Có lẽ mỗi khi nhắc đến nhân vật Doraemon, chúng ta lại có cảm giác như thể được “sống lại” ngày tháng đắm chìm trong hình ảnh của một Nobita hay vòi vĩnh những món bảo bối của Doraemon.
Thế nhưng, liệu bạn đã thực sự hiểu rõ về nhân vật này chưa? Nếu chưa chắc chắn về câu trả lời thì ngay bây giờ đây, cùng Bookiee Team tìm hiểu về nhân vật đã “làm mưa làm gió” trong tuổi thơ của bao đứa trẻ nhé!
Bộ truyện tranh Doraemon của tác giả Fujiko F. Fujio
Giới thiệu chung
Tên thật: Doraemon
Ngày sinh: 03.09.2112
Giới tính: Nam
Màu đặc trưng: Xanh
Con số may mắn: 1293
Mã số: MS-093
Nơi sản xuất: Nhà máy Robot Matsushiba
Ngoại hình: Giống con lật đật, không có tai, đeo một cái chuông trước cổ, mang một chiếc túi thần kì trước bụng.
Món ăn yêu thích: Bánh rán
Sợ: Chuột
Sở thích: Giúp đỡ mọi người, trò chuyện cùng các bạn mèo, xem phim cùng Nobita,..
Doraemon - Nhân vật chính trong bộ truyện tranh tuổi thơ của mọi người
Cơ duyên nào đã tạo nên nhân vật mèo máy Doraemon?
Trong một đêm nọ, khi hoạ sĩ Fujiko Fujio (tác giả của Doraemon) đang tìm kiếm đề tài và nhân vật cho bộ truyện tranh tâm đắc, không biết từ đâu một con mèo hoang nhảy vào nhà ông. Sau vài tiếng kêu, chú mèo đã nằm gọn trong lòng hoạ sĩ và chìm vào giấc ngủ. Vị họa sĩ của chúng ta, lúc này cũng đã thấm mệt nên ông ngủ thiếp đi lúc nào không hay. Kể từ lần gặp gỡ ấy, hình ảnh chú mèo đã để lại ấn tượng sâu đậm trong ông. Khi thức dậy, ông vội vàng bước xuống cầu thang và vô tình vấp phải con lật đật của con gái mình. Cũng chính từ đó, nhân vật Doraemon ra đời dưới hình dạng là sự kết hợp của một chú mèo và một con lật đật.
Cuộc gặp gỡ với chú mèo hoang là nguồn cảm hứng để tác giả tạo ra nhân vật Doraemon
Đó là những lời mà hoạ sĩ Fujiko đã kể, quả thật rất bất ngờ đúng không nào? Sự sáng tạo là không giới hạn. Đôi khi, chúng ta không cần tìm đâu xa bởi thực ra nguồn cảm hứng đang hiện hữu đâu đó xung quanh cuộc sống của chính mình.
Cái tên “Doraemon” mang ý nghĩa gì?
Bạn đã từng nghĩ rằng từ “Dora” xuất phát từ “Dorayaki” (bánh rán) - một món ăn mà chú mèo máy vô cùng yêu thích không? Thực tế, ý nghĩa thật sự của nó không phải vậy!
Chính xác tên tiếng Nhật của Doraemon là Doraemon (ドラえもん) không phải Đôrêmon. Dora viết bằng katakana, còn emon lại viết bằng hiragana. Nguồn gốc cái tên của Doraemon được ghép bởi hai từ là “Dora” và “emon”. “Dora” được lấy từ “doraneko”, “neko” là con mèo, vì vậy, “doraneko” là con mèo đi lạc. Còn đối với “emon” là một hậu tố thường thấy trong tên của người Nhật trước kia. Vậy, có thể hiểu cái tên Doraemon có nghĩa là chú mèo đi lạc.
Có phải nhân vật này đã từng có một đôi tai cùng một thân hình mang màu vàng thuần túy hay không?
Đã bao giờ bạn tự hỏi vì sao chú mèo đến từ tương lai này lại sợ chuột hay chưa? Tại sao mỗi lần Doraemon thấy chuột thì y như rằng chúng ta lại được thấy những “pha tấu hài” của chú?
Trong một lần Doraemon ngủ trưa, cậu đã bị con chuột gặm mất đôi tai, từ đó sinh ra chứng sợ chuột. Mỗi khi thấy chuột, cậu phát hoảng lên và lấy ra vô số bảo bối với độ “sát thương cực lớn” chỉ để giải quyết lý do đơn giản là tiêu diệt lũ chuột đáng ghét. Nhưng trong một trường hợp hy hữu khác, chú mèo sẽ lập tức rơi vào trạng thái bất tỉnh sau cú chạm mặt lũ chuột không đội trời chung này.
Doraemon đã từng có màu vàng và 2 chiếc tai mèo. Nguồn: www.9gate.net
Tiếp sau đó, Doramiyako cũng bỏ rơi Doraemon. Cậu vì thế mà trở nên suy sụp khiến lớp dầu nhờn biến mất, làm lộ lớp da thật màu xanh. Vì thế mà chúng ta cũng không thể tìm thấy một chú mèo máy nào khác có hình dạng và màu sắc giống Doraemon ở những cuốn truyện cùng tên.
Sau khi hồi phục tâm lý, hiểu được Sewashi - chắt của Nobita không có tiền làm lại đôi tai cho cậu là vì cụ cố Nobi Nobita đã gây ra một khoản nợ lớn. Doraemon quyết tâm thay đổi quá khứ của dòng họ Nobi, trở về quá khứ để làm bạn với cậu bé Nobi Nobita 10 tuổi. Câu chuyện về tình bạn giữa Nobita và Doraemon bắt đầu từ đây.
Doraemon đã tạo nên những thành tựu gì?
Hơn năm thập kỷ qua, "chú mèo máy đến từ tương lai" đã phủ sóng không chỉ ở trong nước mà còn được truyền đến tay bạn đọc trên toàn thế giới. Khi nhắc đến cái tên "Doraemon" sẽ gợi ngay đến hình ảnh của đất nước “mặt trời mọc”. Chính vì vậy, chú là một biểu tượng văn hóa mà đất nước nào cũng muốn được sở hữu.
Đi khắp Nhật Bản, nhìn đâu ta cũng có thể thấy nhân vật Doraemon. Đặc biệt hơn, chú mèo này còn được xem như là công dân chính thức của thành phố Kawasaki vào tám năm trước, cậu đã chính thức có hộ khẩu tại đây.
“Chú mèo xanh” này không chỉ xuất hiện trên trang giấy mà còn tham gia vào các hoạt động quảng cáo hàng ngày; được in hình lên chăn ga, gối đệm, áo quần; hay trở thành món quà lưu niệm với ý nghĩa tượng trưng cho tình bạn thắm thiết,... Ngoài ra, một bộ tem chủ đề Doraemon lần đầu tiên được phát hành vào ngày 20/05/2020. Bộ tem 10 chiếc có giá 840 yên/bộ (khoảng 184.000 đồng) với hình ảnh hai nhân vật Doraemon và Nobita mang nét vẽ của giai đoạn 1970 - 1971, một nét vẽ tương đối khác so với nét vẽ mà độc giả ngày nay quen thuộc. Bên cạnh đó, Bưu điện Nhật Bản cũng đã phát hành song song bộ tem mang chủ đề du lịch giá 630 yên/bộ (khoảng 138.000 đồng) với hình ảnh Doraemon tham quan các danh lam thắng cảnh của Nhật Bản.
Nhưng cuối cùng, thành tựu quan trọng nhất mà nhân vật Doraemon tạo nên vẫn là hình ảnh chú mèo béo ú thân thương trở thành người bạn của bao đứa trẻ. Không chỉ đóng vai trò là một người bạn mà chú còn dạy cho các em về những bài học quý giá của cuộc sống, về cách đối xử với bạn bè,... Chính vì vậy, chú mèo xanh vẫn sẽ mãi là người bạn đồng hành đáng quý với các độc giả nhỏ tuổi.
Mình nghĩ gì về nhân vật này?
Có thể nói, nhân vật Doraemon chính là vị cứu tinh khi nhóm bạn Nobita gặp phải khó khăn. Ở cậu, lòng trắc ẩn không bao giờ mất.
Thông qua nhân vật Doraemon, mình đã tích lũy thêm nhiều bài học cho bản thân. Khi gặp phải khó khăn thì chúng ta nên làm gì? Làm thế nào để thấu hiểu được người bạn của mình? Hay đơn giản là, khi gặp chuột thì giải quyết ra sao? Thật lòng mà nói đôi khi mình cảm thấy ghen tị với Nobita vì cậu có Doraemon bên cạnh để tâm tình và giúp đỡ.
Mình luôn tự hỏi rằng: “Nếu Doraemon nghiêm khắc đối với Nobita, thì… có lẽ Nobita đã tốt hơn rồi hay không?”. Thế nhưng, nếu Doraemon như vậy thì mình chắc chắn bộ truyện sẽ không được ra đời đâu! Dù sao đi nữa, một khi tác giả chọn nội dung, tính cách nhân vật thì ắt hẳn chúng đã mang những mục đích cũng như hàm chứa ý nghĩa riêng của nó.
Tâm tình cuối
Wow, quả là bất ngờ về những điều xoay quanh Doraemon đúng không nào? Bên cạnh đó, nếu bạn có bất kỳ điều thú vị mà mình vẫn chưa đề cập thì hãy comment chia sẻ, giúp mọi người cùng hiểu rõ về nhân vật tuổi thơ này nhé!
Người viết: Diễm Phương
Người thiết kế: Phạm Quỳnh
(*) Bản quyền bài viết thuộc về BOOKIEE.ORG. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ gồm tên người viết, tên người thiết kế và Bookiee - Sách Là Niềm Vui. Mọi hành vi sao chép hoặc trích nguồn, chia sẻ bài viết không đầy đủ đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
______________________________
Bookiee - Sách là niềm vui
👉 Fanpage
👉 Youtube
Đọc bài viết mà ký ức tuổi thơ cứ ùa về. Hồi đó, những trưa mẹ mình bận việc không đón được, mình thường qua nhà bạn, may thay, nhà bạn mình toàn truyện tranh Doraemon. Mình đọc say mê, đắm chìm vào một thế giới khác, không còn nôn nóng đợi mẹ đến rước nữa 😄