top of page
Ảnh của tác giảBookiee - Sách là niềm vui

Khúc Ca Vĩ Đại Về Khát Vọng Và Ý Chí Con Người Trong Ông Già Và Biển Cả

Đã cập nhật: 6 thg 8, 2022

Bạn có năm giây để trả lời câu hỏi này: Bạn tin chắc rằng bạn sẽ thực hiện được ước mơ của mình?


Mình tin chắc năm giây sẽ không đủ với hầu hết các bạn trẻ để trả lời một câu hỏi như thế, bởi vì nhiều bạn sẽ lưỡng lự. Điều đó có nghĩa là họ chưa hoàn toàn tin và tự tin vào ước mơ của mình, hay thậm chí tệ hơn là họ còn đang suy nghĩ ước mơ của mình là gì. Nhưng không sao cả! Câu chuyện mà Hemingway kể trong cuốn sách “Ông già và biển cả” sẽ giúp bạn tin tưởng hơn vào ước mơ, vào sức mạnh nghị lực bên trong bạn đó.


Bookiee - Sách là niềm vui

Đừng nghĩ bản thân đã quá tuổi để theo đuổi ước mơ của chính mình


Câu chuyện kể về một cuộc chiến vô cùng khốc liệt và căng thẳng giữa ông lão Santiago với con cá kiếm khổng lồ. Mặc dù được đặt trong một hoàn cảnh vô cùng bất lợi nhưng ông lão đã chiến đấu bằng tất cả sức mạnh của mình để có thể chinh phục con cá dũng mãnh ông từng ao ước. Những tưởng ông sẽ đem được con cá to vào bờ, nào ngờ, những khó khăn lại tiếp tục đến với ông.


Tại sao nên đọc cuốn sách này?


Cái hay và đẹp trong văn chương của Hemingway phải kể đến đó là quan điểm độc đáo của ông về nghệ thuật. Ông cho rằng nghệ thuật là một tảng băng trôi, chỉ có một phần nổi và có đến bảy phần chìm. Đó cũng là nguyên lý chủ đạo và xuyên suốt “Ông già và biển cả”.


Phần nổi trong tác phẩm này là những gì mà người đọc thấy được thông qua tựa đề tác phẩm, qua những câu văn ngắn gọn, qua hình ảnh ông lão Santiago và con cá kiếm.


Bảy phần chìm còn lại của câu chuyện được hình thành tùy thuộc vào hiểu biết, kiến thức và tưởng tượng của người đọc. Từ những hình ảnh của “phần nổi” trong tác phẩm, người đọc có thể rút ra được kinh nghiệm riêng của chính họ. Do đó, mỗi bài học được đúc kết sẽ khác nhau. Đây mới là cốt lõi tạo nên giá trị của tác phẩm bởi cùng một hình tượng nhưng ta có thể hiểu theo nhiều ý nghĩa khác nhau. Vì vậy mà nhà văn Macket nhận xét về “Ông già và biển cả” rằng: “Những gì Hemingway viết trong khoảng 100 trang sách đó những nhà văn khác có thể biến thành một cuốn tiểu thuyết dày hàng nghìn trang”.


Ernest Hemingway - Người kể chuyện kiệm lời


Ernest Hemingway (1899 - 1961) là một trong những nhà văn Mỹ có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong thế kỷ XX và cũng là nhà văn tiêu biểu nhất của Thế hệ lạc lõng (Lost Generation). Ngoài việc là một tiểu thuyết gia nổi tiếng, ông còn là một nhà báo mẫu mực, một phóng viên chiến trường xuất sắc, cựu quân nhân trong Đệ nhất Thế chiến.


Chân dung nhà văn Ernest Hemingway. Nguồn: www.pbs.org


Suốt cuộc đời của mình, ông đã viết tất cả 10 tiểu thuyết và 10 tuyển tập. Trong số đó, “Ông già và biển cả” có lẽ là tác phẩm nổi bật nhất trong sự nghiệp văn chương của Hemingway khi đã mang đến cho ông giải thưởng Pulitzer và giải Nobel danh giá cho toàn bộ sự nghiệp sáng tác của ông.


Hemingway thường viết về lòng dũng cảm và ca ngợi sức chịu đựng của con người. Những nhân vật của ông dám mạnh mẽ đối mặt với sự tôi luyện khắc nghiệt của thực tại đang hiện hữu để vươn lên một tầm cao mới, mang đến một vẻ đẹp anh hùng nhưng hết sức bình dị.


Nếu Thuyết Tương đối của Einstein đã thống trị lĩnh vực vật lý thế kỷ XX thì chính nguyên lý tảng băng trôi của Hemingway đã thống trị văn học thời điểm đó. Đây là một nguyên lý bất di bất dịch trong các tác phẩm của ông, với nội dung: nhà văn không công khai phát ngôn ý tưởng của mình mà xây dựng hình tượng có sức gợi để người đọc rút ra phần ẩn ý giúp lấp đầy “khoảng trống”.



Khía cạnh ấn tượng


Cảnh báo tiết lộ tình tiết:

“Đây là phần phân tích chi tiết về đánh giá, cảm nhận cá nhân nên không tránh khỏi việc tiết lộ nhiều nội dung. Để đảm bảo một trải nghiệm trọn vẹn với Bookiee, các bạn hãy đọc sách trước và quay lại với chúng mình sau nhé!”.


“Ông già và biển cả” - Một tựa đề ngắn gọn nhưng đủ sâu sắc


Đối với Hemingway, mỗi hình ảnh, mỗi câu văn đều ẩn chứa một tầng ý nghĩa đang chờ đợi độc giả khám phá ra theo cách riêng của họ. Với mình, ấn tượng đầu tiên về giá trị nhân văn mà mình khám phá ra chính là tựa đề “Ông già và biển cả” . Đây là một nhan đề có sức gợi sâu xa.


Dường như tác giả có hàm ý về hoài bão và hành trình khám phá bản thân. Biển cả, cuộc đời và thế giới bên trong mỗi con người đều có điểm giống nhau, đó là rất rộng lớn và vô cùng bí ẩn. Tìm ra chính mình và chinh phục ước mơ là một hành trình dài không có lộ trình và vô cùng khó khăn.


Biển cả rộng lớn và bí ẩn luôn chờ con người tới khám phá


Có lẽ nhan đề ấy muốn nhắn nhủ rằng, trước biển đời mênh mông, con người như một lữ khách cô độc, già nua và yếu ớt. Nhưng không phải vì điều đó mà người ta từ bỏ ước mơ, đánh mất chính mình, mà phải dùng tất cả sức lực chống chọi với những bão táp cuộc đời để hiên ngang đứng dậy và khẳng định vị thế của mình trong chính vùng biển của mình.


Hành trình chinh phục con cá kiếm của ông lão


Dù đã 84 ngày không câu được con cá nào, kể cả cậu bé đi theo ông lão trong những ngày đầu giờ đây cũng không theo ông nữa, vận rủi đã đến với ông và bắt ông cảm nhận nó bằng chính tinh thần của ông, nhưng trong đầu ông chưa giây phút nào có suy nghĩ là phải từ bỏ. Đôi khi, những thử thách khó khăn cũng giống như một người lạc giữa Nam Cực vậy, hầu như không có ánh sáng, lạnh lẽo, khó tiếp cận và chỉ có một mình, một giây từ bỏ, nghĩa là từ bỏ cơ hội được sống.


Ông lão không từ bỏ, ông vẫn tin rằng ông sẽ câu được một con cá lớn, đó là khát khao của lão, có lẽ vì vậy mà lão vẫn vững tin và hết mình với nó mặc cho sự đơn độc đang bủa vây lấy sự sống của lão. Nếu vào vai ông lão, có lẽ sự cô độc đã làm mình gục ngã từ lâu lắm rồi, nhưng thật may đó lại là nhân vật của Hemingway. Ông lão lại một lần nữa ra khơi, một vùng biển thật xa bờ để đi tìm con cá lớn nhất đời ông.


Đứng trước ước mơ và hoài bão, tuổi tác chẳng còn là vấn đề to tát


Điều gì đã khiến cho một lão già lại ra khơi một mình để thực hiện ước muốn của ông? Mình không biết rõ! Có lúc lão nói: “tuổi tác là đồng hồ của ông”, có lẽ đó cũng là lý do lão muốn ra khơi. Câu đó cũng giống như lão nói rằng, người ta chỉ chết khi ngừng hy vọng về ước mơ. Ông không còn nhiều thời gian để chinh phục con cá nữa, nhưng lúc này đây, nếu ông từ bỏ nó, thì cũng có nghĩa là cuộc đời ông đã kết thúc. Nên ông phải ra khơi.


Ông nói: “Đại dương tử tế và rất đẹp”.


Thần Poseidon là người cai trị biển cả, vị thần đã đáp trả lòng tin của ông lão bằng một con cá kiếm đẹp đẽ và khổng lồ chính như cách lão đã hoài bão bao lâu nay.


Những vị thần luôn cho con người cơ hội như vậy, nhưng để nắm bắt được cơ hội lại là một chuyện khác. Lão biết điều đó, một người già luôn phải có nhiều kinh nghiệm, bởi gắn liền với câu khen ngợi đại dương, lão nói: “Nhưng nó có thể độc ác và tráo trở bất thình lình”. Lão tiếp tục: “Gặp may thì tốt hơn. Nhưng mình ưa sự chính xác. Để khi vận may đến thì mình đã sẵn sàng”. Đó là cách một người nhiều kinh nghiệm suy nghĩ về cơ hội của họ, luôn có sự chuẩn bị chu đáo cho những vận may ngay cả khi những vận rủi vẫn còn xung quanh.


Ông Santiago đã chuẩn bị tinh thần để chinh phục con cá kiếm. Nhưng ông lại một lần nữa đối mặt với sự kiên nhẫn khác, dù con cá đã mắc câu vào giữa trưa ngày thứ nhất khi ông ra khơi nhưng phải đến ngày thứ hai nó mới nhảy lên lần đầu tiên. Trong suốt thời gian chờ đợi con cá nhảy lên, lão luôn cố gắng cầm cự, lão luôn hy vọng và mong mỏi. Có lúc lão dịu giọng với con cá rằng: “tao sẽ cầm cự với mày cho đến chết”, có lúc lão tha thiết rằng: “Cầu Chúa làm nó nhảy lên”, bất thình lình con cá giật mạnh, nó “kéo lão ngã sấp xuống mũi thuyền và suýt lôi lão xuống biển”.


Hãy cứ kiên trì, rồi sẽ đạt được thành công


Cũng có lúc, cơn chuột rút khiến cho bàn tay trái của lão đau đớn và co quắp, nhưng lão không dừng lại mà tự nhủ rằng: “Hãy kiên nhẫn, tay à”. Rồi lão ăn nhiều cá hơn vì bàn tay trái của lão.


Bỗng nhiên con cá nhảy lên và “xé toang một mảng đại dương rồi rơi ầm xuống”. Những gì mình biết là, con cá và cơn chuột rút luôn hành động mà không báo trước như vậy, nhưng lão đã sẵn sàng rồi.


Cuộc chiến giữa ông lão và con cá kiếm cuối cùng cũng diễn ra, một cuộc chiến khốc liệt và uy nghiêm, vẻ đẹp ẩn sâu bên trong mỗi tượng đài nhân vật huyền ảo và kỳ diệu như thần thoại được hiện thực hóa bởi con người và thiên nhiên. Lão già đã kiệt sức, nhưng con cá kiếm là mới bắt đầu.


Lão già không chỉ chiến đấu với con cá kiếm, lão còn phải chiến đấu với chính bản thân và số phận của lão. Lão cố gắng giữ trạng thái bình tĩnh và phân tích tình hình. Lão tự động viên bản thân, lão kìm nén nỗi đau và tự nhủ, nỗi đau của lão thì có thể chế ngự nhưng con cá thì không, nó có thể cuống cuồng lên vì đau.


Cuối cùng, lão tập trung hết sức lực và phóng lao giết chết con cá. Một thanh lao nhuốm màu đỏ máu như sức mạnh còn sót lại của lão, màu đau đớn mà lão đã chịu, vầng sáng màu vàng của hy vọng và màu lục của kiêu hãnh; lão mang ra và đương đầu với với khát vọng bao lâu nay của lão, con cá kiếm dũng mãnh đang hấp hối. Trúng tim, con cá sực tỉnh, phóng vút lên khỏi mặt nước giữa muôn trùng biển khơi phô ra hết tầm vóc khổng lồ, vẻ đẹp và sức lực của nó.


Giá trị của cái đẹp và sự cảm nhận


Câu chuyện của Hemingway đã gợi lên nhiều hình tượng dưới góc độ mỹ học.


Ông lão Santiago là một biểu hiện cho cái đẹp. Ông lão đẹp về khát vọng và cả về ý chí. Ông có một hoài bão to lớn, một lý tưởng sống đẹp đẽ mà ít ai có được. Ông có một ý chí bền bỉ, ông chưa bao giờ từ bỏ ước mơ, chưa bao giờ ngừng hy vọng về những điều tốt đẹp và luôn chuẩn bị sẵn sàng cho bất kỳ cơ hội nào đến với ông.


Hành động ra khơi xa để chinh phục được con cá kiếm cũng là một hành động thể hiện được khát vọng vươn tới cái đẹp, khát khao được thực hiện ước mơ. Ông dám đương đầu với những khó khăn để hiện thực hóa ước mơ của đời mình, ông luôn luôn đứng vững và chống lại những thách thức của số phận. Bởi Sant trong Santiago có nghĩa là thánh, cùng với những vết xước, rướm máu lúc tranh đấu với con cá kiếm gợi cho người đọc nhớ đến chúa Jesus - một con người phi thường chống lại định mệnh.


Quá trình chinh phục con cá kiếm của ông lão Santiago cũng giống như quá trình con người tạo ra một giá trị cho xã hội vậy. Họ muốn mang đến cho mọi người một tác phẩm nhân văn, một công trình kiến trúc đồ sộ, một giá trị hiện thực tốt đẹp. Họ rất cố gắng, một mình chịu nhiều khổ cực để mang lại sự tốt đẹp đó. Nhưng đôi khi kết quả mang về lại là “bộ xương khô”. Và trong tất thảy những người nhìn thấy, có vô số người không thể nào hiểu được những gì họ đã làm, chỉ có số ít người cảm nhận được vẻ đẹp mà người ta đã ra sức chinh phục.


Cuốn sách là lời động viên cho những ai đang gục ngã!


Hành trình thực hiện ước mơ và hiện thực hóa ước mơ là một hành trình không hề dễ dàng đối với bất kỳ ai. Tuy nhiên, Hemingway đã cho thấy được giá trị nhân văn trong chặng đường đó, ý chí của con người là sức mạnh to lớn mà chúng ta có được, nó đắt đỏ và lấp lánh hơn kim cương gấp nhiều lần. Và đúc kết lại câu chuyện, ta nhận ra một chân lý bất hữu: “Con người có thể bị hủy diệt chứ không thể bị đánh bại”.


Còn bạn thì sao? Sau khi đọc xong bài viết này, bạn sẽ tìm đọc cuốn "Ông già và biển cả" chứ?


Người viết: Quang Nghĩa
Người thiết kế: Diệu Hương


(*) Bản quyền bài viết thuộc về BOOKIEE.ORG. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ gồm tên người viết, tên người thiết kế và Bookiee - Sách Là Niềm Vui. Mọi hành vi sao chép hoặc trích nguồn, chia sẻ bài viết không đầy đủ đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

________________________


Bookiee - Sách là niềm vui

201 lượt xem1 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

1 Comment


vy nguyen
vy nguyen
May 19, 2022

Bài review truyền cảm hứng quá

Like
bottom of page