao giờ là điều họ muốn. Tác giả yêu mến và khích lệ tinh thần kiên cường đến bướng bỉnh ấy, ông tin rằng “không có họ thì cũng không có thay đổi trong xã hội”.
Những phát hiện thú vị
Có bao giờ các bạn tự hỏi những con người thường ngày hiền lành, chân chất trong tích tắc lại có thể hùng hổ chen lấn xô đẩy nhau để đập phá, hôi bia, đánh trộm chó? Tại sao những sự kiện tương tự như Nghệ An 2014 (thanh niên nông thôn), Samsung Thái Nguyên 2014 (công nhân xây dựng), London 2011 (thanh niên nhập cư) và Los Angeles 1992 (người da đen) lại xảy ra?
Đặng Hoàng Giang cho rằng tâm lý đám đông là nguyên nhân kích thích những sự việc trên bùng nổ. Đám đông có bốn đặc điểm như sau: thành viên trong nó vô danh, đám đông gây phấn khích, đám đông mang lại cảm giác quyền lực và mọi người cùng trở nên kích động khi một sự kiện bất ngờ châm ngòi. Chính những yếu tố ấy tạo nên sự hỗn loạn mà khi đứng một mình, mỗi cá nhân không bao giờ nghĩ mình có thể thực hiện.
Để tìm hiểu sâu hơn về cách nó vận hành, xin mời độc giả đọc thêm về bài viết “Họ phá phách vô phương hướng và vô nghĩa”.
(Nguồn ảnh: Internet)
Kết luận
“Bức xúc không làm ta vô can” không phải là “kim chỉ nam” để độc giả một mực noi theo. Điều Đặng Hoàng Giang thực sự muốn không phải là sự áp đặt về quan điểm mà ông muốn tạo ra sự xáo động xã hội, sự tranh cãi để kích thích tư duy phản biện trong mỗi cá nhân.
“Tôi tư duy do đó tôi tồn tại”
- Descartes.
Bạn sẽ tìm đọc cuốn sách ý nghĩa này chứ?
(*) Bản quyền bài viết thuộc về BOOKIEE.ORG. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ gồm tên người viết, tên người thiết kế và Bookiee - Sách Là Niềm Vui. Mọi hành vi sao chép hoặc trích nguồn, chia sẻ bài viết không đầy đủ đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
______________________________
Bookiee - Sách là niềm vui
👉 Fanpage
👉 Youtube
Làm mình nhớ đến anh Mạnh - người đỡ bé gái rơi từ tầng 13! Người ta đã không thể dành cho anh một lời khen lại còn công kích vì anh không thật sự đỡ được bé. Haiz... Bức xúc phải đúng chỗ chứ nhỉ!