Liệu rằng có phải mọi người xung quanh đang “lợi dụng lòng tốt” để biến bạn trở thành “nạn nhân”, hay chính sự buông thả khiến “phức cảm cô gái tốt bụng” đang đẩy bạn vào những cảm xúc tiêu cực?
Nhiều người đã từng vô cùng mong muốn được tất cả mọi người yêu quý và sợ bị đặt vào tình huống bối rối, khó xử nên luôn chấp nhận thỏa hiệp. Thế nhưng, việc quen chấp nhận nhượng bộ và tự nguyện đứng ra nhận mọi việc về mình, đến khi không còn đủ năng lượng và không thể hoàn thành nhiệm vụ một cách trọn vẹn, để rồi ôm nỗi ấm ức trong lòng và ám ảnh với suy nghĩ: “Người tốt lúc nào cũng phải chịu thiệt”.
Đằng sau hội chứng “Phức cảm cô gái tốt bụng”
Theo Yoo Eun Jung - một chuyên gia về lĩnh vực sức khỏe tinh thần, giúp người đọc giải quyết các vấn đề xã hội thường gặp thông qua góc nhìn tâm lý, cho rằng: “Những người bị ám ảnh bởi hội chứng này thường là người ôm trong mình khao khát được công nhận quá mãnh liệt”
Thông thường, “Phức cảm cô gái tốt bụng” sẽ khiến chúng ta luôn suy nghĩ “muốn được mọi người công nhận thì phải làm hết mọi việc”. Để rồi dần dần, ta ôm đồm và cố gắng đáp ứng mọi nhu cầu của người khác đặt ra. Nhưng chính những khao khát quá mãnh liệt này khiến chúng ta cảm thấy mệt mỏi, kiệt sức và không hài lòng với mọi thứ xung quanh. Vì vậy, nó dễ dàng biến ý tốt ban đầu của chúng ta trở thành những kết quả không như mong muốn.
Làm thế nào để giảm thiểu khao khát được công nhận
Điều đầu tiên, mỗi cá nhân cần thấu hiểu mong muốn được công nhận của mình. Xác định được rằng mình thật lòng muốn làm là vì người khác và không phải mong muốn được công nhận.
Thay vì cho rằng “phức cảm cô gái tốt bụng” là tư tưởng cần sửa đổi, chúng ta có thể biến nó thành tư tưởng hỗ trợ chúng ta trong cuộc sống. Bằng việc chuyển đổi nhường nhịn và quan tâm người khác thành điều đặc biệt của mình. Song, cần điều chỉnh cường độ và tần suất sao cho những hành động ấy không gây ra ảnh hưởng xấu với sức khỏe và tinh thần của chúng ta.
Tiếp đến, làm thế nào để biết cách từ chối? Đây là điều vô cùng quan trọng nhưng không dễ dàng thực hiện. Có lẽ đối với chúng ta, việc từ chối sẽ tạo ra khoảng cách giữa các mối quan hệ nhưng từ chối cũng có nét đẹp riêng của nó. Để có thể duy trì sự cân bằng của mối quan hệ ta cần phải thể hiện rõ mong muốn và thái độ của mình. Mặt khác, ta cần nhận biết rõ khả năng đáp ứng của bản thân về những yêu cầu của người khác. Từ đó kiên định hơn và cũng tránh được việc tự động chấp nhận như một phản xạ có điều kiện khi nhận được sự nhờ vả.
Ta cần nhận biết rõ khả năng đáp ứng của bản thân về những yêu cầu của người khác.
Trên chuyến hành trình của cuộc đời, chúng ta đều cảm thấy như mình luôn phải cố gắng để tạo ra những giá trị riêng. Bản thân mong muốn được công nhận không phải là điều xấu, nhưng việc tự làm quá nhiều việc vượt quá khả năng là nguyên nhân tạo ra tư tưởng mình là người bị hại trong “phức cảm cô gái tốt bụng”. Trên thực tế, mong muốn được công nhận quá khích của ta chỉ khiến cuộc sống của người khác trở nên thuận lợi và dễ dàng hơn. Vì vậy, để không đẩy mối quan hệ đến giới hạn tiêu cực, chúng ta cần có thái độ rõ ràng, đặt ra tỷ lệ chấp nhận - từ chối và tuân theo những nguyên tắc này.
Cảm nhận của bạn là gì? Hãy để Bookiee lắng nghe cùng nhé!
Người viết: Kiều Khanh
Người thiết kế: Anh Thư
(*) Bản quyền bài viết thuộc về BOOKIEE.ORG. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ gồm tên người viết, tên người thiết kế và Bookiee - Sách Là Niềm Vui. Mọi hành vi sao chép hoặc trích nguồn, chia sẻ bài viết không đầy đủ đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
______________________________
Bookiee - Sách là niềm vui
👉 Fanpage
👉 Youtube
Comments