Bạn đã bao giờ cảm thấy khó xử khi ai đó nhờ vả chưa? Liệu bạn có thật sự sẵn sàng để giúp đỡ họ? Bạn không thật lòng muốn giúp, nhưng lại thật khó để nói 1 tiếng “Không”? Bạn sẽ làm gì trước tình huống đó?
Tình huống: Từ chối người khác khó vậy ư?
“Mình có một người bạn chơi chung trong nhóm bạn thân rất hay hỏi vay tiền của mình. Khi thì vay để làm ăn, lúc lại vay vì nhà có người ốm nhưng có khi đi du lịch cũng vay tiền. Mình không biết nên từ chối thế nào nữa”
“Em rất khó TỪ CHỐI các lời đề nghị giúp đỡ của ai đó. Mặc dù trong lòng không vui, hoặc là việc đó đôi khi ảnh hưởng xấu đến mình. Thỉnh thoảng em cũng thử từ chối họ, nhưng sau đó vẫn bị họ thuyết phục ngược lại. Em cảm thấy bản thân lập trường không vững nên mới thế, không những vậy lại còn tự gây ra rắc rối cho bản thân.
Vậy em nên làm gì để có thể từ chối mà không cảm thấy áy náy và luôn kiên định trước mọi thuyết phục của họ đây ạ?”
…
Bạn đã bao giờ cảm thấy khó xử khi ai đó nhờ vả chưa? Liệu bạn có thật sự sẵn sàng để giúp đỡ họ? Bạn không thật lòng muốn giúp, nhưng lại thật khó để nói 1 tiếng “Không”? Bạn sẽ làm gì trước tình huống đó?
Đối với một vài người, quả thực rất khó!
Gần đây thôi, có một người kể với tôi rằng, người bạn của anh suốt ngày nhờ làm bài hộ trước hạn nộp. Lần đầu anh chỉ nghĩ đó là tình cờ, vì chẳng may cô kia quên không làm nên dễ dàng đồng ý. Nhưng những lần sau đó, “sự tình cờ” ấy ngày càng xuất hiện nhiều hơn. Cho tới tận bây giờ, thỉnh thoảng cô ấy vẫn nhờ anh làm hộ mỗi khi sắp đến hạn.
Anh bạn của tôi bắt đầu thấy ái ngại, bèn tìm cách khéo léo nói lời từ chối. Hôm sau, anh ta quả quyết nói với cô gái kia rằng: “Cậu gặp vấn đề trong việc sắp xếp thời gian đúng không? Cậu có thể ưu tiên việc này trước việc kia sau mà. Tớ cũng còn bài của tớ nữa”. Ai ngờ, cô ấy vẫn hồn nhiên nói: “Cậu không muốn giúp thì cứ nói thẳng. Có phải ngày nào tớ cũng nhờ cậu đâu? Lúc cậu cần gì, tớ lại giúp vậy”.
Nghe đến đây anh chàng cảm thấy thực sự bất lực và chỉ muốn bốc hỏa lên. Và anh bèn tìm tới tôi để giãi bày: “Tôi giận bản thân mình khi đó đã đồng ý giúp cô ta, biết vậy lúc đó tôi đã thẳng thừng từ chối ngay từ đầu rồi.”
Quá mềm lòng mãi để đồng ý giúp đỡ, thực sự rất dễ chịu thiệt!
Không biết phải từ chối như thế nào là điều không thể tránh khỏi. Trong cuộc sống, rất nhiều người ngại ngần từ chối người khác giống như anh ấy. Chắc hẳn bạn cũng đã từng từ chối lời đề nghị của ai đó nhiều lần trong cảm giác lúng túng, bối rối? Vậy hãy cùng tôi khám phá về vấn đề này nhé.
Vì sao bạn lại khó nói “không”? Để tôi thử liệt kê một vài lý do nhé!
Bạn lo lắng người khác sẽ tổn thương khi bạn từ chối;
Bạn lo sợ sẽ bỏ lỡ cơ hội “ghi điểm” trong mắt đối phương;
Bạn sợ họ sẽ giận hoặc không thích bạn nữa nói cách khác bạn cảm thấy tội lỗi nếu không nói “có”;
Bạn không thể từ chối vì người kia nài nỉ rất thành tâm.
Chúng nghe rất quen với bạn đúng không? Nhiều cá nhân dù có lịch làm việc bận rộn, nhiều nhiệm vụ cần hoàn thành nhưng vẫn cảm thấy rất khó khăn trong việc từ chối những lời đề nghị. Qua trải nghiệm và tìm hiểu tôi thấy có 2 lý do chính khiến người ta cảm thấy không thể nói từ chối sau:
Thứ nhất, quá đặt nặng bản thân.
Nhiều người thường nghĩ, “Nếu mình không giúp thì họ làm sao có thể thoát khỏi khó khăn được”. Vô hình chung, tầm quan trọng của bản thân được đẩy lên quá mức, bạn đã tự đưa mình vào tình thế tiến thoái lưỡng nan.
Thứ hai, sợ làm ảnh hưởng các mối quan hệ
Dĩ nhiên có 1 số trường hợp bạn sẽ từ chối 1 cách rõ ràng. Thế nhưng trong những mối quan hệ gần gũi thân thiết, bạn có dám dứt khoát từ chối như vậy không? Cái khó nằm ở chỗ mối quan hệ này đã tạo ra một sự ràng buộc nhất định nào đó. Thông thường, bạn không nói ra được cho người đối diện hiểu và cho họ thật sự thấy: Để thể hiện sự chối từ của mình với người khác với lý do cá nhân. Và họ hiểu đúng ý mình cũng như “đừng hiểu lầm ý của tôi” là không muốn giúp bạn.
Sâu trong tâm mình cũng muốn giúp họ đúng không? Bởi có qua có lại, đi chung với nhau dịp này thì họ cũng có thế sẽ đi chung với mình dịp khác. Điều đó rất cần trong các mối quan hệ xã hội.
Việc đưa ra quyết định vẫn luôn tồn tại hàng ngày, không chỉ những việc quan trọng mới cần cân nhắc đến chuyện từ chối. Việc thực hành từ những điều nhỏ nhặt như từ chối lời mời tham gia một bữa tiệc khiến bạn không thoải mái, hay từ chối đi xem bộ phim bạn không thích, dần dần sẽ khiến bạn dễ nói “không” hơn trong những tình huống thực sự quan trọng. Nhưng không phải tất cả những người bị bạn từ chối đều có cách suy nghĩ và hành xử như vậy.
Trong thực tế, đã là người trưởng thành về tâm lý và tình cảm, rất ít ai sẽ tuyệt giao với bạn chỉ vì một lần từ chối. Càng quan trọng hơn là, nếu một mối quan hệ dễ dàng bị ảnh hưởng bởi cách bạn cự tuyệt, vậy nó thực sự không đáng để chúng ta tiếp tục nỗ lực duy trì.
Bạn Sẽ Bị Đẩy Vào Những Viễn Cảnh Xấu Dần Lộ Ra
Trước tiên, khi bạn luôn đồng ý giúp đỡ mọi người, ưu tiên của bạn sẽ dần thay đổi và hướng tới người khác. Bạn cố gắng làm hài lòng mọi người để không bị tẩy chay nơi công sở, không bị mọi người nhìn với ánh mắt tiêu cực,...Dần dần bạn sẽ thấy kiệt sức và căng thẳng vì thời gian làm việc không được sắp xếp, phân bổ như bạn muốn.
Lý do của sự lưỡng lự này vì lo họ sợ việc từ chối sẽ làm xấu đi hình ảnh một nhân viên siêng năng, nhiệt tình và quan trọng nhất chính là họ sẽ vuột mất các cơ hội thăng tiến nếu không chấp nhận giúp đỡ. Trái lại, trên thực tế, nếu họ làm vậy thì hiệu suất làm việc sẽ giảm, không thể bắt kịp với mọi thứ và cuối cùng là gây thất vọng cho mọi người, đặc biệt là chính bản thân họ.
...
Và nó sẽ trở nên tồi tệ hơn nữa.
Yếu tố chính ngăn mọi người (có lẽ là chính bạn) nói "không" là nỗi sợ làm người khác thất vọng. Hãy nhớ rằng bạn phải tự chăm sóc bản thân. Khi bạn căng thẳng và mệt mỏi, chưa chắc họ đã giúp đỡ bạn cho dù bạn đã dành nhiều thời gian vì họ.
Có một tình huống phổ biến hiện nay là: Một người muốn nhờ bạn giúp đỡ, bạn không từ chối ngay mà lại trả lời rằng, “Hôm nay tôi bận”.
Ngày hôm sau, người đó lại tới nhờ vả, bạn lại nói, “Hôm nay phải ra ngoài làm việc.”
Ngày thứ ba, người đó lại mời bạn đi ăn.
Ngày thứ tư, người đó một lần nữa đưa ra đề nghị, bạn mới nói thật: “Tôi không giúp được.”
....
Người đó nhất định sẽ giận và trách móc: “Tại sao không nói sớm đi? Lãng phí thời gian, công sức của người khác.”
Nhiều người vì quá cả nể mà không dám từ chối, sợ mất lòng rồi giúp người khác trong tâm thế khó chịu hoặc không hết mình. Để rồi chính họ không có đủ thời gian để làm việc quan trọng cá nhân. Một số người thì không khéo léo, từ chối gây mất lòng, mối quan hệ sau đó cũng xấu đi.
Thế Nhưng, Vấn Đề Ở Đây Là:
Tại sao bạn nên nói "không" thường xuyên hơn ?
Nói “không” và học cách từ chối người khác giúp bạn tạo ra được một giới hạn cho bản thân, cũng như đề cao sự tôn trọng dành cho chính mình. Nó giúp cho mọi người hiểu rằng, bạn cũng có những nhu cầu riêng và những giới hạn riêng. Học cách từ chối là một cách tôn trọng bản thân, cũng là tôn trọng người khác.
Tại sao bạn sẽ trở nên thoải mái với việc từ chối người khác?
Hãy tập quen với suy nghĩ bạn không có trách nhiệm phải giúp đỡ và làm hài lòng tất cả mọi người. Bằng cách này, bạn sẽ có được sức mạnh cảm xúc và tinh thần để lấy lại quyền kiểm soát cuộc sống của bạn.
Tuy nhiên vẫn rất nhiều người cảm thấy khó khăn để nói hai chữ "từ chối" này. Vậy từ chối như thế nào cho khéo léo, không để lại sẹo mà người khác vẫn thấy vui vẻ, thoải mái?
Nói “Không” Có Thể Nói Là Một Nghệ Thuật!
Tôi dám chắc rằng biết bao lần bạn không dám từ chối vì không muốn trở thành kẻ xấu.
Thực ra thì từ chối phũ phàng có thể cũng không sao. Bởi cứ quan tâm tới người khác nghĩ gì về mình là không nên. Nhưng ở xã hội bây giờ thì ta vẫn nên cẩn thận và gìn giữ với những mối quan hệ cần thiết, nên ứng xử sao cho khéo léo và hợp lý là điều rất quan trọng. Bởi vậy học được cách từ chối khéo léo mà vẫn giữ được hình tượng trong mắt người khác là điều không phải ai cũng làm được. Vậy khi người khác muốn nhờ vả bạn, nhưng bạn không muốn giúp thì phải làm sao để có thể khéo léo từ chối đây?
Năng lực “từ chối một cách quyết đoán”
Bí quyết nằm ở chỗ: Thái độ chân thành, không cố tình kéo dài thời gian.
Khi người ta nhờ bạn giúp đỡ mà bạn lại do dự, vậy thì hãy dứt khoát từ chối đi. Tiếp tục chần chừ chỉ cho họ thêm hi vọng. Bạn đừng nên nghĩ ngợi lâu quá rồi mới từ chối, bởi nghĩ càng lâu ngược lại càng khiến họ thêm thất vọng. Học cách từ chối dứt khoát, quyết đoán là một bài học mà người trưởng thành cần nắm chắc.
Hãy cho người khác cảm thấy không phải là mình không muốn giúp mà là ta không thể giúp. Nghĩa là mình cũng đang có việc quan trọng, mình đang ưu tiên cho những thứ khác nên ở thời điểm này không thể giúp họ được: “Hiện nay mình đang có công việc A, B, C nên không thể giúp bạn được”; để tránh làm phật lòng đối phương, bạn cũng nên để ý đến thái độ của mình khi từ chối. Một lời từ chối nghiêm túc và rõ ràng là cách thể hiện sự tôn trọng với đối phương và cả chính mình.
Thể hiện rõ ràng thái độ của mình ngay từ đầu còn tốt hơn cứ để nó mông lung, mơ hồ. Trước khi muốn từ chối hãy bình tĩnh suy nghĩ, sau khi từ chối cũng đừng nghĩ quá nhiều. Bạn hãy nghĩ rằng: “NHẤT ĐỊNH KHÔNG ĐỒNG Ý. Tôi dứt khoát từ chối khi tôi biết chắc mình không thể dành toàn tâm toàn ý tham gia, dứt khoát từ chối những người nhờ vả tôi liên tục các việc không thuộc trách nhiệm của tôi”.
Ồ thì ra lời từ chối nó đơn giản như vậy! Ồ thì ra mình có thể thoải mái thể hiện suy nghĩ thật như vậy 1 cách tự nhiên mà vẫn không làm người khác tổn thương, hay chẳng hề khiến không khí trở nên ngại ngùng. Thứ hai, đưa ra một gợi ý khác
Nếu như bạn quả thực cảm thấy từ chối thẳng thừng sẽ khiến họ buồn, làm rạn nứt tình cảm hai bên vậy thì bạn có thể đưa ra một gợi ý hay giải pháp khác cho họ. Đây có lẽ là cách từ chối hiệu quả mà không làm đối phương cảm thấy thất vọng. Vừa nhắc khéo là bản thân không thể giúp được, vừa cho đối phương thấy bạn cũng có thành ý giúp họ giải quyết vấn đề.
Cụ thể như đặc biệt là với những người hướng nội, cảm xúc mạnh cũng bị đôi chút tổn thương, bạn càng phải quan tâm nhé. Lúc này, bạn có thể xoa dịu họ bằng những cách mà mình được biết dưới đây:
– Bạn gợi ý cho họ một giải pháp giúp họ tự làm việc đó một cách hiệu quả.
– Bạn gợi ý một ai đó có thể giúp được họ, thậm chí còn làm tốt hơn cả bạn.
– Bạn hứa sẽ sắp xếp giúp họ lần sau, hoặc một việc gì đó khác thay thế.
Trong trường hợp họ nài nỉ ghê gớm, miễn cưỡng lắm thì bạn có thể dùng tuyệt chiêu cuối cùng là giúp đỡ một phần nhỏ. Hãy trao đổi, giúp họ phân tích việc họ cần nhờ ra làm nhiều phần, và xem có thể giúp được một phần nhỏ nào đó trong khả năng của bạn hay không.
Người viết: The Toffees
Người thiết kế: Quỳnh Anh
(*) Bản quyền bài viết thuộc về BOOKIEE.ORG. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ gồm tên người viết, tên người thiết kế và Bookiee - Sách Là Niềm Vui. Mọi hành vi sao chép hoặc trích nguồn, chia sẻ bài viết không đầy đủ đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ. -------------------------------------
Bookiee - Sách là niềm vui
Comments