Sống một cuộc đời như thế nào mới được coi là thành công? Có người lựa chọn sống một cuộc sống buồn tẻ, từng bước ổn định. Có người sẵn sàng chấp nhận rủi ro và không cam chịu sống một cuộc đời bình thường như bao người khác. Nhưng điều đó có thực sự quan trọng? Như tác giả Maugham nói trong cuốn sách của mình: Tất cả đều phụ thuộc vào cách bạn nhìn nhận ý nghĩa của cuộc sống.
Cuốn sách "The moon and sixpence" của tác giả Maugham
Tại sao nên đọc cuốn sách này?
"If you look on the ground in search of a sixpence, you don't look up, and so miss the moon." - Nếu bạn nhìn xuống mặt đất để tìm kiếm đồng sáu xu thay vì nhìn lên trên trời, bạn sẽ bỏ lỡ mặt trăng.
“Mặt trăng” tượng trưng cho lý tưởng cao cả, khó ai có thể chạm tới. “Sixpence” - đồng bạc có giá trị thấp nhất ở Anh vào thời điểm đó, đại diện cho những ham muốn trần tục. Mặt trăng trong cuốn sách tượng trưng cho những ước mơ còn đồng sáu xu là cho thực tế.
Chúng ta ai cũng có ước mơ, trên đường đời không ngừng theo đuổi bước chân của mặt trăng, nhưng cũng trên con đường ấy, chúng ta không ngừng được thực tế mài dũa, mài nhẵn đi những góc cạnh và dần dần hòa nhập vào xã hội này. Chúng ta khoác lên mình những chiếc mặt nạ, dần mất đi sự chân thành, và rồi đánh mất đi bản chất ban đầu của mình. Hầu hết mọi người không phải là người mình muốn trở thành, mà là người mình nên trở thành. Trong cuộc sống khắc nghiệt này, liệu còn bao nhiêu người vẫn có thể nhớ ước mơ của mình là gì và dũng cảm theo đuổi nó? Có bao nhiêu người dám buông bỏ đồng sáu xu khắp sàn nhà và chỉ nhìn lên mặt trăng?
Trên đời này liệu có mấy ai sẵn sàng nhìn lên mặt trăng mà từ bỏ đồng sáu xu rơi dưới đất.
“Mặt trăng và đồng sáu xu” không đơn thuần là một cuốn sách nói về việc theo đuổi lý tưởng sống, nó là cuốn sách về việc sống thật với chính mình, tuân theo trái tim và bản năng của bạn. Nếu cuộc sống bạn chọn là điều bạn thật sự mong muốn, không bị cản trở bởi thế giới bên ngoài thì “mặt trăng” hay “đồng xu” đâu còn quan trọng đúng không?
Tác giả cuốn sách này là ai?
William Somerset Maugham là một tiểu thuyết gia, nhà viết kịch và tiểu luận nổi tiếng người Anh. Ông được biết đến với cái tên "nhà văn kể chuyện hay nhất" và là một trong những nhà văn được yêu thích nhất trong nửa đầu thế kỷ 20. Hầu hết các nhân vật chính trong những trang tiểu thuyết của Maugham đều được xây dựng theo hình mẫu ngoài đời thực. “Mặt trăng và đồng sáu xu” được Maugham tạo ra dựa trên nguyên mẫu là họa sĩ Gauguin, một nghệ sĩ vĩ đại chưa từng được biết đến và được đặt theo tên của Van Gogh.
Chân dung tác giả William Somerset Maugham. Nguồn: supra-quintessence.com
Khía cạnh ấn tượng
Cảnh báo tiết lộ nội dung: Đây là phần phân tích chi tiết và cảm nhận cá nhân nên không tránh khỏi việc tiết lộ nội dung. Để đảm bảo trải nghiệm trọn vẹn, bạn hãy đọc sách và quay lại với bài viết của Bookiee sau nhé!
Anh ấy là một kẻ mất trí, nhưng cũng là một thiên tài
Khi đọc xong “Mặt trăng và đồng sáu xu”, lòng mình nặng trĩu như có tảng đá lớn vô hình đè nén. bởi Strickland - nhân vật chính trong truyện quá tàn nhẫn, ích kỷ, cực đoan, gần như đánh mất nhân tính.
Anh ấy từng có một địa vị đáng nể, một gia đình hạnh phúc, một người vợ xinh đẹp và những đứa con ngoan ngoãn. Nhưng sau 17 năm chung sống, anh ấy lựa chọn từ bỏ tất cả. Ở tuổi tứ tuần, anh kiên quyết bỏ vợ, bỏ con, bỏ cả sự nghiệp để đến Paris và bắt đầu theo đuổi đam mê nghệ thuật của riêng mình.
“Tôi phải vẽ. Tôi không thể cưỡng lại được. Khi người ta rơi xuống nước, không ai đặt thành vấn đề bơi như thế nào, giỏi hay dở; phải bơi, bằng không sẽ chết chìm”
Nhân vật chính Strickland quyết định từ bỏ mọi thứ ở tuổi tứ tuần để bắt đầu đam mê vẽ tranh của mình.
Với những điều Strickland làm khiến cho mình cảm thấy anh ta thật “điên rồ”.
Thật khó để tin rằng một người đã bước qua độ tuổi ấy và từng đạt được thành tựu nhất định lại có dũng khí đánh mất tất cả và bắt đầu lại cho ước mơ mà khi còn trẻ chưa thực hiện.
Tuy nhiên, bất chấp điều này, Strickland vẫn không hề do dự và tràn đầy nhiệt huyết. Đối với anh, có lẽ mất mát là khởi đầu của sự chiếm hữu, chưa kể sâu thẳm trái tim anh không bao giờ quan tâm đến kết quả cuối cùng. Thứ anh tìm kiếm là ước mơ của người họa sĩ cao quý, ước mơ không bị thế gian vấy bẩn.
Người đàn ông coi thường các giá trị đạo đức của thế gian và bị tất cả mọi người tại thời điểm ấy hay ngay cả thời điểm hiện tại cho là một kẻ điên. Và “kẻ điên” ấy cũng không ngại chấp nhận sự đánh giá ác ý đấy.
Nhưng ở góc độ khác, anh ấy thực sự là một thiên tài, anh chỉ bắt đầu vẽ tranh ở tuổi 40. Không có nền tảng và không ai sẽ dạy anh ấy, tất nhiên, anh ấy cũng không có ý định học hỏi từ bất kỳ ai. Những bức tranh còn lại sau khi mất chứng minh rằng Strickland thực sự là một nghệ sĩ có thể được ghi vào biên niên sử của giới hội họa.
Chỉ có một ranh giới mỏng manh giữa kẻ mất trí và thiên tài, và hầu hết các nghệ sĩ đều là những kẻ lãng mạn và cư xử kỳ lạ, khiến mọi người không thể hiểu được. Có rất nhiều nghệ sĩ xuất sắc mắc bệnh tâm thần, chẳng hạn như họa sĩ Van Gogh và nhạc sĩ Schumann. Nhà văn Pháp Proust từng nói: “Mọi kiệt tác đều do người bệnh tâm thần làm nên”.
Thiên tài khác với người thường, họ sống những ngày điên rồ và tạo ra những tác phẩm điên rồ. Nhưng đây không phải là một sự lựa chọn, cũng như Strickland đã cảm nhận được sự gào thét của tiếng gọi trong tim dẫn tới quyết định rời bỏ sự ổn định của thế giới, bước tới con đường nghệ thuật đầy sóng gió mà không cần nhìn lại.
Sau khi đọc xong cuốn tiểu thuyết, hầu như tất cả mọi người sẽ mắng Strickland vì sự ích kỷ và thờ ơ của anh ta. Mình cũng rất tức giận với những hành động của anh ấy, và cũng chẳng hiểu được cái gọi là “vẻ đẹp nghệ thuật” mà anh theo đuổi. Nhưng mình có thể hiểu được tại sao anh lại có những hành động “điên rồ” như vậy, bởi vì trong mắt những “kẻ thiên tài”, không có người khác thậm chí không có chính mình.
Thế giới của những thiên tài sẽ không bao giờ tuân theo quy tắc của những người bình thường. Thế giới đầy hối hả và nhộn nhịp, Strickland từ chối trở thành quần chúng. Trong lòng anh, cái đẹp của nghệ thuật là trên hết, trên con đường theo đuổi cái đẹp, bản thân anh là thần thánh, người khác là con kiến, mặt đất đầy đồng sáu xu, còn anh đã nhìn lên và trong mắt chỉ có mặt trăng.
Những thiên tài hay những người thường, đều có quyền tự đưa ra chọn lựa cách sống cho riêng mình. Và Strickland chọn lựa tách biệt mình ra khỏi bình thường.
Hạnh phúc khi được sống cuộc sống ta lựa chọn
Khi từ bỏ tất cả đề theo đuổi lý tưởng, Strickland đã làm một phép tính trừ cho bản thân. Anh đánh mất tất cả danh tính của mình: người môi giới chứng khoán, người chồng, người cha, thoát khỏi cuộc sống hào nhoáng và cởi bỏ mọi lớp xiềng xích mà anh cho rằng kìm hãm bản thân đến với nghệ thuật.
Anh là một kẻ vô công rồi nghề, bỏ gia đình, sống trên đường phố Paris, trong một khách sạn đổ nát nhất, gần như không một xu dính túi, cuối đời lại mắc bệnh hiểm nghèo, nếu bạn bè không nghĩ đến anh thì anh có thể chết bất đắc kỳ tử lúc nào không ai hay. Chỉ vì nương theo tiếng gọi thuần khiết đến từ trái tim “Tôi phải vẽ” mà buông bỏ dứt khoát cuộc sống tốt đẹp từng có.
Strickland đến Paris để thực hiện ước mơ của mình. Nguồn: amia.vn
Nhưng sau cùng anh vẫn là người hạnh phúc vì anh được vẽ với đúng mong muốn của mình cho đến tận giây phút cuối đời dù khi ấy anh đã bị mù một năm bởi căn bệnh hủi - căn bệnh nan y của thời đại bấy giờ.
Cũng giống như anh, bác sĩ Coutras, nhân vật xuất hiện ở giai đoạn cuối của cuốn sách. Đứng trước đỉnh cao của sự nghiệp, anh ta lại kiên quyết đến một hòn đảo xa xôi để làm bác sĩ. Không nhiều người hiểu điều đó, và càng có nhiều người nói rằng anh ta bị bệnh tâm thần. Coutras không ốm cũng không điên, anh ấy chỉ làm theo trái tim mình, theo đuổi ước mơ. Ước mơ ở đây không phải là những gì người khác nói, mà là cuộc sống mà anh hằng mong muốn.
Họ đều là những người đã vượt qua những phán xét đến từ người khác, sống và được làm theo những điều mình muốn.
Nhưng thực sự có bao nhiêu người có thể bỏ mặc tất cả để để theo đuổi lý tưởng như họ?
Mỗi khi tôi bỏ lỡ lý tưởng của mình, nó bộc lộ sự bất lực trước thực tế. Có thể đó là khi bạn lựa chọn một chuyên ngành bạn không thích chỉ để sau này tốt nghiệp có thể dễ kiếm được việc làm nuôi sống bản thân hơn; có thể là khi bạn muốn khởi nghiệp nhưng nhận ra rằng mình phải có trách nhiệm với vợ con, bố mẹ già và không thể từ bỏ công việc ổn định mình đang có.
Có thể bạn đang rất kiên định làm những việc bạn muốn làm, nhưng sau khi chứng kiến sự già đi của cha mẹ, bạn nhận ra rằng bạn không chỉ sống cho riêng mình. Vì vậy bạn đã đưa ra một lựa chọn hợp lý và đúng đắn trong mắt người đời, sự lựa chọn ấy càng hợp lý bao nhiêu, bạn lại càng xa lý tưởng bấy nhiêu. Nhưng điều này không sai, chúng ta có thể trở thành những người bình thường hạnh phúc và có lý tưởng đơn giản nhất, đó là sống đẹp.
Có nhiều cách cách để sống trên đời. Bạn có thể theo đuổi danh vọng và tiền tài, bạn có thể lựa chọn sống một cuộc sống tầm thường hoặc bạn có thể tìm kiếm văn thơ và nghệ thuật ở nơi xa xôi. Không quan trọng bạn sống thế nào, cũng chẳng có đáp án chính xác phải sống thế nào mới hạnh phúc. Hạnh phúc là một sự lựa chọn, không có tiêu chuẩn để đo lường. Lắng nghe con tim, sống hết mình với lựa chọn của mình, bạn sẽ tìm được hạnh phúc của riêng bạn.
Lời kết
Thế giới dài đến mức phù du, một số người nhìn thấy bụi, một số người nhìn thấy các vì sao.
Không còn nghi ngờ gì nữa, Charles Strickland là một người đàn ông dù tận những giây phút cuối đời nhưng vẫn không ngừng theo đuổi các vì sao. Vì lý tưởng trong lòng, anh sẵn sàng chịu đựng những thăng trầm của số phận, không một chút dao động, là một chiến sĩ bảo vệ lý tưởng.
Tuy nhiên, trên thực tế, không phải ai cũng có đủ quyết tâm và dũng khí như Charles Strickland để theo đuổi lý tưởng của mình. Sẽ luôn có những người bằng lòng hoặc phải cúi đầu nhặt lấy đồng sáu xu rơi trên mặt đất, cuộc sống như vậy có phải là vô nghĩa hay không?
“Làm những gì bạn muốn làm nhất, sống trong một môi trường bạn yêu thích, thờ ơ và trầm lặng, và thờ ơ với thế giới, điều này có đang hủy hoại chính bạn?
Ngược lại, trở thành một bác sĩ phẫu thuật nổi tiếng với mức lương hàng năm 10.000 bảng Anh và cưới được một cô vợ xinh đẹp liệu có thành công?
Tôi nghĩ rằng tất cả những điều này phụ thuộc vào cách một người nhìn nhận ý nghĩa của cuộc sống, những nghĩa vụ mà anh ta tin tưởng đối với xã hội và những yêu cầu của anh ta đối với bản thân.”
Mặt trăng và đồng sáu, cho dù bạn chọn gì đi nữa, giá trị cuối cùng chỉ có thể được đo bằng trái tim của chính bạn. Không cần phải học hỏi từ Strickland, chỉ cần chúng ta trở thành người tin tưởng đi theo sự lựa chọn đến từ nội tâm của mình, chúng ta sẽ sống hết mình và được sống một cuộc đời hạnh phúc.
Sau khi đọc bài viết này, bạn sẽ tìm đọc cuốn sách "The moon and sixpence" của tác giả William Somerset Maugham chứ?
Người viết: Ngọc Tuyết
Người thiết kế: Phạm Việt
(*) Bản quyền bài viết thuộc về BOOKIEE.ORG. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ gồm tên người viết, tên người thiết kế và Bookiee - Sách Là Niềm Vui. Mọi hành vi sao chép hoặc trích nguồn, chia sẻ bài viết không đầy đủ đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
______________________________
Bookiee - Sách là niềm vui
👉 Fanpage
👉 Youtube
Comments