top of page
Ảnh của tác giảBookiee - Sách là niềm vui

[15] Đông này, tôi ủ ấm tâm hồn mình trong những cơn gió lạnh đầu mùa của Thạch Lam

Đã cập nhật: 18 thg 11, 2022

Và cuối cùng, dù cho cuộc đời này có bị xoay vần ngang dọc bởi tạo hóa, có đem đến cho mỗi mảnh đời đầy những nỗi cơ cực nhọc nhằn, thì nụ cười vẫn không mất đi.



Hà Nội, những ngày phố không mùa. Ngày mà, cây cối trên mọi nẻo đường mới thay sắc lá được quá nửa, ngày nắng thu cuối chưa tan hết, mà gió đông bắc thì mãi chẳng chịu về.

Trong cái tiết trời ẩm ương ấy, tôi đã tìm đến với tập truyện ngắn “Gió lạnh đầu mùa” – của nhà văn Thạch Lam, như để mượn lấy vài hào gió bấc trên từng trang sách, để quên đi cái ấm nóng giữa tháng mười một của thực tại, để được đắm chìm trong tiết sương giá đặc trưng của mùa đông miền bắc.

Tại đây, tôi đã bắt gặp những cơn gió lạnh đầu mùa tràn qua nếp nhà tranh của mẹ Lê và đàn con nhỏ trong xóm ngụ cư nghèo. Cái lạnh khắc nghiệt bao phủ lấy cuộc đời của người lính cũ, từng một thời sống xa hoa nơi đất khách, với những buổi tiệc tùng cùng người vợ Tây xinh đẹp. Nay lại sa cơ lỡ vận, chỉ còn có manh chiếu rách để quấn thân.

Mùa đông và sương lạnh, có lẽ chỉ thích hợp với chị em Lan và Sơn trong truyện ngắn “Gió lạnh đầu mùa”. Nó làm cho những đứa trẻ con nhà khá giả thấy thích thú cái cảm giác được cuộn mình trong chiếc áo bông dày ấm. Nhưng lại là nỗi cơ cực với đàn con của mẹ Lê - những đứa con nhà cua ốc. Nó khiến cho cái ăn của gia đình chúng vơi đi quá nửa, hoặc có những ngày chẳng còn gì để mà ăn.

Hơi lạnh có thể khiến cho tứ chi con người như muốn đóng băng, hoạt động một cách chậm chạp. Nhưng lại trừ bỏ đôi mắt – nơi ghi lại toàn bộ ký ức của một đời người. Nó làm cho người lính cũ như thấy lại được rõ ràng hơn cái quá khứ tươi đẹp của mình trước kia, mà tủi hờn gấp bội cho số phận mình ở hiện tại.

Hay những cô gái làng chơi trong “Tối ba mươi”. Các cô có nhà mà chẳng thể về, có người thân mà lòng vẫn chẳng có nơi nương tựa. Số phận đẩy đưa các cô vào đời trụy lạc, để rồi chỉ có thể ôm nhau khóc tức tưởi trước khoảnh khắc giao thời của năm mới.

Nhưng, Thạch Lam đâu chỉ có viết về những mảnh đời trong cái lạnh đầu đông. Ông còn cho người đọc thấy được cái cái suy nghĩ, quan điểm, sự lạc quan của con người dù có ở thời đại nào cũng đều giống nhau cả.

Người ta hay nói nhiều về cái duyên và sự buông bỏ. Ví như anh Vân trong truyện ngắn “Duyên số”. Vân không vì một lần bỏ lỡ người mình thương mà đâm chán nản, bỏ mặc cuộc đời ra sao thì ra. Anh vẫn nhìn thấy được sự hòa hợp đến lạ thường trước sự sắp đặt của tạo hóa, khi phải lấy người vợ trái ngược lại với cái mong muốn ban đầu. Người vợ quê mùa được mẹ anh chọn đại từ một miền quê xa lắc. Nó cũng giống như những người trẻ thời nay vẫn hay nói với nhau: “Khi ông trời lấy đi của bạn một điều gì, đó là bởi, người đã nhìn thấy được rất nhiều sự không phù hợp về sau”.

Hay câu nói của các cụ bao đời nay truyền lại: “Giận quá thì mất khôn”, “Giận quá hóa rồ”. Thực vậy, khi đương trong cơn giận giữ, ta chẳng nên quyết định bất kì điều gì. Bởi rất có thể, nó sẽ trở thành một nỗi ân hận đeo bám ta đến hết cuộc đời.

Giá như, trong đêm tối ấy, nhân vật Thanh không vì “Một cơn giận” với người phu xe kì kèo từng xu bạc, để anh ta ngồi trên chiếc xe cũ kỹ mà tố người ta chạy xe chui, để rồi hắn bị quan trên đánh, bị ép nộp phạt đến gần mất cái mạng. Hay như Minh chỉ vì “Cái chân què” mà đâm ra hận đời hận người, xa vào những cuộc ăn chơi để quên đi vết thương cả ở hình thể lẫn trong tâm hồn. Nhưng nào có quên được đâu! Hay điều đó chỉ càng khiến cho tổn thương thêm sâu dày hơn mà thôi.

Ở đó còn là tình thương của những người mẹ, dù cho đứa con của mình có lầm đường lạc bước, thì vẫn luôn có một nơi chờ đợi chúng quay đầu. Họ vẫn một mực chờ đợi những đứa con trai như Tâm trong truyện ngắn “Trở về” từ thành phố. Dù biết, mỗi lần hồi hương chỉ vì trách nhiệm cho có, cho xong. Hay như Bính trong “Buổi sớm”. Người vừa tỉnh giấc sau cơn mộng trụy lạc, một lần nữa lại cảm nhận được những thứ bình dị xung quanh mình, về cuộc sống thực của một con ma lại một lần nữa đầu thai ra con người nhờ cái dịu dàng, âm yếm bao năm không đổi của mẹ hắn. Bởi câu hỏi quá đỗi thân thương vào buổi sáng sớm: “Sao dậy sớm thế, con”.

Hay như bà Đầm người Pháp biết cúi mình trên những đau khổ của người ngoài, khi ánh mắt bà ta thoáng buồn cho hoàn cảnh của đứa trẻ bán kẹo tội nghiệp trong đêm tối.

Nó làm tôi nghĩ đến câu nói của nhân vật mục sư trong bộ phim A river runs through it: “Chúng ta vẫn có thể yêu thương nhau trọn vẹn mà không cần hiểu nhau một cách trọn vẹn”.

Bên cạnh tình thương của những người mẹ còn là tình yêu chớm nở của những cô thiếu nữ mới lớn. Các cô táo bạo, mãnh liệt quá. So với thời nay, nhiều người còn thấy thẹn vì chẳng có được cái dũng cảm như của các cô. Một khi đã thích ai là chẳng ngại thể hiện cho người ta thấy được cái tâm ý của mình, sẵn sàng săn sóc mặc kệ thiệt hơn, dù biết rõ nay mai đoạn duyên ấy rồi cũng bị xé đứt thành nhiều mảnh vụn.

Rồi câu chuyện về “Cô hàng xén” tên Tâm xinh đẹp nhất vùng, cả một thời thanh xuân tần tảo phụ mẹ nuôi em. Tâm làm tôi liên tưởng đến hình ảnh người chị trong bài hát “Chị tôi” của nhạc sĩ Trần Tiến – người con gái đã đến tuổi nhưng chưa muốn lấy chồng vì còn nặng gánh nhà. Chỉ có điều, “Chị tôi” cho đến cuối đời chỉ còn là một nấm mộ chưa chồng, còn “Chị Tâm” lại được gả cho một anh giáo nghèo. Hai người đã cảm mến nhau từ những buổi gặp mặt ngoài chợ phiên. Những tưởng cuộc đời cô hàng xén rồi từ đây sẽ khác. Nhưng không! Cuộc sống hôn nhân khiến cho đôi quang gánh của cô nặng thêm đôi phần. Vừa gánh nhà chồng vừa gánh nhà đẻ.

Nỗi lo cơm áo gạo tiền dần đẩy cô vào một tương lai tối tăm của một “Chị Dậu” với hình ảnh cuối truyện: “Nàng cúi đầu đi mau vào trong ngõ tối”.

Hay những câu chuyện với cái kết được bỏ ngỏ, khiến người ta mãi không quên được vì day dứt, vì tò mò. Tò mò không hiểu vì sao “Tiếng sáo” của Tiến lại thu hút những cô thiếu nữ đến vậy. Khiến cho có người dù biết cái quá khứ tệ bạc của hắn mà vẫn không thôi say đắm cái thứ âm thanh mỗi buổi chiều được phát ra từ hơi thở của Tiến bên ngoài cánh đồng xa.

Có đôi khi lại bị cuốn vào cái ngờ vực xôn xao trong trí óc nhà văn trẻ Văn Sơn. Rồi cũng tự hỏi vì sao cuốn sách mà Sơn viết lại bị cô gái lạ bỏ quên trên tàu. Là vì cuốn sách không không đủ thu hút hay đơn giản chỉ là “bỏ quên”.

Và cuối cùng chính là những câu chuyện rất mực dung dị về thói đời, về con người trong những hoàn cảnh khó khăn.

Nam Cao đã từng viết: “Khi người ta khổ quá thì người ta chẳng còn nghĩ gì đến ai được nữa”.

Cũng như, ta chẳng thể thương ai nếu như mình còn không có đủ tình thương cho chính mình. Như hai anh em trong “Tiếng chim kêu” có lòng thương hại với chú chim non đang phải vật lộn ngoài trời trong đêm mưa bão.

Thạch Lam viết: “Khi ta yên ấm trong một căn phòng nhà gạch chắc chắn, không sợ mưa gió về phần mình, thì ta dễ có lòng thương với những người xấu số hơn”.

Và cuối cùng, dù cho cuộc đời này có bị xoay vần ngang dọc bởi tạo hóa, có đem đến cho mỗi mảnh đời đầy những nỗi cơ cực nhọc nhằn, thì nụ cười vẫn không mất đi. Bởi vì, cuộc đời ai chẳng có những đêm đen, chẳng phải đi qua những ngày gió bão.

Qua rồi người ta bỗng thấy tấm lòng mình như được rộng rãi ra, tâm hồn tha thiết và yêu mến tất cả mọi người.


 

Bài dự thi số 15

Bút danh: Lan Anh

Cuộc thi viết Trú đông: Ấp ủ tâm hồn trong từng trang sách













120 lượt xem1 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Kommentarer

Kunne ikke laste inn kommentarer
Det ser ut til at det var et teknisk problem. Prøv å koble til på nytt eller oppdatere siden.
bottom of page