Cuộc sống cứ như một dòng chảy, tự khi nào nó cuốn ta trôi theo dòng chảy ấy mà đánh mất những giá trị xung quanh. Hay giữa những bộn bề, lo toan của nhịp sống hối hả, chúng ta thường vô tình bỏ quên những người thân yêu, để rồi khi mọi thứ trở nên quá muộn, ta lại hối hận, lại ước rằng giá như lúc trước mình không như vậy.
Nhưng liệu còn kịp để thay đổi mọi thứ?
“Hãy chăm sóc mẹ” - Bến đỗ của những trái tim đang dần “quên lãng” gia đình.
Hình ảnh “những người con đi tìm mẹ” trong tác phẩm đại diện cho một bộ phận người trẻ vì những mối lo của cuộc sống cá nhân, những guồng quay hối hả nơi thành phố mà dần đánh mất sợi dây kết nối tình cảm với gia đình.
Liệu bạn có thấy hình ảnh bản thân mình trong đó?
Cũng bận rộn với những chuyện riêng tư, cũng thấy mình ngày một xa cách với bố mẹ hay chỉ đơn thuần cảm thấy bế tắc trong mối quan hệ với gia đình? Và thậm chí nhiều khi là hoài nghi tình cảm với gia đình của chính mình?
Nếu có, hãy thử đọc cuốn tiểu thuyết này để tự tìm được lời giải đáp cho chính bản thân mình. Tựa như một “nốt lặng” trong bản nhạc sôi động, cuốn sách sẽ làm sống lại những hồi ức tươi đẹp, những kỉ niệm đáng nhớ giữa bạn với gia đình thông qua lời kể tâm tình, nhẹ nhàng mà sâu lắng của những người con đi tìm mẹ; qua đó giúp bạn thấu hiểu được những suy tư, những lo nghĩ mà mẹ mình chưa bao giờ kể, giúp bạn nhận ra được những giá trị đích thực của gia đình thiêng liêng và xoa dịu những vết thương tình cảm chưa lành nơi bạn.
Shin Kyung-sook - Một nét trầm khác biệt của nền văn học Hàn Quốc
Vào những năm 1990, khi văn học Hàn Quốc đang bị phê phán là yếu kém về cả số lượng và chất lượng thì Shin Kyung-sook đã thổi một làn gió mới với những tiểu thuyết giàu chất thơ như “Nơi tiếng đàn Harmonium từng đứng” (1993) và “Căn phòng lẻ loi” (1994).
Hầu hết các tác phẩm của Shin Kyung-sook đều phảng phất một gam màu man mác buồn, trầm lặng và thường để lại những kết thúc có phần ám ảnh, day dứt đối với độc giả. Có lẽ một phần bắt nguồn từ mục đích sáng tác của bà Shin là miêu tả một thế hệ Hàn Quốc bị tổn thương bởi chiến tranh, bởi sự chia cắt và những biến động của thế giới. Qua những cuốn tiểu thuyết đặc sắc ấy, Shin Kyung-sook cũng gửi gắm một hình ảnh Hàn Quốc giản dị, đơn sơ nhưng tươi thắm, tha thiết và đầy trắc ẩn cùng với nền văn hóa độc đáo.
Nguồn ảnh: Báo Tuổi Trẻ
Những khía cạnh ấn tượng trong cuốn sách
[Cảnh báo có thể tiết lộ một số tình tiết trong tác phẩm, nếu bạn không muốn thì có thể bỏ qua phần này]
Vết thương của một thế hệ bị “lãng quên” ở Hàn Quốc
“Bà ấy bị thương ở mu bàn chân. Bà ấy đi đôi dép lê màu xanh, một bên dép cứa vào bàn chân chỗ gần ngón cái, sâu đến nỗi một miếng thịt long ra tạo thành vết sâu hoắm, có lẽ vì bà ấy đã đi bộ quá xa. Ruồi muỗi bu đầy quanh vết thương đang rỉ mủ, chắc là cảm thấy khó chịu nên bà ấy cứ đưa tay phe phẩy đuổi chúng đi”.
Một hình ảnh được khắc sâu đến nhói lòng của người mẹ, trước khi bà ấy biến mất giữa thủ đô Seoul hoa lệ. Sau một cuộc đời dài đằng đẵng với những lo toan, bộn bề, cuối cùng người mẹ đã chìm trong đô thị đầy vết thương như thế, cô độc và lạnh lẽo.
Vết thương của người “mẹ” cũng chính là nỗi đau của những người già ở Hàn Quốc, một thế hệ từng vực dậy nền kinh tế đất nước, giờ lại phải sống trong cô đơn và lạnh lẽo. Họ cố gắng tự vượt qua khó khăn tuổi già mà không trông đợi vào chính phủ hay con cái. Cũng giống như hình ảnh người mẹ trong cuốn sách, những người già đang dần bị lãng quên, biến mất sau những tòa nhà chọc trời, những phố xá tấp nập.
Lý do tại sao mọi thứ lại trở nên tồi tệ như vậy? Câu trả lời có lẽ là do sự chuyển mình trong nền kinh tế Hàn Quốc. “Hãy chăm sóc mẹ” được đặt trong bối cảnh trải dài từ thời kỳ Hàn Quốc vừa chấm dứt chiến tranh cho đến khi đất nước vươn lên thành con Rồng kinh tế của châu Á. “Phép lạ kinh tế” của Hàn Quốc đã tạo ra một khoảng cách rất lớn giữa nông thôn và thành phố, và cả giữa những thế hệ. Và người mẹ trong cuốn sách đã từng ước “Không xuất hiện những tòa chung cư cao tầng giống nhau đến vậy” để có thể dễ dàng tìm thấy nhà các con bà, và cũng không cảm thấy lạ lẫm hay thậm chí là lạc đường khi đặt chân đến những nơi xa hoa và hiện đại như thủ đô Seoul.
Dường như sự thay đổi mạnh mẽ không ai ngờ tới đó đã khiến con người ta bị cuốn vào những vòng xoáy của những bộn bề, lo toan của nhịp sống hối hả, những người trẻ tuổi đành “quên” đi những người thân yêu, những giá trị truyền thống tốt đẹp xưa kia để chìm trong công việc, các mối lo riêng của bản thân, theo đuổi những thứ họ cho là “hiện đại”. Lúc đó, tôi chợt tự hỏi rằng: những người trẻ sau này khi già đi, họ có như thế hệ trước, cũng nhẫn nhịn và kết thúc cuộc đời trong sự đơn độc hay không? Hay là họ sẽ làm một điều gì đó để thay đổi những “vết thương” đã ghim sâu trong xã hội hiện tại? Tôi không chắc nữa nhưng tôi hy vọng bất kỳ ai, dù ở Hàn Quốc hay ở đất nước nào khác, rồi cũng tìm được cách gỡ bỏ những mảnh vụn trong tình cảm gia đình, bởi nếu không sẽ thật đau đớn và xót xa khi chúng ta vô tình rơi vào những vòng lặp thương tổn đó.
Nguồn ảnh: Vietnamnet
Là người thân nhưng cũng là người lạ
Nhưng đau đớn và nghiệt ngã hơn cả là chính sự chuyển biến của xã hội tưởng chừng như ngọn lửa thắp sáng của Hàn Quốc, lại đẩy những con người trong một gia đình tách xa nhau, khiến cho đến cả tình mẫu tử cũng trở thành một điều xa xỉ.
“Người ta có thể lật lại hồi ức được bao xa? Hồi ức về mẹ thì sao?”
“Mối quan hệ giữa mẹ và con gái sẽ thuộc một trong hai dạng, hoặc là biết rất rõ về nhau, hoặc là giống như người xa lạ”.
Người con gái lớn trong tác phẩm là người thân thiết nhất với mẹ. Cô luôn cho rằng mình là người hiểu rõ mẹ nhất vì phần lớn tuổi thơ và thời niên thiếu của cô gắn chặt với hình ảnh người mẹ. Nhưng những năm tháng sau đó và cho tới lúc hay tin mẹ bị lạc, cô lại không chắc là mình đã thật sự hiểu mẹ. Cô đã không hề nhận ra rằng mẹ không biết chữ, cũng không hay biết về tình trạng bệnh của mẹ, thậm chí còn lãng quên đi những kỷ niệm năm xưa, những con đường xưa cũ mà chỉ khi mẹ gợi lại cô mới chợt nhớ ra.
Và cũng chưa khi nào cô tự hỏi, liệu mẹ có thích quẩn quanh bên căn bếp không? Những ký ức cô đã quên lãng từ lâu bỗng nhiên trỗi dậy, nỗi ân hận cứ đeo bám theo từng dòng suy nghĩ. Những công việc bận rộn và những chuyến bay công tác liên tục vô hình chung đã kéo khoảng cách giữa cô và mẹ ngày một xa hơn. Để rồi khi nhìn lại, cô tự hỏi từ bao giờ mình lại trở nên xa lạ với mẹ như thế?
Shin Kyung-sook đã từng tâm sự trong một cuộc phỏng vấn: “Họ đã bỏ quê hương, mảnh đất nơi mà họ được sinh ra, tìm kiếm giáo dục và công ăn việc làm để rồi kết thúc bằng việc mất đi người mẹ. Những con người đã mất một cái gì đó quan trọng mà họ cho là điều đương nhiên và sự mất mát khiến cho họ bị hủy hoại. Đó là cuộc sống của những con người Hàn Quốc hiện đại. Hình ảnh người mẹ bị mất tích là tượng trưng cho sự biến mất của lương tâm.”
Chúng ta chẳng phải cũng có phần giống với “những đứa con đi tìm mẹ” trong này ư? Chúng ta cũng đã có rất nhiều lúc đắm chìm vào thế giới riêng của bản thân mà ngừng quan tâm, ngừng chia sẻ với những người thân trong gia đình mà?
Nhưng rồi chúng ta sẽ để cuộc đời sau này của bản thân giống với những nhân vật trong cuốn sách, hay chúng ta sẽ thay đổi để những yêu thương vẫn còn đấy?
Cái kết ám ảnh - Một lời cảnh tỉnh
Sau những gam màu tối tăm phủ suốt các tình tiết của cuốn sách, bất kỳ người đọc nào cũng sẽ như mình, hy vọng vào một kết thúc có hậu, một cái kết đủ để “khỏa lấp” nỗi đau của chính những đứa con đi tìm mẹ.
...Nhưng điều đó đã chẳng xảy ra...
Một cái kết đầy ám ảnh và day dứt, một cái kết lửng lơ và gần như không có tia sáng nào lóe lên sau từng ấy diễn biến câu chuyện. Nhưng đây cũng lại là cái kết hợp lý bởi nếu cái kết có hậu như bao cuốn sách khác, thì người đọc có thể thấy rõ được thông điệp mà Shin Kyung-sook muốn gửi gắm?
Và nếu như chúng ta không ám ảnh bởi cái kết thì chúng ta có đủ sâu sắc để kịp nhận ra sự thiêng liêng của tình cảm gia đình trước khi mọi thứ trở nên muộn màng, kịp “thức tỉnh” để học cách yêu thương gia đình một lần nữa?
Một phát hiện nho nhỏ
Shin Kyung-sook từng chia sẻ trong một bài phỏng vấn: “Đó là câu chuyện về người mẹ mất tích, nhưng cũng là một phép ẩn dụ cho nhiều điều quý báu đang mất đi, khi chúng ta chuyển mình từ truyền thống sang xã hội hiện đại”.
Người mẹ đã mất có thể được xem là đại diện cho những giá trị đang phai nhạt trong văn hóa Hàn Quốc thời nay, khi công nghiệp hóa và đô thị hóa thành công. Là một người sinh ra và lớn lên trong cuộc chuyển giao thời đại ấy, tác giả có thể cảm nhận điều đó một cách thấm thía.
Lời kết
“Mặc dù chúng ta ngày hôm nay đã sống cuộc sống hiện đại, nhưng chúng ta vẫn đang mất đi nhiều thứ. Vì vậy, qua hình ảnh của người mẹ mất tích trong tiểu thuyết của mình, tôi mong muốn mọi người phải nghĩ đến mẹ, dù bạn đang sống ở nơi đâu.”
- Shin Kyung-sook -
“Hãy chăm sóc mẹ” không chỉ đơn giản là một câu chuyện tâm tình mà còn là lời khẩn cầu tha thiết. Thời gian của đời người là hữu hạn, vì vậy hãy biết trân trọng từng phút giây ở hiện tại, hãy biết yêu thương, chăm sóc gia đình và những người thân yêu.
Ngay cả khi chúng ta băn khoăn liệu sự hiện đại hóa của xã hội này có xóa nhòa đi phần nào sự gắn kết thiêng liêng đó hay không, thì hãy luôn tin rằng “khi yêu thương đủ lớn, mọi khoảng cách sẽ không còn là vấn đề”.
Hy vọng tất cả chúng ta đều có cơ hội để yêu và được yêu...
Người viết: Đào Uyên
Thiết kế: Trâm Anh
(*) Bản quyền bài viết thuộc về BOOKIEE.ORG. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ gồm tên người viết, tên người thiết kế và Bookiee - Sách Là Niềm Vui. Mọi hành vi sao chép hoặc trích nguồn, chia sẻ bài viết không đầy đủ đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ. ________________________
Bookiee - Sách là niềm vui
👉 Fanpage
👉 Youtube
Comentários