top of page
Ảnh của tác giảBookiee - Sách là niềm vui

Thư Giãn Cuối Tuần Cùng Ba Chàng Ngốc

Đã cập nhật: 20 thg 5, 2022


“Bạn muốn biết cách luyện thi vào một trường đại học hạng nhất? Ôi thôi đi, dẽ chừng một nửa số cây trên thế giới đã bị đốn để in các loại sách có khi đều đáng vứt vào sọt rác còn gì. Bạn muốn một cuốn cẩm nang dạy cách sống sót qua những năm tháng đại học? Thế cũng thôi đi, đến chúng tôi còn chẳng hiểu làm sao có thể gắng gượng được đến phút cuối nữa là.”


Với giọng văn hài hước, trẻ trung cùng lối kể chuyện thông minh và đầy dí dỏm, Chetan Bhagat đã viết nên một thế giới đầy màu sắc của tình bạn, tình yêu, tình thầy trò trong sáng thân thiết cùng tình cảm gia đình trong “Ba chàng ngốc”.





I. Tác giả


Chetan Bhagat, sinh năm 1974, là một nhà văn và nhà báo chuyên mục người Ấn Độ. Tạp chí Time đã đưa anh vào danh mục 100 người có sức ảnh hưởng nhất thế giới vào năm 2010. Tờ The New York Times gọi anh là “tiểu thuyết gia viết tiếng Anh bán chạy nhất lịch sử Ấn Độ”. Anh cũng từng có mặt trong số “100 người sáng tạo trong công việc nhất thế giới” do tạp chí Fast Company (Mỹ) bình chọn.


Ảnh: Chân dung nhà văn Chetan Bgahat


Tác giả tốt nghiệp kỹ sư cơ khí tại IIT Delhi (Indian Institute of Technology) và hoàn thành chương trình MBA tại IIM Ahmedabad. Anh bắt đầu sự nghiệp của mình với tư cách là một nhân viên ngân hàng đầu tư quốc tế nhưng đã rời bỏ nó sau vài năm để theo đuổi nghiệp viết lách và đã gặt hái được nhiều thành công vang dội ở lĩnh vực này.


Chetan viết bằng cả tiếng Anh và tiếng Hindi cho các tờ báo hàng đầu, tập trung vào tuổi trẻ và các vấn đề phát triển đất nước. Sách của anh thường đạt được ngay vị trí best seller từ khi mới phát hành và được chuyển thành nhiều bộ phim lớn của Bollywood.


II. Tác phẩm


1. Nội dung chính


Ba chàng ngốc kể câu chuyện về Ryan, Alok và Hari. Họ là những sinh viên ưu tú đã trúng tuyển vào Học viện Công nghệ Ấn Độ (IIT), ngôi trường đào tạo kỹ sư danh giá nhất miền Ấn Độ. Nhưng thay vì suốt ngày cắm đầu vào học để giữ được điểm GPA cao, ba anh chàng này đã làm đủ những trò quậy phá, gian lận, hút cần, uống rượu, vi phạm nội quy. Để rồi cùng nhau nếm trải tình bạn khắc cốt ghi tâm, thậm chí còn cùng nhau trải qua những giây phút sống còn đầy cam go. Sau mỗi thử thách, họ lại học được nhiều bài học giá trị, thêm thấu hiểu và trân trọng tình bạn này.



2. “Những kẻ năm phẩy”


Nhan đề Ba chàng ngốc cùng bìa minh họa in hình ảnh 3 diễn viên trong bộ phim cùng tên được chuyển thể hiển nhiên ám chỉ đến ba nhân vật chính trong cuốn sách Ryan, Alok và Hari. Họ là những “ngôi sao trung học”, những học sinh ưu tú đã thi đậu vào ngôi trường danh giá nhất Ấn Độ, vậy tại sao được gán cho từ “ngốc”? Họ không hề ngu ngốc, cũng không phải họ không chăm học, chỉ là vì cả ba biết rằng còn nhiều điều trong cuộc sống quan trọng hơn là chăm chỉ học để lấy điểm cao trên lớp.


Bởi bước chân vào cánh cửa Đại học là một thế giới hoàn toàn khác so với trường phổ thông. Đây là nơi mà tất cả những bạn trẻ thiếu kinh nghiệm sống đều không thể tránh khỏi việc làm những điều ngốc nghếch. Vì vậy ngay từ nhan đề, độc giả đã có quyền kỳ vọng một cốt chuyện hài hước với những tình huống dở khóc dở cười đầy tréo ngoe.


Nguyên văn tiêu đề của “Ba chàng ngốc” là “Five point someone”, tạm dịch là "Những kẻ năm phẩy". Đây là cách mà nhóm Hari tự gọi mình trong câu chuyện bởi cả 3 nhân vật chính đều có điểm GPA chỉ khoảng hơn 5.0, mà điểm 5.0 thì gần như bét trường rồi. Chỉ cần đọc tên, bạn đọc chắc chắn hình dung ra ngay đây sẽ là câu chuyện về những anh chàng “gangsters” chuyên quậy phá ở trường đại học.


Bìa ảnh quyển sách "Five point someone - What not to do at IIT"


Vậy nên, cả hai tiêu đề dù là tiếng Anh hay tiếng Việt đều làm toát lên tinh thần hài hước, tinh nghịch của cả cuốn sách.



3. Vì sao “Ba chàng ngốc” đạt được nhiều thành công đến vậy?


Lối hành văn dí dỏm đầy cuốn hút


Nét tinh nghịch, hài hước hiện lên ngay qua lời phân trần của tác giả từ những trang đầu tiên: “Cuốn sách này tuyệt đối không phải cuốn cẩm nang dạy bạn cách sống sót qua những năm tháng đại học. Ngược lại, có thể coi nó chính là tấm gương tày liếp về sự sa ngã nơi giảng đường một khi bạn không biết suy nghĩ tử tế.”


Chetan đã hóa thân vào nhân vật Hari để kể một câu chuyện lấy cảm hứng từ chính những sự kiện có thật xảy đến với anh qua những lời thoại mang màu sắc rất “sinh viên”, chân thật, không màu mè, nhưng lại khiến bạn đọc bất giác bật cười mỗi khi cầm quyển sách lên. Việc sử dụng ngôi kể thứ nhất, xưng “tôi”, không chỉ khiến cho câu chuyện được kể một cách trực quan nhất thông qua cái nhìn của người trong cuộc mà còn góp phần nêu bật lên giọng văn bông đùa, hài hước của chính tác giả “…Đây là câu chuyện của tớ, người viết là tớ, và kể theo kiểu nào là quyền của tớ”.


Với giọng văn tươi trẻ, hài hước, phóng khoáng như chính thời sinh viên, Chetan Bhagat đã viết nên một câu chuyện khiến độc giả không thể rời mắt.



Tuyến nhân vật được xây dựng có chiều sâu


Ryan trong “Ba chàng ngốc” là một anh chàng đẹp trai, học dở nhưng lại rất sáng tạo và liều lĩnh. Ở cậu, ta thấy một chàng trai trẻ có tư duy táo bạo, quyết tâm theo đuổi mục tiêu của mình đến cùng và là một người bạn luôn sẵn sàng giúp đỡ bạn bè.


Trái ngược hẳn với Ryan, Alok là một cậu sinh viên con nhà nghèo, béo ú, rất hiếu học và giàu cảm xúc. Ở Alok, ta thấy một cậu sinh viên vì hoàn cảnh trớ trêu mà phải từ bỏ ước mơ cháy bỏng để theo học ngành nghề mình không hề thích.


Hari là nhân vật điểm nhìn của tác giả, vậy nên bạn đọc lại có được khá ít thông tin về cậu. Những gì ta được biết qua lời kể của Ryan đó là “Hari chỉ là một cư dân IIT chuyên vấp váp, một kẻ không biết đạt được mục tiêu trong điểm số và cuộc đời”, hay “Cậu ấy là một kẻ tốt bụng nhưng tồ lắm - lụy tình, ngoại hình chẳng có gì đáng thu hút, chỉ muốn bạn bè dĩ hòa vi quý, lắp bắp khi thi vấn đáp…”. Ở Hari, ta thấy một người trẻ đang hoang mang về bản thân, về cuộc sống, những người không thực sự biết mình muốn gì và đang cố gắng để tìm thấy mục tiêu của cuộc đời mình.


Hình ảnh 3 nhân vật Alok, Ryan, Hari (theo thứ tự từ trái san phải) được thể hiện trên màn ảnh qua bộ phim "3 idiots" (Nguồn: CinemaExpress)


Ba chàng ngốc Ryan, Alok và Hari, tuy có hoàn cảnh xuất thân và tính cách khác nhau, nhưng họ luôn thông cảm và thấu hiểu lẫn nhau, cùng nhau trải qua cuộc đời sinh viên nông nổi, điên rồ nhưng cực kỳ đáng nhớ.



Bài học về đổi mới hệ thống giáo dục


Sau khi thăm thú một vòng quanh ngôi trường IIT danh giá trong “Ba chàng ngốc”, hẳn mỗi người sẽ phải tự đặt ra câu hỏi: “Giáo dục thực sự là gì?”, “Liệu việc đạt điểm cao trong tất cả các bài kiểm tra có thực sự giúp ta phát triển bản thân?”


Từ bộ máy giáo dục máy móc, thiếu tính thực tế ….


Ở IIT, ta thấy có những “sinh viên chín phẩy”, những người chỉ suốt ngày vùi mặt vào học hành đến mức không thèm nói chuyện với ai, những sinh viên chỉ biết ngồi học thuộc từng từ từng chữ trong sách giáo trình và ghi chép tất cả những lời giảng viên nói “như một con vẹt được đào tạo bài bản”. Nơi đây, tất cả những sinh viên muốn ra trường với tấm bằng giỏi đều phải chạy đua “cuộc đua của những chú chuột” - như Ryan đã tuyên bố: “Đây là cuộc đua mà ở đó, ta cứ chạy được mười bước các ông thầy lại phán xét ta một lần, bằng một điểm GPA đóng dấu lên trán ta mỗi học kỳ.”


Liệu chúng ta học chỉ để ganh đua mỏi mệt không ngừng nghỉ ?


Cuộc đua này cứ tiếp diễn như một vòng xoáy cuốn khiến ta không còn thời gian để nghĩ về điều ta thực sự muốn trong cuộc đời, hưởng thụ niềm vui cuộc sống cùng bạn bè hay tự mày mò sáng tạo ra một phát minh độc đáo. Đó không phải cách một hệ thống giáo dục nên được vận hành.


Ở IIT, ta thấy những ông thầy cứng nhắc và bảo thủ, không bao giờ chịu lắng nghe sinh viên, không cho phép sinh viên tự do sáng tạo, đam mê giao bài tập về nhà và kiểm tra đột xuất. Tệ hơn cả, họ đánh giá và quy chụp năng lực của sinh viên nhanh chóng chỉ qua một con số. Đó không phải cách giáo dục theo đúng nghĩa.


….đến nỗi ám ảnh mang tên “kỳ vọng của phụ huynh”...


Những ai đã từng đọc “Ba chàng ngốc” hẳn vẫn còn nhớ về cái chết bi thảm của Samir, con trai thầy trưởng khoa Cherian. Nếu không có áp lực từ kỳ vọng của người cha, Samir hẳn đã không phải dành ba năm liền ôn thi để thi vào IIT - ngôi trường mà anh chẳng hề thích thú. Anh hẳn cũng sẽ không tuyệt vọng đến mức kết liễu cuộc đời mình sau cả ba lần thi trượt.

Liệu phụ huynh có đang đặt quá nhiều áp lực lên con cái, để trở thành người bố mẹ muốn con trở thành, chứ ko phải là điều con mong muốn ?


Thầy Cherian đã sai lầm khi áp đặt cái tôi quá lớn của mình lên đứa con trai. Ông buộc con mình phải trở thành một kỹ sư trong khi con ông chỉ muốn làm luật sư. Sai lầm của thầy giống như rất nhiều phụ huynh hiện nay, nó đều bắt nguồn từ suy nghĩ đơn giản “chỉ muốn tốt cho con”, thế nhưng đôi lúc sức ép từ sự kìm kẹp quá đáng đó vô tình đẩy những đứa trẻ vào địa ngục đáng sợ mang tên tình thương, khiến chúng cùng quẫn coi cái chết như sự giải thoát duy nhất.


Nhưng đâu đó vẫn còn những tia hi vọng!


Thế giới học đường trong câu chuyện không phải chỉ toàn những tiêu cực. Bên cạnh những ông thầy bảo thủ, vẫn có những thầy giáo trẻ khác giống như Veera, một giảng viên nhiệt huyết luôn khuyến khích tính sáng tạo trong sinh viên, sẵn sàng đồng hành cùng học trò của mình vượt qua những sai lầm của tuổi mới lớn. Còn thầy Cherian cuối cùng cũng nhận ra sai lầm của bản thân để cởi mở hơn đối với sinh viên và nghiêm túc nhìn nhận lại cách hệ thống giáo dục của trường đang hoạt động.



III. Kết luận


Ba chàng ngốc là một câu chuyện hài hước và lôi cuốn, nhẹ nhàng mà vô cùng ý nghĩa. Nếu bạn đang tìm kiếm một cuốn sách để thư giãn vào một cuối tuần sau kỳ thi thì chuyến phiêu lưu của Ryan, Hari và Alok chắc chắn sẽ là một lựa chọn không tồi.


Còn bạn, sau bài chia sẻ này, bạn sẽ tìm đọc "3 chàng ngốc" chứ ?



--------------------------------------


Người viết: Đào Thu Huyền

Người thiết kế: Nguyễn Khánh Nhung


(*) Bản quyền bài viết thuộc về BOOKIEE.ORG. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ gồm tên người viết, tên người thiết kế và Bookiee - Sách Là Niềm Vui. Mọi hành vi sao chép hoặc trích nguồn, chia sẻ bài viết không đầy đủ đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.


______________________________


Bookiee - Sách là niềm vui



92 lượt xem0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Comments


bottom of page