top of page
Ảnh của tác giảBookiee - Sách là niềm vui

[Review] Hành Trình Tìm Kiếm Tự Do Và Hạnh Phúc Khi Dám Bị Ghét

Đã cập nhật: 1 thg 4, 2023

Có phải bạn đã từng nhiều lần đặt mình lên bàn cân với người khác? Bạn thường xuyên thất vọng về bản thân khi vấp phải những lời chỉ trích, chê bai phong cách riêng và con người thật của bạn?


Bookiee - Sách là niềm vui

Vậy thì “Dám bị ghét” chắc hẳn sẽ là trạm dừng chân hợp lý nhất cho bạn trong giai đoạn này để có thể tự tin bước ra khỏi vùng an toàn và sống một cuộc đời tự do, hạnh phúc.


Tại sao bạn nên đọc tác phẩm này?

Khi cầm trên tay “Dám bị ghét”, tôi không nghĩ đây là một quyển sách giúp phát triển bản thân bởi nó được trình bày theo một cách rất khác biệt.


Xuyên suốt tác phẩm là cuộc đối thoại giữa chàng thanh niên và vị triết gia, là lời tâm sự giữa hai con người chứ không còn rập khuôn theo hình mẫu cơ bản của các quyển sách self-help khác. Chính vì vậy mà khi thưởng thức tác phẩm, tôi luôn có tâm thế dễ chịu, háo hức đón chờ xem cuộc đối thoại này sẽ đi đến đâu, liệu câu trả lời nào sẽ được đưa ra để giải quyết vấn đề “dám bị ghét”? Đó cũng chính là điểm độc đáo, hấp dẫn chỉ có ở cuốn sách mà tôi tin nếu bạn đã cầm lên thì không tài nào có thể dừng lại được.


Cơ duyên khiến tôi quyết định đọc quyển sách còn nằm ở tiêu đề “Dám bị ghét”. Trong quá khứ, tôi rất sợ bị người khác đánh giá tiêu cực, cảm thấy bản thân vô dụng và thất bại đến nhường nào. Tôi luôn gò bó mình trong một vỏ bọc an toàn và sống theo cái nhìn của đối phương để không phải hứng chịu dù chỉ một thương tổn.


Thế nhưng từ sau khi đọc tác phẩm, tôi đã có nhiều thay đổi cả về tư duy và tâm lý của mình. Tôi cảm nhận được nguồn năng lượng tích cực mà cuốn sách mang lại, chúng giống như một kim chỉ nam cho những ai đang mệt mỏi và áp lực dưới lớp mặt nạ vô hình do chính mình tạo nên. Nếu bạn cũng từng lạc lối giống như tôi và muốn cảm nhận được tự do, hạnh phúc từ việc chủ động chọn lối sống, hãy tìm đọc quyển sách thú vị này ngay nhé!


Hai tác giả và những lần rẽ hướng


Tâm lý học không phải là con đường để theo đuổi ngay từ đầu với rất nhiều người và hai tác giả của “Dám bị ghét” cũng tương tự như thế. Kishimi Ichiro là một triết gia người Nhật Bản chuyên nghiên cứu triết học cổ điển phương Tây, thế nhưng sau đó ông dần chuyển sang tâm lý học Adler - một trường phái do bác sĩ tâm thần học Alfred Adler đề xướng. Vị tác giả còn lại, Koga Fumitake, là nhà văn từng đạt nhiều giải thưởng với sách kinh doanh, song ở độ tuổi đôi mươi ông bất ngờ bén duyên với tâm lý học Adler và bắt đầu tìm hiểu sâu hơn bởi những tri thức đột phá mà học thuyết này mang lại.


Tác giả Kishimi Ichiro (trái) và tác giả Koga Fumitake (phải). Nguồn: amazon.de


Cuốn sách “Dám bị ghét” là thành quả từ những cuộc đàm đạo giữa hai tác giả, từ đó đưa ra nhiều góc nhìn cuộc sống mới lạ, thách thức hiểu biết thông thường từ việc ứng dụng tâm lý học Adler.



Khía cạnh ấn tượng


Đây là những cảm nhận của cá nhân tôi sau khi đọc xong tác phẩm, do đó không tránh khỏi việc tiết lộ nội dung. Các bạn hãy tìm đọc “Dám bị ghét”, có những cảm nhận riêng cho mình, sau đó hãy quay lại và cùng đối chiếu xem chúng ta có sự đồng điệu trong suy nghĩ không nhé!


Chàng thanh niên bình thường hay là sự hóa thân của toàn bộ giới trẻ?


Ban đầu khi mới tiếp cận tác phẩm, tôi cứ nghĩ đây sẽ là cuộc đối thoại đầy tính triết học, lý thuyết như các quyển sách self-help khác. Song, người đứng sau “Dám bị ghét” để lại cho tôi một dấu ấn hoàn toàn riêng biệt.


Hình tượng chàng thanh niên được tác giả xây dựng như đại diện cho suy nghĩ của phần đông giới trẻ, bao gồm cả tôi. Khi đọc từng lời đối đáp giữa anh thanh niên và vị triết gia, lòng tôi luôn dấy lên nhiều câu hỏi, những vướng mắc chưa thể đồng ý hoàn toàn. Khi ấy, tác giả như hiểu thấu suy nghĩ người đọc, khéo léo lồng ghép những trăn trở thường nhật vào chính câu hỏi phản biện của chàng thanh niên. Quả thật, những lần phản biện ấy cứ khiến tôi ngỡ mình đang thật sự đối đáp với vị triết gia để gỡ rối bao suy tư còn dang dở. Đây cũng chính là yếu tố khiến tác phẩm trở nên gần gũi và cuốn hút tôi đọc đến những trang cuối cùng mà không tài nào có thể dừng lại.


Tư duy theo “thuyết mục đích” thay vì “thuyết nguyên nhân”


Đây là một quan điểm mới làm thay đổi hoàn toàn cách nhìn của tôi và cũng là điểm sáng nhất tôi tìm được ở quyển sách. Trước đây, có phải khi gặp thất bại, chúng ta thường hay đổ thừa cho bất hạnh, cho hoàn cảnh cuộc sống, cho những tổn thương từng gặp trong quá khứ hay không? Hay như trường hợp của chàng thanh niên đến đối thoại cùng vị triết gia, anh cho rằng do mình quá tức giận, bị cơn giận khống chế nên mới không kiểm soát được cảm xúc và quát mắng nhân viên phục vụ trong một lần dùng bữa tại nhà hàng. Đây chính là lối tư duy theo “thuyết nguyên nhân” của nhà tâm lý học Freud.


Đối lập với Freud thì ở tâm lý học Adler - thứ mà tác giả muốn truyền tải đến người đọc - ta cần tư duy theo “thuyết mục đích”, tức mọi hành vi, cách ứng xử, thành công hay thất bại đều do chính chúng ta lựa chọn. Ta có thể không chọn được điểm xuất phát như gia thế, cha mẹ,... nhưng lối sống (lifestyle) như thế nào thì chính ta mới là người nắm giữ chìa khóa trong tay.


Hai nhà tâm lý học nổi tiếng: Alfred Adler (trái) và Sigmund Freud (phải). Nguồn: Wikipedia và History of Psychology.

Làm sao có thể nghĩ rằng mọi việc đều không xuất phát từ một nguyên nhân khách quan nào đó mà lại hoàn toàn là do bản thân mình đúng không? Khi đọc luận điểm này, tôi cũng vô cùng muốn phản bác giống như chàng thanh niên kia. Song, tác giả lại đưa ra hàng loạt ví dụ chứng minh cho việc mọi thứ đều có thể được kiểm soát nếu ta biết cách và bình tĩnh trước vấn đề. Nếu không nản chí, có ý nghĩ thất bại ngay từ đầu, nếu không muốn chứng tỏ bản thân và khuất phục người khác thì ta sẽ không để bất cứ nguyên nhân nào chi phối cảm xúc hay lối sống của mình. Chỉ cần không dựa dẫm vào quá khứ và xây dựng mục đích đúng đắn ở hiện tại, con người sẽ thấy cuộc sống dễ dàng hơn cũng như thoát khỏi sự ức chế, bất lực, đứng lên tự làm chủ cuộc đời.


Đời không phải là cuộc cạnh tranh với người khác


Làm sao lại không phải cạnh tranh khi con người luôn vất vả lao động, học tập để lo cho gia đình từng miếng cơm manh áo? Phải chăng không cạnh tranh tức ta đang chấp nhận thua cuộc và đứng yên trên hành trình phát triển bản thân?


Ban đầu tôi cũng có những suy nghĩ như thế. Chính vì lẽ đó mà tôi liên tục so sánh mình với người khác, để rồi nảy sinh nên phức cảm tự ti, tự kìm hãm chính mình. Thực trạng này trong thế giới hiện nay không hiếm, bởi con người sống quá vội vã, chỉ để tâm đến ý kiến của xã hội mà không còn thời gian quan tâm đến giá trị đích thực của riêng mình.


Trong sách, tác giả từng đưa ra giả thuyết rằng nếu thế giới này chẳng còn ai thì cuộc sống chúng ta sẽ nhẹ nhõm hơn rất nhiều. Bởi khi ấy, ta không còn lo ngại ánh nhìn của người khác, không còn tồn tại bất kỳ chuẩn mực nào để ta có thể so sánh và phiền lòng về sự thua thiệt của bản thân.


Thế nhưng người đứng sau tác phẩm cũng nêu quan điểm rõ ràng, rằng cá nhân là một phần của xã hội, tự tách ra khỏi xã hội là tự cô lập chính mình. Điều mà ta cần làm bây giờ chính là thay đổi góc nhìn một chiều, chấp nhận khuyết điểm của bản thân. Sự tự ti thật chất mang tính chủ quan, mà chủ quan là do ta lựa chọn nên hoàn toàn có thể thay đổi. Đặt đôi mắt vào một góc nhìn mới, bạn sẽ thấy mọi thứ đều có ưu, nhược điểm riêng, không gì là hoàn hảo. Hãy cố gắng nhìn vào mặt tích cực của những gì mà mình đang sở hữu, suy nghĩ xem chúng có thể giúp ích được gì cho bạn trong cuộc sống hằng ngày? Khi đó chắc chắn bạn sẽ cảm thấy yêu giá trị bản thân mình hơn đấy!


Lời kết


“Dám bị ghét” thật sự là một quyển sách đặc biệt. Như tác giả chia sẻ, tâm lý học Adler cần một quãng thời gian dài để áp dụng vào thực tiễn, bởi hiểu được nó thì dễ nhưng để sống theo học thuyết này thì cần 10 năm, 20 năm. Vậy nên, chúng ta không cần lo lắng hay hoài nghi nếu sau khi đọc xong tác phẩm này mà vẫn cảm thấy sợ “bị ghét”, bị dòm ngó, hay ái ngại trước ánh mắt mọi người.

Hành trình tìm kiếm tự do và hạnh phúc là hành trình cả một đời, vì thế hãy “sống tại đây, ngay lúc này”, để khi nhìn lại ta sẽ không còn gì hối tiếc.

(*) Nguồn tham khảo: sachnhanamcom

Người viết: Trixie
Người thiết kế: Ngọc Yến


(*) Bản quyền bài viết thuộc về BOOKIEE.ORG. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ gồm tên người viết, tên người thiết kế và Bookiee - Sách Là Niềm Vui. Mọi hành vi sao chép hoặc trích nguồn, chia sẻ bài viết không đầy đủ đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.


______________________________


Bookiee - Sách là niềm vui







391 lượt xem0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Comentarios


bottom of page