Nào! Hãy cùng thử đặt một lăng kính bất kỳ trước đôi mắt của bạn khi nhìn về ai đó, phải chăng bạn chỉ thấy một màu duy nhất? Tuy nhiên, “Màu sắc” khi bạn thấy thông qua lăng kính trên có thực sự phù hợp với đối tượng được nhìn thấy?
I. Cùng tìm hiểu về tác giả, tác phẩm nào
Nguyễn Lê Sang là một nhà văn trẻ của Văn học Việt Nam đến từ Hà Nội. Anh viết sách đơn thuần vì sự yêu thích, niềm đam mê của bản thân. Chính vì thế, tác phẩm đầu tay “Chuyện về những lăng kính” đã được ra đời. Trong tác phẩm, nhà văn trẻ tự nhận bản thân vẫn cần tôi luyện thêm về cách viết, bởi vậy, đến bây giờ anh vẫn chưa xuất bản thêm cuốn sách nào.
Nếu như trên thế giới người ta biết tới “Hoàng Tử Bé” (Antoine de Saint-Exupéry) và “Những tấm lòng cao cả” (Amicis) là những tác phẩm nổi tiếng dành cho trẻ em và cả người lớn thì tại Việt Nam, các bạn sẽ được biết đến “Chuyện về những lăng kính” của Nguyễn Lê Sang.
(Nguồn ảnh: Internet)
Một câu chuyện xoay quanh những chấm đen thú vị, những lăng kính đa sắc - vật vô tri, vô giác nhưng lại ẩn chứa những bài học đắt giá về con người mà không phải ai cũng nhận ra.
II. Góc nhìn của mình
Người lớn vốn bảo rằng: “Triết học rất “khô khan” và khó hiểu, họ còn không hiểu được thì chắc hẳn trẻ em sẽ không thể hiểu.” Bởi vậy, mọi người sẽ không khỏi ngạc nhiên khi biết được “Chuyện về những lăng kính” là “sách triết học dành cho trẻ em”. Với từng trang sách nhỏ, tác giả đã sử dụng ngôn từ sao cho dễ hiểu, gần gũi với độc giả nhất, không chỉ giúp cho người đọc bớt cảm giác khô khan và khó hiểu mà còn tạo được một bầu không khí vui tươi, tích cực.
1. Những chấm đen và lăng kính mang ý nghĩa đặc biệt.
Mở đầu cuốn sách, tác giả “kí hiệu” chấm đen là con người chúng ta. Vì sao mỗi chấm đen là mỗi người? Câu trả lời rất đơn giản: “Kí hiệu như vậy cho thấy, mỗi chúng ta đều bình đẳng và độc lập trên thế giới này.” Đây chính là bài học đầu tiên mà tác giả muốn mang đến.
Con người chúng ta thường bảo rằng: “Tôi không kì thị một ai, tôi luôn xem mọi người là bình đẳng như nhau”. Ấy vậy mà sự thật lúc nào cũng phũ phàng. Bạn có chắc rằng bản thân mình không có cái nhìn tiêu cực về những người bạn không thích hay những mảnh đời gặp phải khó khăn? Hẳn là, bạn đã có câu trả lời của riêng mình và tôi cũng vậy. Đôi lúc chính bản thân tôi, bạn, chúng ta đã và đang đặt một cái nhìn tiêu cực về ai đó một cách vô hình mà chẳng hay biết. Vậy tại sao lại như thế?
Hình ảnh thứ hai được nhà văn trẻ lồng ghép vào là những lăng kính. Anh đã đưa ra một định nghĩa đơn giản về lăng kính, và khi nhìn những chấm đen thông qua lăng kính, màu sắc sẽ bị thay đổi. Đó là bởi có rất nhiều loại lăng kính, mà tác giả có đề cập đến như: lăng kính ấn tượng, lăng kính trường học, lăng kính gia đình,... đã hình thành nên cảm quan riêng của bạn khi cảm nhận một đối tượng nào đó.
Việc lấy những chấm đen, lăng kính tạo nên sự gần gũi đối với người đọc, đồng thời lại đan xen những bài học đắt giá sẽ giúp cuốn sách không bị khô khan, hay thô cứng như những cuốn sách triết học, Self-help cổ điển.
2. Tập làm quen với chấm đen không lăng kính.
Như vậy, ta đã biết được bản thân mình đang cảm nhận người khác như thế nào. Suy cho cùng, mỗi người đều lớn lên trong môi trường khác nhau, vậy nên khi tiếp xúc với người khác, bạn sẽ không tránh khỏi việc nhìn họ bằng góc nhìn chủ quan. Chính vì điều đó, trong quá trình tìm hiểu một người, chúng ta có thể tham khảo thêm ý kiến của người khác, nhưng không nên hoàn toàn tin tưởng mà vẫn nên tự dựa vào kinh nghiệm tiếp xúc của bản thân. Và không để độc giả phải loay hoay tìm câu trả lời cho việc điều chỉnh “lăng kính” của mình sao cho phù hợp cũng là để có cái nhìn về họ theo hướng tốt hơn, chủ nhân cuốn sách đã nắm bắt được vấn đề và đưa ra giải pháp cho vấn đề này. Hay nói cách khác, anh đang giúp người đọc làm thế nào để có một cái nhìn sâu sắc về một cá nhân.
Bản tính thực sự của một con người được nhận ra khi chúng ta nhìn người đó mà KHÔNG thông qua bất cứ một lăng kính nào.
Anh đã giải thích rất rõ rằng đây không phải là một chuyện dễ dàng thay đổi trong thời gian ngắn. Bởi, bạn thấy rằng để xóa bỏ một thói quen xấu rất khó, nhưng theo tôi không nhất thiết phải nhìn họ không thông qua lăng kính nào, ta có thể nhìn bằng những lăng kính tích cực thuộc về họ. Ta luôn phải có những góc nhìn đa chiều để nhận ra rằng bản thân có đang đặt những lăng kính tiêu cực về phía ai đó hay không? Điều này sẽ tạo nên sự thay đổi rõ rệt sau một thời gian luyện tập đấy!
3. Những lăng kính khác
Nhà văn trẻ đã dành riêng một phần để bàn luận về những lăng kính khác nhau trong cuộc sống chúng ta. Như lăng kính cũ kỹ, con người ta thường tiếc nuối khi mất đi một điều gì đó nhưng lúc có nó lại không trân trọng. Thật bất công cho điều đó đúng không? Hay là lăng kính tài năng, lăng kính mà chấm đen nào cũng có. Con người chúng ta cũng giống như những viên ngọc vậy. Sẽ có viên mang trong mình độ bóng đạt đến vẻ hoàn mỹ hay đơn thuần chỉ chọn “một lớp áo” dịu mắt Nhưng giá trị của nó dù có mang lại là bao nhiêu đi nữa thì suy cho cùng, những viên ngọc ấy cũng đều đáng quý.
Với mỗi cách nhìn nhận, luôn xuất hiện những lăng kính khác nhau. Mỗi lăng kính mang trong mình những ý nghĩa đặc biệt. Chính vì thế, chọn cách đối diện với từng lăng kính sao cho phù hợp nhất, đừng để bản thân phải hối tiếc những chuyện đã qua.
III. Điều thú vị
Sáng tạo qua từng trang sách
Vừa đọc vừa vẽ quả là một sự kết hợp độc đáo. Vẽ ở đây không nhất thiết bạn phải là một người có năng khiếu hội họa, tác giả cũng thừa nhận rằng bản thân dù vẽ không được tốt nhưng vẫn cùng bạn đi qua từng trang sách. Chỉ cần thả mình sáng tạo sẽ không ai chế giễu bạn cả. Vì thế, muốn chọn một cuốn sách giúp bản thân vừa có thể học được một bài học nào đó vừa để thư giãn thì "Chuyện về những lăng kính" là một lựa chọn rất phù hợp.
(Nguồn ảnh: Internet)
“Nếu có một ngày các em cầm cuốn sách này lên và dự định sẽ không đọc nó nữa, làm ơn hãy tặng nó cho những em lâu nay vẫn chờ đợi đến lượt!” Câu nói này tuy không được thể hiện ở trong những trang sách nhưng lại được tác giả tinh tế đặt ở bìa sau của tác phẩm.
Chỉ là một lời nhắn nhỏ nhưng đã khiến người đọc dừng lại vài nhịp để suy ngẫm. Cuộc sống vẫn luôn hiện hữu những người mang trong mình khát khao có được những điều dù chỉ là giản đơn nhưng không thể. Và lạ thay cũng có những người dù được bao bọc trong “thế giới đáng mơ ước” nhưng tiếc rằng cái thế giới ấy lại không được họ trân trọng.
Vì thế, không còn hữu dụng với ta không có nghĩa không mang lại lợi ích đối với người khác. Hãy biết cách cho đi, cuộc đời sẽ thêm nhiều màu sắc.
IV. Kết luận
Tuy đây là đứa con đầu tay của một nhà văn trẻ và có thể vẫn chưa đạt đến độ hoàn mỹ, nhưng tôi chắc rằng Nguyễn Lê Sang đã rất thành công khi giúp cho cả người lớn và trẻ em đều cảm nhận được bài học sâu sắc anh muốn đưa vào trong tác phẩm. Hay chỉ đơn giản là anh đã và đang lan tỏa mạnh mẽ một thông điệp chứa đựng đầy năng lượng tích cực đến với người đọc thông qua cuốn sách “không phải là sách giáo khoa” này!
Hãy thử nhìn mọi thứ không qua bất kì một lăng kính nào, và điều bạn cảm nhận được khi ấy là gì? Có lẽ bạn sẽ bất ngờ khi lăng kính của mình “biến đổi” đối tượng rất nhiều đấy!
Còn bạn, sau khi đọc bài chia sẻ này, bạn sẽ tìm đọc nó chứ?
Người viết: Nguyễn Thị Diễm Phương
Người thiết kế: The Toffees
(*) Bản quyền bài viết thuộc về BOOKIEE.ORG. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ gồm tên người viết, tên người thiết kế và Bookiee - Sách Là Niềm Vui. Mọi hành vi sao chép hoặc trích nguồn, chia sẻ bài viết không đầy đủ đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
_________________________
Bookiee - Sách là niềm vui
👉 Fanpage
👉 Youtube