top of page

[Review] Triết Lý Wabi Sabi - Vẻ Đẹp Trong Từng Vết Nứt

Ảnh của tác giả: Bookiee - Sách là niềm vuiBookiee - Sách là niềm vui

Đã cập nhật: 23 thg 4, 2023

Có lẽ các bạn đã ít nhất một lần được nghe lời khuyên rằng: hãy “yêu những điều không hoàn hảo”. Như trong cuốn sách cùng tên của thiền sư Hae Min, ông đã kể biết bao câu chuyện nhằm lan tỏa thông điệp hãy thương yêu, quý trọng những thứ xung quanh mình.


Vậy liệu bạn có biết, ở Nhật Bản thậm chí còn tồn tại cả một triết lý sống khuyên răn ta trân trọng những điều không hoàn hảo chưa?



WABI SABI - TRIẾT LÝ ĐẬM CHẤT NHẬT


Từ ngày xa xưa, Đất nước Mặt Trời mọc vốn vô cùng nổi tiếng với những phong tục, nét văn hoá độc đáo khó nơi nào tìm thấy được. Con người Nhật sống giản dị, chan hòa, luôn yêu thương và đùm bọc lẫn nhau. Chính sự tinh tế trong phong cách sống đã hình thành nên một triết lý mà cho đến tận hôm nay vẫn còn được nhiều người theo đuổi, bởi những giá trị tinh thần mà chúng mang lại. Đó chính là triết lý Wabi Sabi.


Wabi Sabi có nghĩa là gì nhỉ?

Triết lý Wabi Sabi bắt nguồn từ học thuyết Zen (Thiền) trong đạo Phật Nhật Bản. Wabi (侘) được định nghĩa là tìm kiếm cảm giác thỏa mãn về tinh thần trong khi phải đối diện với sự thiếu thốn và nghèo đói. Từ này xuất phát từ động từ Wabu (侘ぶ), diễn tả sự tuyệt vọng, buồn bã và đớn đau. Sabi (寂) được định nghĩa là vẻ đẹp bắt nguồn từ sự tĩnh lặng, yên bình. Động từ của nó là Sabu (寂ぶ), tức suy tàn theo năm tháng. Cả hai từ này đều khó có thể dịch được chính xác, nhưng chúng đã len lỏi vào đời sống không chỉ riêng người dân Nhật Bản mà đặc biệt là rất nhiều quốc gia trên thế giới.

Trải qua nhiều sự thay đổi, quan điểm mỹ học Wabi Sabi ngày nay có thể hiểu là sự trân quý vẻ đẹp của vạn vật, biết chấp nhận “những vết nứt”. Bánh xe thời gian luôn không ngừng quay, sự đổi thay chẳng tài nào tránh khỏi. Thế nhưng thứ đọng lại bên trong mỗi chúng ta, mỗi sự vật lại chính là khí chất, là tâm hồn, là giá trị cốt lõi đặc biệt từ bên trong mà ta không thể tìm thấy được ở chốn khác. Không gì sánh bằng thứ khí chất thanh cao và đẹp đẽ ấy, dù chúng chưa bao giờ chạm đến ngưỡng cửa của sự hoàn mỹ.


KHÔNG ĐƠN THUẦN LÀ TRIẾT LÝ TRONG TÂM


Triết lý Wabi Sabi từ lâu đã thấm nhuần vào tâm thức người Nhật Bản. Từ quan niệm nhỏ nhoi trong ý nghĩ, họ dần biến Wabi Sabi trở thành một phong cách sống bằng việc ứng dụng chúng vào nhiều khía cạnh khác nhau.


Wabi Sabi trong kiến trúc và nghệ thuật Nhật Bản


Wabi Sabi xuất hiện rất nhiều trong các vật phẩm cũng như văn hóa của người Nhật, chẳng hạn như nghệ thuật gốm sứ, thơ ca, hội họa, trà đạo, nghệ thuật Ikebana,... Không những thế, tinh hoa trong kiến trúc Nhật cũng một phần xuất phát từ Wabi Sabi. Ngôi nhà theo đuổi lối kiến trúc này luôn tạo nên cảm giác thân thuộc, gần gũi, là chốn bình yên mà hẳn ta sẽ thật lòng yêu thích và kiếm tìm sau giây phút làm việc mệt mỏi. Sở dĩ chúng ta cảm nhận được sự thư giãn, chất đơn sơ trong phong cách thiết kế ấy chính bởi vì tư tưởng tôn trọng và cố gắng giữ nguyên bản chất tự nhiên của vạn vật, từ màu sắc, chất liệu cho đến kết cấu không gian.


Sân vận động Quốc gia Yoyogi, nguồn: Pinterest


Với nguyên tắc tôn trọng sự tối giản, đồ vật trong ngôi nhà theo phong cách Wabi Sabi đôi lúc sẽ hằn lại những vết nứt, một chút màu thời gian, tuy nhiên luôn toát lên vẻ đẹp thuần khiết nhất của mình. Một không gian thoáng đãng, không thừa không thiếu sẽ là nơi lý tưởng nhất để hình thành nên thiết kế Wabi Sabi.


Wabi Sabi trong vẻ đẹp con người


Mỗi chúng ta, ai rồi cũng sẽ trải qua một giai đoạn đẹp đẽ nhất của đời mình. Đó có thể là khi ta sống hết mình với tuổi trẻ, là những cô gái, chàng trai độ tuổi 18 20. Hay phải chăng đó là lúc ta gặt hái được thành công vang dội sau những vấp ngã, là thời điểm mà ta hy vọng thời gian hãy ngừng trôi, để được tận hưởng lâu hơn giây phút tuyệt vời này.

Thế nhưng, không một định luật nào có thể níu kéo được thời gian. Vẻ đẹp theo năm tháng sẽ dần tàn phai, không phải hào quang nào cũng kéo dài mãi mãi.


Trong bức tranh cuộc đời, sắc hồng không chỉ là màu duy nhất, mà bên cạnh đó còn có sự tồn tại của gam đen. Những đổ vỡ, những lần hụt hẫng, những thất bại ắt hẳn là điều mà sớm hay muộn chúng ta cũng sẽ dần trải qua. Khi ấy, liệu bạn sẽ tiếc nuối, hay sẽ lấy kinh nghiệm làm tiền đề để bước tiếp và giữ lấy hạnh phúc cho chính bản thân mình?


Trong văn hóa Nhật Bản, không chỉ có triết lý Wabi Sabi chú trọng vào tầm quan trọng của những điều không hoàn hảo. Ở xứ sở Phù Tang này còn tồn tại một môn nghệ thuật mang tên Kintsugi. Đây là một nghề thủ công xuất hiện từ thế kỷ 15 dành riêng cho việc phục hồi gốm bằng một đường sơn mài và kim loại quý, cụ thể là vàng, bạc hoặc bạch kim. Từ những chiếc cốc, bình hoa gốm bị vỡ, tưởng chừng như sẽ bị quên lãng và bỏ đi, các nhà làm gốm lại khoác lên cho chúng một tấm áo mới bằng cách tận dụng việc kết hợp các chất liệu quý hiếm này. Không chỉ phục hồi được công dụng của đồ vật bằng gốm, mà chúng giờ đây còn trở nên sang trọng hơn, đẹp đẽ hơn, dù không thể vẹn nguyên như thuở ban đầu.



Mỗi vết nứt trên món đồ gốm cũng giống như những vết sẹo trong đời người, đều mang một câu chuyện khác nhau và làm ta khó lòng nào quên được. Qua câu chuyện của nghệ thuật Kintsugi và triết lý Wabi Sabi, ta có thể thấy rằng: biết chấp nhận hoàn cảnh, thay đổi để thích nghi và tìm kiếm vẻ đẹp sâu thẳm bên trong những điều không hoàn hảo mới thật sự là điều quan trọng. Có thể những tổn thương sẽ hằn lại trong tâm trí, có thể thành công sẽ đến rồi đi trong một thời khắc ngắn ngủi, dù có cố gắng níu lấy cũng khó lòng nào giữ lại được. Nhưng khí chất bên trong, sự trải nghiệm, quá trình trưởng thành mới là những gì đáng trân trọng nhất. Đừng mơ tưởng về một thời thanh xuân kéo dài mãi mãi, mà hãy chấp nhận thực tại, sống trọn vẹn từng giây phút của đời mình.


Ngoảnh đầu nhìn lại, chắc chắn rằng sẽ không còn điều gì khiến cho ta phải tiếc nuối.


Hãy mở lòng đón nhận ánh sáng


Bạn biết không, trong mỗi chúng ta đều có những vết nứt, nhưng mấy ai biết được vết nứt lại là nơi để ánh sáng lọt vào. Đời người là sự kết hợp của màu sắc, hương vị, của nước mắt và nụ cười. Nếu thiếu đi gia vị của khổ đau, phải chăng ta sẽ cảm thấy chán nản, không có động lực để vượt qua những chông gai? Nếu chỉ biết tận hưởng những điều như hoàn hảo, liệu ta có biết trân trọng mọi thứ xung quanh mình và cố gắng để phát triển từng ngày hay không?


Nguồn: z-dd.com


Có thể bạn sẽ không muốn nhìn lại tổn thương tửng trải qua, nhưng nếu can đảm đối mặt với những “vết nứt cuộc đời” đó, biết đâu bạn sẽ phát hiện ra rằng, bạn đã trở nên trưởng thành hơn, sống tốt hơn và xinh đẹp hơn như thế nào, dù rằng chưa bao giờ hoàn hảo.


“Cái quý nhất của con người ta là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí…” (trích lời nhân vật Pavel Korchagin trong tác phẩm Thép đã tôi thế đấy của nhà văn Nikolai A. Ostrovsky)


Sau khi đọc bài giới thiệu về triết lý Wabi Sabi, liệu bạn có chọn trân quý vẻ đẹp trong từng vết nứt không? Hãy chia sẻ cảm nhận cho chúng mình với nhé!


Nguồn tham khảo:


Người viết: Trixie
Người thiết kế: Mai Nguyên

(*) Bản quyền bài viết thuộc về BOOKIEE.ORG. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ gồm tên người viết, tên người thiết kế và Bookiee - Sách Là Niềm Vui. Mọi hành vi sao chép hoặc trích nguồn, chia sẻ bài viết không đầy đủ đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ. ______________________________ Bookiee - Sách là niềm vui 👉 Fanpage 👉 VUI HƠN - ĐỌC NHIỀU HƠN 👉 Instagram 👉 Youtube 👉 Quyên góp

478 lượt xem0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Comments


bottom of page