Nếu những câu chuyện cứ mãi để ngỏ, những nỗi đau cứ mãi ứ đọng, trái tim con người sẽ dần bị bào mòn. Đến một lúc nào đó, họ sẽ khánh kiệt về cả tâm hồn và thể chất, khuỵu gối trước những dặm đường phía trước.
Kỳ vọng xã hội và nhu cầu được lắng nghe
Con người trong xã hội ngày nay lao vào những guồng quay công việc như những con thiêu thân. Mỗi khi gặp phải vấp ngã, trắc trở, thật khó để tìm thấy ai trút bỏ. Quãng nghỉ thì ngắn, mà lại chẳng thể tìm thấy ai chịu ngồi lại, chăm chú lắng nghe những câu chuyện ấy trước khi mình tiếp tục chạy theo cuộc rượt đuổi mang tên “cuộc sống”. Bởi nhẽ vậy, kỹ năng lắng nghe trong kỷ nguyên này chính là một viên ngọc quý giữa xã hội bộn bề, là thứ giữ con người vững bước những dặm đua phía trước.
Bạn đã thật sự hiểu rõ về lắng nghe?
“Lắng nghe” có thể được định nghĩa là hành động nghe một câu chuyện, bài diễn thuyết, lời tâm sự,... với mục đích tiếp nhận, phân tích thông tin. Hành động “nghe” và “lắng nghe” thật chất là vô cùng khác biệt và rạch ròi. Việc bạn nghe một người không đồng nghĩa với việc bạn lắng nghe họ. Trong khi nghe là hành động được thực hiện một cách thụ động thì lắng nghe yêu cầu người thực hiện phải có sự lưu tâm và xử lý thông tin nhất định. Vì vậy, đây là một kỹ năng cần có sự tôi luyện.
Tại sao lắng nghe lại quan trọng?
Một cách gần gũi và cụ thể, đây là phương pháp để chúng ta nắm bắt thông tin, trao đổi một cách hiệu quả. Ví dụ như việc bạn đang ở trong một buổi hội thảo, dù bạn có ngồi nghe xuyên suốt vài tiếng đồng hồ mà không hề ghi chép hay tổng hợp lại các thông tin nhận được, sự xuất hiện của bạn ở hội thảo bất chợt thành vô nghĩa.
Một cách sâu sắc và mang tính cấp thiết với bối cảnh xã hội, kỹ năng lắng nghe là một công cụ mạnh mẽ để con người thỏa mãn nhu cầu kết nối. Con người trong cuộc sống bận rộn và liên tục dịch chuyển, không bất ngờ khi nhu cầu chia sẻ của họ cao hơn.
Họ cần kể về một vấn đề họ đang mắc phải, một nỗi đau tự nhiên nhói lên, một kỉ niệm bất chợt ùa về, hay đơn giản là câu chuyện bên lề họ gặp sáng nay. Chỉ có như thế, họ mới không cảm thấy cô độc, không cảm thấy bị tách biệt trong chính cuộc đời mà họ đang sống. Tưởng tượng sau một ngày dài mỏi mệt với bao nhiêu sự kiện dồn dập kéo đến, hẳn ai trong chúng ta cũng muốn ngồi xuống và trút bầu tâm sự như một cách giải tỏa.
Nếu những câu chuyện cứ mãi để ngỏ, những nỗi đau cứ mãi ứ đọng, trái tim con người sẽ dần bị bào mòn. Đến một lúc nào đó, họ sẽ khánh kiệt về cả tâm hồn và thể chất, khuỵu gối trước những dặm đường phía trước. Giữa dòng đời bơ vơ, một con người mãi chẳng thể tìm thấy ai lắng nghe tiếng nói mình cất lên, họ có xu hướng thu mình và cô lập bản thân.
Làm sao để có thể lắng nghe?
Trước khi biết được cách lắng nghe, ta phải hiểu mục đích của hành động. Lắng nghe là để hiểu được ý người nói muốn truyền đạt, những tâm tư, tình cảm mà họ muốn bộc bạch. Yếu tố đầu tiên để có thể lắng nghe chính là sự gần gũi giữa hai hoặc nhiều người. Nếu cả hai không thật sự thân thiết, hãy khiến đối phương cảm thấy thoải mái và cho họ thời gian để trải lòng.
Những cánh cửa tới với tâm hồn chỉ có thể rộng mở một khi người nói cảm thấy an toàn. Hãy ngồi xuống, mang cho họ một cái gì đó nhâm nhi, như cà phê hay ly nước cam, thì những bộc bạch của họ cũng từ đó mà trơn tru hơn.
Khi họ nói, hãy thể hiện ra là bạn đang chăm chú, có thể gật đầu, giao tiếp bằng mắt hoặc bắt chước ngôn ngữ cơ thể của họ. Đặc biệt, bạn không nên ngắt lời họ bằng những nhận xét quá chủ quan như: “Ôi vấn đề chẳng to tát tới thế!”, “Ông sếp bên tớ dã man hơn”,...
Tất cả họ cần là một người lắng nghe, không phải là một người để thi đua xem ai là kẻ vật lộn miệt mài hơn trong cuộc sống. Nhưng đồng thời, đừng quá im lặng, hãy nói những câu ngắn gọn như: “Ừ tớ hiểu”, “Tớ nghĩ là tớ từng trải qua điều đó rồi”, “Cậu không cô đơn”,. Hoặc bạn có thể đặt câu hỏi khi mà bạn cảm thấy đối phương đang chệch hướng khỏi chủ đề và bạn không nắm bắt được những gì họ đang nói.
Bạn có thể ngại lắng nghe những tâm tư của người khác bởi vì bạn tin rằng việc này tốn thời gian và không giải quyết được vấn đề. Hãy nhớ rằng, câu chuyện không nằm ở việc vấn đề có được giải quyết hay không, mà là họ cần một ai đó lắng nghe mà thôi. Một quá trình lắng nghe người khác chỉ không hiệu quả khi người đó thay vì chia sẻ, tâm sự thì than thở và chủ đích lan tỏa năng lượng tiêu cực. Đối với trường hợp này, tôi tin rằng bạn cần chủ động phân biệt để tránh gây mệt mỏi cho bản thân.
Qua những phân tích và phương pháp lắng nghe cơ bản trên, mong rằng những độc giả của bài viết có thể phát triển nhiều phương diện của bản thân thông qua kĩ năng này. Giữa cuộc sống đầy lo toan, hãy từ tốn và dịu dàng với cảm xúc của những người xung quanh bạn, và con đường ngắn nhất để mở cửa trái tim có lẽ chính là ngồi lại với tách trà, lắng nghe xem ngày hôm nay của họ ra sao.
Vậy còn bạn, bạn đã thực sự biết cách lắng nghe chưa?
Người viết: Ái Khanh
Người thiết kế: Thu Hoài
(*) Bản quyền bài viết thuộc về BOOKIEE.ORG. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ gồm tên người viết, tên người thiết kế và Bookiee - Sách Là Niềm Vui. Mọi hành vi sao chép hoặc trích nguồn, chia sẻ bài viết không đầy đủ đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
Bookiee - Sách là niềm vui
👉 Fanpage
👉 Youtube
Comments