top of page
Ảnh của tác giảBookiee - Sách là niềm vui

[Review] Hiệu ứng Pygmalion - sức mạnh của niềm tin và kỳ vọng

Đã cập nhật: 23 thg 4, 2023

"Khi chúng ta trông đợi người khác trở thành như thế nào, chúng ta có xu hướng hành động theo cách khiến cho người đó có khả năng trở nên như mong muốn của chúng ta." (Rosenthal và Babad, 1985)


“Ôi cái này bạn giỏi quá, chắc cái kia bạn cũng làm giỏi lắm nhỉ?”. Có bao giờ bạn cảm thấy tự tin vào bản thân, tinh thần vô cùng hứng khởi khi được người khác khen ngợi như vậy không? Và rồi bạn còn cố gắng để điều người kia nói trở thành sự thật nữa?


Chắc hẳn là đã rất nhiều lần như vậy rồi nhỉ, được khác tin tưởng, kỳ vọng, được đem ra làm tấm gương tốt hoặc thỉnh thoảng lại là chiếc gương xấu. Bằng cách nào đó, những điều tốt đẹp người khác mong chờ sẽ khiến bạn thấy tự tin hơn, cố gắng hơn để trở thành hình mẫu đúng như mọi người nói. Thực tế đây gọi là hiệu ứng “Pygmalion”, được hai nhà khoa học Rosenthal và Jacobson chứng minh vào năm 1968.


Nghiên cứu ban đầu của Rosenthal và Jacobsen tập trung vào một thí nghiệm ở trường tiểu học, tại đây các học sinh được làm bài kiểm tra trí thông minh. Sau đó họ đã thông báo cho các giáo viên biết tên của 20% học sinh có biểu hiện của "tiềm năng phát triển trí tuệ khác thường" và sẽ trở nên vượt trội trong vòng một năm tới.


Nhưng các giáo viên lại chẳng hề hay biết rằng những học sinh trên đều được chọn ngẫu nhiên và không liên quan đến kết quả bài kiểm tra lúc đầu. Khi Rosenthal và Jacobson trở lại kiểm tra các học sinh đó sau 8 tháng thì họ phát hiện ra những học sinh mà giáo viên được hai nhà nghiên cứu thông báo có tiềm năng đã đạt điểm số cao hơn thấy rõ.


Cơ chế hoạt động của hiệu ứng Pygmalion diễn ra theo 4 giai đoạn:

– Chúng ta hình thành kỳ vọng về con người hay sự kiện.

– Chúng ta thể hiện kỳ vọng đó qua những tín hiệu giao tiếp, đối đãi, cách cư xử…

– Người ta có khuynh hướng đáp lại những tín hiệu đó bằng cách điều chỉnh cách cư xử của họ cho phù hợp với hình tượng chúng ta kỳ vọng.

– Kết quả là kỳ vọng của chúng ta về người hoặc sự việc ban đầu trở thành hiện thực.


"Khi chúng ta trông đợi người khác trở thành như thế nào, chúng ta có xu hướng hành động theo cách khiến cho người đó có khả năng trở nên như mong muốn của chúng ta." (Rosenthal và Babad, 1985)


Hiệu ứng Pygmalion không chỉ có ở môi trường lớp học, mà còn có thể ứng dụng cả trong môi trường công việc. Nếu người lãnh đạo tin rằng mỗi nhân viên đều có năng lực làm việc tốt, đồng thời không ngừng thể hiện niềm tin đó ra thì sẽ có tác động tích cực đến hiệu suất làm việc của họ.


Trong cuộc sống chắc chắn chúng ta sẽ gặp những kỳ vọng cao và những niềm tin không tốt của người khác dành cho mình. Việc chúng ta cần làm là hãy cứ cố gắng làm thật tốt phần của mình, biến kỳ vọng đó thành tự tin và động lực để hoàn thiện bản thân. Còn những niềm tin không tốt người khác dành cho ta hãy chứng minh nó là sai, vì chỉ có bạn mới có quyền quyết định bản thân sẽ trở thành người như thế nào.


Nguồn tham khảo:

OpenEdu


Người viết: Khánh Ngọc
Người thiết kế: Khánh Nhung

(*) Bản quyền bài viết thuộc về BOOKIEE.ORG. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ gồm tên người viết, tên người thiết kế và Bookiee - Sách Là Niềm Vui. Mọi hành vi sao chép hoặc trích nguồn, chia sẻ bài viết không đầy đủ đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

 

Bookiee - Sách là niềm vui

162 lượt xem0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Comentários


bottom of page