Đường đến Tây Tạng không phải là hành trình ký mà là “tâm ký”
Tôi thường nói vu vơ với người khác khi họ gặp vấn đề giữa con người với con người rằng: "Nỗi đau về con người là nỗi đau vô tận”. Tôi cảm nhận Trần Khôn dường như cũng đau đáu vấn đề về nhân sinh ấy, về anh và cả những con người xung quanh anh.
Đường đến Tây Tạng không phải là hành trình ký mà là “tâm ký”. Anh không miêu tả quá nhiều cái thiên nhiên hùng vĩ mà người ta luôn sững sờ khi nhìn thấy của Tây Tạng, mà mượn cái vẻ đẹp chạm lòng người của nó để nói lên tâm hồn anh, sự thay đổi trong thế giới quan của chính anh.
Đi, hành trình đi của anh không chỉ là là xé giới hạn của thể chất mà còn để đi sâu vào tâm hồn, đi tìm giá trị của cuộc sống. Hành trình 11 ngày không một tiếng nói vốn là để tâm đi nhanh hơn, tập trung hơn, cảm nhận nhiều hơn bởi khi một giác quan không hoạt động, những giác quan khác trở nên mạnh mẽ hơn.
Có chính kiến, cộng với cảm xúc mạnh sẽ trở thành hà khắc. Trần Khôn là người như vậy, đôi khi anh nóng giận, đôi khi con quỷ chiếm lấy chính anh.
Nhưng đọc mới hiểu được rằng, tất cả là do tấm lòng anh quá rộng lớn, nóng lòng muốn người khác trở nên tốt hơn, không muốn họ đi vào một vết xe cũ mà trở nên áp đặt vì chính anh cũng rất hà khắc với bản thân mình. Điểm này tôi rất giống anh. Tôi highlight hết tất thảy các câu chữ miêu tả con người Trần Khôn vì tôi thấy mình trong đó. Khi anh hiểu tâm hồn mình cũng là lúc anh đã hơn 30 tuổi, anh biết rằng khi mình hiểu được chính mình, anh tìm ra mục đích của cuộc sống, anh thoát ra khỏi cái thời gian lạc lỗi đằng đẵng.
“Đi là sức mạnh: 1+N đi Tây Tạng” được dẫn dắt bởi anh, tuyển chọn 10 bạn sinh viên khác nhau cùng thực hiện chuyến “đi”, cuộc các mạng “bắt đầu yên tĩnh”. Đích đến không phải là vượt qua 115km, 32 ngọn núi mà cái chạm đến linh hồn mỗi người tham gia. Anh muốn gieo vào tâm hồn mỗi bạn trẻ một hạt giống, mong rằng chuyến đi sẽ giúp nó nảy mầm. Những cuộc xung đột đầu chuyến đi, là do anh quá nóng nảy, cũng do các bạn quá trẻ để hiểu được trọn vẹn “phát tâm” của anh trong chuyến đi này. Theo quan điểm của tôi “Những gì đến từ trái tim sẽ chạm tới trái tim”, trái tim Trần Khôn quả thật rất chân thành.
Cuộc đời của anh quá may mắn chăng? Từ cuộc sống đói nghèo, anh trở thành một ngôi sao, danh vọng, tiền tài, anh tự gọi mình là “nhà giàu mới phất”. Tôi thấy không phải vậy, bạn đã bao giờ đọc “Nhà giả kim” của Paulo Coelho chưa? “Khi anh quyết chí muốn điều gì thì cả vũ trụ sẽ chung sức để anh đạt được điều ấy”. Mục đích cuối cùng của anh không phải là sự nổi tiếng, ngồi trên đống tiền, mà chính vì anh muốn truyền bá nguồn năng lượng tích cực của chính anh, muốn thay đổi tư duy của người khác để họ sống tốt hơn nên muốn mượn sự thành công để anh có thể chiêu mộ được mấy ngàn sinh viên khắp Bắc Kinh, để anh có thể thực hiện “Đi là sức mạnh” mà phát đi nguyện vọng sâu thẳm trong nội tâm anh.
Suy nghĩ về cuộc sống của anh không hào nhoáng hay văn vẻ như một ngôi sao, giản dị và chân thật là những gì tôi cảm nhận được ở lời văn “không phải nhà văn” của anh. Chia sẻ của anh về nghề, về gia đình, về đối nhân xử thế đơn giản, không cầu kỳ. “Dùng phương thức đi xa ngàn dặm bắt đầu từ một bước chân”, những điều nhỏ nhặt như vậy đã làm nên cuộc sống đáng để mong đợi của Trần Khôn, của chính tôi, hay bất cứ ai đọc quyển sách này.
Người viết: Lõm
(*) Bản quyền bài viết thuộc về BOOKIEE.ORG. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ gồm tên người viết, tên người thiết kế và Bookiee - Sách Là Niềm Vui. Mọi hành vi sao chép hoặc trích nguồn, chia sẻ bài viết không đầy đủ đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
______________________________
Bookiee - Sách là niềm vui
👉 Fanpage
👉 Youtube
Comentarios