top of page
Ảnh của tác giảBookiee - Sách là niềm vui

[Review] Lần Chạy Thứ Hai Cùng Hai Số Phận Tuy Mệt Mà Vui

Đã cập nhật: 1 thg 4, 2023

Câu chuyện kể về cuộc đời của hai nhân vật chính là Abel Rosnovski và William Kane. Họ được xây dựng một cách rất mực tài tình với hầu hết mọi hương vị thăng trầm của cuộc sống, điển hình như may rủi, bất công, thù hận, hiểu lầm,… Sự pha trộn đặc sắc như vậy có thể để lại dư vị gì cho chúng ta?


Bookiee - Sách là niềm vui

Trên chặng đường đồng hành với “Hai số phận” của Jeffrey Archer lần thứ hai sau gần hơn hai năm đã mang lại cho tôi những bài học, kinh nghiệm đúc kết vô cùng quý giá mà tôi mong rằng các bạn độc giả khác cũng có thể nhận được.


Tại sao bạn nên đọc cuốn sách này?


Quyển sách không chỉ kể về câu chuyện “hai số phận” của hai nhân vật chính một cách vô cùng kịch tính và cuốn hút, mà nó còn mang lại cho người đọc những trải nghiệm và bài học đắt giá theo cái cách mà ta không thường có được ở bất cứ đâu. Vì vậy, nếu bạn có hứng thú với cuộc sống của con người trong quá khứ từ khoảng đầu - giữa thế kỷ 20, và với góc nhìn ở cả hai “thái cực” trong đời là: vươn lên từ khó khăn và không ngừng vươn lên kể cả khi đã ở vạch đích, thì quyển sách này chính là dành cho bạn.


Jeffrey Archer - Trải nghiệm đầu tiên đầy ấn tượng


Tác giả Jeffrey Archer. Ảnh: Jeffreyarcher


Jeffrey Archer, sinh vào 15.04.1940, là một nhà văn, cựu chính trị gia tại vương quốc Anh. Tuy “Hai số phận” là tác phẩm đầu tiên mình được tiếp xúc với lối hành văn của tác giả, nhưng không vì thế mà mình cảm thấy lạ lẫm hay khó hiểu. Thay vào đó giọng văn của ông còn mang lại cho mình một cảm giác gần gũi, thu hút đến lạ. Chính điều này đã hoàn toàn khiến mình chìm đắm vào trong mạch truyện.



Khía cạnh ấn tượng


Đây là phần phân tích chi tiết về đánh giá, cảm nhận cá nhân nên không tránh khỏi việc tiết lộ nhiều nội dung. Để đảm bảo một trải nghiệm trọn vẹn với Bookiee, các bạn hãy đọc sách trước và quay lại với chúng mình sau nhé!


Đứa trẻ bên trong nhân vật Matthew Lester


Matthew Lester lần đầu xuất hiện với tư cách là bạn cùng phòng tại trường St. Paul của một trong hai nhân vật chính của chúng ta, William Kane. William đã nhận ra và công nhận thực lực của Matthew trên rất nhiều phương diện mà hai người cùng có mặt, ví dụ như trong vấn đề học tập, thi cử, công việc,… William đều rất mực tin tưởng và trông cậy ở Matthew. Cùng lúc đó, Matthew cũng hoàn toàn thể hiện được rằng bản thân là một người bạn chân thành, tận tụy và đáng tin cậy đối với William.


Câu chuyện diễn ra trong khoảng một năm trở lại đây (theo dòng thời gian của sách), Matthew Lester bỗng dưng trở nên đổ đốn, anh lao vào rượu chè, gái gú và bỏ bê tất thảy mọi công việc ở ngân hàng. Tình trạng này của anh gây khó hiểu cho hầu hết mọi người xung quanh: bạn thân nhất William, vợ của William là Kate, và thậm chí là bản thân mình, với tư cách là độc giả lần đầu tiên của sách.


Nhưng đến với lần đọc thứ hai, mình đã nhận ra được một điểm đáng chú ý: Những hành vi và thái độ bất cần được kể đại khái như trên của Matthew có điểm tương đồng với cách mà một đứa trẻ cảm thấy bản thân nó bất lực trước một vấn đề. Vì vậy nên nó “làm mình làm mẩy” để có được sự chú ý của người lớn.



Lý do của hành vi này là vì bên trong mỗi đứa trẻ thường tồn tại một sự kiêu ngạo nhất định. Chúng vô tư hồn nhiên, không suy nghĩ quá nhiều và phần nào tự nhận thức được khả năng giải quyết vấn đề của chúng vô cùng thấp, hay gần như là không thể; phải bất lực đến mức nào đó chúng mới sử dụng đến phương pháp đầy bẽ bàng này để nhận được sự chú ý, sự quan tâm hay trợ giúp của một ai đó thay vì nói thẳng ra vấn đề.


Martin, biệt danh mà Matthew sử dụng trong lúc anh ở trong tình trạng đổ đốn lúc bấy giờ, chính là đứa trẻ đang được mình đề cập đến ở trên. Phần nào cũng vì sự kiêu ngạo còn sót lại, vì lòng tự trọng của bản thân mà anh đã giấu lẹm đi chuyện mình bị mắc bệnh nan y với mọi người thân quen, bao gồm cả bố anh và William.


Nhưng kể từ sau khi William và Kate biết được cội nguồn của câu chuyện, khi mà họ đã sẵn sàng dang tay ra để nâng đỡ anh, quan tâm đến anh, luôn ân cần chăm sóc cho người bạn chung này của họ, thì Matthew mới không còn bỏ bê công việc và tỏ ra bất cần nữa. Anh đã rũ bỏ đi sự bê tha, bỏ đi vòng tròn an toàn duy nhất của anh để có thể đắm mình vào trong sự quan tâm và ân cần của những con người thực sự yêu thương và trân trọng anh.


May mắn thay, vào khoảng thời gian ngắn ngủi cuối đời của mình, Matthew đã có thể quay trở về là chính mình: Một Matthew mạnh mẽ, trung thành, đáng tin cậy, và là người bạn thân bậc nhất trong đời của William.


“Làm anh khó đấy, đâu phải chuyện đùa”


William Abel Kane - cháu trai của William Kane và Abel Rosnovski. Nếu lướt qua cái tên này thì hẳn là nó không để lại ấn tượng gì đặc biệt hơn ngoài việc tên của cả hai nhân vật chính được hội tụ, được gợi nhắc đến trong cùng một cá thể, là cháu trai của họ. Việc tiết lộ cái tên này quả là một chi tiết đầy cao trào và xúc động.


Hai người đàn ông được sinh ra ở hai nơi xa nhau hàng vạn dặm, sống hai cuộc đời mà khi nhìn thoáng qua sẽ không thể thấy được bất kỳ điểm tương đồng nào. Vậy mà giờ đây… khi cả hai đã trút hơi thở cuối cùng trên đời, những cái tên lừng lẫy danh vọng và thăng trầm của chính họ lại được xướng lên một lần nữa, dưới sự kết hợp và ra đời hết mực ý nghĩa như thế này.


Và tại lần đọc thứ hai, cái tên William Abel Kane này lại lần nữa lay chuyển mình ở một khía cạnh hoàn toàn mới mẻ khác nữa, hãy cùng mình khám phá góc nhìn đó bây giờ nhé!

Đầu tiên mình có chú ý đến thứ tự xếp đặt tên của hai nhân vật chính. Ta có thể thấy tên của Abel được đặt ở giữa, được bao quanh bởi tên của của William và họ của ông là Kane. Điều này không khỏi làm mình liên tưởng đến hình ảnh một người anh trai đang bảo vệ và bao bọc lấy người em ở bên trong vòng tay của mình.


Không thể chối cãi là hai nhân vật chính của chúng ta bằng tuổi nhau, và thậm chí là ra đời vào cùng một ngày, một giờ, một khoảnh khắc định mệnh. Thế nhưng mình vẫn có những lý do chính đáng để sẽ được trình bày ngay sau đây để so sánh William và Abel với hình ảnh “anh em”, và William chính là một hình tượng người anh trai (thầm lặng) đối với Abel.


Đầu tiên, xuyên suốt quá trình câu truyện ta đều có thể thấy được những vẻ đĩnh đạc, điềm đạm, bình tĩnh rất ấn tượng và hết mực rõ ràng của cả hai nhân vật chính tại mỗi sự kiện hay thời điểm riêng biệt xảy ra trong cuộc đời họ. Thế nhưng, từ lúc hai nhân vật thật sự chạm trán lần đầu tiên và cả đa số lần sau đó nữa, thì trong những cuộc xung đột đã xảy ra, Abel chính là người khó có thể kiểm soát được cảm xúc và giữ vững được một cái đầu lạnh với phong thái bình tĩnh tốt như William.


Qua đó ta thấy được rằng mỗi khi Abel chạm trán với William thì William luôn là người giữ được phong độ và thái độ bình tĩnh tốt hơn Abel, dù cho hoàn cảnh lúc đó có bắt buộc ông phải duy trì trạng thái đó hay không.


Ảnh: Revelogue


Điểm thứ hai và cũng là điểm mấu chốt giúp “đóng đinh” chặt chẽ hơn cho sự liên tưởng này của mình. Đó chính là những lúc mà William giúp đỡ Abel một cách thầm lặng và kín đáo, đồng thời luôn âm thầm dõi theo, thậm chí là thán phục những thành tựu mà Abel đạt được.


Thông qua những lý do được nêu ở trên, cùng với kinh nghiệm và hiểu biết của bản thân, William có thể giữ bình tĩnh hầu như trong gần hết các cuộc gặp gỡ với Abel. Và khi ông đã luôn “có mặt” ở những thời khắc quan trọng để giúp đỡ, dõi theo Abel với đôi mắt rất mực rộng lượng và hàm chứa sự thán phục, thì mình đã hoàn toàn bị thuyết phục bởi suy nghĩ rằng William là một hình mẫu anh trai thầm lặng lý tưởng đối với Abel.


Những xúc cảm còn đọng lại


Qua lần đọc thứ hai của quyển tiểu thuyết “dày cộm” này thì mình đã có cơ hội được tiếp cận với nhiều khía cạnh mới lạ, thú vị hơn của quyển sách, cũng như các nhân vật trong đây đều có một vai trò, một màu sắc, điểm nhấn nhất định.


Mỗi nhân vật, mỗi tính cách đều hiện lên một cách vô cùng chân thực, tự nhiên và sinh động. Họ dường như không còn được gọi đơn thuần là “nhân vật” thôi nữa, mà họ đã thật sự trở thành những “con người”, với vô vàn suy nghĩ, cảm xúc, hành vi không thể nào “người” hơn được nữa. Và chúng đã được lột tả vô cùng tài tình qua các tình tiết xuyên suốt câu truyện.


Trong lúc đọc “Hai số phận”, mình hầu như không có cảm giác bản thân chỉ đơn giản là đang ngồi ‘đọc’ những nhân vật cùng lời nói, suy nghĩ và hành động của họ. Quyển tiểu thuyết này đã mang lại một cảm giác rất chân thực và gần gũi đến mức như mình đang ở ngay đó, đang tận mắt chứng kiến, lắng nghe bằng tiếng lòng và luôn hiện hữu ở bên cạnh những “con người” này đi qua bao nhiêu thăng trầm trong cuộc đời họ, cho tới những giây phút cuối cùng…


Đó là lại một điểm nữa khiến mình không khỏi xúc động, vì mình, với tư cách là một độc giả, đã được Jeffrey Archer trao cho cái cơ hội, cái quyền được dõi theo ngay từ những giây phút chào đời của hai nhân vật chính, và rồi quan sát, nhìn theo bước chân họ lớn lên và trưởng thành qua từng ngày. Làm thế nào mà ta không cảm thấy gắn bó cho được, dù chỉ là một chút xíu thôi?


Một điều cuối cùng mình cảm nhận được sau lần chạy thứ hai với tác phẩm này đó là mình cảm thấy cuộc đời của một con người, dù thành đạt hay thất bại, dù ấn tượng hay bình thường, thì nó đều như một chớp mắt thoáng qua mà thôi.


Những dòng chữ như “3 năm sau, 5 năm sau,…” xuất hiện khá đáng kể bên trong câu chuyện đã góp phần thúc đẩy mạnh mẽ hơn cho cảm nhận này của mình. Vì cho dù đối với người đọc nó chỉ là một dòng chữ đơn giản, chóng vánh như vậy, nhưng đối với các nhân vật trong truyện thì đó lại là ngày này qua tháng nọ năm kia.


Ảnh: Internet


Thời gian cứ trôi qua vô tình như thế, và cũng lấy đi không ít thứ của ta, mà quan trọng nhất là tuổi trẻ và sức lực. Nó không đủ dài cho những con người cần mẫn làm việc ngày đêm để tiến gần hơn với mục đích của chính họ; mà cũng vẫn không đủ dài cho những con người kém may mắn hơn, hoặc không có được cơ hội để cật lực cống hiến, hoặc lựa chọn không cống hiến vì mải mê lười biếng và sa đọa.


Bạn đã từng đọc "Hai số phận" chưa?

Hãy thử ít nhất một lần khám phá cuốn sách này nhé!


Người viết: Như Quỳnh 
Người thiết kế: Khánh Linh


(*) Bản quyền bài viết thuộc về BOOKIEE.ORG. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ gồm tên người viết, tên người thiết kế và Bookiee - Sách Là Niềm Vui. Mọi hành vi sao chép hoặc trích nguồn, chia sẻ bài viết không đầy đủ đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

 

Bookiee - Sách là niềm vui



581 lượt xem0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Comments


bottom of page