top of page
Ảnh của tác giảGubott

[Sách Gubott] Đàn Dương Cầm Đã Ra Đời Như Thế Nào - Ellye Howell Glover

Phía sau mỗi loại nhạc cụ đều ẩn chứa vô vàn giai thoại ly kỳ, và lịch sử của đàn dương cầm cũng dài không kém biên niên sử của xã hội loài người. Chứa đựng những câu chuyện về quá trình “tiến hóa” của piano, quyển “Đàn dương cầm đã ra đời như thế nào?” xuất bản vào năm 1913 được viết bởi nữ tác giả Ellye Howell Glover như một chuyến tàu ngược dòng về quá khứ sơ khai nhất của loại đàn phổ biến này.


Người dịch: Quỳnh Như
Giám sát: Huy Minh Huy (WoWjPu), Thư Đặng (Thư Lam)
Soát lỗi: Cát Huyền (VarinX)
Biên tập: Thu Anh (Cốm)
Thiết kế bìa: Thu Hoài


Tải sách:











 

Sách điện tử của dự án Gutenberg về Đàn dương cầm đã ra đời như thế nào của tác giả Ellye Howell Glover. [Ebook #29280]


Sách điện tử này dành cho bất kỳ ai sử dụng ở bất kỳ đâu miễn phí và hầu như không có bất kỳ hạn chế nào. Bạn có thể sao chép, cho đi hoặc sử dụng lại theo các điều khoản của Giấy phép Dự án Gutenberg đi kèm với sách điện tử này hoặc trực tuyến tại www.gutenberg.org


 


(Ảnh chụp tại Bảo Tàng Nghệ thuật Metropolitan, Thành phố New York)


 

Từ những đường gân khô trải dài liên tục trên mai của một con rùa đã chết cho đến chiếc đại dương cầm được sử dụng trong các buổi hòa nhạc lớn ngày nay là cả một chặng bay dài. Tuy nhiên, nguồn gốc nguyên thủy này được cho là có thể truy tìm ra sự phát triển của các loại nhạc cụ có dây mà từ đó đạt đến đỉnh cao của đàn dương cầm. Loại đàn sau này đã được gọi một cách thích hợp hơn là “dàn giao hưởng trong nhà”, và trong công cuộc lần theo các vết tích về nguồn gốc của nó, chúng ta phải quay ngược về biên niên sử của quá khứ. Nếu ta chấp nhận Kinh Thánh như một phần lịch sử, và là lịch sử vĩ đại nhất trong các lịch sử, thì nhạc cụ dây là một phần của niên đại rất cổ xưa. Nó được ghi chép lại rằng khi các sứ giả đi đến cung điện của vua Saul, và chơi những cây đàn nebel, và David, một chàng ca sĩ có giọng hát ngọt ngào, đã cố xoa dịu nhà vua khỏi nỗi buồn của mình bằng cách hát cùng đàn hạc của ngài ấy. Chúng ta lại phải quay về nền văn minh của người Ai Cập cổ đại, hơn năm trăm năm trước buổi sáng ấy gần hai ngàn năm về trước ấy, khoảnh khắc đó được viết lại rằng, dàn hợp xướng thiên thần đã xướng lên trên máng cỏ đầy tính lịch sử một thông điệp vinh quang: “Hòa bình đến với Trái Đất, điều tốt đẹp sẽ đến với con người”, và rồi những vì sao mai cùng nhau hát vang.

Thời xa xưa, người Hy Lạp cổ đại đã tuyên bố chủ quyền đối với mọi thứ mà nền văn hóa riêng biệt và sự tiến bộ tạo nên. Những trang sử cổ cũng ghi lại rằng không có điều gì cố chấp và dai dẳng như “vinh quang chính là Hy Lạp”. Và cũng vì thế mà họ kể về thời gian khi—

“Âm nhạc, người con gái thơ ngây của thiên đàng,

Và chính Hy Lạp cổ là nơi người cất lên tiếng hát!”

Tuy nhiên, giờ đây đa số mọi người thừa nhận rằng không phải Hy Lạp mà chính Ai Cập mới thực sự là nơi mà hội họa, âm nhạc và các ngành khoa học nói chung được sinh ra. Và rằng người Ai Cập cổ đã chế tạo nên những nhạc cụ có dây là điều không thể bàn cãi. Trở lại vào năm 525 trước Công Nguyên khi Quốc vương Cambyses chinh phục vùng đất này, người đã phá hủy những đền thờ thành đống đổ nát và từ trên những tàn tích ấy, những bản ghi chép về nhạc cụ đã có từ thời cổ xưa nhất được tìm ra. Nhưng những vị linh mục canh giữ ngôi đền đã bị giết hại một cách tàn bạo, và mọi vết tích của những gì có thể giúp ích cho việc xác định nguồn gốc của nhạc cụ có dây, từ đó, về sau, cả những điều mở ra sự phát triển của đàn dương cầm, cùng với tên gọi của những người đã cố gắng chế tạo nên các nhạc cụ phát ra nhạc, đã vĩnh viễn biến mất.



Clavicytherium hay một cây đàn spinet đứng



Clavichord

Vì sự thiếu hụt về những tài liệu văn bản xác đáng, do đó, chúng ta lại phải quay ngược thời gian về các câu chuyện dân gian để làm sáng tỏ nguồn gốc của đàn dương cầm. Người ta truyền miệng rằng Ham, hoặc một trong số những người con trai của ngài, đã đặt nền móng thuộc địa đầu tiên trên đất Ai Cập. Trên thực tế lại có một truyền thuyết nói rằng chính Noah đã cư ngụ tại đó và một số nhà sử học đã ví người như một vị thần lớn của Ai Cập, Osiris. Và những người thư ký của Osiris, như thần Hermes hay thần Mercury thì lại được gán với sự ra đời của những nhạc cụ có dây đầu tiên. Chuyện kể rằng vào một ngày nọ, thần Hermes đang đi bộ dọc theo bờ sông Nile, chỉ mới sau thời điểm của một trong những trận lũ lớn, nước lũ đã tràn vào bờ sông Nile và nhấn chìm cả vùng đất ấy. Nhưng lúc bấy giờ nước đã rút xuống bớt, và khi Hermes đi dọc theo bờ sông, thần đã vô tình giẫm phải mai của một con rùa đã chết. Xuyên suốt bên trong mai rùa là những đường gân khô căng ra chằng chịt. Hermes nhặt chiếc mai lên và chạm tay vào những đường gân ấy. Người đã rất kinh ngạc khi nghe những âm thanh ngọt ngào phát ra khi chạm vào các sợi dây. Và thần bắt đầu vào việc chế tạo nên một loại nhạc cụ, dùng mai rùa làm thân và đặt những sợi dây bắt ngang thân đàn. Về cơ sở của truyền thuyết này, chúng ta tìm thấy trong những cuộc khảo nghiệm đàn Lyre của người Hy Lạp cổ đại là hầu hết mỗi cây đàn đều được trang trí bằng mai rùa. Chúng ta cũng tìm thấy những bản ghi chép của người Hindu, người Trung Quốc, người Ba Tư, người Do Thái cổ rằng họ đã sử dụng nhạc cụ có dây từ rất sớm và loại đàn phổ biến nhất trong số đó chính là đàn Lyre với nhiều biến thể khác nhau của nó.

Ngôi mộ cổ nổi tiếng của vua Rameses III được trang trí rất công phu và tỉ mỉ với những chiếc đàn hạc. Những mẫu vật của loại nhạc cụ này cũng được tìm thấy trong các cuộc khai quật được thực hiện vào những năm tương đối gần đây. Vào năm 1823, ngài J. G. Wilkinson đã khám phá ra trong một ngôi mộ Ai Cập cổ một chiếc đàn hạc, mặc dù đã ba ngàn năm trôi qua kể từ lúc nó được đặt vào giấc ngủ cạnh vị chủ nhân hoàng gia của mình, cây đàn vẫn được bảo quản trong tình trạng rất tuyệt vời. Dây đàn được làm từ ruột thú, và vẫn còn tốt một cách kỳ diệu. Ngoài ra, những phong tục tập quán mà người Ai Cập cổ đại dùng để phác họa đời sống hằng ngày của họ trên các bức tường thành, trên những đền đài và ngôi mộ cổ đã mang lại giá trị khôn lường đối với những người sưu tầm đồ cổ luôn tìm kiếm các thông tin có giá trị xác thực. Từ những bức họa trang hoàng cho các ngôi đền và lăng mộ này, chúng ta biết được đàn hạc và đàn Lyre là những nhạc cụ được yêu thích nhất của người Ai Cập, và những đường nét chạm khắc ấy đã cung cấp cho ta những bằng chứng không thể chối cãi về việc chúng đã được sử dụng bởi những người cổ đại.

Nhưng tất cả những nghiên cứu mà con người, cho đến nay, đã có thể thực hiện được vẫn chưa tiết lộ ra ai là người đầu tiên phát hiện ra loại nhạc cụ trường tồn này. Sự thật ấy sẽ mãi mãi bị vùi sâu dưới lớp màn bí mật bởi tất cả mọi nỗ lực làm sáng tỏ dòng lịch sử đều thất bại. Không một ai biết được nhân vật nào là người đầu tiên.

“Điểm đàn vang tiếng hợp âm

Thanh âm nào khẽ vỗ đàn ca ngân

Tôn thờ muôn thuở thiên âm

Hiếm hoi tương ngộ giữa đời bi ai

Bên trong chiếc vỏ rỗng kia

Vang lên thanh ngọt, âm đàn rất hay.”

Chỉ việc thần Hermes đặt bao nhiêu sợi dây vào chiếc đàn mai rùa của mình đã là một câu hỏi gây nhiều tranh cãi. Một số người bảo rằng có ba dây tượng trưng cho ba mùa xuân, hạ, và đông, theo phong tục chia năm của người Hy Lạp. Một vài tài liệu lại khẳng định số dây của đàn là bốn. Những người khác lại bảo có bảy dây. Không ai biết chính xác cả. Đàn hạc Hy Lạp được chơi theo cách gảy dây đàn bằng các ngón tay hoặc dùng miếng gảy. Sau này là một mảnh xương hoặc kim loại, được giữ trong các kẽ ngón tay và quét qua dây đàn. Thi thoảng một mảnh gỗ nhỏ cũng được dùng để gảy dây.



Spinet



Cây Virginal của Nữ hoàng Elizabeth

Một bước tiến mới trong sự phát triển của nhạc cụ có dây được tạo ra vào thời kỳ Trung Cổ, khi đàn xante trở nên phổ biến. Cây đàn gồm một chiếc hộp với những sợi dây bắt ngang thân, ghi dấu lại cho ta lần đầu tiên thử nghiệm âm thanh dạng bảng. Tiếp sau này là đàn ximbalum, gần giống với đàn xante nhưng lớn hơn một chút. Cả hai loại đàn đều được chơi bằng miếng gảy.

Ý tưởng rất hay về đàn xante và đàn ximbalum có lẽ được khởi phát từ mộc cầm. Nhạc cụ này có các thanh bằng gỗ hoặc kim loại và được gõ bằng dùi gỗ. Phím đàn thì được phát minh vào thế kỷ XI. Đầu tiên nó được áp dụng cho đàn clavier và sau này là đàn organ. Nhạc cụ dây đầu tiên sử dụng công cụ mới này là clavicytherium, hay đàn cithara có khóa dây. Nó là một cái hộp có nắp đậy với các sợi dây làm từ ruột thú, và xếp thành hình bán tam giác. Cây đàn được tạo để phát ra âm thanh nhờ một miếng gảy bằng lông được gắn một cách thô sơ vào cuối các phím. Đó chính là sự tiến bộ của đàn piano ngày nay đã đạt được vào thế kỷ XIII.

Kế tiếp sự phát triển ấy phải kể đến độc huyền cầm, đàn claricord, hay còn gọi là clavicord, cái tên sau thường được nhiều người biết đến hơn. Vì nó là nhạc cụ được sử dụng nhiều nhất trong suốt sáu thế kỷ sau đó, nên loại đàn ấy đáng được nghiên cứu kỹ lưỡng. Về hình dáng, clavico rất giống một cây đàn piano vuông nhỏ không có chân hoặc khung. Các sợi dây làm từ đồng thau và được nén giữ bằng một cái nêm cùng kim loại đặt tiếp xúc với góc đàn. Cây đàn ban đầu chỉ có thể tạo ra những âm thanh nhẹ nhàng, nhưng chúng rất ngọt ngào và phảng phất nét u sầu. Nhà soạn nhạc Bach quá cố rất yêu thích loại nhạc cụ này. Ông thậm chí không mấy hào hứng khi thấy dương cầm sắp thay thế cho loại đàn clavicord yêu quý của mình. Điều hối tiếc nhất chính là ông đã không thể sống để chứng kiến cây đàn mình yêu thích được hoàn thiện. Vì thế, khi chơi những bản nhạc do Bach viết, chúng ta phải nhớ rằng ông đã viết chúng hoàn toàn cho đàn clavico. Nhạc cụ mà ông đã sử dụng, không cần phải nghi ngờ gì, là đàn được sản xuất ở Ý, vì trong suốt thời gian ấy, người Ý đã dẫn đầu toàn châu Âu về nghệ thuật. Vào khoảng thời gian sau, đàn clavico được người Đức và người Bỉ sao chép lại. Cây đàn đã được sử dụng trong suốt nhiều thế kỷ sau đó do có cấu tạo đơn giản và giá thành rẻ. Mozart đã luôn mang nó bên mình như một phần hành lý trong những chuyến đi. Sau clavico, đàn virginal, spinet và đàn harpsichord ra đời liên tiếp một cách nhanh chóng, và cũng đề cập đến việc nhạc cụ được đặt tên cuối cùng đã được ưa chuộng suốt một thời gian dài trong khi dường như không có một nỗ lực nào trong việc cải tiến chúng. Cả ba loại nhạc cụ này đều có dây làm từ đồng thau, với những miếng gảy đàn được gắn vào gỗ. Chúng được gọi là các “giắc cắm”- một cái tên vẫn được sử dụng đến ngày nay để tạo nên hoạt động của đàn piano.




Spinet đôi hay còn gọi là Virginal được chế tác bởi Ludovicus Grovvelus Flanders năm 1600

Đàn virginal và spinet gần như giống hệt nhau, nhưng đàn harpsichord lại lớn hơn và đôi khi còn được cấu tạo với hai bàn phím. Có rất nhiều lời giải thích cho việc vì sao virginal lại được gọi như thế. Có một lời giải thích cho rằng cây đàn được đặt tên từ sự liên kết của nó với các bài thánh ca của Đức Trinh Nữ. Một lời giải thích khác cho rằng đàn được đặt tên để vinh danh Nữ hoàng Elizabeth, Nữ hoàng Đồng trinh. Chúng ta có thể chấp nhận bất kỳ giả thuyết nào phù hợp với mình nhất, nhưng lịch sử ghi lại rằng cả Nữ hoàng Elizabeth và Mary xứ Scotland đều chơi thành thạo loại đàn này, và đó cũng là nhạc cụ yêu thích của vua Henry VIII. Các hạng mục về việc sửa chữa và hướng dẫn chơi đàn cũng thường xuyên xuất hiện trong sổ ghi chép chi tiêu của hoàng gia, cho thấy một cách rõ ràng rằng Bệ hạ không phải là người không quan tâm đến những tài nghệ này. Bốn quãng tám là phạm vi của những nhạc cụ cũ ấy, từ hàng thứ hai bên dưới được thêm vào những âm trầm đến hàng thứ hai bên trên được thêm vào những âm bổng. Mỗi dây chỉ ứng với một nốt nhạc, và người ta có thể hiểu rõ tại sao một nhà văn ở thời kỳ đó lại mô tả âm điệu phát ra như “một tiếng cào sột soạt với âm thanh phát ra ở cuối”. Cây virginal của Nữ hoàng Elizabeth vẫn được lưu giữ tại Worcestershire. Nó là tác phẩm công phu nhất, có hộp đàn làm từ gỗ tuyết tùng được trang trí lộng lẫy với vải nhung đỏ thẫm và được lót bằng lụa vàng. Trọng lượng của đàn chỉ có 24 pound. Bên cạnh đó, các đĩa vàng cũng được trang trí ở phía trước của đàn. Ba mươi trong số năm mươi phím đàn ấy được làm từ gỗ mun với các đầu phím bằng vàng, các phím nửa cung được khảm bằng bạc, ngà voi và nhiều loại gỗ khác nhau, mỗi phím gồm hai trăm năm mươi mảnh. Ngoài ra, vỏ đàn còn được trang trí bởi hình vẽ của các cánh tay hoàng gia. Quyển sách hướng dẫn chơi virginal của Nữ hoàng cũng được lưu giữ cẩn thận, là một trong những bản ghi chép thầm lặng về những tài nghệ của người phụ nữ tài hoa và tuyệt vời này.

Cây đàn từng có một khoảng thời gian thuộc về Nữ hoàng Mary xứ Scotland thì không quá cầu kỳ lộng lẫy. Hộp đàn được làm từ gỗ sồi khảm tuyết tùng, nhưng nó được trang trí bằng vàng và có những hình vẽ hiếm trên vỏ hộp. Thông thường, người ta thuê những nghệ nhân giỏi nhất để trang trí những nhạc cụ này, vì điều đó giúp nâng cao giá trị của chúng lên rất nhiều. Có một câu chuyện kể rằng Salvatore Rosa, trong một lần cá cược, đã làm cho cây đàn hầu như không có giá trị của mình trở nên đáng giá một nghìn scudi bằng cách vẽ một phong cảnh với những hình vẽ sinh động lên nắp đàn.

Vào tháng Bảy năm 1701, tờ London Post có một bài báo liên quan tới virginal viết rằng: “Tuần này, hai chiếc đàn virginal kỳ lạ nhất, được coi là tốt nhất ở Anh, đã được vận chuyển đến vị lãnh chúa cao quý của hoàng gia Thổ Nhĩ Kỳ.”

Chính trị gia quá cố Pepys đưa ra mô tả về một trận hỏa hoạn lớn ở London xảy ra vào năm 1666 trong cuốn nhật ký của mình như thế này: “Dòng sông phủ toàn là lửa và những con tàu chở hàng hóa, những loại hàng hóa tốt trôi lặn trong nước; và chỉ có tôi quan sát rằng hầu như không thấy có một ngọn đuốc hay con thuyền nào nhưng lại thấy có cặp virginal trên đó.” Từ “cặp” được sử dụng khi ấy cũng không có ý nghĩa nào khác hơn so với khi chúng ta nói “một cái kéo”. Đoạn trích trên cho ta thấy rằng nhạc cụ này hẳn đã được sử dụng phổ biến như đàn piano ngày nay của chúng ta. Vào thời của Shakespeare, việc đặt một cây virginal trong tiệm cắt tóc nhằm phục vụ nhu cầu giải trí của khách hàng đã trở thành một thông lệ, có thể là để làm khuây khỏa những giây phút mệt mỏi và nhàm chán trong khi chờ đợi người thợ cắt tóc gọi đến “người tiếp theo”.



Clavichord được chế tác bởi John Christopher Jesse tại Đywsc năm 1765

Về hình dáng, đàn spinet gần như giống hệt với đàn hạc đặt nằm ngang về khung đàn. Một ví dụ để ta có thể nhìn thấy rõ hơn nằm tại Bảo tàng Nam Kensington ở London, được thực hiện bởi Rossi, một nhà chế tạo rất nổi tiếng. Bảo tàng Metropolitan ở New York có nhiều mẫu vật hiếm về đàn hạc được quyên tặng bởi ngài Drexel ở Philadelphia, người đã mua chúng ở châu Âu. Có hai giả thuyết về nguồn gốc của cái tên “spinet.” Một là nó được lấy từ Spinetti, một người Venice đã phát minh ra hộp đàn dạng thuôn dài. Hai là các sợi dây được tạo ra để rung lên bởi các điểm của miếng gảy, và từ “spinet” đến từ gai hoặc điểm.

Về âm sắc, đàn spinet thường cao hơn ⅕ so với harpsichord, được ưa chuộng suốt thế kỷ XVIII. Chiếc đàn sau này gần như giống hệt với đại dương cầm của chúng ta, chỉ là nhỏ hơn rất nhiều. Nước Ý đã được tôn vinh bởi nguồn gốc của đàn spinet, cách đây cũng đã lâu, từ thế kỷ XV. Tuy nhiên, nó không được sử dụng phổ biến cho đến khoảng năm 1702. Một cây harpsichord được triển lãm tại Bảo tàng Nam Kensington ở London mang ngày tháng của năm 1521. Một bước tiến trong việc xây dựng nên đàn piano ngày nay được thể hiện qua thực tế là luôn có hai dây cho mỗi nốt nhạc và đôi khi là ba hoặc bốn, có bàn phím gồm năm quãng tám. Nó giống như một cây đàn organ ở chỗ có các thanh ghi điểm dừng và đôi khi là một bàn phím đôi.

Hans Ruckers của Antwerp, là nhà sản xuất đàn harpsichord nổi tiếng nhất vào thời đó. Một trong những mẫu vật đẹp nhất của ông ấy nằm trong bộ sưu tập Drexel ở New York. Handel rất thích thú với cây harpsichord Ruckers của mình và ưu tiên nó hơn tất cả các nhạc cụ khác, và cũng là bằng chứng rõ rệt cho thấy tính ưu việt của loại đàn này. Đó là niềm vui của ông ấy suốt một thời gian dài sau khi chứng suy giảm thị lực cản trở ông chơi nhạc. Ông đã phải hoàn toàn ứng biến, nhưng ông quá chuyên nghiệp đến mức dàn nhạc mà ông chơi cùng nhiều lần bị chuyển hướng bởi phần đệm đàn tuyệt vời của mình. Sự cá biệt này đã khiến các nghệ sĩ độc tấu cảm thấy phẫn nộ và một trong số họ đã nói với Handel rằng nếu ông chơi anh ta một trò lừa như vậy khi đang hát, anh sẽ nhảy xuống chỗ cây đàn harpsichord và đập vỡ nó. Điều này đã khiến cho Handel cực kì thích thú và thốt lên: “Bạn xẽ nhảy, phải không? Rất tốt, rất tốt, anh bạn ạ. Hãy tốt bụng nói cho tôi biết khi nào cậu nhảy nhé, vè tôi xẽ công bố chúng trong các hóa đơn thanh toán.” Chúng ta được biết rằng mỗi phím trong nhạc cụ của Handel đều rỗng như phần tròn của thìa, vì vậy ông đã không ngừng luyện tập. Một cây đàn harpsichord rất đẹp đẽ vẫn còn tồn tại đến giờ, nhưng lịch sử của nó bị vùi sâu dưới lớp màn bí ẩn, nhưng có một giả thiết cho rằng đàn đã từng thuộc về Marie Antoinette.



Cây Dulcimer

Nhà soạn nhạc Clementi đã sở hữu một trong những cây harpsichord cuối cùng được chế tạo, với ngày tháng trên hộp đàn là năm 1802. “Bản xô-nát Ánh trăng” nổi tiếng của Beethoven viết cho cả đàn harpsichord và đàn piano, cũng được xuất bản vào năm 1802. Hummel chơi bản nhạc này trên đàn harpsichord vào khoảng cuối năm 1805, nhưng đã phải nhường bước một cách miễn cưỡng nhất cho phát minh mới tên là pianoforte. Chỉ việc công chúng đã chậm chạp thế nào trong việc chấp nhận những đổi mới và cải tiến đối với các nhạc cụ được đề cập, đã được chứng minh bởi trích dẫn sau đây từ một trang sách cổ, phát biểu bởi Thomas Mace, một trong những thư ký của Trinity College, thuộc đại học Cambridge. Ông đã vui mừng khi gọi tập sách của mình là “Đài tưởng niệm Âm nhạc”, và nó được in ấn vào năm 1676 ở London.

Ông khinh thường phát minh mới nhưng lại nhiệt liệt ủng hộ đàn luýt và đàn viôn. Ông giải thích rằng đàn luýt từng được coi là khó chơi vì nó có quá ít dây, chỉ từ mười đến mười bốn, trong khi vào thời điểm ông viết nhạc nó có từ mười sáu đến hai mươi sáu dây. Ông ta tuyên bố rằng mình chưa bao giờ phải chi quá một phần tư si-ling cho các dây đàn. Việc chăm sóc đàn luýt được ông mô tả một cách kỳ lạ:

“Và rằng khi bạn biết cách bảo vệ cây luýt của mình trong điều kiện thời tiết xấu nhất (khi trời ẩm ướt), bạn sẽ làm tốt thôi, bất cứ khi nào bạn bảo quản nó vào ban ngày, hãy để nó ở ngay cái Giường thường xuyên được sử dụng, trên Thảm trải sàn và được phủ bằng Chăn, nhưng đừng bao giờ đặt đàn ủ trong những tấm Ga trải giường, vì điều này có thể làm chúng bị ẩm. Đây là một nơi tuyệt đối và cũng là nơi tốt nhất để bảo quản Nó, bằng cách đó, bạn sẽ tìm thấy nhiều Lợi ích Tuyệt vời. Do đó, một chiếc Giường có thể bảo vệ cây đàn khỏi tất cả những bất tiện này và đồng thời giữ cây đàn của bạn Sáng bóng như Thủy tinh , một cách an toàn và chắc chắn; chỉ có ngoại trừ là không Ai thiếu thận trọng đến mức Nằm sấp xuống Giường khi cây đàn vẫn còn ở đó, vì tôi đã biết một số cây luýt rất Tốt bị hư hỏng bởi một Trò hề như thế.”

Một lần nữa, chúng ta mang ơn Ý vì đã phát minh ra và đặt tên cho đàn piano. Và có một sự thật kỳ lạ là, dù hoàn toàn không biết đến nhau, cả ba người đàn ông đều thực hiện cùng nguyên lý chế tạo - cụ thể là cơ chế giả lập độ nặng và nhạy của cơ chế phím cơ bằng hoạt động của búa - cùng một lúc. Marius ở Pháp, Schroeter ở Đức, và Bartolomeo Christofori (thường được gọi là Christofali) ở Ý đã làm việc một cách âm thầm, cùng lúc với nhau, và đã có khoảng thời gian dài người ta vẫn chưa xác định được vinh quang thực sự thuộc về ai. Tuy nhiên, việc kiểm nghiệm cẩn thận các hồ sơ lưu trữ cho thấy một cách chắc chắn tuyên bố hàng đầu thuộc về Christofori. Cơ chế búa thoát này là điều mà các nhạc cụ trước đây đều thiếu, và điều đó có vẻ kỳ lạ khi phải mất gần hai nghìn năm nguyên lý này mới được khám phá và áp dụng. Có nhiều thời điểm các nhà phát minh đã gần như biết đến nó. Họ làm việc xung quanh nó, nhưng các ý tưởng có vẻ viễn vông và họ chưa bao giờ thực sự hiểu thấu được nó.



Cây dương cầm Christofori tại Bảo Tàng Nghệ thuật Metropolitan, Thành phố New York

Ở thời điểm này, có thể gọi là tốt để liệt kê các nhạc cụ xuất hiện trước đàn piano, nếu chỉ để trí nhớ có thể ghi nhớ chúng một cách rõ ràng: đàn lia và đàn hạc của người cổ đại; đàn ximbalum được chơi bằng miếng gảy, hoặc có thể chơi bằng tay với vai trò như miếng gảy, hoặc có bộ phím được thêm vào để tất cả các ngón tay có thể được sử dụng và di chuyển miếng gảy nhanh hơn; đàn clavichord, với phần nêm bằng đồng thau đặt tiếp xúc ở góc đàn để nén giữ các dây đàn; đàn virginal và spinet, trên thực tế đều giống nhau; đàn harpsichord, với phần thanh gỗ chứa miếng gảy để một nửa cọ xát, một nửa đánh vào dây đàn, vẫn khác xa so với cơ chế giả lập bằng búa ở đàn piano ngày nay. Thật khó hiểu khi mà các nhà sản xuất đã cải tiến rất nhiều cơ chế của đàn harpsichord ở giai đoạn này lại thất bại trong việc tìm ra hoạt động của búa. Nhưng cuối cùng, sau quá trình khám phá hàng thế kỷ, lông, gai cùng ngà voi đã bị loại bỏ và thay thế bằng một chiếc búa nhỏ đập vào các sợi dây, tạo ra một âm thanh rõ ràng, chính xác nhưng vẫn tinh tế cho đến nay. “Tiếng sột soạt với âm thanh ở cuối” đã biến mất vĩnh viễn. Đàn harpsichord đã được thay đổi thành một nhạc cụ của bộ gõ, và nó chỉ còn tồn tại để con người đánh dấu sự sáng tạo sơ khai ấy thành cây đàn piano tuyệt vời của ngày hôm nay.

Mặc dù Ý đã đưa phát minh này đến với thế giới, nhưng Bắc Âu và Anh vẫn tiếp tục lên ý tưởng và cải tiến nó. Christofori đã giải quyết được ba vấn đề quan trọng: đầu tiên, cấu tạo của dây đàn dày hơn để chịu được tác động của búa; thứ hai, tìm ra cách để bù đắp cho điểm yếu gây ra bởi lỗ hở trong trục lên dây; thứ ba, cơ chế điều khiển cơ học đối với lực bật của búa khỏi dây, để búa không cản trở lại dây và ngăn sự rung động.

Nhạc cụ đầu tiên của Christofori được ra mắt vào năm 1709. Marius đã không đưa ra tuyên bố của mình cho đến năm 1716, và Schroeter thì phải đến năm sau đó nữa. Cái tên “pianoforte” bắt nguồn rõ ràng từ năm 1598 và được cho là có nguồn gốc từ một người Ý tên là Parliarino. Trong một số bản thảo của mình, ông đề cập đến một nhạc cụ gọi là piano e forte. Người Anh đã đưa ra lời thỉnh cầu cho một vị tu sĩ sống ở Rome, người đã làm ra một nhạc cụ giống hệt như của Christofori vào năm 1711 và đã mang nó đến Anh, nơi cây đàn tạo ra một cảm giác sâu sắc. Điều này có thể là đúng, nhưng nước Anh đã không phát triển được ngay cả đàn harpsichord cho đến rất lâu sau đó, khi các nhà sản xuất của Continental đạt được những thành công đáng kể trong kinh doanh. Năm 1760, số công nhân Đức đến London đã lên tới con số mười hai. Họ được biết đến với cái tên Mười hai vị Tông đồ, và chính hậu duệ của họ đã trở thành những người có công phát triển thành công nên cây đàn piano cho đến thời điểm hiện tại.

Còn rất ít cây piano của Christorofi được bảo tồn hiện nay. Cây đầu tiên, vẫn còn được bảo quản rất tốt, nằm ở Bảo tàng Metropolitan ở New York. Hai cây còn lại ở Florence, được chế tạo vào năm 1720 và 1726. Họ cho thấy rõ rằng chính ông ấy đã đoán trước được kế hoạch đào thoát và việc kiểm tra búa. Như nhiều nhà phát minh tiên phong trước, ông cũng qua đời trong hoàn cảnh tương đối nghèo khổ. Schroeter, một nguyên đơn người Đức, đã trở thành một nhà chế tạo nhạc cụ nổi tiếng. Ông ấy đã thành công trong việc cải tiến cây piano lên quy mô lớn hơn. Nhưng cuộc đời của ông cũng thật khốn khổ khi phải chống chọi với những yêu sách của các nhà sản xuất khác, những người đã xuất hiện và ngay lập tức bắt tay vào việc kinh doanh. Marius cũng chịu chung số phận, bị các đối thủ cạnh tranh làm cho mất tập trung, và vài người trong số họ đã tạo ra những nhạc cụ vượt trội hơn nhiều so với nhạc cụ của ông ấy.

Nước Anh đã không đạt được nhiều thành tựu trước khoảng giữa thế kỷ thứ mười tám. Cho đến năm 1760, tất cả các cây đàn piano đều được sản xuất ở dạng “vĩ đại”. Sau đó, một người Đức làm việc cho Tschudi, nhà chế tạo đàn harpsichord nổi tiếng, đã phát minh ra đàn kiểu dáng “hình vuông” quen thuộc. Vào đầu thế kỉ XIX, các nhà sản xuất ở châu Âu được chú ý nhất là Steins, Stodart, Broadwood, Pleyel, Erard, và Silberman. Pleyel nổi tiếng không chỉ vì những nhạc cụ của mình mà còn vì ông là đứa con thứ hai mươi tư được sinh ra bởi mẹ mình sau khi bà kết hôn với Martin Pleyel. Bà mất ngay sau khi sinh ông ra, sau đó cha ông lại lấy một người vợ khác và có thêm mười bốn người con, tạo nên một gia đình ba mươi tám người, ba mươi lăm người trong số họ vẫn còn sống và trở nên thịnh vượng. Pleyel là chủ nhà nguyện của Nhà thờ Strasburg. Ông là tác giả của một số bài thánh ca rất hay và các sáng tác khác mà chúng ta biết đến và đem lòng mến mộ ngày nay. Ông sống ở Paris, sản xuất những cây đàn piano lộng lẫy, và trước khi ông qua đời, ông là chủ sở hữu của một trong những cơ sở lớn nhất ở châu Âu.

Để chứng minh cho những thành kiến mà piano đã phải đấu tranh so với đàn harpsichord (và thậm chí đối với cả đàn clavico), chúng tôi xin trích dẫn từ một nhà phê bình âm nhạc ở Leipzig, người đã nói rằng:

“Đàn clavico đứng ở vị trí cao nhất trong tất cả các nhạc cụ, mặc dù về bản chất, nó đã bị loại khỏi phòng hòa nhạc, nó vẫn là người bạn đồng hành của những người ưa chuộng lối sống ẩn dật.” Sau đó ông đã nói về chính mình: “Ở đây tôi có thể tạo ra những cảm xúc từ trái tim mình, có thể khỏa lấp hoàn toàn, xua tan ưu tư và làm tan chảy mọi giai điệu xuyên suốt những âm điệu trầm bổng của nó.” Nhà phê bình này còn nói thêm:

“Đàn piano quá thiếu sắc thái và những chi tiết nhỏ tạo nên sức hút, nó chỉ thích hợp cho các buổi hòa nhạc và nhạc thính phòng.” Bài phê bình ấy kết thúc như sau: “Để đánh giá một nghệ sĩ điêu luyện, ta phải lắng nghe anh ta khi chơi đàn clavico, chứ không phải khi chơi đàn piano hay harpsichord.”

Để minh họa cho sự mới lạ của cây đàn piano vào năm 1767, chúng tôi tìm thấy trên một hóa đơn thanh toán xem diễn của Nhà hát Convent Garden, một quý cô Brickler nào đó đã quảng cáo hát một bài hát yêu thích của “Judith”, được đệm bởi ngài Dibdin trên một loại “nhạc cụ mới” được gọi là pianoforte. Lúc này đang trong thời gian tạm nghỉ sau màn đầu tiên của vở opera “The Beggars”.

Sau khi đã quen với cây đàn piano, Mozart dành sự ưu tiên cho những cây đàn của Stein, sản xuất tại thành phố Augsburg. Tuy nhiên, sau đó ông đã chuyển tình cảm của mình sang những cây đàn do Anna Walter, một người Viên, người đã làm ra chúng. Cây đàn “vĩ đại” của ông, có cao độ khoảng năm quãng tám, với hàng phím thăng có màu trắng còn hàng phím thường màu đen, hiện đang được trưng bày tại Đại học Mozarteum ở Salzburg.



Cây dương cầm được chế tác bởi Matthäus Andreas Stein Vienna vào đầu thế kỉ XIV

Silberman, một nhà chế tạo người Đức, cuối cùng cũng đã thành công trong việc khơi gợi nên hứng thú của vua Frederick nước Phổ đối với nhạc cụ mà ông mới chế tạo đến mức thuyết phục vị vua ấy mua hết toàn bộ số nhạc cụ mà ông đã làm ra. Trong số mười lăm nhạc cụ ấy, có một vài món được trưng bày trong các phòng ở cung điện. Chính điều này cũng đã thể hiện tình yêu của Nhà vua dành cho âm nhạc, vì ngài từng là một tay chơi flute có năng lực đáng kể. Một người trong dàn nhạc sĩ cung đình là Carl Philip Emanuel Bach, con trai của một nghệ sĩ đại tài, và vua Frederick đã bày tỏ mong muốn được nghe Bach chơi nhạc bằng phát minh mới. Có khoảng thời gian ngài Sebastian quá cố đã quá bảo thủ và gay gắt từ chối mọi lời mời. Đến cuối cùng, con trai của ông đã phải dụ dỗ ông chấp nhận mong ước của nhà vua. Ông đã xuất hiện rất bất ngờ và khiến nhà vua phấn khích đến mức vội vàng kêu lên: “Ôi quý ông, ngài Bach đã đến”.

Suốt buổi biểu diễn, ông đã đứng phía sau ghế của người nhạc sĩ và luôn miệng thì thầm: “Chỉ duy nhất Bach, chỉ duy nhất Bach.” Nhà vua đã yêu cầu màn ứng biến của fuga trong sáu phần, điều mà người nghệ sĩ đã thể hiện trước sự kinh ngạc của tất cả những người có mặt. Nhưng đối với cây đàn mới, Bach lại ít sử dụng kỹ năng này hơn. Ông dành lời khen cho Silberman về sự sản xuất của ông, nhưng ông tìm ra lỗi nằm ở sự không đồng đều giữa các tông. Ông bảo rằng các nốt cao thì quá yếu và quá khó để chơi. Tất nhiên điều này đã khiến cho nhà chế tạo rất không vừa lòng. Suốt một thời gian dài, ông đã rất tức giận. Nhưng chính lời phê bình thiện chí ấy lại là cứu tinh và thời gian sau ông đã thành công tạo ra loại nhạc cụ nhận được sự chấp thuận của vị giáo sư. Tuy nhiên, Bach chưa bao giờ tin rằng bất kỳ nhạc cụ nào cũng ngang hàng với cây đàn clavico yêu quý của mình.

Những người phụ nữ sẽ rất thích thú khi biết rằng Maria Anna Stein, con gái của Johann Andreas Stein, một nhà chế tạo đàn piano, là nữ doanh nhân thành công nhất, đảm nhận công việc sản xuất nhạc cụ. Cô vẫn tiếp tục công việc này sau khi kết hôn với Herr Streicher. Cô là người có sự tinh tế rất hiếm có và là một người bạn nồng hậu của Beethoven, người mà cô vô cùng ngưỡng mộ. Cô có đặc ân để giúp cho những năm cuối đời của ông ấy trở nên thoải mái hơn bất cứ điều gì ông đã trải qua trước đây. Những người hầu tốt nhất được gửi đến để chăm sóc các nhu cầu cơ bản của Beethoven và cô luôn có một trong những cây đàn piano tốt nhất của mình để ông sử dụng. Trong một bức thư gửi cho “Nannette”, tên thân mật của cô, Beethoven đã viết rằng: “Có lẽ cô không biết rằng mặc dù không phải lúc nào tôi cũng sở hữu một trong những cây đàn của cô, tôi luôn thích chúng hơn kể từ năm 1809.”

Vào cuối năm 1882, có một cây piano cỡ đại tại lâu đài Windsor mang tên Nanette Stein, Người chế tạo. Cây đàn ấy thuộc về Nữ hoàng Victoria.

Clementi có thể được xem là nhà soạn nhạc chính thức đầu tiên cho đàn piano. Tất cả các bậc thầy vĩ đại, bao gồm cả Scarlatti, Handel, Bach, và Haydn (trong những sáng tác đầu tiên của ông), đều viết cho đàn clavico. Vì thế, khi thưởng thức những tác phẩm kinh điển mà họ đã để lại cho chúng ta, ta cũng cần phải nhớ đến những hạn chế của các loại nhạc cụ mà họ đã chơi và viết nhạc cho chúng. Có lẽ không ai nhận ra điều này tinh tường hơn ông Morris Steinert, ở New Haven, Conn. Ông đã dành những năm tháng đẹp nhất của cuộc đời mình (không kể đến vận may của bản thân) để sưu tập những nhạc cụ quý hiếm có giá trị, những loại đã được trưng bày ở Đại học Yale.

Ông Steinert không chỉ tìm kiếm những kho báu này khắp Châu Âu, mà ông còn khôi phục và chơi chúng, để mang đến cho thế giới những âm thanh đã bị lãng quên từ lâu và thể hiện chúng bằng những phương pháp duy nhất có thể, như cách các bậc thầy vĩ đại đã chơi. Trong thời gian diễn ra Hội chợ Thế giới, bộ sưu tập Steinert đã ở trong Tòa nhà của các Nhà sản xuất (Manufacturers' Building), trung tâm thu hút những người yêu âm nhạc. Trải nghiệm thú vị nhất của ông là thu được một số mẫu vật quý hiếm nhất. Ví dụ, một cây đàn harpsichord có ghi ngày tháng của năm 1710 trên hộp đàn đã được tìm thấy trong tình trạng bị vỡ và phủ đầy bụi trên một căn gác mái ở Viên. Nó có hai bàn phím, bàn phím thường bằng mai rùa và bàn phím nốt thăng màu ngà. Nó có tám điểm dừng, một mô phỏng tiếng đàn luýt và một mô phỏng sáo flute. Bảng phím này được vẽ rất công phu với hoa và các biểu tượng trang trí khác, trong khi phần nắp bên trong lại được trang trí công phu theo nghệ thuật Nhật Bản nghiêm ngặt.

Cây đàn piano “Nanette Stein” được yêu thích, là tài sản vô cùng quý giá của Beethoven, cũng nằm trong bộ sưu tập của ngài Steinert. Nước Mỹ là ngôi nhà của những chiếc piano vô giá. Trong cùng bộ sưu tập, chúng tôi tìm thấy được một nhạc cụ thuộc về Napoleon Bonaparte. Chính xác hơn, đó là một cây đàn harpsichord và được trao cho một sĩ quan người Pháp khi cựu Hoàng đế bị trục xuất đến St. Helena. Người đàn ông Pháp ấy đã đến Mỹ và trao lại cây harpsichord cho Simon Bates ở Scituate Harbor Light, Mass., ngài Steinert đã mua lại nó từ những người thừa kế của ông Bates. Những cây clavier, ximbalum, spinet và harpsichord từng một thời thuộc về Bach, Haydn, và Mozart cũng nằm trong bộ sưu tập nổi tiếng này.

Bên cạnh những nhạc cụ cổ, ngài Steinert đã có khả năng tìm được các bản thảo gốc có giá trị như vàng. Đó là một cuộc nghiên cứu nhân vật hấp dẫn để kiểm chứng nhiều nghệ sĩ bậc thầy xưa và ghi chú lại những điểm khác nhau trong phong cách và phương pháp họ theo đuổi. Trong rất nhiều năm, người đàn ông này đã có những chuyến đi đầy gian khổ cùng những nhạc cụ của mình, có những bài phát biểu và minh họa chúng với nhiều buổi biểu diễn âm nhạc thực tế bằng những nhạc cụ cùng các bản nhạc dành riêng cho chúng. Sự bồi thường duy nhất của ông chỉ là khi ông cảm thấy mình đã đi quá xa so với tinh thần âm nhạc và nghệ thuật thực thụ ở đất nước là khởi đầu cho sự nghiệp của ông. Trong những khoảnh khắc hồi tưởng cá nhân của mình được xuất bản vài năm trước đây, ông nói rằng:



Cây dương cầm được chế tác bởi Benjamin Crehore tại Boston vào khoảng những năm 1800

“Làm thế nào những người kinh doanh đàn piano ngày nay phải ghen tị với những nhà sản xuất tốt của thời xưa khi họ nhớ rằng những người mua hàng sau đó phải tìm kiếm nhà chế tạo và làm vui lòng họ. Anh ta phải ký một hợp đồng viết tay và các điều khoản được ghi trong đó có vẻ đủ hấp dẫn đối với chúng tôi. Thời gian cho việc chế tạo là từ sáu cho đến mười hai tháng, và các khoản thanh toán, nói chung lại là rất nhiều tiền mặt, rất nhiều thùng rượu, một lượng ngô, lúa mì và khoai tây nhất định, trong khi ngỗng, gà và gà tây cũng chiếm một khoản trong số vật phẩm dùng để thanh toán. Ngay cả một vài đống gỗ củi cũng được chấp nhận để khoản thanh toán cân bằng hơn. Ngay khi cây đàn hoàn thành và sẵn sàng để vận chuyển đến nhà của người mua đang nóng lòng hồi hộp, họ tổ chức một buổi lễ hội chung. Trong ngày vui ấy, người chế tạo chính là người hùng quan trọng nhất tại thời khắc đó. Anh ta được tháp tùng bởi những người thợ thủ công và cả những học viên học nghề của mình (nếu có), và họ vui vẻ theo sau chiếc xe ngựa được trang trí lộng lẫy, chở theo “gánh nặng” quý giá về ngôi nhà mới của nó. Có cả một ban nhạc dẫn đầu đoàn rước, còn người chế tạo thì được đặt lên vai những người phụ tá của mình. Các nhạc sĩ, nhạc công chơi organ, giảng viên và những người có chức sắc khác cũng tham gia đoàn diễu hành phía sau. Tại điểm đến, đoàn diễu hành được chào đón trong những tiếng hò reo chào mừng nồng nhiệt. Vị mục sư cũng nói lời cầu nguyện và ban phước cho cây đàn lẫn người tạo ra nó. Sau đó thị trưởng hay xa phu khác đưa ra địa chỉ, căn cứ vào tầm quan trọng của sự kiện đối với toàn thể cộng đồng mà đưa ra lời tuyên bố rằng sự xuất hiện của nhạc cụ mới sẽ nâng cao vị thế của vùng đó trong mắt các vùng nông thôn xung quanh. Tiếp đến là các bài phát biểu được theo dõi bởi hiệu trưởng trường học, bác sĩ, dược sĩ và các quan chức khác. Rồi người nghệ sĩ của ngôi làng đó bắt đầu trình diễn các bài hát, và giữa những đoạn nhạc mà ban nhạc đang diễn tấu, chiếc piano được đặt vào vị trí của nó. Cuối cùng là một buổi tiệc lớn cùng những điệu nhảy khép lại một ngày vui.”

Vào những ngày đó, các nhà chế tác đã phải làm thủ công từng bộ phận cho một cây piano, đó cũng là lý do khiến cho việc hoàn thành cây đàn mất rất nhiều thời gian.



Cây dương cầm được chế tác bởi Charles Albrecht tại Philadelphia

Nếu những ghi chép ban đầu đáng tin cậy, thì lịch sử của đàn piano ở đất nước này bắt đầu tại Philadelphia. Vào năm 1775, John Behrend, một người Đức hoặc Thụy Điển đã chế tạo một nhạc cụ ở thành phố Quacker, và cho đến năm 1855, nó tiếp tục trở thành trung tâm buôn bán nhạc cụ. Khi chúng ta xem xét đàn piano đã đóng góp nhiều bao nhiêu cho hạnh phúc của nhân loại và cho việc quảng bá văn hóa nghệ thuật, thì vinh dự mà thành phố Pennsylvania nhận được là không hề nhỏ. Những chiếc spinet và virginal đầu tiên được tạo ra trên dòng chảy này không nghi ngờ gì là do Philadelphia chế tạo ra vào năm 1742. Cùng với sự phát triển âm nhạc của vùng đất này, người ta nói rằng những chiếc đàn cầm tay hay còn gọi là đàn organ thùng đầu tiên được làm ra ở đó, sau này lại có người bảo rằng: “Chúng là lời nguyền và là tai ương của những cá nhân thuộc tầng lớp thượng lưu hiện đại.” Một người Scotchman, định cư ở Philadelphia vào gần cuối năm 1785, là người chế tạo ra đàn cầm tay.

Để chứng tỏ rằng thị trấn tiến bộ về tất cả các loại nhạc cụ, chúng ta thấy rằng lịch sử xã hội của Philadelphia đã có những ghi chép về chiếc piano đầu tiên được làm nên vào năm 1737 bởi Mathew Zimmerman. Các nhà sử học địa phương khẳng định đây là cây organ đầu tiên được xây dựng ở Mỹ. John Clark tại Salem, Mass., vào năm 1743, cho nhà thờ Episcopal ở nơi đó. Điều này đã đưa Massachusetts đi đầu trong lịch sử âm nhạc sơ khai. Di chúc của Zimmerman, được chứng thực vào cùng năm ông hoàn thành cây đàn organ, là để lại nó cho cháu trai của mình và bày tỏ nguyện vọng anh ta sẽ học cách chơi nó. Di chúc còn nói thêm: “Nếu không, nó có thể được bán đi dựa trên việc nó gây ra nhiều sự tò mò và tính hiếu kỳ của mọi người.”



Cây dương cầm nguyên quán tại Đức vào thế kỉ XVIII

Câu chuyện về chiếc đàn piano đầu tiên đến với vùng đất này mang đầy tính viễn vông và lịch sử. Tàu khu trục lục địa nổi tiếng “Boston” thuộc sở hữu tư nhân, vừa cập cảng cùng một chiếc tàu buôn khác như là một phần thưởng. Thuyền trưởng Tucker dũng cảm đã chỉ huy con tàu này. Hàng hóa được bán vì lợi ích của Kho bạc Quốc gia, và trong số các mặt hàng khác có một cây đàn piano của London.

Mãi đến sau thời kỳ cách mạng, đàn spinet và harpsichord mới bị thay thế ở địa phương này. Một tờ báo của năm 1791 cho chúng ta biết rằng đã có khoảng 27 cây đàn piano trong các gia đình giàu có ở Boston, tất cả chúng đều được làm bởi người Anh. Vào 1840, những con đường chậm rãi, dễ dàng len lỏi vào Philadelphia khiến nơi đó đánh mất thanh thế một thời khi còn là trung tâm văn hóa âm nhạc cũng như nghệ thuật và văn học. Boston đã thay thế và nắm giữ vị trí ấy kể từ đó. Nhiều tính năng đặc biệt của đàn piano Mỹ thực sự bắt nguồn từ đó, chẳng hạn như việc sử dụng kim loại trong cấu trúc, ý tưởng này lần đầu tiên được Alpheus Babcock và Jonas Chickering chứng minh là có thể thực hiện được. Sau đó, Timothy Gilbert, một người đàn ông Boston khác đã biến ý tưởng này thành hiện thực và được sử dụng rộng rãi ngày nay. Dù không còn nghi ngờ gì, nhưng Chickering là người đầu tiên dám đi ngược lại một phương pháp quy định trong việc xây dựng nên khung đàn.

Những tờ báo cũ chứa đựng nhiều sự quan tâm thú vị về những ngày đầu của lịch sử âm nhạc tại đất nước chúng tôi. Trong tờ công báo Boston xuất bản năm 1770, chúng tôi nhận được tin một chiếc spinet hoàn hảo vừa được hoàn thành với tay nghề cực tốt cùng sự hài hòa của âm thanh đã được các nhà phê bình giỏi nhất đánh giá là vượt trội hơn so với những chiếc đàn nhập khẩu. Như thế là vượt trội đối với trình độ và những doanh nghiệp của Mỹ thời điểm đó.

Có thể đề cập rằng Massachusetts được cho là đã tạo ra những cây vĩ cầm đầu tiên ở đất nước này. Cũng trong năm 1789, ở Boston có hai giáo viên dạy đàn hạc và piano, một trong số họ có thể đóng vai trò là người sửa chữa và điều chỉnh đàn khi có nhu cầu. Chúng tôi thấy rằng Boston đã sớm ủng hộ một tạp chí âm nhạc. Năm 1797, Peter Van Hazen đã rời New York để đến “Hub” và ở đó phát hành bản sao cho ấn phẩm đầu tiên của ông dành cho các chủ đề về âm nhạc. Ngoài ra, ông cũng nhập khẩu những bản nhạc trực tiếp từ London. Đó là vào khoảng năm 1800 khi Benjamin Crehore của Milton, Mass. làm nên chiếc piano đầu tiên ở đất nước này, và ông đã thực hiện quá trình đó ở Boston. Ông ấy là một người thợ lành nghề, người biết cách làm ra đàn vi-ô-lông, đàn cello, ghita, trống và cả sáo flute. Trong một năm, ông có thể làm tất cả khoảng mười đến mười hai cây đàn piano, và điều đáng xấu hổ của nước Mỹ được ghi lại là, ông ấy phải dán tem của London hay Paris lên chúng trước khi đưa chúng ra thị trường, cho thấy rằng ông cha họ xem hàng ngoại nhập thì tốt hơn hàng trong nước. Tuy nhiên, tất cả những điều này đã thay đổi, bởi nhạc cụ của Mỹ hiện nay có giá cao nhất và được vận chuyển đến mọi nơi trên thế giới.



Cây dương cầm Stodart (Anh cổ)

Các tờ báo New York thời xưa có nhiều trích đoạn ngắn đủ gây tò mò cho chúng ta, những người đọc chúng ở thế hệ ngày nay. Chẳng hạn như, chúng tôi biết rằng: “Peter Goelet vừa nhận được nguồn cung hàng hóa từ con tàu “Earl of Dunmore”, và quảng cáo rằng ông có hơn ba trăm loại vật phẩm, từ cái bay của thợ làm hồ cho đến các loại sơn dầu, chảo chiên rán và những loại sách, các thùng sơn, đàn ghi-ta, violin, sáo và các loại nhạc cụ khác cùng một chiếc thùng lớn đựng búa và dây của đàn harpsichord.”

Bộ sưu tập đa dạng này chắc chắn đã thu hút sự háo hức của những vị khách hàng. Một tờ báo khác lại cho chúng tôi biết rằng: "Herman Zedwitz, một giáo viên dạy violin, thông báo với công chúng rằng ông vừa trở về từ châu Âu và sẽ tổ chức một buổi hòa nhạc trong các phòng họp tại ‘Biểu tượng của Sự giàu sang’.” Sau đó, vào năm 1774, chính người đàn ông ấy đã nhận thấy rõ ràng rằng công chúng không đánh giá cao ông ta về khoảng âm nhạc, bởi khoảng thời gian nghỉ quá dài giữa các buổi học và những lời hứa hẹn tuyển dụng về việc chơi violin cho mình đã khiến ông buộc phải bắt đầu công việc của một người quét ống khói. Với những điều khoản trên giấy tờ, ông chắc hẳn đã phải tạo dựng một loại niềm tin, vì đã quảng cáo việc sẽ kí hợp đồng theo năm để “làm sạch muội than bên trong ống khói”, thêm vào đó “Chỉ những chàng trai có năng lực được thuê.” Rõ ràng văn hóa âm nhạc của New York tại thời điểm đó tạm thời còn ở mức thấp.

Trong câu chuyện về quá trình phát triển của đàn piano, chúng ta đã thấy được cách mà từ khởi đầu nguyên thủy của mình, piano dần trở thành một nhạc cụ tuyệt vời có khả năng đại diện cho hiệu ứng của một dàn nhạc đầy đủ. Trước khi Beethoven qua đời, ông đã nhận ra sức mạnh to lớn của đàn piano và thể hiện nguồn tài nguyên của nó theo cách mà Haydn không ngờ tới. Nếu những bậc thầy đi trước có thể quay trở lại và ngồi chiêm ngưỡng những tác phẩm hoành tráng của thế kỷ XX, họ sẽ lặng người trong sự kinh ngạc và hoàn toàn lạc lối trong cách xử lí phạm vi khổng lồ của bảy và một phần ba quãng tám. Nhưng trên hết, giá cả của những chiếc piano thuộc phong cách hiện đại cũng gần như trong tầm tay mọi người. Giờ đây âm nhạc trong nhà đã là một thường lệ, không còn là ngoại lệ.

Leigh Hunt đã thể hiện rất trọn vẹn cảm xúc của những người yêu piano trong những câu thơ đầy tình cảm này:

Hỡi người bạn, tôi vui mừng gặp gỡ,

Nơi ngôi đền là thiên đường rực rỡ;

Tìm đến, chạm vào, tôi nghe người nói,

Và sự yên bình nằm lại nơi tôi.

Chẳng chiếc hộp đầy ắp hạnh phúc nào,

Đáng giá hơn sự hiện diện của người;

Tình yêu được đánh thức bằng nụ hôn

Chắc hẳn là ngọt ngào hơn hết thảy.


Gửi đến người, khi trái tim tràn ngập

Trong vui sướng, hay cả lúc khổ đau

Những nỗi niềm chẳng thể thốt nên lời

Nợ ngôn từ một đôi lời hoa mỹ

Vui vẻ bên người, yêu không ngơi nghỉ,

Và đắm chìm trong ký ức thân yêu,

Cùng buồn đau, thắt chặt nơi trái tim

Bỗng đọng lại rồi hóa thành nước mắt.


Ôi, niềm vui là vô hình vô dạng

Thế nên đừng để khoảnh khắc này trôi,

Người sánh ngang ba may mắn đời tôi

Xếp bình yên gọn gàng trong tâm trí

Vĩnh cửu, vô sầu, một lòng chung thủy

Bao điều hay tôi tìm thấy nơi người;

Nên bi thương chất chứa trong từng lời

Vẫn rung lên sự ngọt ngào âm ỉ

Câu trả lời cũng ngọt như vậy nhỉ.


HẾT


45 lượt xem0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Comments


bottom of page