“Học, học nữa, học mãi.” - V.I. Lenin
Từ cổ chí kim, học tập là một kỹ năng vô cùng quan trọng của nhân loại. Thế nhưng, không phải cá nhân nào cũng hiểu và biết cách xây dựng cho mình một phương pháp học tập đúng đắn và hiệu quả. “Learning How To Learn” từ Coursera là một câu trả lời hữu ích cho bất kỳ ai đang bối rối và hoang mang khi gặp phải tình trạng trên.
“Học, học nữa, học mãi.” - V.I. Lenin
Từ cổ chí kim, học tập là một kỹ năng vô cùng quan trọng của nhân loại. Thế nhưng, không phải cá nhân nào cũng hiểu và biết cách xây dựng cho mình một phương pháp học tập đúng đắn và hiệu quả. “Learning How To Learn” từ Coursera là một câu trả lời hữu ích cho bất kỳ ai đang bối rối và hoang mang khi gặp phải tình trạng trên.
Ở phần đầu tiên, mình đã giới thiệu thông tin tổng quan về khóa học “Learning How To Learn” của Coursera và những yếu tố ảnh hưởng tới quá trình học tập, bao gồm hai trạng thái học, giấc ngủ và khối thông tin (chunks).
Một lần nữa, mình muốn khẳng định “Chunks” là một thành tố cực kỳ quan trọng khi tiếp thu và sử dụng kiến thức. Việc hình thành chúng không phải là một điều đơn giản nhưng làm thế nào để duy trì và kết nối các “chunks” trong thời gian dài lại càng thách thức người học. Tiếp nối phần một, mình sẽ đưa ra một số phương pháp củng cố các “chunks”, tăng hiệu quả học tập và trí nhớ mà cô Barbara Oakley đã nhắc tới và phân tích trong khóa học này.
Khi bắt đầu hiểu một vấn đề, các dây thần kinh chứa thông tin đó sẽ hình thành nhưng còn rất yếu. Việc luyện tập nhiều lần giúp não bộ ghi nhớ sâu hơn và “tập luyện cơ” cho các dây thần kinh thêm “rắn rỏi”. Đó gọi là luyện tập có chủ đích (Deliberate Practice)
Thế nhưng, chúng ta nên luyện tập thế nào cho hiệu quả? Sau đây là những phương pháp tâm đắc mà mình đã đúc kết được qua khóa học.
Phương pháp luyện tập xen kẽ (The Interleaving technique)
Lời khuyên của cô Barbara Oakley là hãy sử dụng phương pháp Interleaving (luyện tập trộn lẫn, hay luyện tập xen kẽ). Hiểu đơn giản là bạn nên luyện tập các kiến thức hay dạng bài tập khác nhau trong cùng một hay nhiều lĩnh vực nhưng giữa chúng cần có sự liên quan nhất định. Ví dụ, thay vì luyện tập liên tiếp 10 bài tập nghe tiếng Anh, mình sẽ xen kẽ các kỹ năng khác như đọc, viết và nói.
Với kỹ thuật Interleaving, bạn có thể kích thích sự sáng tạo và linh hoạt cho não bộ, tránh rơi vào hiệu ứng Einstellung - một hiện tượng khi con người đi theo lối mòn tư duy và khó đột phá với các ý tưởng mới. Tuy nó giúp các “chunks” ở nhiều khu liên kết với nhau chặt chẽ hơn, nhưng một hạn chế của phương pháp Interleaving là kiến thức chuyên môn của bạn sẽ không chuyên sâu như những chuyên gia.
Phương pháp “Lâu đài ký ức” (The Memory Palace Technique)
“Lâu đài ký ức” là một công cụ cực kỳ hiệu quả, dễ vận dụng để tăng cường trí nhớ của người học. Đầu tiên, bạn hãy chọn cho mình một địa điểm vô cùng quen thuộc như phòng ngủ, phòng khách, bếp ăn, hay con đường tới trường,.. Tiếp đến, hãy tưởng tượng bạn đang đi vòng quanh nơi đó theo trình tự thường ngày. Trong khi đó, bạn cần liên kết các khái niệm, ý tưởng cần ghi nhớ với những đồ vật xung quanh thông qua các sự kiện thú vị và kỳ lạ (ví dụ như một ổ bánh mì bỗng nhiên rơi xuống ghế sofa). Việc hình dung lại đường đi và những đồ vật theo trình tự đó sẽ giúp bạn củng cố được khả năng ghi nhớ, đồng thời kích thích tính sáng tạo một cách đáng kể.
Phép ẩn dụ (Metaphor) hoặc phép tương tự (Analogy)
Hai phương pháp ẩn dụ và tương tự là cách tiến hành so sánh điểm tương đồng của hai sự vật, hiện tượng và kết nối chúng lại với nhau.
Hai cách này cho phép người học hình dung những khái niệm trong trí não, đặc biệt có ích không chỉ trong văn học - nghệ thuật, mà trong cả lĩnh vực khoa học.
Trong bài học giới thiệu về Chunk, cô Barbara Oakley đã sử dụng phương pháp Analogy để giải thích cơ chế hoạt động của các liên kết thần kinh khi não bộ rơi vào trạng thái tập trung cao độ. Cô Barbara chỉ ra rằng khi chúng ta tập trung, có một con bạch tuộc “chú ý” ở phần vỏ não trước trán, xúc tua của nó sẽ tràn vào bốn ổ ghi nhớ tạm thời (bốn chunks) để tạo ra các kết nối giữa các khối thông tin. Bạn thấy đấy, phương pháp này tạo ra những gợi nhớ rất trực quan, sinh động, giúp người học dễ dàng liên tưởng.
Tuy khóa học chỉ kéo dài bốn tuần, mình đã đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác khi cùng cô Barbara Oakley và thầy Terrence Sejnowski khám phá và xây dựng kỹ năng học tập. Đi theo các chỉ dẫn của họ, mình đã tự tạo ra một phương pháp học tập hiệu quả cho riêng mình. Và đúng như tinh thần của khóa học, mình đang dần khuyến khích bản thân tiếp nhận nhiều tri thức hơn, dù cho đó là lĩnh vực mình từng rất hãi hùng.
Thực tế, khóa học còn đưa ra rất nhiều bài học và lời khuyên hay ho khác nữa.
Nếu bạn có hứng thú với cách rèn luyện não bộ, hãy truy cập ngay vào Coursera và đăng ký khóa học “Learning How To Learn: Powerful mental tools to help you master tough subjects” ngay nhé.
Người viết: Thu Huyền
Người thiết kế: Khánh Nhung
Bookiee - Sách là niềm vui
👉 Fanpage
👉 Youtube
Comments