Có bao giờ bạn thấy bản thân lạc lõng giữa dòng đời, bạn có những tâm sự nhưng chẳng biết tỏ cùng ai hay nhiều lúc cứ mãi hoài nghi về mục đích tồn tại của mình? Nếu có, chào mừng bạn đến với thế giới trong cuốn sách “Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ”.
Đặng Hoàng Giang là ai?
Tiến sĩ Đặng Hoàng Giang vốn là một chuyên gia phát triển, nhà hoạt động xã hội đồng thời là một tác giả chính luận. Trong buổi tọa đàm cho cuốn sách “Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ” do Nhã Nam tổ chức, bác Giang đã chia sẻ rằng bác rất quan tâm tới thế giới của người khác, thế giới đó càng xa bao nhiêu, nó lại càng khiến cho bác hứng thú. Đó là lý do mà hai cuốn sách được xuất bản trước đó là Thiện, Ác và Smartphone đã mở ra thế giới của những “Anh hùng bàn phím”, hay Điểm đến của cuộc đời lại đào sâu vào từng góc khuất trong tâm lí của những người cận tử, đã gây được nhiều ấn tượng với bạn đọc trẻ.
(Tác giả Đặng Hoàng Giang trên VTV2, Nguồn ảnh: Internet)
Hành trình quyển sách ra đời
Đến năm 2018, bác Đặng Hoàng Giang đã quyết định khởi động dự án “Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ” với mục tiêu mở cánh cửa tiến vào những tầng sâu nhất trong thế giới nội tâm của những người trẻ. Đó là thế giới của những người trong độ tuổi trên dưới hai mươi, cái tuổi không còn là trẻ con, nhưng cũng chưa thực sự là người lớn. Chắc chắn rằng sau khi bước chân vào cuốn sách, bất kì ai cũng sẽ thấy được hình ảnh của mình phảng phất qua những câu chuyện đầy ắp những nỗi niềm sâu kín.
Sách được viết theo thể loại tự sự phi hư cấu, nghĩa là tất cả những nhân vật hay câu chuyện trong cuốn sách đều là thật và được tái hiện lại dưới ngòi bút của tác giả. Để có được những tâm sự chân thật này, bác Giang đã mất 2 năm tìm kiếm và lắng nghe những bạn trẻ sẵn sàng tâm sự về những nỗi đau, những trải nghiệm của mình, mỗi bạn trẻ đều có một câu chuyện, một quá khứ u tối riêng làm nên tính cách như hiện tại.
Một chút cảm nhận qua lăng kính của tớ
Tác giả đã xác định rất rõ góc nhìn của câu chuyện, được thể hiện ở việc tuy bức chân dung của các nhân vật được thu thập rải rác nhưng dường như giữa những câu chuyện lại có điểm tương đồng với nhau. Đó là lý do cuốn sách được chia thành 3 phần: Thế giới vắng bóng người lớn, Những đứa trẻ nhầm vai và Trong tù ngục của tình yêu.
Ở mỗi phần, câu chuyện của nhân vật chính được khai thác ở rất nhiều khía cạnh và góc nhìn, có thể là từ ba mẹ, chị gái hay người yêu của nhân vật, khiến cho câu chuyện không chỉ chân thực một cách đáng kinh ngạc, mà còn giúp người đọc có thể thấu hiểu cho từng nhân vật, hiểu được cái khó và nỗi tủi hổ của họ. Sau mỗi phần truyện sẽ là một Khúc chuyển giao, nơi tác giả cũng có thể nêu lên quan điểm và suy nghĩ của mình về vấn đề mà các nhân vật của ông gặp phải dưới góc nhìn của ngành tâm lý học.
Bởi bác Giang xuất thân là một tác giả chính luận nên những quan điểm của bác luôn có một sức “nặng” đối với mình, và cũng bởi mình biết đó là quan điểm dựa trên nghiên cứu khoa học, chứ không phải phiến diện một chiều nên mình luôn bị thuyết phục bởi nó. Hơn thế nữa, bác cũng đồng thời là cha của hai đứa con gái tuổi teen, vậy nên những quan điểm của tác giả không chỉ đơn thuần là phân tích cho một bài nghiên cứu mà còn xuất phát từ tấm lòng của một vị phụ huynh muốn đến gần hơn với thế giới của các con mình.
Đan - Một đứa trẻ nhầm vai
Mình ấn tượng nhất với câu chuyện của Đan trong Phần Hai: Những đứa trẻ nhầm vai. Đó là một cậu trai 20 tuổi mang trong mình nhiều nỗi hoài nghi và cô đơn. Mặc dù cậu luôn có mẹ ở bên để vạch ra mọi con đường cho cậu đi, đồng hành cùng cậu trong mọi sự kiện xã hội, nhưng những điều này kéo dài đến mức Đan tự cảm thấy “Tôi gần mẹ hơn mức tốt cho quá trình trưởng thành của tôi”.
Và rồi đến một ngày, Đan cảm thấy mình cần phải thoát ra, dù không biết làm cách nào, cậu không có kế hoạch gì cho tương lai, nhưng cậu chắc chắn phải làm gì đó. Đan đã bỏ học. Đó là quyết định đầu tiên của riêng cậu, một sự cố gắng thoát ra khỏi sự phụ thuộc vào mẹ cậu. Mình tin chắc câu chuyện của Đan cũng chính là câu chuyện của rất nhiều bạn trẻ trong độ tuổi 18 đến 20. Câu chuyện về sự hoang mang, sợ hãi trước việc phải tự quyết định tương lai; lạc lõng khi xung quanh mọi người đều biết mình muốn gì, còn mình thì mãi như con chim bị nhốt trong lồng nhiều ngày muốn cất cánh bay cao mà đành lực bất tòng tâm. Tình yêu và sự quan tâm quá đáng của nhiều bậc phụ huynh đã tước đi của con trẻ quyền được tự làm chủ cuộc đời mình.
(Nguồn ảnh: Shutterstock)
Góc khuất của mẹ
Có thể nói trong câu chuyện của tác giả Đặng Hoàng Giang, góc nhìn được thay đổi rất linh hoạt. Bác đã không chỉ kể chuyện dưới góc nhìn của nhân vật chính, mà còn dành thời gian tìm tới chị Duyên, mẹ của Đan, để tìm ra nguồn gốc vấn đề. Cũng chính vì vậy mà độc giả sẽ có cơ hội biết được câu chuyện rằng người mẹ này không thể tìm được sự hỗ trợ về mặt tinh thần và tình cảm, vậy nên chị đã đặt hết tình yêu và sự quan tâm lên người con trai, điều đã vô tình khiến Đan phải đóng vai “một người bạn đời”, thay vì là một đứa con bình thường trong gia đình.
(Nguồn ảnh: Unplash)
Hiện tượng này, theo như bác Giang giải thích là quá trình phụ huynh hóa (parentification) xảy ra khi những đứa trẻ phải gánh lấy trách nhiệm đáng lẽ ra phải thuộc về bố mẹ chúng. Quả thực đây sẽ là một kiến thức mới mẻ đối với nhiều bạn đọc, nhưng lại thực sự cần thiết đối với mỗi người dù còn đang trong lứa tuổi đôi mươi hay đã lập gia đình và trở thành các bậc cha mẹ.
3. Bài học cuối cùng
Những góc tối trong đời sống nội tâm của những nhân vật trẻ cứ thế được đào sâu, bóc tách và lý giải dần thông qua lớp vỏ ngôn từ chau chuốt và sâu lắng của tác giả Đặng Hoàng Giang. Đây chắc chắn là một trong những cuốn sách về tâm lý đáng đọc nhất mà mọi độc giả đều nên một lần tìm đọc.
- Muse -
(*) Bản quyền bài viết thuộc về BOOKIEE.ORG. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ gồm tên người viết, tên người thiết kế và Bookiee - Sách Là Niềm Vui. Mọi hành vi sao chép hoặc trích nguồn, chia sẻ bài viết không đầy đủ đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
______________________________
Bookiee - Sách là niềm vui
👉 Fanpage
👉 Youtube
Comments