top of page
Ảnh của tác giảBookiee - Sách là niềm vui

Chạm Tay Vào Nỗi Nhớ - Ký Ức Thời Gian (Tiếp Theo)

Đã cập nhật: 18 thg 5, 2022

“Dù cuộc đời có đối xử với con tệ đến thế nào hãy cứ mỉm cười và vượt qua”; “Khi cháy nhà, thứ con cần mang theo đầu tiên là tri thức”.


Bookiee - Sách là niềm vui

“Ngày ấy đâu rồi, ngày ấy đâu rồi?

Cho tôi tìm lại một ngày ấu thơ.

Cho tôi tìm lại, cho tôi một ngày.”

...

Tôi nhớ đã từng nghe đâu đó câu nói: "Đôi khi điều mà chúng ta nhớ nhất không phải là bất kì một ai mà là chính mình của nhiều năm về trước.” Sau này khi đã trải qua nhiều chuyện, lớn hơn một chút, tôi mới thấm thía câu nói này. Bởi không hẳn là để tìm lại kỉ niệm mà để thấy rõ hơn có thể mình đã bỏ lỡ quá nhiều thứ trong quá khứ.


Cả một bầu trời thân thương gói trọn trong một con phố, một cái ngách nhỏ, một xóm làng, tuổi thơ ấy chỉ một lần trong đời…


Hôm nay là chủ nhật, tôi dậy muộn hơn một chút và chạy xuống dưới nhà tập thể dục. Góc sân ngoài hiên thật rộng rãi và thoáng mát. Tôi đứng và quan sát ngôi nhà mới chuyển đến cách đây vài tháng.


Ở khoảng thẳm sâu nhất của tâm hồn, tôi lại tiếp tục tự đắm mình trong những giấc mơ về cuộc sống của tôi trong căn nhà cũ. Những tấm rèm kẻ sọc vẫn được treo trên cửa sổ nhà bếp. Cái máy điện thoại bàn nằm trong góc, phủ một lớp bụi mờ. Những thứ khác cũng như đang dần một hiện ra


Nỗi nhớ bắt đầu từ những vật dụng quanh ta


Tôi thường có thói quen dọn đồ vào một ngày cố định trong tuần. Việc tôi cần làm là xem xét và lựa chọn những món đồ còn dùng tốt và tiện ích để giữ lại. Những vật thuộc về kỉ niệm thì chắc chắn tôi sẽ giữ lại, bởi chúng là tất cả thanh xuân của tôi.

Mỗi lần dọn đồ, thứ thu hút ánh nhìn luôn là những vật dụng quen thuộc. Mỗi một thứ đều mang một câu chuyện riêng, có những món đồ từng đánh dấu các biến cố quan trọng của ai đó.


Có những vật dụng gắn liền với tuổi thơ cắp sách tới trường - mực viết Cửu Long “viết thì ít dây ra quần áo thì nhiều”, những cuốn sách tập tô hay bộ sáp màu rực rỡ chỉ chực gãy khi bị ghì mạnh. Có khi tay ta run run lật giở cuốn sách đã cũ màu với hình bóng thấp thoáng của người thầy giáo in trên trang giấy “Mùi phấn trắng là hương sắc mỗi khi tháng 5 về lại gợi thương nhớ”



Chiếc Tivi đen trắng - mảnh ghép ký ức của rất nhiều người, chở theo bầu trời tuổi thơ của thế hệ đời đầu, một thời xem mê say!

Guồng quay hối hả của nhịp sống hiện đại có thể khiến ta ngần ngại dành thời gian cho một bữa sáng hay lơ đễnh trước lịch hẹn "cà phê"… nhưng những kỷ niệm đẹp đẽ thuở ấu thơ cùng chiếc tivi vẫn luôn hiện hữu và chỉ cần có dịp lại trỗi dậy mạnh mẽ.

Chiếc bàn gỗ đặt tivi được kê sát cửa sổ, khoảng sân trước nhà luôn chật kín người trước mỗi tập phim, trận đấu. Đôi lúc, chiếc tivi lại gặp sự cố do không bắt được tín hiệu nên hơi nhiễu mờ, nhưng với mọi người, những sự cố như thế chẳng thể xóa nhòa sự háo hức chờ đợi, trái lại còn tăng thêm “gia vị” để giờ nhắc lại ai cũng nhớ.

Cứ đến tầm chiều tối thời ấy, những đứa trẻ ngồi quây quần bên nhau với niềm ngóng chờ những bộ phim hoạt hình trên chiếc ti vi đen trắng. Điển hình là Nhóc Maruko - bộ phim này đã tạo nên một cơn sốt. Nhiều chủ đề về tình bạn, tình cảm gia đình xung quanh nhóc Maruko đã lấy đi biết bao tiếng cười lẫn nước mắt của khán giả


Đó còn là Tam Mao - cậu bé mồ côi gầy gò có 3 sợi tóc trên đầu - "3 sợi tóc dầm trong mưa nắng...". Vẫn là người hùng trong trắng với trái tim vàng… Cảm xúc của người xem khi theo dõi bộ phim là những trạng thái lên xuống thất thường: Lúc cậu tìm được người giúp đỡ, bản thân cũng vui mừng cho nhân vật, thế nhưng điều đó chẳng tồn tại được bao lâu bởi những biến cố liên tục xảy ra. Khi ost ending, người ta khóc vì Tam Mao lại rơi vào thế giới lưu lạc, không cha không mẹ, sống bờ bụi lạc lõng.



Xung quanh chiều ngồi ở sân là những món đồ ăn vặt dường như đã trở thành món ăn tuổi thơ huyền thoại - một phần kí ức ngọt lịm của nhiều người : Ăn chipchip, bò khô mà chẳng phải lo những nỗi lo của người lớn về lượng chất béo, sự tăng cân và bệnh tiểu đường. Đó là cảm giác thật dễ chịu và thích thú.

Chiếc TV và khoảng sân nhỏ trước nhà - nơi mọi lo toan của cuộc sống tan biến, mọi khoảng cách đều được xoá nhoà. Và có lẽ, hơn tất cả, hạnh phúc nhất chính là khoảnh khắc cả gia đình quây quần bên mâm cơm, cùng đón chờ chương trình truyền hình yêu thích. Nó chất chứa cả một trời hoài niệm của bậc làm cha mẹ.

Một bộ phim: dấu ấn cái tên không thể phai nhòa trong ký ức

Có thể nói bất cứ một dòng phim gắn bó với cả một thế hệ dù đã chìm xa vào miền ký ức, nhưng vẫn tỏa ra thứ ánh sáng riêng, lấp lánh, kỳ ảo và nhuốm màu hoài niệm thời gian.


Trong các bộ phim hay các câu chuyện văn học, bối cảnh thường được khởi đầu bởi một vật dụng hay một món đồ cũ nào đó. Nó sẽ là đầu mối để dẫn dắt khán, thính giả đi vào câu chuyện, đặc biệt là những câu chuyện tình lãng mạn.

Chúng có thể là một kỷ vật trong lần gặp gỡ đầu tiên của một cặp đôi yêu nhau, hay một vật dụng từng mang tính bất ly thân của một cá nhân trong gia đình. Chúng cũng có thể là những đồ chơi yêu thích của các em nhỏ trong quá khứ, hay những tác phẩm nghệ thuật được sử dụng trong mái nhà xưa, hay “Bộ phim ấy mình đã xem cách đây 15 năm rồi à”.

Có lẽ mỗi người đã xem đều ánh lên một chút bồi hồi xúc động khi ký ức những bộ phim của thế hệ năm ấy ùa về. Chẳng cần phải nói nhiều, từ lúc nào chúng đã trở thành bộ phim huyền thoại dành cho những năm thơ ấu thiếu thốn có, đủ đầy có của bố mẹ 8x, 9x và giới trẻ chúng ta. Đó là Charlie Và Nhà Máy Sô Cô La; The Wizard of Oz và cả Harry Potter


Album ảnh: Lưu giữ tuổi thơ con và gia đình, cất kỉ niệm vào mỗi góc riêng


Trí nhớ của một người là có hạn, tất cả mọi sự kiện diễn ra trong đời bạn chắc chắn không thể ghi nhớ hết nổi, nên máy ảnh ra đời đã giúp bạn lưu giữ được những khoảnh khắc, trải nghiệm, cảm xúc qua từng chặng đường. Ngày xưa, bố mẹ, ông bà thường mua những quyển album dày cộp để bảo quản những tấm ảnh kỉ niệm.


Giờ đây, chê rằng việc đó bất tiện, bạn bỏ thói quen dùng album, thay vào đó chỉ lưu ảnh trên những thiết bị công nghệ hiện đại. Thế nhưng với tôi việc ấy làm mất đi cảm giác thân quen của thời thơ bé, bạn có thể chỉ đơn giản là bỏ vào túi và mang theo bên mình đi khắp nơi.


Cho dù sau này 5 năm, 10 năm hay 20 năm, lật giở lại từng trang sổ kỷ yếu đẹp, những kỷ niệm, màu sắc, hoài bão của tuổi trẻ sẽ lại trở về gần như nguyên vẹn của ngày nào... thế mà vẫn cứ ngỡ như ngày hôm qua.


Sẽ có một lúc nào đó, bạn lật lại những tấm ảnh trong tập album cũ. Rồi mỉm cười vì bản thân đã trải qua những giây phút thật đẹp, và rồi đôi má lại ửng đỏ lên vì nhận ra người trong bức hình ấy, mình đã bỏ lỡ mất rồi.


Hôm nay tôi lật lại những cuốn album cũ, ao ước được sống lại trong sự quen thuộc của hoài niệm, và cố gắn kết những mảnh kí ức mà thậm chí tôi còn chẳng nhớ được.


Lời ba mẹ là tuổi thơ của con


Mẹ già một nắng, hai sương,

Cho con đến được giảng đường ngày nay.

Cha già chai sạn đôi tay,

Cho con cầm bút vui say cùng người.

“Dù cuộc đời có đối xử với con tệ đến thế nào hãy cứ mỉm cười và vượt qua”; “Khi cháy nhà, thứ con cần mang theo đầu tiên là tri thức”. Lời dặn của ba mẹ đã làm con khóc, con tâm niệm điều đó suốt cả cuộc đời và nó đã trở thành lẽ sống của con.

Hôm con phỏng vấn xin việc cùng với những người khác, con tự thấy mình không giỏi vi tính và ngoại ngữ như họ, song người được lựa chọn lại là con.

Ba mẹ có biết họ hỏi con câu gì không? Họ hỏi con câu nói nào và của ai gây "ấn tượng" và có tác động mạnh đến cuộc sống của con, con đã nói lại lời ba mẹ dặn.

Họ bảo: “Vi tính và ngoại ngữ cần, nhưng bạn có thể học trong vài tháng. Chúng tôi cần hợp tác với một người nặng lòng biết ơn và biết chắt lọc trong học hỏi”


Tuổi thơ cái tuổi thần tiên

Tuổi thơ ngày ấy ở bên gia đình…


Tôi đảo mắt nhìn quanh một chút và nhìn thấy mẹ đang chăm chút từng bông hoa ở khu vườn mới được xây. Hình ảnh ấy khiến tôi lại càng nhớ về ngày xưa hơn, được ăn từng trái thơm quả ngọt mà chẳng phải lo ngại vấn đề an toàn thực phẩm như bây giờ. Đó cũng chính nhờ mẹ tự trồng và vun xới từng ngày. Chà! Chỉ nghĩ lại thôi cũng đã thấy hương vị chua ngọt dịu nhẹ thấm đều trên lưỡi, cùng với độ giòn và tươi mát của những loại quả ấy.

Chợt một phút thảng thốt giật mình khi tiếng ba gọi ở trong nhà hỏi: “Con có nhớ nhà cũ không?”. Đó là điều rất thật trong tâm hồn mỗi khi đối diện với miền bình lặng cùng nỗi nhớ trong veo.

Tôi đành ngậm ngùi thưa ba rằng con không quên...


Choáng váng, tôi nằm dài trên sân và cảm nhận từng hương vị qua khứu giác. Một bầu trời trên cao màu xanh nhạt, những đám mây đang cuốn lại với nhau, tôi cảm thấy thật hạnh phúc: Đôi khi nỗi nhớ chợt hiện về trong mong manh.


Với mỗi cá nhân, ký ức có thể khổ đau, vui sướng, nhưng luôn được gợi nhắc từ sâu thẳm tâm hồn để cân đong một số giá trị nào đó trong cuộc đời, để so sánh cái này với cái kia, để có thể giũ bỏ cái không may mắn và lưu nhớ niềm hạnh phúc. Để khi về già nhớ mình từng rất trẻ, lúc huy hoàng nhớ những câu chuyện mộc mạc và thanh tao, giản dị nhưng đầy sinh khí, đời thường nhưng sâu sắc lắng đọng. Những đứa trẻ 8x, 9x lớn lên ở thời buổi Internet còn chưa phổ biến rộng rãi, thế hệ ấy sống trọn với những trò chơi dân gian, một miền ký ức sống động.


Chao ôi! Giá như có một cuốn sách ghi lại tất cả những ký ức tuổi thơ như cuốn "199 mấy hồi ấy làm gì?" thì tốt biết mấy.


Người viết: The Toffees
Người thiết kế: Khánh Nhung

(*) Bản quyền bài viết thuộc về BOOKIEE.ORG. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ gồm tên người viết, tên người thiết kế và Bookiee - Sách Là Niềm Vui. Mọi hành vi sao chép hoặc trích nguồn, chia sẻ bài viết không đầy đủ đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

_____________________


Bookiee - Sách là niềm vui

👉 Youtube

73 lượt xem0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Comments


bottom of page