top of page
Ảnh của tác giảBookiee - Sách là niềm vui

[81] Ngàn mặt trời rực rỡ - Một trường ca tiểu thuyết bi thương và cảm động

Mariam không phải là nhân vật chính duy nhất trong câu chuyện, nhưng Mariam là người khơi gợi trong tôi nhiều cảm xúc nhất.



“Bạn sẽ muốn bị hóa đá để không phải rơi lệ khi đọc câu chuyện này.”

~ Washington Post ~


Việc được sống, được học, được yêu một cách tự do, hạnh phúc tưởng như là một điều hiển nhiên của mỗi con người, đặc biệt là trong thế giới hiện đại khi chúng ta có nhận thức sâu sắc hơn bao giờ hết về quyền lợi và nghĩa vụ của chính mình và sẵn sàng đấu tranh vì nó. Thế nhưng ở một vài nơi, điều đó là quá xa xỉ. Trong thời gian gần đây, tôi đọc được những bài báo nói về sự khắc nghiệt đối với phụ nữ và trẻ em gái ở Afghanistan dưới sự điều hành của chính quyền Taliban. Họ không được đến các phòng tập Gym hay nhà tắm công cộng; không được tự do lựa chọn bạn đời; không được mặc đồ theo sở thích, buộc phải trùm kín người ở nơi công cộng và tốt nhất là chỉ ra khỏi nhà khi cần thiết; và Afghanistan cũng là quốc gia duy nhất trên thế giới cấm trẻ em gái học lên trung học. Tất cả những điều này khiến tôi day dứt và nhớ về Mariam – một người phụ nữ Afghanistan nhỏ bé mà kiên cường. Cuộc đời của cô có tiếc nuối, có hối hận, có đau thương, nhưng tấm lòng và tình yêu của cô luôn sáng ngời cho đến tận những giây phút cuối cùng. Mariam trong "Ngàn mặt trời rực rỡ" của Khaled Hosseini chính là một người như vậy.


Mariam không phải là nhân vật chính duy nhất trong câu chuyện, nhưng Mariam là người khơi gợi trong tôi nhiều cảm xúc nhất. Cuộc đời cô từ khi còn nhỏ đã tràn ngập những điều khiến người ta thương cảm. Là đứa con riêng không được công nhận, khát khao tình cảm từ bố, tận mắt chứng kiến cái chết của mẹ, bị những người vợ và những đứa con của bố bắt nạt nhưng không nhận được bất cứ sự bảo vệ nào. Sau khi bị ép kết hôn với một người đàn ông lớn tuổi ở rất xa quê nhà, cô không thể giữ được những đứa con. 7 lần sảy thai với một người mẹ mà nói, còn gì có thể đau đớn hơn được nữa. Vì điều này, người chồng không những không thông cảm mà còn ngày càng chán ghét và hành hạ cô một cách quá đáng. Ông ta lấy người vợ thứ hai, có một đứa con gái, Mariam đã cố gắng để ghét họ nhưng cô không thể, vì tình yêu trong cô lớn hơn thù hận rất nhiều, đặc biệt khi cô biết đứa bé cũng là một “harami” – một đứa con riêng đáng thương giống như cô. Rồi trong những giây phút cuối cùng của cuộc đời, cô nhớ đến chính mình khi còn nhỏ và những đứa con riêng của chồng với người vợ hai. Cô chỉ tiếc khi không thể nhìn thấy chúng lớn lên, không thể tiếp tục làm một người mẹ thứ hai của chúng. Còn những thứ khác đã là trọn vẹn rồi. Tuy nhiên, có một thứ mà cô bỏ lỡ, đó là bức thư của người bố mà khi xưa đã không dám đứng lên bảo vệ cô. Tôi rất giận ông, nhưng khi đọc được bức thư muộn màng mà ông gửi, tôi biết là ông đã thực sự hối hận. Có lẽ nó đã đeo bám ông cho đến khi ông chết và như vậy đã là một sự trừng phạt thích đáng rồi. Vì lẽ đó nên tôi quyết định quên đi và tha thứ cho ông. Tôi biết Mariam cũng sẽ làm như vậy, nhưng cô đã không biết những điều đó, nó sẽ không trở thành gánh nặng cho cô trong khoảnh khắc đứng ở cột gôn.


Sự khai thác về các nhân vật được tác giả làm tốt đến nỗi từng dòng văn của ông sống động như thật với những đường nét và chiều sâu. Tôi đã khóc, đã cười, đã tức giận, đã trải nghiệm tất cả những cảm xúc cùng với các nhân vật, cùng với Mariam, chân thực như chính tôi vậy. “Ngàn mặt trời rực rỡ” và Mariam có thể khiến tôi xúc động không kể tôi đã biết rõ về câu chuyện và đọc lại nhiều lần như thế nào, lúc nào cũng như lần đầu tiên. Mặc dù dòng thời gian trong câu chuyện đã diễn ra từ những năm 2000 nhưng thực tế cho đến tận bây giờ, sự hà khắc về tôn giáo, chính trị, xã hội ở Afghanistan vẫn không thay đổi là mấy, điều đó khiến cho câu chuyện ở trong lòng người đọc không chỉ đơn giản là một cuốn tiểu thuyết mà còn là một cuốn nhật ký vô tình nhặt được. Sự hiện diện của Mariam, của Laila, hay của Tariq là hoàn toàn có thật trong thời đại mà chúng ta đang sống, chứ không cần phải tưởng tượng về một nơi nào hay một thời kỳ nào xa xôi.


Ocean Vuong – một tác giả người Mỹ gốc Việt có nói rằng: “I wanted to start with truth, and end with art” (Tôi muốn bắt đầu bằng sự thật và kết thúc bằng nghệ thuật), “Ngàn mặt trời rực rỡ” cũng đã làm được điều ấy. Sự thật đôi khi khó chấp nhận nhưng Khaled Hosseini đã biến sự thật đó trở nên lãng mạn và xúc động, như một giai điệu mà chỉ nghe một lần là nhớ mãi, nó không ở trong đầu ta mọi lúc, nhưng bất cứ khi nào vô tình nghĩ đến, ta lại không cầm được lòng mà ngân nga.


 

Bài dự thi số 81

Bút danh: Hà Anh

Cuộc thi viết Trú đông: ấp ủ tâm hồn trong từng trang sách


97 lượt xem0 bình luận

Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Comments


bottom of page