top of page
Ảnh của tác giảBookiee - Sách là niềm vui

Đọc Sách Ngoại Văn Không Khó Như Bạn Nghĩ!

Đã cập nhật: 13 thg 6, 2022

Nhiều người lựa chọn đọc sách ngoại văn để mở rộng vốn hiểu biết của mình, đồng thời xem nó như một phương pháp để trau dồi ngoại ngữ. Bên cạnh đó, không ít người vẫn loay hoay, chưa biết làm cách nào để phá bỏ rào cản ngôn ngữ, khiến họ ái ngại và bỏ lỡ cơ hội khám phá thêm nhiều tri thức.


Bookiee - Sách là niềm vui

Sách là một thế giới rộng lớn, là kho tàng kiến thức cần được khám phá.


Theo một bài viết trên báo Zing News, mỗi ngày có đến khoảng 45 nghìn tỷ trang sách được in ấn. Mỗi trang sách lại đem đến cho chúng ta những chân trời mới, được thả hồn mình trôi theo câu chuyện của nhân vật hay miền ký ức xa xôi.


Tuy nhiên, không phải sách nào cũng được mua bản quyền và dịch lại bằng Tiếng Việt. Hiện nay, với sự hội nhập và phát triển, ngày càng có nhiều đầu sách ngoại văn xuất hiện tại Việt Nam, hay những phiên bản sách điện tử mà chúng ta có thể dễ dàng tìm kiếm trên Internet. Nhiều người lựa chọn đọc sách ngoại văn để mở rộng vốn hiểu biết của mình, đồng thời xem nó như một phương pháp để trau dồi ngoại ngữ. Bên cạnh đó, không ít người vẫn loay hoay, chưa biết làm cách nào để phá bỏ rào cản ngôn ngữ, khiến họ ái ngại và bỏ lỡ cơ hội khám phá thêm nhiều tri thức.


Vậy liệu có cách nào để phá vỡ rào cản này? Thật ra, đọc sách ngoại văn không hề khó như bạn nghĩ. Hãy cùng Bookiee tìm hiểu một số cách hữu ích giúp làm tan biến đi nỗi sợ đọc sách ngoại văn nhé!


Đọc Truyện Tranh


Tại sao bài viết “chỉ cách” đọc sách ngoại văn, mà Bookiee lại muốn bạn đọc truyện tranh trước nhỉ? Thật ra, đọc truyện tranh bằng tiếng nước ngoài chính là khởi đầu đơn giản nhất để bạn không cảm thấy “ngộp” khi bắt đầu chuyển sang đọc các quyển sách dài hàng trăm trang và lấp đầy bởi chữ đấy!


Truyện tranh được kết hợp giữa ngôn từ và hình ảnh


Quay ngược thời gian trở về tuổi thơ khi chúng ta vẫn còn là những cô bé, cậu bé kháu khỉnh, liệu bạn có còn nhớ cảm giác bồi hồi, háo hức được bố mẹ dẫn đi mua truyện tranh không? Hay đó là cảm giác vào một buổi chiều yên ả, gió lay đưa, những đứa trẻ khi xưa lần tìm đến truyện Doraemon, Conan, Shin cậu bé bút chì... để đắm mình vào thế giới muôn màu đầy ắp tiếng cười ấy?


Truyện tranh đa phần đều dễ hiểu và sinh động khi chúng được kết hợp giữa ngôn từ và hình ảnh, khiến ta cảm thấy thoải mái và tạo cảm giác hứng thú hơn. Khi đọc truyện tranh bằng ngôn ngữ khác, bạn sẽ không có cảm giác phải cố tiếp thu kiến thức mới, đôi khi sẽ quên đi và chỉ cố gắng tận hưởng nhiều nhất cảm xúc mà hình ảnh mang lại. Thông qua các hình ảnh minh họa ấy, bạn sẽ hiểu được ngữ cảnh, cách dùng từ, vô tình tiếp thu được hàng trăm từ vựng mới mà không cần quá căng thẳng hay cố gắng ghi nhớ chúng.


Đọc cả hai phiên bản: sách ngoại văn và bản dịch tiếng Việt, hoặc đọc sách song ngữ


Đây là một phương pháp khá phức tạp, tuy nhiên nếu thực hiện chúng một thời gian, bạn có thể dần quen và cảm thấy dễ chịu hơn khi phải chuyển sang đọc hoàn toàn bằng ngôn ngữ khác. Việc đọc song song cả hai phiên bản sẽ giúp bạn hình dung được rõ hơn cách dùng từ, tiết kiệm thời gian tra từ điển, đồng thời hiểu được ngữ cảnh mà từ vựng được áp dụng. Thành thạo một ngôn ngữ giống như việc am hiểu một bộ môn nghệ thuật vậy, ẩn mình trong lớp vỏ ngôn từ sẽ là những tầng nghĩa sâu xa. Và nếu không thật sự hiểu đúng thì sẽ khó lòng nào thưởng thức tác phẩm một cách trọn vẹn.


Sách song ngữ, nguồn: cuahangsach.net


Tuy nhiên, hạn chế của phương pháp này là tốn nhiều thời gian, đồng thời không thuận tiện nếu bạn phải luôn mang hai cuốn sách theo bên mình. Do vậy, có nhiều nhà xuất bản đã cho ra đời các quyển sách song ngữ, với bố cục: theo sau một câu hoặc một đoạn viết bằng tiếng nước ngoài sẽ là một câu hoặc đoạn viết bằng tiếng mẹ đẻ. Nhờ việc phiên dịch trực tiếp, bạn sẽ có thể ghi chú vào trang sách của mình, đánh dấu các từ vựng mới, vừa trực quan lại vừa có thể ghi nhớ lâu hơn. Từ đó, học ngôn ngữ không còn là một vấn đề quá khó khăn như bạn vẫn từng nghĩ.


Lựa Chọn Đầu Sách Phù Hợp


Đây không phải là một vấn đề chỉ riêng với sách ngoại văn mà còn hay xảy ra khi đọc bằng ngôn ngữ mẹ đẻ. Đã bao giờ bạn cảm thấy việc đọc sách thật khó khăn, không thể hiểu được toàn bộ nội dung từ cuốn sách, hay tự hỏi rằng tại sao tác giả không dùng cách diễn đạt khác mang tính phổ biến và thông dụng hơn? Như đã chia sẻ từ trước, ngôn từ là nghệ thuật, mỗi trang văn đều đã được chắt lọc từ vựng một cách phù hợp nhất.


Ví dụ, với một người chỉ thường xuyên đọc truyện tranh, thật khó để bạn đột ngột chuyển sang đọc một tác phẩm kinh điển, hay một quyển sách nghiên cứu bộ môn khoa học nào đó, đặc biệt là khi chúng được diễn đạt bằng ngôn ngữ khác. Đừng cố ép mình vào khuôn khổ, phải đọc những quyển sách nổi tiếng ngay từ khi xuất phát. Hãy bắt đầu hành trình với thể loại sách mà bạn vẫn thường yêu thích. Đọc với sự hứng thú, ham muốn tìm tòi, học hỏi, bạn sẽ dễ dàng tiếp thu hơn cũng như giảm bớt tâm lý chán nản, muốn bỏ cuộc. Điều này tốt hơn so với việc đọc về một lĩnh vực mà bạn chẳng hề hay biết.


Đừng cố ép mình vào khuôn khổ, phải đọc những quyển sách nổi tiếng ngay từ khi xuất phát.


Sau khi chuẩn bị đủ hành trang cho bản thân, cảm thấy đủ tự tin và muốn khám phá thêm nhiều kiến thức mới, khi ấy bạn có thể tự do lựa chọn bất cứ quyển sách nào. Hãy bắt đầu thật đơn giản, chậm rãi, như chú rùa trong “Rùa và thỏ” vậy. Vào một ngày nào đó, bạn sẽ chạm đến ngưỡng cửa của tri thức, của sự thành công trong đọc sách ngoại văn như bạn hằng mong ước.


Vẫn còn rất nhiều cách để đọc sách ngoại văn hiệu quả. Bạn còn biết thêm cách nào không, hãy bình luận bên dưới cho Bookiee và mọi người cùng tìm hiểu với nhé!


Người viết: Trixie
Người thiết kế: Mai Nguyên

(*) Bản quyền bài viết thuộc về BOOKIEE.ORG. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ gồm tên người viết, tên người thiết kế và Bookiee - Sách Là Niềm Vui. Mọi hành vi sao chép hoặc trích nguồn, chia sẻ bài viết không đầy đủ đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

______________________________

Bookiee - Sách là niềm vui

475 lượt xem0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Comments


bottom of page