Kim cương mất ba tỷ năm để hình thành, chờ đợi trăm năm để được con người tìm ra và trải qua vô vàn thử thách tôi luyện, rèn giũa để trở thành viên đá quý lấp lánh.
Lời mở đầu
Mỗi một cuốn sách đi qua cuộc đời tôi đều gắn với một câu chuyện đáng nhớ nào đó. Tôi trải nghiệm cuộc sống, tôi đọc sách, và tôi làm cho cuộc đời mình trọn vẹn hơn. Tôi yêu sách, yêu cả cách những câu chuyện trong sách đến với cuộc sống của tôi.
Vào mùa hè năm trước, tôi có cơ duyên đến với một ngôi làng nhỏ, khung cảnh và con người nơi đây mang lại cho tôi một cảm giác yên bình và tĩnh lặng. Cuộc sống ở đây như một thước phim tái hiện lại khung cảnh làng quê Việt Nam hàng chục năm về trước, nơi những bác nông dân dầm mưa dãi nắng, mồ hôi ướt đầm vai áo đã sờn cũ với gió sương, với những em bé mặt mũi lấm lem. Những em lớn một chút thì đang cắt cỏ phụ mẹ phía đồng xa, những em nhỏ hơn thì đang ngồi dưới gốc đa đầu làng chơi đuổi bắt.
Mọi người ở đây đều hiếu khách nhưng đâu đó vẫn mang trong mình chút e ngại, có lẽ vì cuộc sống ở đây chỉ bó hẹp dưới lũy tre làng, nên mọi người vẫn chưa thực sự cởi mở. Cuộc sống của mọi người ở đây vẫn còn nhiều bộn bề lo toan và những khó khăn thường trực; nhiều gia đình vì quá nghèo, nhà lại có bốn năm mụn con nên dù rất muốn nhưng không thể nào lo cho tất cả các con được đến trường. Nhắc đến những câu chuyện vì khó khăn về kinh tế dẫn đến sự thiếu thốn về điều kiện giáo dục khiến tôi có chút thương cảm. Nhưng cũng chính tại ngôi làng này, tôi cũng đã được nghe một câu chuyện hết sức cảm động về sự tử tế.
Câu chuyện này là về một anh sinh viên sinh ra và lớn lên ở chính ngôi làng này, từ bé anh đã chứng kiến và trải nghiệm những nỗi vất vả nơi thôn nghèo xã vắng, anh luôn ấp ủ ước mơ học cao, đem tri thức về truyền dạy lại cho các em nhỏ, giúp vơi bớt đi cuộc sống nghèo khó ở quê. Lên đại học, vào mỗi dịp nghỉ hè, anh đều dành thời gian về quê, mở một lớp dạy miễn phí cho những em nhỏ có hoàn cảnh gia đình khó khăn. Lúc chúng tôi đến làng cũng là lúc anh ra trường được hai năm, anh lựa chọn từ bỏ công việc lương cao trên thành phố, quyết định trở về làng thực hiện tiếp ước mơ mang con chữ đến với tất cả các em nhỏ. Anh cũng đã dùng số tiền dành dụm của mình xây một ngôi nhà nhỏ để tiện dạy học cho các em vào các buổi tối.
Có một câu khi anh chia sẻ với chúng tôi khi đó, đã khiến tôi và tất cả những người bạn đi cùng ấn tượng mãi đến tận bây giờ: “Giáo dục là cốt lõi của mọi sự phát triển. Có những vấn đề tưởng chừng như khó khăn trong cuộc sống thì thực chất đều có thể giải quyết được bằng giáo dục, tại vì đầu tư vào giáo dục chính là đầu tư vào tương lai...”
Lời chia sẻ của anh làm tôi nhớ đến một cuốn sách mang tên “Lời hứa về một cây bút chì” của Adam Braun. Đây là một cuốn tự truyện của chính tác giả về “hành trình từ 25 đô-la đến 250 trường học dành cho trẻ em trên toàn cầu và câu chuyện phi thường của một CEO nuôi chí thay đổi thế giới bằng giáo dục”.
Nội dung sơ lược
Lần đầu tiên nhìn thấy cuốn sách, tôi đã bị ấn tượng bởi chiếc bìa in hình anh tác giả Adam Braun chụp cùng một cô bé nhỏ nhắn. Cả hai đều đang hướng về phía máy ảnh, nở một nụ cười rất tươi, như cách mà giáo dục đã mang đến hạnh phúc cho tất cả những đứa trẻ vậy.
Adam lớn lên trong một gia đình gốc Do Thái, một gia đình có truyền thống coi trọng giáo dục. Và Adam cũng đã từng có một cuộc đời khiến bao người phải mơ ước: “Tôi đang sở hữu tất cả những gì mà tôi từng cho là sẽ khiến mình hạnh phúc - công việc, căn hộ, cuộc sống mơ ước. Tủ quần áo của tôi chật cứng những bộ com-lê công sở ấn tượng, tấm danh thiếp in tên của một công ty danh giá, khiến tôi đi đâu cũng được trọng vọng.”
Nhưng đến một ngày anh nhận ra rằng “thành công trong cuộc đời không phải là đáp ứng kỳ vọng của người khác, mà là đạt đến sự viên mãn của bản thân”. Với ý nghĩ đó, anh quyết định dành ra cho mình một khoảng không gian riêng - một năm gap-year. Trong quãng thời gian này, anh đã đăng ký tham gia chương trình “Học kỳ trên biển”, với anh đó là chặng hành trình tự khám phá bản thân, chấp nhận bước chân ra khỏi vùng trời bình yên và tự tìm ra cho mình một con đường mới, một hướng đi mới.
Cảm nhận của tôi
Trên suốt chặng hành trình đó, anh đã có cơ hội đặt chân đến những vùng đất mới, và chính nó cũng là cái duyên đưa anh tới Taj Mahal - một vùng đất tại Ấn Độ. Trên đường khám phá vùng đất này, anh tình cờ gặp được một cậu bé ăn xin và anh hỏi cậu bé rằng:
“Nếu cậu có thể có bất cứ thứ gì trên đời, đó sẽ là gì?” Chúng ta hãy thử đặt mình vào vị trí cậu bé kia, liệu chúng ta sẽ chọn gì:
Phải chăng sẽ chọn một món đồ chơi yêu thích, hay là có được một bữa ăn ngon? Nhưng không, cậu bé chỉ mong muốn có được một cây bút chì.
(Nguồn ảnh: Unplash)
Khi nhận được chiếc bút chì từ anh Adam, cậu bé trân trọng nó như một viên kim cương quý giá. Thì ra cậu bé chưa bao giờ được đi học, nhưng khi cậu thấy những đứa trẻ khác cầm chiếc bút chì trên tay, cậu khao khát được đến trường, khao khát được tự tay cầm chiếc bút chì để viết lên những nét chữ đầu tiên, vẽ lên ước mơ của chính mình.
“Đối với tôi, cây bút chì đó chỉ là một dụng cụ để viết, nhưng đối với cậu bé kia, nó là một chiếc chìa khoá. Nó là một biểu tượng. Nó là cánh cổng đến với sự sáng tạo, sự hiếu kỳ và khả năng.”
Adam nuôi giấc mơ xây dựng trường học cho những trẻ em nghèo trên toàn cầu và dành nhiều năm tuổi trẻ để thực hiện giấc mơ ấy. Chính câu nói của cậu bé người Ấn Độ đã giúp anh thêm vững tin vào giấc mơ của mình, anh mang theo mình niềm tin để xây dựng nên tổ chức PoP với sứ mệnh trao gửi tri thức cho hàng triệu trẻ em trên toàn thế giới.
Khi ngôi trường đầu tiên dành cho trẻ em nghèo được hoàn thành, Adam đã nói với bà rằng, anh dành tặng ngôi trường này cho bà - người đã dùng toàn bộ nỗ lực và tình yêu thương của mình để mang đến cho thế hệ con một cơ hội được học tập và được tiếp xúc với nền văn minh.
Adam xây dựng những ngôi trường vừa để giúp những đứa trẻ có cơ hội tiếp cận với tri thức, và cũng vừa để tôn vinh những người anh yêu thương nhất, những người đã hy sinh rất nhiều để Adam trở thành một con người có học thức và yêu thương mọi người như ngày hôm nay.
Qua cuốn sách này, thông qua cách Adam Braun xây dựng và lãnh đạo một tổ chức, chúng ta - những người trẻ cũng có thể học thêm được về kinh doanh và khởi nghiệp. Không một thành công của một tổ chức nào mà chỉ do sự cố gắng của một người, đó là kết quả của sự hợp sức của cả một tập thể.
Ngay khi đọc xong cuốn sách, tôi đã ngay lập tức tra cứu thông tin của tổ chức PoP. PoP là viết tắt của Pencil of Promise (Lời hứa về một cây bút chì), một tổ chức phi lợi nhuận đã xây dựng được hơn 200 trường học trên khắp châu Á, châu Phi và Mỹ La-tinh, giúp cho các trẻ em nghèo có hơn 30 triệu giờ học. Tôi đã theo dõi thông tin của tổ chức trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook và Instagram. Mỗi lần trang chủ của tổ chức đăng tải hình ảnh về một ngôi trường mới được xây dựng hay hình ảnh những đứa trẻ vui cười bên bàn học và sách vở, lòng tôi lại rộn lên niềm vui và niềm hy vọng. Đây không chỉ là một tổ chức, đây còn là một gia đình lớn bao bọc tất cả những trẻ em nghèo trên toàn cầu.
(Nguồn ảnh: Unplash)
Giá trị của sách
Cuốn sách cũng đã truyền cho tôi một động lực để vững tin theo đuổi đam mê.
“Kim cương mất ba tỷ năm để hình thành, chờ đợi trăm năm để được con người tìm ra và trải qua vô vàn thử thách tôi luyện, rèn giũa để trở thành viên đá quý lấp lánh.”
Chỉ cần bạn có sự nỗ lực và con đường đi đúng đắn, thành công sẽ mỉm cười với bạn, và thành công của bạn sẽ giúp ích được cho cả những người xung quanh bạn.
(Nguồn ảnh: Unplash)
Hãy đọc “Lời hứa về một cây bút chì” để cảm nhận tầm quan trọng của giáo dục và trên hết là cảm nhận được sự tử tế vẫn đang hiện hữu trong cuộc sống này.
(*) Bản quyền bài viết thuộc về BOOKIEE.ORG. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ gồm tên người viết, tên người thiết kế và Bookiee - Sách Là Niềm Vui. Mọi hành vi sao chép hoặc trích nguồn, chia sẻ bài viết không đầy đủ đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
______________________________
Bookiee - Sách là niềm vui
👉 Fanpage
👉 Youtube
"Đối với tôi, cây bút chì đó chỉ là một dụng cụ để viết. Nhưng đối với cậu bé kia, nó là một chìa khóa. Nó là một biểu tượng. Nó là cánh cổng đến với sự sáng tạo, sự hiếu kỳ và khả năng"
yessssssss!
Nhiều người hay so sánh giá trị một cây bút và một chiếc nhẫn hay kim cương. Mình thấy nó thật khập khiễng. Giá trị của một món đồ không chỉ nằm ở giá tiền của nó. Mà còn nằm ở những ý nghĩa ẩn sâu bên trong. Giống như đối với cậu bé này là cây bút chì, nhưng đối với bé Thu thì đó là một chiếc lược ngà vậy. Love 🐾