Một lão phó mì thương con đến mù quáng, từ triệu phú trở nên khánh kiệt.
Một sinh viên luật ngán ngẩm với cuộc sống nghèo khổ, đánh đổi sự lương thiện của mình để tìm đường vào xã hội thượng lưu.
Một tên tù khổ sai vượt ngục tinh ranh và tàn nhẫn.
Sự thật đên tối của xã hội pháp thời xưa đã được phơi bày một cách chân thực.
Điều gì đã tạo nên những chân dung đó, điều gì đã nhào nặn nên một xã hội Pháp đầu thế kỉ XIX đảo điên và hỗn loạn như vậy? Lời giải đáp cho những câu hỏi đó đã được Balzac đưa ra trong cuốn tiểu thuyết “thật hơn sự thật” của mình - Lão Goriot.
Bạn sẽ đối mặt hay né tránh?
Con người ta thường có hai xu hướng: né tránh hoặc chọn cách đối mặt trước hiện thực. Không biết là may hay rủi, nhưng khi đọc tác phẩm này bạn cũng phải lựa chọn một trong hai phương án đó. Bởi như đã nói, cuốn sách này là hiện thực, con người thực, thời gian thực, chi tiết thực và nỗi đau cũng là sự thực.
Ta phải chọn 1 trong 2 cách: né tránh hoặc đối mặt với hiện thực.
Balzac đã mở đầu “Lão Goriot” với một lời dự báo “...tấn bi kịch này chẳng phải là chuyện hư cấu, cũng không phải là một thiên tiểu thuyết. All is true, nó là chuyện thật, thật đến nỗi mỗi người đều có thể nhận thấy những yếu tố của nó ngay ở mình, trong lòng mình cũng nên”. Bi kịch chẳng phải là hư cấu, bi kịch trong mỗi con người, chân thật đến không tưởng.
Có thể với nhiều người, ấn tượng ban đầu về cuốn sách này là khó đọc, bởi sự đồ sộ và trần trụi của nó. Nhưng khi lật giở những trang đầu tiên của cuốn sách này, người ta sẽ thấy khó theo một cách khác – khó lòng đặt xuống. Bởi chắc chắn Balzac, với vốn tri thức uyên bác, ngôn từ phong phú, chi tiết sắc bén và lối kể chuyện lôi cuốn sẽ không làm bạn thất vọng.
Balzac – người “họa” lại lịch sử Pháp bằng văn chương
Honoré de Balzac xuất hiện khi những tên tuổi nổi tiếng như Victor Hugo hay Alfred de Musset đang tỏa sáng rực rỡ. Khác với họ, “ông chẳng có một quá khứ dòng dõi, một cái tên, một lâu đài để mà nhớ tiếc”, không có những không gian thơ mộng để bay bổng, say mê. Ông gây ấn tượng với những bộ tiểu thuyết đồ sộ ghi lại chân thật lịch sử Pháp.
Chân dung tác giả Honoré de Balzac. Nguồn: www.theguardian.com
Trong thời gian học luật, chứng kiến nhiều bi kịch và tội ác, Balzac dần hiểu được bản chất của con người. Quyết định chọn một hướng đi khác, ông dùng ngòi bút của mình để vạch trần bất công, sai trái của xã hội Pháp đương thời – xã hội mà như ông nói: “luật pháp và luân lý đều bất lực” và “tiền của là đạo đức”. Balzac đã nhìn thẳng vào hiện thực, dùng ngòi bút tỉ mỉ dựng lại những vũ hội xa hoa, dinh thự lấp lánh đối lập gay gắt với một bên là góc phố tăm tối, quán trọ ngột ngạt, sòng bài, nhà hát và quán rượu nhốn nháo, ồn ào.
Khía cạnh ấn tượng
Phần tiếp theo là phân tích chi tiết về đánh giá, cảm nhận cá nhân nên không tránh khỏi việc tiết lộ nội dung. Mọi cuốn sách đều sẽ mất đi ít nhiều thú vị nếu bạn biết kết thúc trước cả khi nó bắt đầu. Vì vậy, để có một trải nghiệm trọn vẹn với Bookiee, bạn hãy đọc cuốn sách này và trở lại với chúng mình sau nhé!
Nơi trú chân tạm bợ cho những khao khát dở dang
Balzac đã đặt các nhân vật của mình tại một nơi gặp gỡ kì lạ - nhà trọ Vauquer. Quán trọ được đặt trong những gam màu nhợt nhạt, phai màu, u ám từ vàng khè, vàng vọt, xám xịt, nâu xám, xanh lam, đen thui đến nước sơn tróc vảy, chắp vá, màu vôi bạc phếch, hoen ố. Các thứ đồ đạc thì cùng một vẻ “già nua, rạn nứt, mục nát, run rẩy, mọt ruỗng, què cụt, chột lác, tàn phế, hấp hối”. Ta không thể tìm thêm bất kì một gam màu tươi tắn nào trong bức tranh quán trọ ấy. Không gian đã trở thành cái phông nền làm nổi lên những “tấn bi kịch âm thầm mà khủng khiếp” và đỏ rực như máu.
Quán trọ của hiện thực ấy chỉ toàn gam màu u ám.
Những chi tiết nhỏ nhặt nhất nơi quán trọ đều được dụng công miêu tả, từ đường nét đến màu sắc, từ không khí đến mùi hương. “Mùi quán trọ” là thứ mùi “không có tên trong ngôn ngữ”, “nó nồng nặc mùi hơi mốc ôi khét; nó lạnh lẽo, nó xông hơi ẩm vào mũi, nó thấm vào quần áo, nó có mùi vị một căn phòng ở đấy người ta vừa mới ăn xong; nó sặc mùi hôi bát đĩa, mùi hôi nhà bếp, mùi hôi viện tế bần”.
Để miêu tả cảnh sống của những con người ấy, Balzac hẳn đã sử dụng tất cả hay đúng hơn là gần như mọi giác quan. Bởi giác quan phát hiện và cảm nhận cái đẹp dường như không cần dùng đến trong trường hợp này. Và cũng chính ở nơi đó đó, có những con người bị cuộc đời giữ chân, nhưng tâm trí thì len lỏi, mơ tưởng về kinh đô phồn hoa, rực rỡ.
Với những con người không được ai nhớ tới
Quán trọ, xét cho cùng chỉ là nơi trú chân tạm bợ của những kẻ không thuộc về xã hội đương thời. Người bị xã hội từ chối, kẻ náu mình chờ cơ hội đổi đời. Một nơi bị bỏ quên, với những con người bị xã hội lãng quên mất. Đó là cô Victorine bị người cha ruồng bỏ để giành toàn bộ tài sản cho con trai. Bà Couture cùng người con gái đáng thương sống qua ngày với chút di sản ít ỏi mà chồng để lại. Bà chủ Vauquer bị chồng đối xử tệ hại, chỉ để lại cho bà một “đôi mắt dành để khóc”.
Và đặc biệt là lão Goriot - một con người đã “quay cuồng với đủ thứ bất hạnh ở đời, hoặc đủ thứ nhơ nhuốc của xã hội”. Cuộc đời lão Goriot bắt đầu cùng sự cô đơn, tụt dốc trong sự cô đơn, cả khi lão ra đi trong căn phòng áp mái tồi tàn, nhỏ bé, được đặt trong một chiếc quan tài chôn vùi dưới lòng đất vẫn chìm trong nỗi cô đơn.
Cuộc đời ông lão chìm trong nỗi cô đơn.
Nó là một nhà tù ngột ngạt, tù túng, giam hãm con người. Không ai biết họ đã mắc tội gì: lầm lạc, lừa lọc, tham lam, vô cảm hay yêu thương mù quáng? Chỉ biết rằng tất cả đều đang cố “vượt ngục”, thoát khỏi không gian đó, thoát khỏi số phận thấp kém, nghèo khổ và bi thảm của mình. Vautrin chọn con đường trở thành một tên trộm khét tiếng, tàn nhẫn và mưu mô. Còn Rastignac lựa chọn đánh mất sự hồn nhiên của mình, đánh đổi lương tri, bất chấp tất cả để tiến vào vũng bùn mang tên “giới thượng lưu”.
Trước những số phận ấy, mình chợt có suy nghĩ rằng đến tận cùng, con người có thể đánh đổi và nên đánh đổi điều gì cho giấc mơ. Có lẽ mỗi người, trong mỗi giai đoạn khác nhau của cuộc đời sẽ có câu trả lời riêng của bản thân. Mình chỉ biết một điều rằng, khi ta đánh mất cả bản thân mình, “ước mơ” sẽ không còn mang ý nghĩ tốt đẹp vốn có của nó nữa.
Một “kinh đô ánh sáng” khác xa trong tưởng tượng của bạn
Paris trong ấn tượng của nhiều người khoác lên mình sự say đắm, mộng mơ, tràn đầy sức sống với những “cuộc hội hè miên man” đầy lãng mạn. Và đôi khi là một Paris xưa cũ, mờ ảo “từ thăm thẳm lãng quên”. Trong cuốn sách này, Balzac đã đem đến một góc nhìn mới, phá bỏ những “bộ lọc” thơ mộng, trả về nguyên trạng Paris những năm đầu thế kỉ XIX chìm trong sự xa hoa, tráng lệ, ánh sáng nhưng ẩn sau đó là sự thối nát, xấu xa, tăm tối.
Paris trong “Lão Goriot” vẫn là một kinh đô ánh sáng, là niềm mơ ước của rất nhiều người. Ở đó có đủ những nam tước, bá tước quý tộc, nhân vật danh vọng, sứ thần, tổng trưởng, nữ tử tước, đủ loại danh hiệu, “lòe loẹt bội tinh, huy chương sặc sỡ muôn màu”. Nhưng sự rực rỡ, hào nhoáng che giấu cho cái nhơ nhuốc; gọn gàng, cầu kỳ phủ lên sự nhốn nháo và vẻ xa hoa, sang trọng chỉ để che đậy sự thối nát, tầm thường.
Paris hoa lệ trong trí óc chúng ta cũng tồn tại hiện thực thối nát.
Cuộc sống thượng lưu khiến con người “quý tộc hóa” theo chiều hướng tiêu cực: sa đọa tiêu xài hoang phí thậm chí là nợ nần; trở nên xa cách, ngại ngùng và có phần khinh thường với người bố của mình khi đã bòn rút đến cùng kiệt; lúc cha hấp hối, hai người con gái không có quyền tự quyết định có đến thăm cha vì chồng không cho phép. Không gian quý tộc là ngôi nhà của Anastasie và Delphine như chiếc lồng xa hoa vây hãm khiến họ không thể thoát ra.
Chính sự sa hoa lấp lánh đã thổi bùng lên lòng tham trong mỗi con người và biến họ trở thành những cỗ máy chỉ có thể “sống” khi được nạp thêm tiền. “Tất cả bọn họ đều có thể dửng dưng đi trước một người mù ở ngoài phố, nghe một chuyện bất hạnh mà không hề xúc động, nhìn thấy trong cái chết lối thoát của một kiếp sống cơ cực làm cho họ lạnh lùng trước cảnh hấp hối khủng khiếp”. Ta dường có có thể thấy được sự nứt vỡ trong quan hệ, tiếng “kẽo kẹt” trong lời nói giữa người với người. Bọn họ như “một bộ bánh xe khô dầu”, khoảng cách chỉ có thể lấp đầy bằng tiền và những đồng vàng lấp lánh.
Chắc chắn khi viết những dòng văn này, Balzac không đơn thuần chỉ muốn ghi lại hiện thực xã hội Pháp những năm đầu thế kỉ XIX. Ông còn muốn gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh những con người đang tự tách nhân tính ra khỏi nhân dạng của mình.
Đôi lời thay cho kết thúc
Với “Lão Goriot”, Balzac đã gạt phăng thứ gấm vóc tốt đẹp phủ lên xã hội nhơ nhuốc, bẩn thỉu, giật phăng thứ mặt nạ giả dối của hạng người xấu xa, độc ác của xã hội Pháp đương thời. Tác phẩm như một bức tranh thê lương về số phận con người trong một thời đại mà ánh sáng của kim tiền tỏa đi mọi ngõ ngách của cuộc sống và tâm hồn con người, phơi bày một xã hội Paris thối nát đến cùng cực, bế tắc không có lối thoát.
Dù ra đời cách đây gần hai thế kỉ, tác phẩm vẫn sống động và có giá trị với nhiều người, qua nhiều thời. Đó quả thực là những trang văn mà mỗi lần được đọc lại như làm sống dậy một góc phố, kinh đô, một số phận và cả một thời đại.
Hi vọng hồi chuông Balzac đã gióng lên giữa thế kỉ XIX vẫn có thể vang lên khi bạn thưởng thức cuốn sách này, nhắc nhở ta về giá trị của tình yêu thương và ý nghĩa thực sự của ước mơ.
Còn bạn, bạn nghĩ sao về cuốn sách này? Hãy chia sẻ cho Bookiee biết nhé!
Người viết: Hiếu Ngân
Người thiết kế: Thu Hoài
(*) Bản quyền bài viết thuộc về BOOKIEE.ORG. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ gồm tên người viết, tên người thiết kế và Bookiee - Sách Là Niềm Vui. Mọi hành vi sao chép hoặc trích nguồn, chia sẻ bài viết không đầy đủ đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
______________________________
Bookiee - Sách là niềm vui
👉 Fanpage
👉 Youtube
Comments