top of page
Ảnh của tác giảBookiee - Sách là niềm vui

Những Cuốn Sách Thiếu Nhi Dành Cho Người Lớn

Đã cập nhật: 1 thg 3, 2021


Không phải lúc nào những cuốn sách dành cho trẻ thơ cũng chỉ là thế giới cổ tích màu hồng đầy mộng mơ với nàng công chúa tóc vàng óng ả, chàng hoàng tử bạch mã điển trai hay bà tiên mầu nhiệm. Giữa những điều ảo mộng vẫn luôn tồn tại những hy vọng, những rung cảm mãnh liệt cho thực tế vốn khắc nghiệt.



Sách thiếu nhi giành cho người lớn


1. Hoàng tử bé - The little prince


Tác giả: 
Năm xuất bản: 1943,
Thể loại: thiếu nhi, kinh điển. 

Có lẽ phải mất rất nhiều năm để người ta nhận ra ý nghĩa vĩ mô của “Hoàng tử bé”. Em ra đời từ nỗi tuyệt vọng trước “sự thất bại kỳ lạ” của nước Pháp và từ chính hành trình tha phương cầu thực của Antoine thông qua lăng kính ngây thơ, trong trẻo và dung dị đến lạ.


Hoàng tử bé - Antoine de Saint-Exupéry

Xuyên suốt tác phẩm là tình bạn kỳ diệu có chút lạ lùng của chàng phi công và Hoàng tử bé nơi sa mạc xa xôi. Hai con người cô đơn như tìm được tri âm tri kỷ mà bộc bạch nỗi lòng. Sự đồng điệu trong tâm hồn ấy là chất xúc tác để những mẩu chuyện lý thú mà đầy suy ngẫm của Hoàng tử bé đến với độc giả.


Hoàng tử bé đến từ tiểu hành tinh B-612, nơi có hai ngọn núi lửa đang hoạt động và một ngọn đã tắt, cùng với những mầm bao báp đáng ghét. Ở đây, chàng nâng niu chăm sóc một cô hồng đỏm dáng kiêu sa nhưng cũng rất đỗi nhạy cảm, mong manh. Bởi vì không thấu hiểu đối phương, Hoàng tử bé vô cùng buồn đau, đến mức chàng phải chạy trốn theo chuyến di trú của đàn chim trời.


Hành trình của cậu đi qua sáu tiểu hành tinh và lần lượt gặp gỡ những “người lớn” kỳ quặc: nhà vua không có thần dân, một ông hợm hĩnh thích được tung hô, một ông nát rượu uống để quên đi nỗi xấu hổ rằng mình nghiện rượu, một thương gia mở tài khoản sở hữu các ngôi sao trên trời, một người canh giữ thắp đèn và bật đèn liên tục theo mệnh lệnh, một nhà địa lý không bao giờ bước chân ra ngoài thế giới để khám phá…


(Hoàng Tử Bé, nguồn: Internet)


Trái Đất là điểm dừng chân cuối cùng của chàng, là nơi gặp gỡ và nảy nở tình bạn lạ đời với chàng phi công. Và chính Trái Đất cũng là nơi Hoàng Tử Bé nhận ra những bài học sâu thẳm nhất. Cuối cùng, Hoàng tử bé kết thúc chuyến phiêu bạt để trở về với bông hồng bé nhỏ duy nhất của mình.


“Hoàng tử bé” vừa là câu chuyện ngụ ngôn dành cho trẻ thơ bởi từ ngữ giản đơn, hệ thống hình ảnh sinh động; vừa là cuốn sách dành cho người lớn bởi những triết lý nhân sinh sâu lắng, những bài học vốn đơn giản nhưng dễ dàng bị lãng quên.


Một trong những câu nói tôi tâm đắc nhất trong cuốn sách chính là lời mà chú cáo khôn ngoan đã nói: “Người ta chỉ nhìn rõ được bằng trái tim. Con mắt thường luôn mù lòa trước điều cốt tử.” Hãy cảm nhận “Hoàng tử bé” bằng cả trái tim, bạn nhé!


2. Giết con chim nhại - To Kill a Mockingbird


Tác giả: Harper Lee
Năm xuất bản: 1960
Thể loại: thiếu nhi, kinh điển

“Có một thứ không tuân theo nguyên tắc đa số, đó là lương tâm của con người.”


Giết chết con chim nhại - Harper Lee

Tác phẩm được tường thuật lại dưới góc nhìn ngây ngô của một cô bé 6 tuổi - Jean Louise “Scout” Finch. Thế nhưng, “Giết con chim nhại” không tránh né, không ngần ngại đề cập tới những sự thật trần trụi và gai góc nhất của xã hội Mỹ lúc bấy giờ: nạn phân biệt chủng tộc, định kiến xã hội khắt khe, sự trọng nam khinh nữ… Tuy gây nhiều tranh cãi trong giới học thuật và công chúng, việc lựa chọn đôi mắt của trẻ thơ để lên án những điều bất công vẫn là một dấu ấn vô cùng đặc biệt của bà.


Bên cạnh người dẫn chuyện, nhân vật mang lại ấn tượng sâu đậm cho độc giả không thể bỏ qua người bố của hai anh em Jean và Jeremy - bố Atticus. Ông bố luật sư có những cách dạy dỗ khác hẳn những giá trị cố nhiên trong xã hội Mỹ đương thời để những đứa trẻ của mình vững vàng đón nhận những bức xúc không sao hiểu nổi của tuổi trưởng thành. Bố Atticus là một nhân vật một lòng đấu tranh cho công lý. Trong ông, niềm tin vào bản thân và sống đúng với lương tâm là hai tôn chỉ hàng đầu để phần “người” tồn tại. Ông đơn độc đấu tranh với tất cả nỗ lực và chân thành, cho Tom Robinson, cho những đứa trẻ của mình, và hơn cả cho một sự thay đổi cấp tiến.


Bởi vì cho dù chúng ta đã bị đánh bại một trăm năm trước khi chúng ta bắt đầu thì đó cũng đâu phải là lý do khiến chúng ta không cố thắng.


(Hình ảnh bố Atticus trong phim điện ảnh cùng tên, nguồn Internet)


Cái chết của Tom Robinson gieo vào lòng độc giả một tiếng thở dài tiếc nuối, sự đau buồn và giận dữ. Anh bị kết án tử hình vì hãm hiếp một cô gái da trắng dù sự thật không phải thế. Sự thật thà quá đỗi và nỗi sợ hãi trước định kiến xã hội của Tom lại dẫn đến một kết cục vô cùng đau lòng. Điều đáng lên án ở đây là dù “nạn nhân” là một kẻ chẳng ra gì, thuộc dòng họ đáng khinh nhất hạt như Ewell, dù vụ án có được dàn dựng đi chăng nữa và tất cả đều biết điều đó, mọi người cứ thế lờ đi. Họ cảm thấy “tiếc thương” cho cô gái “bất hạnh, xấu số”. Bởi, cuối cùng thì cô ta vẫn là người da trắng.


Đã 60 năm kể từ lần đầu tiên ra mắt với công chúng, giá trị nhân văn của “Giết con chim nhại” vẫn còn vẹn nguyên với thời gian. Những thông điệp của tình yêu thương, của lẽ công bằng, của niềm tin con người… in đậm trong từng lời văn, đó là lý do cuốn sách kinh điển này hấp dẫn mọi lứa tuổi ở mọi thời điểm.


“Mấy con chim nhại chẳng làm gì khác ngoài đem tiếng hót đến cho ta thưởng thức. Chúng không phá hoại vườn tược của con người, không làm tổ trên bẹ ngô, chúng không làm gì khác ngoài hót bằng cả trái tim cho chúng ta nghe. Điều đó lý giải vì sao giết một con chim nhại là tội lỗi.”


(Bìa sách Giết chết con chim nhại, nguồn: Internet)


Hình tượng con chim nhại nổi bật lên trong suốt câu chuyện, nó lặp đi lặp lại như một biểu tượng cho sự ngây thơ, trong trắng của những người vô tội như Tom Robinson. Giải thích cho ý nghĩa ấy, cô Maudie Atkinson - hàng xóm của lũ trẻ từng nói: “Mấy con chim nhại chẳng làm gì khác ngoài đem tiếng hót đến cho ta thưởng thức. Chúng không phá hoại vườn tược của con người, không làm tổ trên bẹ ngô, chúng không làm gì khác ngoài hót bằng cả trái tim cho chúng ta nghe. Điều đó lý giải vì sao giết một con chim nhại là tội lỗi.”


Để nói thêm về “Giết con chim nhại” thì nhiều vô kể nhưng hãy tìm một điều tâm đắc nhất cho riêng mình nhé!


3. Chuyện con mèo dạy con hải âu bay - The story of a seagull and the cat who taught her to fly


Tác giả: Luis Sepúlveda
Năm xuất bản: 1996
Thể loại: thiếu nhi

“Một bà má cực xịn.” - Đó là điều tôi không thể kiềm được mà thốt lên khi đọc xong “Chuyện con mèo dạy hải âu bay”.


Chuyện con mèo dạy hải âu bay - Luis Sepúlveda

Ấp trứng


Động từ này nghe rất đỗi vô lý khi đặt lên kẻ sinh ra để làm mèo. Song, lời hứa là lời hứa và Zorba - cô mèo đen to đùng, mập ú của chúng ta là một con mèo biết giữ lời hứa.


Xuyên suốt tác phẩm, độc giả chứng kiến hành trình Zorba thực hiện ba lời hứa với cô hải âu Kengah trước lúc lâm chung: một là không ăn quả trứng; hai là chăm lo quả trứng cho đến khi chim non ra đời và cuối cùng, một điều dường như không tưởng: dạy nó bay. Đó có lẽ là lời hứa kì quặc và điên rồ nhất mà Zorba của chúng ta từng hứa trong đời. Nhưng với tất cả danh dự của loài mèo, lòng tận tâm và chân thành, Zorba đã cùng những người bạn bến cảng Hamburg (ngài Đại Tá quyền uy, giáo sư Einstein thông thái, Secretario gầy gò, Bốn Biển - con mèo viễn dương…) thực hiện phi vụ có “1-0-2” ấy sau biết bao trắc trở.


Lucky - cô hải âu được cả cộng đồng mèo bến cảng bảo vệ và nâng niu là một minh chứng sống cho tình yêu thương không giới hạn giữa những giống loài khác nhau. Như Zorba đã từng nói:


“Chúng ta đã bảo vệ con từ khoảnh khắc con mổ vỡ lớp vỏ trứng ra đời. Chúng ta đã dành cho con sự chăm sóc mà không hề nghĩ tới việc biến con thành một con mèo. Chúng ta yêu con như yêu một con hải âu. Thật dễ dàng để chấp nhận và yêu thương một kẻ nào đó giống mình, nhưng để yêu thương ai đó khác mình thật sự rất khó khăn, và con đã giúp chúng ta làm được điều đó. Con là chim hải âu, và con phải sống cuộc đời của một con hải âu. Con phải bay.”


(Nguồn ảnh: Internet)


Cuốn sách thấm đẫm tình người, nó gửi tới độc giả một thông điệp bất hủ: Tình yêu thương đúng nghĩa là khi bao dung và chấp nhận cả phần khác biệt của đối phương.


Không chỉ là tình yêu thương, “Chuyện con mèo dạy hải âu bay” vang lên như một khúc ca bất diệt về lòng quả cảm, sự quyết tâm và cả tình đoàn kết cao cả… Khép lại cuốn sách, lời con mèo mun, to đùng, mập ú vẫn văng vẳng trong tâm trí tôi: “Chỉ những kẻ thực sự dám thì mới có thể bay.”


Bạn có thể không để tâm vì những bài học này quá đỗi giản đơn, chúng được dạy đi dạy lại khi ta còn bé. Thế nhưng, độc giả thân mến, bạn có thực sự còn nhớ, còn noi theo, còn khắc ghi trong trái tim những điều dung dị ấy hay chăng?


Những câu chuyện ngụ ngôn của trẻ thơ tuy súc tích, dễ hiểu nhưng chúng vẫn luôn tồn tại những giá trị sâu sắc, thấm thía cho người trưởng thành.


WH Auden đã viết, trong một bài tiểu luận về Lewis Carroll: “Có những cuốn sách hay chỉ dành cho người lớn, vì sự hiểu biết của họ giả định trước những trải nghiệm của người lớn, nhưng không có cuốn sách hay nào chỉ dành cho trẻ em. Tôi không cho rằng người lớn chỉ nên đọc tiểu thuyết của trẻ em, chỉ là đôi khi trong cuộc sống đó là điều cần thiết mà người lớn cần thực hiện”.


Hãy nhớ rằng tất cả chúng ta ai cũng đều từng là trẻ thơ!


- Đào Thu Huyền -

211 lượt xem0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Comments


bottom of page