Cuộc sống xung quanh luôn tất bật làm ta dần bỏ qua những điều đơn giản trong cuộc sống để rồi cảm thấy lạc lõng và kiệt sức. Những lúc như vậy, hãy thử dừng lại nghỉ ngơi một chút, cảm nhận không khí trong lành và hòa mình vào màu xanh của cây cối sẽ làm chúng ta cảm thấy dễ chịu hơn rất nhiều. Hãy cùng cuốn sách “Bài Học Cuộc Đời Từ Những Rừng Cây” đưa bạn đến một thế giới thật gần gũi nhưng cũng đầy mới mẻ để tìm thấy bình yên trong câu chuyện những người bạn già này nhé!
Bạn nhận được gì từ cuốn sách
“Bài học cuộc đời từ những rừng cây” có thể được coi là cuốn sổ ghi chép lại những suy tư của tác giả và gửi tới bạn đọc. Tác giả của cuốn sách - một bác sĩ cây - là người đã có hơn 30 năm nghiên cứu về thực vật. Từ những kiến thức đúc kết được trong quá trình chữa lành cho cây, ông đã gói ghém được những triết lý sâu sắc vào trong một cuốn sách chỉ vẻn vẹn gần 300 trang.
Cuốn sách sẽ kể bạn nghe về rất nhiều loài cây mới lạ và cả những giống cây quen thuộc nhưng bạn chưa biết đến cái tên của chúng. Sẽ có những lần khi đọc cuốn sách này, bạn chợt dừng lại một chút để tìm kiếm một loài cây có đặc điểm giống với tính cách của mình. Chắc chắn bạn sẽ phải trầm trồ vì kiến thức sâu rộng về thực vật của tác giả và cảm thấy thích thú khi được khám phá thêm về thế giới muôn màu ngoài kia đó!
Thời lượng của cuốn sách có lẽ sẽ là không đủ để có thể lưu lại trải nghiệm hàng vạn năm của cây để tồn tại trên trái đất này. Tuy nhiên, những bài học về cuộc sống mà cuốn sách mang đến từ sự dũng cảm, lòng kiên trì, sống hết mình sẽ cho các bạn những góc nhìn mới mẻ mà qua đó chắc chắn sẽ thay đổi góc nhìn của bạn về thế giới thực vật kỳ thú ngoài kia. Mỗi người sẽ đều có những lăng kính rất riêng khi đứng trước một sự vật, bởi vậy chỉ cần để ý thêm một chút về thế giới ngoài kia chúng ta cũng có thể học được rất nhiều kiến thức mới mẻ từ thiên nhiên.
Jong-Young Woo - Người bác sĩ tận tụy vì cây
Khi tìm kiếm cái tên Jong-Young Woo trên mạng, chúng ta sẽ không tìm được nhiều thông tin về ông, ngoại trừ tác phẩm “Bài học cuộc đời từ những rừng cây” và một vài nghiên cứu về cây cối khác. Dù vậy, qua cuốn sách này, chúng ta cũng có thể phần nào cảm nhận được tình yêu lớn lao mà ông dành cho cây cối của mình.
Jong-Young Woo dành phần lớn thời gian của cuộc đời mình cống hiến cho cây cối. Kể từ thời còn là một cậu thiếu niên, ông cũng đã làm việc trong một vườn cây, chăm sóc và nuôi dưỡng cây cối để mưu sinh và tìm hiểu về các loài thực vật. Dần dần, ông nảy sinh niềm hứng thú và yêu thích cho các loài thực vật và quyết định gắn bó cả đời với cây. Ngay cả khi đã bước sang nửa sau của cuộc đời, dù sức khỏe không còn như trước, ông vẫn cảm nhận thiên nhiên xung quanh bằng cả trái tim của mình.
Đối với tác giả Jong-Young Woo, mỗi sinh vật trên thế giới này đều đáng được trân trọng như nhau. Ông cũng cho rằng con người và cây cối có một mối liên hệ rất sâu sắc, không chỉ về phương diện sinh học mà còn là mối gắn kết đến từ tâm hồn. Rừng cây nuôi sống con người từ thủa hồng hoang, bởi vậy bất kỳ ai trong chúng ta cũng có tình yêu đối với thiên nhiên. Chỉ là trong thế giới tất bật hiện tại, tình cảm ấy dần bị lãng quên trong bộn bề cuộc sống. Ông luôn khuyến khích con người tiếp xúc gần gũi hơn với cây cối và thiên nhiên vì có như vậy chúng ta mới dễ dàng tìm thấy bình yên trong tâm hồn mình và tận hưởng cuộc sống một cách trọn vẹn nhất.
Gần gũi hơn với thiên nhiên, cây cối để tận hưởng cuộc sống
Khía cạnh ấn tượng
(Đây là những cảm nhận riêng đến từ quan điểm cá nhân có bao gồm phân tích và đánh giá nên không tránh khỏi tiết lộ một phần nội dung. Các bạn có thể đọc trước cuốn sách để có được những cảm nhận của riêng mình, sau đó quay lại với bài viết này nhé)
Hãy tận hưởng mọi khoảnh khắc quý giá trên cuộc đời này
“Không phải cứ chờ đợi rồi tự dung cơ hội đến tay mình. Thời điểm tốt nhất là do chính cậu tạo ra. Quan trọng là dù thế nào cũng phải bắt đầu, không đúng sao?”
Chắc hẳn bạn và mình, chúng ta đều có rất nhiều những lắng lo trong cuộc sống trải dài từ việc học hành đến công việc rồi tương lai. Có rất nhiều băn khoăn khiến mọi người cứ trăn trở mãi không thôi: Liệu mình làm như thế này có ảnh hưởng tới tương lai không nhỉ? Công việc hiện tại của mình có giúp ích được cho mai sau không? Nhỡ rằng mình đang làm sai thì sao? Mọi người bị dằn vặt bởi rất nhiều câu hỏi được đặt ra trong thì tương lai để rồi do dự, chần chừ khi đưa ra quyết định của bản thân trong hiện tại. Nhìn nhận một cách tích cực thì trước khi làm mọi việc chúng ta đều dành nhiều thời gian để cân nhắc và chuẩn bị kỹ lưỡng nên giảm thiểu được rủi ro đến mức tối đa. Tuy nhiên sự thận trọng ấy cũng có thể khiến bạn chùn bước cả trước khi bắt đầu dự định của bản thân và cuối cùng giết chết hành trình của mình từ trong trứng nước.
Vậy thì mỗi lúc bạn nghi ngờ bản thân hay cảm thấy sợ hãi khi thực hiện dự định của mình thì hãy dành ra đôi chút thời gian để nhìn lên những ngọn cây cao vút lên trời xanh ngoài kia. Những cây xanh cao vút ngoài kia trông kiên định, vững chãi và bình yên là thế, nhưng ẩn chứa sâu trong chúng là sự đấu tranh triền miên để giành giật sự sống. Bởi cây không thể tự di chuyển được và sự tồn tại của chúng phụ thuộc rất nhiều vào hoàn cảnh sống, thế nên mỗi một sự lựa chọn của cây đều mang tính sống còn. Một sự lựa chọn sai thôi cũng có thể kết thúc sinh mệnh của nó.
Đối mặt với sự lựa chọn mang đầy rủi ro như vậy nhưng cây không hề chần chừ mà cực kỳ dứt khoát và quyết đoán. Ngọn cây như người chỉ huy điều hành sự phát triển cây, chỉ cần phát hiện rằng cây đang có vẻ thiếu ánh nắng, thiếu không khí hay điều kiện sống hiện tại không đủ để phát triển sinh trưởng thì ngọn cây sẽ không do dự để chuyển hướng để tìm đến nguồn sống mới. “Dáng vẻ độc nhất vô nhị của mỗi gốc cây chính là kết quả của nỗ lực hết mình trong từng khoảnh khắc, như thể đây là phút cuối cùng của sinh mệnh”. Thiên thụ thiên hình - bạn sẽ chẳng thể tìm thấy hai ngọn cây giống y hệt nhau trên cõi đời này. Cây có thể cong, vẹo và xấu xí, nhưng nó sẽ làm tất cả mà không do dự để tồn tại.
Cũng có những giống cây để có thể sống được mà từ bỏ một vài bộ phận để dễ dàng thích nghi với môi trường. Cây tần bì núi có thể được coi là một điển hình cho khả năng đặc biệt này của cây. Tần bì núi có thể phát triển cao lớn như một cây thân gỗ trong điều kiện môi trường thích hợp, nhưng nếu phải sống tại những nơi có điều kiện khắc nghiệt hơn một chút, cây sẽ không khác gì những bụi dại ven đường. “Đừng nói là trở nên cao lớn, hình dáng của cây cũng bị thay đổi, trông không khác gì một bụi mâm xôi” - Sẵn sàng thay đổi diện mạo mà bản thân tự hào, cây tần bì núi quyết đoán thực hiện lựa chọn của mình để có thể tồn tại và phát triển thật khỏe mạnh.
Cây tần bì (Nguồn: wikipedia)
Chúng ta phải đối mặt với rất nhiều sự lựa chọn mỗi ngày và chắc chắn không một sự lựa chọn nào là không ảnh hưởng tới ngày mai cả. Nếu cứ chỉ lo được mất, sợ hãi khi đứng trước thay đổi thì liệu chúng ta còn có thể tận hưởng hôm nay một cách trọn vẹn không? Chúng ta không thể nào lường trước được tương lai, bởi vậy không cần phải quá đắn đo về một ngày mai chưa tới mà hãy cảm nhận hiện tại bằng cả trái tim và trí óc. Hãy cứ thực hiện điều mà bạn mong muốn mà không hối tiếc bất cứ điều gì. Bởi dù có thất bại hay tổn thương thì chúng cũng sẽ làm nên bản sắc rất riêng cho bạn, giống như một rừng cây muôn hình muôn vẻ kia.
Vì cuộc sống là để cho đi
"Sống là cho, đâu chỉ nhận riêng mình".
"Cây thường được biết đến là một sinh vật chỉ biết cho đị mọi thứ mình có, nhưng thực ra tất cả những hành vi của cây đều là vì chính nó”. Khi ta cho đi, cuộc sống trở nên trọn vẹn và ý nghĩa hơn rất nhiều. Cây cối giống như vô tri vô giác, thế nhưng lại là minh chứng rõ nét nhất để khẳng định rằng ta tận hưởng cuộc sống trọn vẹn nhất khi ta cống hiến hết mình.
Cây để tồn tại mà cần phải đâm rễ thật sâu xuống mặt đất, lấy các chất dinh dưỡng cần thiết để nuôi bản thân, quang hợp để tạo ra năng lượng sống cho chính mình. Tuy nhiên, chính sự sống của nó lại mang lại nguồn sống cho muôn loài: Trong quá trình quang hợp, cây tạo ra oxy - nguồn năng lượng quan trọng để muôn loài có thể tồn tại. Rễ cây đâm sâu vào đất lấy đi dinh dưỡng nhưng lại giữ cho đất không bị xói mòn, hơn thế nữa lại còn tạo ra một môi trường cực kỳ phù hợp để các loài vi khuẩn sinh sôi, tiếp tục làm màu mỡ đất đai. Tán cây cũng chính là nơi ở ưa thích của muông thú.
“Giống như những người mà chỉ ở đó cũng khiến bạn yên tâm và hạnh phúc, sự tồn tại của cây đối với mọi vật trên thế gian này đều như vậy. Chỉ bằng sự tồn tại của chính mình, cây ôm siết lấy sự sống của vạn vật một cách trọn vẹn”.
Cây sống và làm tất cả mọi thứ đều là vì chính mình, nhưng bản thân sự tồn tại của cây đã giúp cho thế giới mà nó sống trở nên tốt đẹp hơn. Có lẽ để tồn tại trên thế gian này từ hàng tỉ năm trước, cây đã học được bài học của chính mình để sinh tồn: Đó chính là sự sống của nó cũng phụ thuộc rất nhiều vào sự sống của những sinh vật xung quanh khác. Bởi vậy, cây cố gắng hết sức mình ôm siết lấy sự sống của vạn vật một cách trọn vẹn nhất, để mỗi nơi nó sống đều đẹp đẽ, căng đầy nhựa sống.
Khi một cái cây ngã xuống, sự ra đi của nó cũng là một hy sinh ấm áp mà nó dành tặng cho thế gian. Cây được về với đất, trở thành nguồn dinh dưỡng cho hàng trăm sinh vật và trở thành phân bón cho các cây khác. Nhờ có sự hy sinh nhỏ bé này mà rất nhiều sinh mệnh khác được nuôi sống và trở nên khỏe mạnh. Chính bản thân cây cũng sống một cách trọn vẹn nhất bởi sự sống của cây nhờ có những sinh vật được nó giúp đỡ mà trở nên vĩnh hằng, lại tồn tại trong rất nhiều sự sống khác để tiếp tục làm đẹp cho cuộc đời.
“Mọi con đường mà chúng ta đi qua, đương nhiên đều lưu lại vết tích. Đằng nào cũng thế, sẽ tuyệt vời biết bao nếu có thêm dù chỉ một người muốn cùng tôi khiến thế giới này đẹp hơn một chút”. Cuộc sống của chúng ta luôn được gắn kết với thế giới xung quanh, bởi vậy nên dù là một giao động nhỏ nhất cũng đều sẽ để lại một tác động nào đó tới mọi người. Vậy thì tại sao chúng ta không học cách cho đi để cuộc đời càng thêm hạnh phúc nhỉ? Hy vọng hôm nay bạn cũng sẽ sống thật ý nghĩa như cây.
Kiên trì, bền bỉ, rồi thành công sẽ tới
Chắc hẳn khi nghe thấy danh xưng “Bác sĩ cây”, sẽ rất nhiều bạn đọc bất ngờ bởi không nghĩ rằng sẽ có một nghề nghiệp mang tên như vậy tồn tại. Để cái tên này tồn tại được, bản thân tác giả của cuốn sách cũng đã phải nỗ lực rất nhiều. Bản thân ngành nghề này không hề được giảng dạy trên bất cứ một ngôi trường nào, bởi vậy học để trở thành bác sĩ cây lúc đó được mọi người công nhận là một điều không thể. Khởi đầu vô cùng khó khăn với một công ty bé nhỏ để quản lý cây xanh, thế nhưng nhờ sự tâm huyết, tình yêu với cây cối và sự kiên trì bền bỉ mà tác giả của chúng ta đã làm được điều mà mình yêu.
Hành trình trở thành bác sĩ cây được vun đắp rất nhiều từ bài học về kiên trì đến từ rừng cây. Chúng ta chỉ thấy được vẻ ngoài vững vàng của cây mà quên đi mất rằng con đường trưởng thành của cây cũng gian nan không kém gì con người. Cây dù có cao đến đâu thì khi còn nhỏ cũng chỉ là một hạt mầm bé tẹo. Được sự che chở của cây trưởng thành, những hạt giống ấy chu du khắp nơi rồi đáp đến một nơi mới lạ và đợi chờ thời khắc bắt đầu sự sống của mình:
“Hạt coi bóng tối mịt mù trong lòng đất như tử cung của người mẹ và nhẫn nại suốt một thời gian dài, cho tới khi quyết tâm “Bây giờ được rồi!” và dũng cảm lõ đầu lên khỏi mặt đất. Khoảnh khắc quyết tâm ấy là bao giờ, chỉ có một mình hạt tự biết”.
“Bây giờ được rồi!”
Hạt mầm bé nhỏ khi đã tìm được nơi ở của mình sẽ tự lập để lớn lên. Bắt đầu từ chiếc mầm can đảm xé vỏ bọc của bản thân, hạt giống bắt đầu nuôi dưỡng một bộ rễ thật khỏe mạnh để có thể sinh trưởng. Hành trình ấy gặp rất nhiều khó khăn từ tác động bên ngoài: Có thể hạt mầm không đủ dũng cảm tiếp tục trụ vững, có thể nó sẽ chết vì gió bão, bị vùi dập bởi môi trường xung quanh. Thế nhưng, những cây cao mà ta thấy đều đã thành công nuôi dưỡng chính mình, bền bỉ và kiên cường đến giây phút cuối cùng để vươn ngày càng gần tới mặt trời. Quá trình này có thể mất đến hai mươi, ba mươi năm, thậm chí là nhiều hơn thế.
Cuộc sống có rất nhiều khó khăn và con đường để đạt được những điều mà chúng ta mong muốn không hề dễ dàng. Dù vậy, chỉ cần vẫn còn niềm tin, kiễn nhẫn và bền bỉ thì dù có khó khăn đến đâu ta vẫn có thể vượt qua. Thời điểm để thành công của mỗi người là khác nhau, giống như mỗi cây cũng sẽ có thời điểm sinh trưởng không giống nhau, nhưng hãy cố gắng hết sức mình và kiên định với mục tiêu của bản thân. Nếu có lúc bạn cảm thấy kiệt sức hay mệt mỏi, hãy nhìn lên những tán cây rợp bóng trên trời. Chắc chắn chúng sẽ tiếp thêm thật nhiều động lực cho bạn đó!
Lời kết
Thế giới xung quanh vẫn còn rất nhiều điều mà ta không thể nào khám phá được, đủ để hiểu rằng chúng ta nhỏ bé thế nào khi so với lịch sử phát triển của muôn loài. Do đó, chỉ cần nhìn ngắm thế giới xung quanh nhiều thêm một chút và phóng tầm mắt mình xa hơn thì chúng ta cũng sẽ học hỏi được vô vàn điều kỳ diệu.
Vậy thì từ bây giờ, nếu bạn có bắt gặp một ngọn cây ven đường hay những cây cao cổ kính thì cũng hãy dừng lại quan sát một chút, trân trọng sức sống bền bỉ của chúng và để màu xanh tươi mát ấy tiếp thêm năng lượng cho bạn mỗi ngày nhé!
Người viết: Thùy Dương
Người thiết kế: Anh Thư
(*) Bản quyền bài viết thuộc về BOOKIEE.ORG. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ gồm tên người viết, tên người thiết kế và Bookiee - Sách Là Niềm Vui. Mọi hành vi sao chép hoặc trích nguồn, chia sẻ bài viết không đầy đủ đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
_____________________________
Bookiee - Sách là niềm vui
👉 Fanpage
👉 Youtube
Cảm ơn bạn vì bài phân tích rất ý nghĩa
Mình vẫn luôn yêu thích những tác phẩm Hàn, có một sự cuốn hút kì lạ