Con người vốn hay đưa mắt nhìn ra xa, nhìn những sự vật sự việc lớn lao.
HẠNH PHÚC
Xa ngoài kia nơi loài tôm hát (Delia Owens) là một tác phẩm đáng đọc một lần trong đời. Niềm yêu thích không xuất phát từ yếu tố trinh thám, yếu tố khoa học hay yếu tố lãng mạn, với mình đây là một câu chuyện mang đến sự rung động bởi những con người bình thường và những câu chuyện vô cùng nhỏ nhặt.
Con người vốn hay đưa mắt nhìn ra xa, nhìn những sự vật sự việc lớn lao. Riêng Kya, cô sớm trưởng thành vì sự tinh tế, để rồi giật mình nhận thức mọi điều từ những sự vật, sự việc nhỏ bé, quen thuộc nhất. Cô kinh ngạc vì “cái đói cồn cào – một thứ rất tầm thường” từ đó thôi thúc cô bé sáu tuổi bước tới bếp tự tìm thức ăn, cho hôm đó và cho rất nhiều năm sau này.
Buổi tối ba Kya biến mất nhiều ngày, “rồi ngọn đèn dầu hoả chập chờn, yếu đi, và tắt ngóm.” làm Kya ồ lên ngạc nhiên. Ba của Kya tuy nát rượu và thô lỗ, là nguyên nhân khiến mẹ cùng các anh chị Kya bỏ đi, nhưng những năm tháng ngắn ngủi sống cùng cô con gái nhỏ, ông đã thực sự mang đến cho Kya một gia đình đúng nghĩa.
Hai điều tốt đẹp mà ba dành cho Kya đó là chăm chút cho cô những chuyện nhỏ nhất “ba luôn mua dầu hoả và châm đầy đèn” cho Kya, và việc dẫn Kya gặp Jumpin’ như một sự chuẩn bị chu đáo cho cuộc sống một mình của cô. Quả thực, vợ chồng ông bà Jumpin’ và Mabel gần như trở thành người thân, nơi Kya có thể nương tựa trong suốt cuộc đời của cô bé.
Người thứ hai mình muốn nhắc đến là Jodie.
Jodie thoạt nhìn là nhân vật phụ, thậm chí sau khi bỏ đi, Jodie không cần thiết phải xuất hiện vẫn không ảnh hưởng tới mạch truyện.
Jodie cũng như ba, mẹ và các anh chị em khác của Kya thuộc về quá khứ, cứ để im không cần đào xới lại cho phức tạp. Nhưng tác giả cho Jodie xuất hiện lần nữa, để bức tranh cuộc đời của Kya trở nên tròn vẹn.
Jodie không phải nhân vật chính, không phải nhân vật quan trọng, nhưng là một mảnh ghép không thể thiếu. Jodie như sợi dây kết nối quá khứ và tương lai của Kya, kết nối Kya với gia đình, thậm chí kết nối Kya với tình yêu.
Jodie mang đến một cảm giác ấm áp, xoa dịu trái tim gần như tuyệt vọng của Kya, cũng như để Kya hiểu rằng, mẹ và các anh chị dù đã bỏ cô lại một mình nhưng họ đã cố gắng nỗ lực, cùng Kya có một cuộc sống hạnh phúc êm đềm.
Kya luôn nhớ và gìn giữ mọi ký ức tốt đẹp về họ, nương tựa vào đó để sinh tồn, để trưởng thành. Cô mải miết đi tìm câu trả lời cho lý do mẹ bỏ cô lại một mình, cô tự vấn bản thân đã làm gì sai để ai cũng bỏ cô mà đi. Cô không hề trách móc họ.
Kya luôn nhớ về mẹ và anh Jodie với những lời dạy, những bài học có ý nghĩa và tràn ngập tiếng cười: mẹ làm bánh, nhảy cùng Kya, dạy Kya cười khi gặp nghịch cảnh, chơi trò cướp biển với anh Jodie…
“Hai anh em ngồi đó một lúc, rồi Kya nói, “Em không nhớ được gì nhiều cả.”
“Vậy là em may đó. Cứ giữ vậy đi”.”
Đoạn thoại ngắn này cho thấy, giữa một đứa trẻ bị bỏ lại một mình từ lúc sáu tuổi như Kya, và một đứa trẻ mười tuổi bỏ nhà ra đi như Jodie, chưa biết ai đau khổ hơn ai.
Những gì Kya trải qua mọi người đều biết. Những gì Jodie, mẹ, các anh chị em khác, thậm chí là ba, trước và sau khi họ bỏ đi, họ đã trải qua những gì? Điều đau khổ nhất chúng ta biết được họ phải trả giá và chịu đựng cả đời, đó là sự dằn vặt.
Và còn gì nữa?
Họ không nói, chúng ta không thể biết được. Nhưng chắc chắn, tuổi thơ của Jodie không chỉ có hạnh phúc như Kya từng có.
Kya từ rất sớm đã nhận ra, có ba bên cạnh dù ra sao vẫn tốt hơn ở một mình. Khi Kya đi câu cùng ba để có được niềm vui gia đình, cô bé sợ hãi khi không dám nhìn vào "cặp mắt cá chết dần, trợn nhìn một thế giới không có nước, miệng há ra hớp lấy hớp để thứ không khí vô dụng", cô hiểu rằng "đó là cái giá con bé và cả con cá phải trả để có chút mẩu gia đình này."
Mình cũng học Kya, chắt chiu từng chi tiết để cảm nhận được những ấm áp, hạnh phúc được tác giả đã gửi gắm trong một câu chuyện nhiều định kiến khắc nghiệt.
Tác phẩm Xa ngoài kia nơi loài tôm hát của tác giả Delia Owens, cùng nhân vật Kya mang đến cho mình rất nhiều cảm xúc và trăn trở bởi các ý niệm về hạnh phúc, về định kiến, tha thứ và khoan dung và nhân quả. Nhưng trong phạm vi bài viết này, mình xin đề cập tới hạnh phúc, một khía cạnh tưởng chừng đến rất muộn trong mạch truyện nhưng giống như ngọn lửa cháy âm ỉ ngay từ đầu.
Xin mượn một câu nói của thiền sư Thích Nhất Hạnh thay cho lời kết: “Những mầm mống đau khổ trong bạn có thể thật mạnh mẽ, nhưng đừng đợi cho đến khi mọi đau khổ đi hết rồi mới cho phép mình được hạnh phúc.”.
Bài dự thi số 32
Bút danh: Kim
Cuộc thi viết Trú đông: Ấp ủ tâm hồn trong từng trang sách
Comments