“Lắng nghe để thấu hiểu” là kỹ năng thật sự quan trọng trong giao tiếp để kết nối con người với con người. Việc đặt bản thân vào vị trí người khác để đồng cảm và chia sẻ chưa bao giờ trở nên dễ dàng, lắng nghe để có sự thấu hiểu là khi mọi nỗ lực, sự chân thành và kiên trì của bạn trong một thời gian dài là yếu tố quyết định tất cả.
“Lắng nghe để thấu hiểu” hay còn gọi là lắng nghe thấu cảm (Empathic listening) là kỹ năng mà người nghe không chỉ nghe hay tương tác với người nói, nó còn là sự thấu hiểu ngay trong chính suy nghĩ và cảm xúc của họ.
Vì sao con người luôn có chiều hướng nghe nhưng chưa thật sự lắng nghe? Bởi hầu hết trong giao tiếp thông thường, chúng ta luôn đề cao ý kiến và cái tôi cá nhân lên trên. Bạn chỉ quan tâm đến câu trả lời mà mình sẽ đưa ra cho đối phương thay vì thật sự tập trung vào chính câu chuyện của họ. Từ đó hình thành nên một rào cản ngôn ngữ mà cả người nghe và người nói không thật sự hiểu ý nhau.
Tác giả Stephen Covey từng viết: “Đa số mọi người lắng nghe không phải để hiểu, họ lắng nghe để trả lời”. Lắng nghe và thấu hiểu là hai yếu tố quan trọng để có thể tạo nên một mối quan hệ thật sự ý nghĩa. Bên cạnh việc tập trung vào lời nói và cảm xúc của đối phương, thì việc khích lệ hay đưa ra những lời động viên lại trở thành một công cụ tương tác hiệu quả nhất.
Mặc dù nghe là phản xạ tự nhiên của con người thông qua quá trình thụ động tiếp nhận mọi loại âm thanh trong cuộc sống. Nhưng lắng nghe lại là kỹ năng cần rèn luyện và cải thiện trong một thời gian dài. Sự kiên nhẫn cùng thái độ tập trung sẽ là chìa khóa hữu hiệu, giúp chúng ta có thể thực hành và rèn luyện kỹ năng một cách chủ động nhất.
Vậy làm sao có thể rèn luyện kỹ năng “Lắng nghe để thấu hiểu” một cách hiệu quả nhất?
Trước hết, thay vì tập trung đến suy nghĩ và lời nói mà bạn muốn bày tỏ thì chúng ta nên thật sự chú tâm vào vấn đề và quan điểm mà đối phương đang nói.
“Chủ động lắng nghe” luôn là phương pháp quan trọng trong việc rèn luyện kỹ năng “Lắng nghe để thấu hiểu” một cách tốt nhất. Việc trở nên chủ động hơn trong mọi cuộc trò chuyện phụ thuộc phần lớn vào thái độ và cách ứng xử của bạn.
Ngay khi có thể bắt đầu cuộc hội thoại, hãy tạo cho bản thân một không gian riêng, tránh việc mất tập trung hay xao nhãng, chú tâm hoàn toàn vào câu chuyện của đối phương, từ đó sẽ tạo nên sợi dây kết nối vô hình giúp cuộc trò chuyện trở nên chân thành và ý nghĩa hơn.
Bên cạnh đó chúng ta nên thể hiện sự tôn trọng với ý kiến mà người khác đưa ra, không nên phán xét hay ngắt lời khi câu chuyện của họ chưa thật sự kết thúc. Điều đó được đánh giá như thước đo giá trị và thái độ mà bạn dành cho đối phương. Hãy là người lắng nghe thông minh, chủ động nhưng không vội vã, thấu hiểu chứ không áp đặt. Thay vì đưa ra những lời khuyên không thật sự cần thiết thì chúng ta nên động viên, an ủi hay đồng cảm với người nói. Bởi họ chỉ cần như vậy thôi, chân thành là đủ, sự liền mạch trong suy nghĩ và cảm nhận sẽ giúp cuộc hội thoại trở nên hữu hiệu hơn.
Hãy là người lắng nghe thông minh,
chủ động nhưng không vội vã, thấu hiểu chứ không áp đặt
“Lắng nghe để thấu hiểu” là kỹ năng thật sự quan trọng trong giao tiếp để kết nối con người với con người. Việc đặt bản thân vào vị trí người khác để đồng cảm và chia sẻ chưa bao giờ trở nên dễ dàng, lắng nghe để có sự thấu hiểu là khi mọi nỗ lực, sự chân thành và kiên trì của bạn trong một thời gian dài là yếu tố quyết định tất cả. Hãy trở thành người “Lắng nghe thấu hiểu” để có ánh nhìn sâu sắc hơn về con người và cuộc sống xung quanh ta.
Còn bạn thì sao?
Sau khi đọc xong bài viết này, bạn sẽ "lắng nghe thấu hiểu" mọi người hơn chứ?
Người viết: Ngọc Huyền
Người thiết kế: Phạm Việt
(*) Bản quyền bài viết thuộc về BOOKIEE.ORG. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ gồm tên người viết, tên người thiết kế và Bookiee - Sách Là Niềm Vui. Mọi hành vi sao chép hoặc trích nguồn, chia sẻ bài viết không đầy đủ đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
________________________
Bookiee - Sách là niềm vui
👉 Fanpage
👉 Youtube
Comentários