Những nỗi đau khó nói thành lời
Lo lắng, hồi hộp, thương xót là những cảm xúc bạn có được; “Sao lại có thể...?”, “Có thật là...?” là những câu hỏi mà bạn sẽ thốt ra khi đọc “Luật ngầm”.
“Luật Ngầm” là một câu chuyện, là cuộc đời của An- cô gái sở hữu một lòng dũng cảm, phải đối mặt với vô số điều bất công. Khéo léo lồng ghép nhiều vấn đề trong cuộc sống từ đơn giản đến phức tạp, từ những việc dễ bắt gặp hằng ngày đến việc khó có thể tin là thật, nhưng vẫn có sự gắn kết chặt chẽ, điều này giúp tác giả thành công trong việc dẫn dắt người đọc vào thế giới của mình.
Tại sao bạn nên đọc quyển sách này?
“Luật Ngầm” không đơn thuần chỉ là một cuốn tiểu thuyết, như chính tác giả nhận định đây là một bản giao hưởng - nơi mà những nốt trầm và khoảng lặng chiếm ưu thế. Sẽ có những lúc giai điệu hùng tráng được vang lên nhưng rồi lại nhanh chóng lặng đi trong sự tiếc nuối. Những chi tiết bất ngờ luôn được lồng ghép xuyên suốt tác phẩm sẽ khiến bạn cứ liên tục hồi hộp và không thể ngừng đọc vì sự cuốn hút khó tả.
Cuốn sách "Luật ngầm" khiến cho độc giả trải qua nhiều cung bậc cảm xúc
Cho đến khi kết thúc, thay vì đem lại một cái kết trọn vẹn thì tác giả lại khiến độc giả tiếp tục trầm tư, suy nghĩ về tương lai và cuộc sống của nhân vật chính. Sẽ tiếp tục là những ngày dài tăm tối hay sẽ có một tia hy vọng loé ra nhưng chưa kịp sưởi ấm một ai thì đã mau chóng lụi tàn.
Mặc dù gam màu chủ đạo của tác phẩm là đau buồn, nhưng đâu đó vẫn tồn tại những khoảnh khắc khiến người đọc bất chợt có niềm tin vào những điều nhỏ nhặt nhất, vào những điều tưởng chừng như không thể… Hãy đọc quyển sách này và bạn sẽ có những khoảnh khắc bắt gặp được chính mình trong “Luật Ngầm”: sự ngây ngô, sự bồng bột; những tâm sự khó nói, những nỗi buồn khó chia sẻ cùng ai...
Tuệ Nghi – cô là ai?
Tuệ Nghi tên thật là Phan Thanh Bảo Ngọc, cô tốt nghiệp ngành Luật, là một doanh nhân và cũng là một nhà văn viết về những điều mình thích. Tuổi thơ của cô khắc nghiệt hơn những đứa trẻ cùng trang lứa. Thiếu vắng tình thương của cha từ năm 14 tuổi, phải ra đời sớm để phụ giúp mẹ, cô dường như buộc phải trở nên mạnh mẽ vì không có ai để nương tựa vào. Trải qua rất nhiều biến cố nên cô có cái nhìn rất thật về đời. Đó cũng là một trong những tiền đề để cô sáng tác “Luật Ngầm” - cuốn tiểu thuyết đầu tay ở độ tuổi còn rất trẻ.
Chân dung tác giả Tuệ Nghi. Nguồn: 1book.vn
Tuệ Nghi sở hữu cho mình không quá nhiều tác phẩm nhưng hầu hết đều tạo tiếng vang lớn như: “Cứ bình tĩnh”, “Đàn ông hay hứa, phụ nữ hay tin”, “Can trường bước tiếp” và cả “Sẽ có cách, đừng lo!” - một trong những cuốn sách bán chạy nhất của cô.
Tuệ Nghi dẫn dắt người đọc qua các cung bậc cảm xúc theo cách nhẹ nhàng nhất bằng một phong cách viết chân thực. Và một khi đã đọc những tác phẩm của cô, gần như ít ai có thể dừng lại vì lối viết cuốn hút lạ thường. Cảm xúc đa dạng là điều mà bất kì người đọc nào cũng được trải nghiệm khi đọc các tác phẩm của cô.
Khía cạnh ấn tượng
Cảnh báo lộ tình tiết: Đây là phần phân tích chi tiết về đánh giá, cảm nhận cá nhân nên không tránh khỏi việc tiết lộ nhiều nội dung. Để đảm bảo một trải nghiệm trọn vẹn với Bookiee, các bạn hãy đọc sách trước và quay lại với chúng mình nhé!
Để rồi chúng ta phải nuối tiếc vì…
Ít ai có thể sống mà không bao giờ nuối tiếc vì điều gì: vì một quyết định vội vã, vì sự bồng bột nhất thời hay là vì bỏ lỡ một cơ hội – thứ mà có thể thay đổi hoàn toàn cuộc đời một người. Tôi không khỏi cảm thấy tiếc cho An vì dường như cô đã bỏ lỡ quá nhiều cơ hội để được hạnh phúc. Thứ hạnh phúc đơn giản bị tước khỏi tay An hết lần này đến lần khác.
Giá như lúc đó An có được chiếc “đầm công chúa màu hồng bằng voan có đính nơ to đằng sau lưng” thì có thể bây giờ chúng ta sẽ được nhìn thấy cảnh tượng một cô ca sĩ xinh đẹp đang đứng trên sân khấu cất tiếng hát thánh thót và sau đó là một tràng vỗ tay giòn giã. Nhưng trớ trêu thay đó chỉ là những điều mà tác giả đã thầm vẽ ra trong tâm trí người đọc rồi mạnh mẽ dội một gáo nước thật mạnh để dập tắt đi hy vọng nhỏ nhoi ấy.
An đã lỡ mất cơ hội được đứng trên sân khấu
Khoảnh khắc gia đình quây quần cùng nhau bên mâm cơm dường như là điều xa xỉ đối với An. Tiếng lạch cạch mở cửa, tiếng nổ lạch bạch của chiếc xe máy tồi tàn của ba là những âm thanh An mong đợi từng ngày. Những điều tưởng chừng như đơn giản nhất, nhỏ nhoi nhất, hiển nhiên đối với nhiều người lại là những điều vô giá với An. Nỗi thương lòng quá lớn đã khiến cô có những suy nghĩ, hành động làm tổn thương người đàn ông cô yêu thương nhất. Để rồi khi giây phút chia li ập đến, cảm xúc ngập trong lòng cô chính là sự nuối tiếc và tự trách.
Những cảm xúc An dành cho ba luôn mâu thuẫn với nhau: cô đã từng thương ba vô bờ bến, rồi lại thất vọng, sợ hãi chính người mình từng yêu thương nhất. Phải chăng Tuệ Nghi đã quá tàn nhẫn khi để cho một cô bé còn quá nhỏ phải trải qua những cảm xúc ấy, những cảm xúc mà có thể khiến con người ta sống trong hạnh phúc và cũng đồng thời có thể quật ngã những người kiên cường nhất. Những xúc cảm ấy vẫn luôn mãnh liệt, chỉ là chuyển từ yêu thương sang hận thù.
Tôi chỉ ước rằng có một điều kì diệu nào đó có thể giúp An biết được những khoảnh khắc nào là lần cuối. Vì những lần cuối không báo trước đó đã khiến một cô gái đã chịu nhiều thương tổn lại càng thêm dằn vặt bản thân, lại chồng chất thêm những nuối tiếc…
Dường như những tổn thương về mặt tình cảm quá lớn đã khiến niềm tin vào tình yêu của An không còn. Cô vẫn yêu nhưng rất dè chừng, tình yêu đối với cô chỉ là tạm bợ, để rồi khi chợt nhận ra tình yêu ấy từ thật lòng thì mọi thứ đã quá muộn màng. Thẩm vì cô mà phải hy sinh – cô lại dằn vặt, nuối tiếc và rồi thu mình lại như lúc ba cô mất.
Hãy cố gắng để bản thân không phải thốt ra hai từ “Giá như…” vì đó là khi đã quá muộn màng, là khi chúng ta không thể làm gì để cứu chữa được nữa, và đó cũng là khoảnh khắc khiến chúng ta đau lòng nhất vì phải chứng kiến cảnh từng thứ chúng ta yêu quý dần dần rời xa trong sự tiếc nuối…
Hiểu chuyện đồng nghĩa với việc hy sinh
Thương An thôi là không đủ, và cũng chưa chắc ta có thể đồng cảm được với từng cảm xúc, suy nghĩ ấy, vì cô gái bé nhỏ này đã phải trải qua quá nhiều thứ, đối mặt với những điều quá kinh khủng, có phải chăng ông Trời đã quá bất công với cô…Tôi luôn thầm ước rằng An sẽ có một người anh trai – người có thể che chở, bao bọc, bảo vệ cô trước những đau thương của cuộc đời.
An là một đứa trẻ hiểu chuyện, từ khi còn rất nhỏ cô đã biết thực tại xung quanh mình diễn ra như thế nào. Luôn cố gắng đem lại những tiếng cười, niềm vui cho gia đình, vì cô tin rằng những điều đó có thể cứu vãn được hạnh phúc gia đình – thứ vốn đã tan vỡ từ lâu. Để rồi khi cô buồn vì sự khinh thường của chính anh chị em họ của mình thì không một ai lắng nghe nỗi lòng ấy.
An phải sống trong sự khinh thường từ chính anh chị em họ của mình
Sự hiểu chuyện đi cùng với sự hy sinh, vì quá hiểu nhưng lại không thể làm gì để cứu vãn tình hình, nên hy sinh bản thân mình là cách An luôn chọn. Quên đi sở thích, những mong muốn nhỏ bé,.. để rồi chẳng nhận lại được gì ngoài sự hụt hẫng.
Đời cho cô những giông bão và sau những cơn bão đó nghị lực là điều nó để lại cho cô. Từ một đứa trẻ mạnh mẽ giờ đây lại càng kiên cường hơn, không còn bất ngờ trước những cơn sóng bất ngờ, không còn biết đau thương và dần trở thành bạn với cô đơn. Những lại càng đau lòng thay khi cô gái ấy dần trở nên chai sạn với những cảm xúc đơn thuần nhất, dần quên đi chính mình…Tác giả luôn khiến người đọc tự hỏi “An đã làm gì để rồi phải trả một cái giá quá đắt…”
Sau cơn mưa trời lại sáng
Bão giông cuộc đời xảy ra liên tiếp khiến An dần trở nên chai sạn trước những khổ đau. Nó như là một sự rèn giũa mà cuộc đời dành cho cô, nhờ vậy mà sau này không có điều gì có thể quật ngã được cô và cho dù có vấp ngã đi chăng nữa thì việc đứng dậy cũng không làm khó An.
Những mất mát quá lớn trong đời giúp An dần nhận ra được rằng không có ai và cũng không có bất kì khoảnh khắc nào có thể ở bên cô mãi được. Nhờ vậy mà cô biết trân trọng hơn những người đang bên cạnh mình, nhất là mẹ cô. An sống trọn vẹn hơn mặc dù vẫn có nhiều trắc trở nhưng những “nốt trầm” đó không còn đủ để khiến cô suy sụp nữa.
Sau sự ra đi của ba và Thẫm, An tự dặn lòng mình không nên quá trông mong vào một điều gì đó nữa. Những lời hứa của ba về một bữa cơm gia đình hay lời cầu hôn của Thẫm đã từng khiến cô từ hạnh phúc tột độ rồi rơi vào hố sâu hụt hẫng. An của hiện tại không còn để bản thân mình phụ thuộc vào những hy vọng nhỏ nhoi ấy nữa. Cô vẫn sẽ tin nhưng luôn chuẩn bị tinh thần để đối mặt với sự ra đi bất ngờ của những hy vọng ấy. Tự tạo cho mình một hàng bảo vệ vững chắc chính là cách mà An dùng để tự bảo vệ mình.
Bản giao hưởng với những thông điệp sâu sắc
“Luật Ngầm” là một tác phẩm mang nhiều ý nghĩa và thông điệp sâu sắc. Không cần những dòng khuyên nhủ hay những câu châm ngôn, những thông điệp tác giả muốn gửi gắm luôn tồn tại trong từng câu chuyện được kể.
Những chi tiết Tuệ Nghi đưa vào “Luật Ngầm” hơn cả đắt giá, những chi tiết ấy không đơn thuần là đem đến cảm xúc, mà nó còn khiến người đọc phải suy ngẫm và rồi tự nhìn lại chính mình trong vô thức. Có lẽ cuộc sống khổ cực mà cô đã từng trải qua chính là một nguồn cảm hứng lớn nhất khi sáng tác. Dưới ngòi bút của Tuệ Nghi, những ánh mắt, cử chỉ, những tình tiết nhỏ nhặt nhất được diễn tả một cách chân thực và khiến ai cũng phải hồi hộp, đan xen với sự xót xa khi đọc tiểu thuyết này.
“Cuộc đời mỗi con người cũng giống như vòng đời của một cái cây: sinh ra, lớn lên rồi già cỗi. Hạt giống tốt chưa chắc sẽ cho ra đời một cái cây tốt và ngược lại.”
Vậy bạn sẽ tìm đọc "Luật ngầm" của Tuệ Nghi chứ?
Người viết: Thùy Vy
Người thiết kế: Anh Thư
(*) Bản quyền bài viết thuộc về BOOKIEE.ORG. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ gồm tên người viết, tên người thiết kế và Bookiee - Sách Là Niềm Vui. Mọi hành vi sao chép hoặc trích nguồn, chia sẻ bài viết không đầy đủ đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
______________________________
Bookiee - Sách là niềm vui
👉 Fanpage
👉 Youtube
Comments