Phía sau một Chaplin đem lại nụ cười cho người khác là một Chaplin tự bán đi niềm vui của mình. Hơn ai hết, ông biết để chắt ra từng ấy nụ cười, phải gạn qua bao nhiêu mất mát.
"Không thể quật mồ một nụ cười"
Tôi tình cờ thấy một đoạn hài Charlot ngắn - màn hình trắng đen, từ chiếc tivi không màu của những thập niên cũ len lẫn trong tạp sắc của sự sống hiện đại. Trắng đen, màu ghi đó không phải thứ màu đủ kiên cường để sống sót trong nền giải trí hiện nay. Nhưng nó mặc nhiên tồn tại như vậy, đồng nghĩa với sự tồn tại đó là chính đáng, và có lý do để phê chuẩn cho nó. Charlie Chaplin, người từng có mặt trong tuổi thơ chúng ta, nay một lần nữa xuất hiện trước màn hình của tôi, rõ ràng không phải người tầm thường.
Trong lá thư gửi bạn mình, Einstein - một nhân vật không tầm thường khác đã viết: "Ngài không nói gì thế mà mọi người đều hiểu". Gã Charlot lang thang năm ấy, không nói năng hiên ngang trên màn ảnh đã trở thành biểu tượng thế giới, mang cái tên Charles Spencer Chaplin vô danh trên con phố nhỏ London đến với mọi người.
Sự nghiệp 75 năm đầy những biến động, thăng trầm, vừa được tán dương, vừa gây tranh cãi. Sau cùng, dù thái độ của ta với Chaplin là gì, đó vẫn là câu chuyện từ từ đứa trẻ ở trại tế bần đến danh hài lớn nhất thế kỷ. Qua The Tramp, ông bắt đầu xác lập hình ảnh trong mắt người xem với bộ trang phục đầy đối lập: chiếc quần rộng thùng thình, chiếc áo khoác ngắn cũn ôm sát, chiếc mũ nhỏ và đôi giày to bản. Nhưng trong đó, cái đối lập lớn nhất, tạo chiều sâu riêng trong những vở hài câm của Chaplin, mà trước nay chưa từng xuất hiện: một anh hề buồn.
Trong chừng mực nào đó, Chaplin là một kiểu người khai sáng, khi giải thích cho nỗi buồn vô danh xuất hiện trong hài kịch: "Chúng ta phải cười vào mặt sự bất hạnh vô phương của mình". Khi nhận thức được cội gốc sâu xa của chữ "hài" đấy, người ta phải cười ra nước mắt. Phía sau gã hề Charlot là gã lang thang, mà việc gã lang thang không ai để ý, bởi người dựng kịch đã xoá mờ đi bằng những việc làm khôi hài, vô nghĩa. Ta đã cười vào sự vô nghĩa đó mà không biết đó là một phần bất lực của con người, của chính chúng ta, ít hay nhiều.
Phía sau một Chaplin đem lại nụ cười cho người khác là một Chaplin tự bán đi niềm vui của mình. Hơn ai hết, ông biết để chắt ra từng ấy nụ cười, phải gạn qua bao nhiêu mất mát. Nhưng trong The Great Dictator, Charlie Chaplin phát biểu: "Chúng ta muốn sống vì hạnh phúc của người khác, không phải vì khổ đau". Kể cả người đã khổ đau cũng không muốn đem đến khổ đau cho người khác. Người mang đến tiếng cười, không nhất thiết phải là người luôn vui vẻ. Và đôi khi tôi tự hỏi nụ cười của mình, của nhiều người khác, có phải cũng giống như khi xem hài Chaplin - cười vì đã không thể khóc và không nhận thức được nỗi khổ của mình?
Ngày 1 tháng 3 năm 1978 quan tài của Chaplin bị đào lấy, một lần nữa khiến tôi nhớ lại câu chuyện của bạn ông - Einstein - người cũng đã bị lấy cắp bộ não. Di chúc của họ đã bị bội phản. Sau hết, nguyện vọng cuối cùng của họ, ta đã không thể thực hiện. Đứng trước di sản tiền nhân, chúng ta đã làm gì, và nên làm gì kế tiếp? Tiền nhân là tiền nhân. Họ đã lót đá trải thảm cho ta êm bước, và đã nằm xuống đấy. Nhiệm vụ của ta không phải đào mồ mả hài cốt họ lên, mà là bước đi trên tấm thảm họ đã trải, tiếp tục tiến về bầu trời.
Anh hề Charlot cho đến ngày trước khi ra đi vẫn vùi mình trong một bộ phim khác - The Freak. Nó sẽ mãi dang dở. Như những gì ta biết về ông.
Bookiee - Sách là niềm vui
👉 Fanpage
👉 Youtube
Comments