Nếu bạn đang muốn tìm một cuốn sách về tình bạn thật nhẹ nhàng, bình dị và xen lẫn sự xót xa, xúc động thì có lẽ "Chú bé mang Pyjama sọc" dành cho bạn.
“Bạn bè” trong bạn là gì? Là những buổi chiều tan trường cùng nhau đá bóng? Là những ngày cùng nhau đi học, đợi nhau về? Là đến nhà nhau và có những buổi hẹn lý tưởng?
Vậy, đã bao giờ bạn có một tình bạn chỉ nhìn thấy nhau qua một hàng rào và ngồi ở đó trò chuyện suốt một năm trời chưa? Cuốn sách này có lẽ là một điểm dừng chân lý tưởng cho những ai muốn đi tìm một tình bạn trong sáng, đơn thuần giữa những mưu cầu, xô bồ của cuộc sống...
Tại sao nên đọc cuốn sách này?
“Chú bé mang pyjama sọc” là một cuốn sách ngắn nhưng những gì nó mang lại vượt ra khỏi độ dày 200 trang. Đó là những chiêm nghiệm về một tình bạn đẹp, là bài học về vấn đề bình đẳng dân tộc, là sự lên án những tội ác của bọn lính Đức Quốc xã,... Có lẽ, cuốn sách này không đơn thuần dành cho thiếu nhi mà nó còn dành cho người lớn bởi những giá trị sống, bài học mà nó mang lại.
Xuyên suốt cuốn sách là những hình ảnh thường nhật từ cuộc sống được lý tưởng hóa qua đôi mắt của Bruno - một cậu bé chín tuổi người Đức. Và tất nhiên qua lăng kính của cậu bé, thế giới lại trở nên trong sáng, đơn thuần vô cùng. Đôi lúc người đọc sẽ bật cười bởi những danh xưng khôi hài, ngộ nghĩnh mà Bruno đặt ra cho mọi thứ xung quanh mình. Đó là “Trường Hợp Vô Vọng” - chị gái của Bruno, là căn phòng làm việc của cha Bruno với tên gọi nơi “Luôn Luôn Tuyệt Đối Tránh Xa, Không Có Ngoại Lệ”, là những buổi diễu hành phía bên kia hàng rào,...
Nhưng liệu những chi tiết ấy tưởng chừng như đơn thuần, trong sáng ấy có thực sự đúng như vậy không? Chúng rất đơn thuần qua góc nhìn của cậu bé, hay còn một ẩn ý nào khác được tác giả cố tình sắp đặt? Tất cả sẽ được lý giải qua hành trình cùng Bruno xuyên suốt cuốn sách. Có lẽ đây là một cách sắp xếp khá hợp lý cho mạch truyện khi tác giả để người đọc tự lý giải những thắc mắc, suy nghĩ của một cậu bé chín tuổi thay vì đặt góc nhìn vào những nhân vật khác trong truyện...
John Boyne - Ông là ai?
John Boyne (30/4/1971) là một nhà văn người Ireland. Ông đạt bằng cử nhân ở Đại học Trinity, Dublin và là thạc sĩ tốt nghiệp từ Đại học East Anglia. Năm 2012, ông đã được trao Giải thưởng Đại sảnh Danh vọng Văn học Hennessy.
Tác giả John Boyne. Ảnh: Irishtimes
Nhắc đến những tác phẩm tiêu của ông, có 3 tác phẩm mà mọi người thường biết đến: “Chú bé mang pyjama sọc”, “Cậu bé trên đỉnh núi”, “Kẻ trộm thời gian”. Các tác phẩm của ông đều đã được dịch ra 17 ngôn ngữ. Trong đó, “Chú bé mang pyjama sọc” là tác phẩm đã bán được năm triệu bản in trên khắp thế giới, từng đứng đầu các danh sách sách bán chạy uy tín ở cả Mỹ, Anh, Ireland, Australia,... và nhiều quốc gia khác.
Sách của John Boyne không đơn thuần viết về thể loại văn học dành cho người lớn về thời thơ ấu mà đôi khi đó còn là thế giới hiện thực được nhìn qua góc nhìn của trẻ thơ. Phần lớn các tác phẩm của ông đều lấy trẻ con là nhân vật chính nhưng lại hướng đến người lớn với những chiêm nghiệm sâu sắc.
Khía cạnh ấn tượng
Đây là phần phân tích chi tiết về đánh giá, cảm nhận cá nhân nên không tránh khỏi việc tiết lộ nhiều nội dung. Để đảm bảo một trải nghiệm trọn vẹn với Bookiee, các bạn hãy đọc sách trước và quay lại với chúng mình sau nhé!
Một tình bạn đáng ngưỡng mộ
Mình ấn tượng vô cùng với tình bạn của Bruno và Shmuel trong tác phẩm này. Có thể khẳng định, để có được một tình bạn trong sáng, ngây thơ đến đau lòng ấy là điều mà không phải ai trong chúng ta cũng có được.
Bruno và Shmuel là hai cậu bé cùng sinh ra ở một thời điểm, nhưng lại được đặt trong hai hoàn cảnh khác nhau. Đôi bàn tay của Shmuel khỏe mạnh và tràn đầy nhựa sống, còn đôi bàn tay của Shmuel thì giống bàn tay của bộ xương giả mà thầy Liszt mang đến để dạy học. Bruno một mình, luôn khao khát được có bạn và tự do, nhưng với Shmuel lại bị mắc kẹt trong hàng rào, nơi có rất nhiều người bạn bằng tuổi khác nhưng cậu bé lại muốn ở một mình,... Đó là vô số những điểm trái ngược tưởng như khó có thể chia sẻ cùng nhau của hai cậu bé.
Bruno và Shmuel là hai cậu bé cùng sinh ra ở một thời điểm, nhưng lại được đặt trong hai hoàn cảnh khác nhau. Ảnh: Phim Chú bé mang pyjama sọc
Đối lập hoàn cảnh sống là thế, nhưng Bruno và Shmuel lại vô tình thân nhau bởi những chi tiết tưởng chừng như trái ngược ấy. Hai cậu bé chín tuổi này dường như là chỗ dựa tinh thần cho nhau: Shmuel giúp Bruno cảm nhận được một người bạn thân thực sự là thế nào, Bruno lại mang lại niềm vui đến Shmuel khi mỗi buổi chiều sẽ lén lấy một ít thức ăn trong bếp mang đến cho cậu bé,... Hai cậu bé cho mình hiểu hơn bao giờ hết ý nghĩa của một tình bạn đơn thuần mà trong sáng, khi ở đó Bruno không còn cô đơn và Shmuel có người để được cảm thông.
Hơn cả, mình ấn tượng với Bruno bởi đây là một cậu bé có thể giữ lời hứa với bạn của mình. Dẫu khi trời sắp chuyển mưa, cậu bé có thể trở về nhà và ăn tối với gia đình, Bruno lại kiên quyết ở lại đi tìm bố của Shumel. Phải chăng, đây là điều mà không phải ai trong chúng ta cũng làm được?
Và có lẽ, cũng chỉ mình Shmuel mới có thể khiến Bruno nói “Cậu là bạn thân nhất của đời tớ” trong những giây phút cuối cùng….
Một hiện thực khốc liệt
Mình thực sự đánh giá cao nghệ thuật sắp xếp của tác giả ở trong cuốn sách này. Bởi nếu 18 chương đầu của cuốn sách là những gam màu tươi sáng về những câu chuyện xung quanh cuộc sống của Bruno thì ở hai chương cuối lại ngược lại... Ám ảnh, day dứt và trống rỗng, đó là ba từ miêu tả tâm trạng của mình khi phát hiện ra một hiện thực tàn khốc đằng sau thứ tình cảm trong sáng ấy.
Và hẳn, mình chắc rằng nếu trước khi đọc quyển sách này, có thể bạn chưa thực sự quan tâm đến lịch sử đau thương của nhân loại, những mất mát và khổ đau mà chiến tranh để lại, thì khi đóng lại cuốn sách bạn sẽ phải đi tìm xem nạn phân biệt chủng tộc, chiến tranh đã để lại hậu quả trong hiện thực cuộc sống như thế nào.
Ảnh: Phim Chú bé mang pyjama sọc
Mặc dù vấn đề chiến tranh trong tác phẩm này đã được giảm nhẹ qua góc nhìn của những đứa trẻ thơ nhưng cái hay của tác giả là ở chỗ, trong cuốn sách gần như không có một từ ngữ nào nói về chiến tranh, mất mát hay đau thương. Mà đó chỉ là khi bố của Bruno đi mấy ngày rồi không về, những người phải đi diễu hành mãi không trở lại, phía bên kia hàng rào, những bộ pyjama sọc,.... Để rồi hai cậu nhóc phải làm một cuộc thám hiểm đi tìm bố, từ đó dẫn đến một cái kết thương tâm cho hai cậu bé hồn nhiên, trong sáng này.
Nhưng hỏi xem, liệu có ai có thể thờ ơ, không đau lòng khi đọc đến thời khắc phải xếp hàng và đi “diễu hành” của hai đứa trẻ không?
Bởi lẽ, “diễu hành” thực chất là xếp hàng để vào “phòng hơi ngạt”, đây chính là cách mà Đức Quốc xã “xử lý” người ngoài chủng tộc. Đó là Auschwitz, trại tập trung của Đức Quốc xã (1940 - 1945), nơi giam giữ những người Do Thái và một số chủng tộc khác. Đó là những người mang bộ quần áo tù nhân trong hình hài một “pyjama sọc” luôn bị đánh đập, bỏ đói và đối xử tàn nhẫn,...
Loay hoay tìm một đáp án không có thực...
Khi gấp trang sách lại, điều khiến mình day dứt mãi khôn nguôi rằng nếu cha mẹ Bruno không nhất thiết phải giấu kín con mình về những bí mật cuộc sống, đó là nơi “Luôn Luôn Tuyệt Đối Tránh Xa, Không Có Ngoại Lệ”, là lần chuyển đi xa vì công việc, là những người mang pyjama sọc phía bên kia hàng rào, thì liệu có câu chuyện thương tâm này xảy ra không?
Vấn đề mình học được ở đây rằng, hơn một tình bạn cao cả giữa ranh giới phân chia sắc tộc, đó là nên cho con quyền biết những điều chúng được phép biết để mọi chuyện không trở nên quá muộn màng.
Nhưng có một điều mình có thể chắc chắn rằng, Bruno quả là một cậu bé có được sự giáo dục tốt. Đó là những hành động, suy nghĩ của cậu bé đối với Maria - chị hầu gái trong nhà luôn bị cha xem thường, với bác Pavel luôn im lặng làm tốt nhiệm vụ của mình,... Bruno đã đối xử rất lịch sự với những người ấy. Đó còn là những suy nghĩ tưởng chừng như ngây thơ nhưng lại để người lớn học theo.
Lời kết
“Nếu bạn định bắt đầu đọc cuốn sách thật, bạn sẽ cùng được trải qua một hành trình với một cậu bé chín tuổi tên là Bruno (dù đây không hẳn là sách cho trẻ chín tuổi). Và chẳng sớm thì muộn bạn sẽ cùng Bruno đến một hàng rào. Những hàng rào như vậy vẫn tồn tại ở khắp nơi trên thế giới. Chúng tôi hy vọng không ai trong chúng ta phải vượt qua một hàng rào như vậy trong đời.”
Khoảnh khắc Bruno và Shmuel cầm tay nhau dường như đã xóa mọi khoảng cách phân chia chủng tộc mà người lớn đặt ra. Và mình luôn tin rằng, luôn có công bằng trong mọi câu chuyện, kể cả cái c.h.ế.t. Hy vọng trong hiện tại và cả tương lai, không ai trong chúng ta sẽ phải trải qua những rào cản như vậy trong đời.
Mong rằng tình bạn thật đơn thuần mà câu chuyện mang lại
sẽ sưởi ấm tâm hồn bạn đọc!
Người viết: Nhật Thi
Người thiết kế: Trâm Anh
(*) Bản quyền bài viết thuộc về BOOKIEE.ORG. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ gồm tên người viết, tên người thiết kế và Bookiee - Sách Là Niềm Vui. Mọi hành vi sao chép hoặc trích nguồn, chia sẻ bài viết không đầy đủ đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
Bookiee - Sách là niềm vui
👉 Fanpage
👉 Youtube
Bài cảm nhận sâu sắc quá 💙 Thật may mắn khi chúng ta được sinh ra trong thời bình. Chiến tranh quả là tàn khốc và để lại nhiều đau thương, nhưng trong đó, luôn có những tình cảm, những niềm hy vọng đẹp đẽ giữa người và người.