top of page
Ảnh của tác giảBookiee - Sách là niềm vui

[Review] Vu Khống - Độc Hành Của Kẻ Điên

Đã cập nhật: 7 thg 3, 2023

Thâm nhập vào thế giới nghịch dị của những kẻ không tỉnh táo, nơi có thể diễn ra một cuộc nhận thức lại về con người, và về bản chất sự sống. Đây cũng là nỗ lực chắp vá lại những ý niệm rời rạc bị phân tán khắp tác phẩm, kết chúng thành chuỗi với một chiều lưu thông nhất định.



Sao, xuất hiện trước mặt ta một tên xưng Mặt Khỉ, tự nhận mình dân tộc Chà Chệt, vừa gặp mặt đã thú rằng: Tôi là người điên? "Vu khống" đẩy ta từ cơn sốc này đến cơn sốc khác. Mọi thứ giáng xuống với ta là đột ngột, nhưng với nhân vật, lại là những di chứng sót lại trong quá khứ đã dai dẳng từ lâu.


Sinh ra trong bộ gen tất định, thế là anh bị phán có tội khi anh còn chưa định hình được hơi thở của mình. Án tử treo lơ lửng trên đầu. Một thế giới phi lý và rạn vỡ bởi sự phi lý của nó. Chúng ta - qua những kẽ hở, nhìn họ chật vật chống cự với những giằng co bất tận.


Và bởi không gánh vác nổi tội lỗi và nỗi đau, ta đành "vu khống", truất lại nó cho một kẻ xa lạ nào khác...


Không thể từ chối


Nếu chỉ xét về mặt hình thức, "Vu khống", cũng như hầu hết các tác phẩm của Linda Lê, là một trò nhào nặn ngôn từ vui vẻ. Tôi không nghĩ mình có lý do gì để từ chối lời mời đến với một buổi tiệc ngôn từ. Không phải ngôn ngữ được dùng trong vẻ hoa mỹ tráng lệ nhất, nhưng là ngôn ngữ được sắp đặt trong vị trí đắc địa của nó, giúp nó phát huy tối đa khả năng biểu nghĩa của mình.


Có thể trong quá trình đọc ta sẽ phải loay hoay với vài nét nghĩ lạ lùng, nhưng đáng để nghĩ. Những nét nghĩ được truyền đi cùng những cuộc đột sát về tâm lý, đặt ra những tình huống ta chưa kịp chuẩn bị để đón nhận.


Những chủ đề nhà văn đề ra rõ ràng không mới. Nhưng thế giới được cấu tạo từ những chủ đề quen thuộc ấy lại có gì đó riêng biệt, dị thường. Một kiểu "dị thường quen biết": ban đầu tưởng như rất mới mẻ, xa lạ với ta; khi tiến gần tới nó, chạm lên nó, và thậm chí, thâm nhập vào đó, ta mới nhận ra nó vốn đã ở trong mình từ lâu. Tôi gọi đấy là sự đồng cảm giữa những dị tính. Sao ta đồng cảm với một người điên, sao ta động lòng trước những cuộc đời hư cấu?


Có lẽ đây là cuốn sách buộc ta phải nghiền ngẫm nhiều. Và vì sẽ mãi không giải mã được nó theo cách đơn giản, trong ta vẫn sẽ vướng lại điều gì đó. Đã vài ngày trôi qua, mà những nhân vật ấy vẫn lang thang một góc nơi tâm trí tôi, chưa chịu chìm vào những đường nếp thông thường của sự quên lãng. Khi ta đọc một câu chuyện về một người xa lạ nhưng không thể dứt khỏi nó, thì đối với ta nó không còn đơn giản chỉ là câu chuyện về một người xa lạ nữa, mà chính nó dần trở nên một phần của ta. Lật mở nó cũng là tự ta lật mở chính mình.


Linda Lê - Tự hủy và thương tích


Khi hình dung về Linda Lê, tôi hình dung về một người nổi loạn trong bóng tối. Chính trong sự nổi loạn ấy, ta mơ hồ mường tượng về một lồng chắn vô hình quây kín nhà văn, thứ bóng tối bám lấy cô từ thời thơ nhỏ. Và lúc khám phá sơ bộ về bối cảnh nhà văn, tôi không mấy ngạc nhiên khi biết rằng cô phải chịu nhiều thương tổn như vậy - mà đa phần là thương tổn ngầm, một dạng ẩn ức bị chôn sâu, ít khi biểu hiện ra ngoài, nhưng âm thầm chi phối mọi động thái nghệ thuật của cô.


Những gì ngòi bút Linda Lê nhả ra thường là những gì sắc bén, kinh lạ nhất, đủ để ta không ngừng việc dõi theo diễn biến kế tiếp. Cô từng nói về những điều lạ lùng trong tác phẩm của mình: "Tôi sáng tác những câu thơ kinh khủng, chỉ để nói rằng cuộc sống không thực sự ở đây". Nghĩa là với cô, bản chất cuộc sống chính là sự kinh khủng kia, và cô muốn con chữ của mình có thể bóc trần được dáng hình đó.


Nhà văn Linda Lê năm 2012 tại Paris (Pháp). Nguồn: AFP


Linda sớm được tiếp thu nền giáo dục Pháp ngữ. "Hồi còn ở Sài Gòn tôi cảm thấy bị lưu đày trong chính đất nước của mình". Đó là sự tự nguyện di cư khỏi nền văn hoá ruột thịt, rời bỏ khỏi quê hương, cội nguồn. Hành động ấy không phải vô cớ - ra đi là bởi cảm thấy bị bó buộc, bị kìm hãm, từ gia đình cô, với người cha lạnh nhạt, với những quan niệm lệch với thế giới quan của cô - điều được phản ánh và trở đi trở lại trong rất nhiều tác phẩm. Nhưng dù có là sự tự nguyện, hành động dứt bỏ ấy vẫn để lại những di căn nhất định, như khi người ta tự tay cắt lấy một phần da thịt của mình.


Một nhà văn hành hương với những vết thương của mình, những cuộc hành hương trả bằng giá máu. "Tôi là một lối đi vấy máu". Trong tác phẩm của cô thường có khuynh hướng tự hủy, mà sự tự hủy đó là để tìm lại chính mình trong những cuộc hành hương lạc lõng kia. Một khao khát mãnh liệt và cuồng vọng, sự cuồng vọng làm ta ám ảnh, được định nghĩa như "ý niệm hủy thể tính". "Vu khống" thừa kế tất cả những thuộc tính căn bản làm nên phong cách Linda Lê nói trên.


Khía cạnh ấn tượng


Note: Đây là phần phân tích và đánh giá, cảm nhận cá nhân nên không tránh khỏi việc tiết lộ nội dung. Để đảm bảo một trải nghiệm trọn vẹn với "Vu khống" cũng như có những cảm nhận riêng, các bạn hãy đọc sách trước và quay lại với chúng mình sau nhé!


Gốc và sự bứng gốc


Môi trường xã hội gốc được mô tả tương đối toàn vẹn trong hệ thống gia đình được xây dựng trong tác phẩm - với những quan niệm, nề nếp, qua hình ảnh các bậc sinh thành và lời nguyền đặt lên nó: Mỗi thế hệ luôn có một người điên. Chính sự kỳ dị này gieo rắc mọi nỗi bất hạnh về sau, một kiểu bất hạnh gần như tiền định, không thể tránh khỏi, mà nhân vật dù có trốn chạy đến đâu cũng không thể thoát khỏi mối liên kết với nó.


Gia đình, mang nghĩa căn gốc, diễn tả ý niệm về quê hương xứ sở. Trong gia đình (cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng), con người được hoài thai, nuôi dưỡng và lớn lên, nhưng cũng trong gia đình, con người chịu những tổn thương và mặc cảm sâu sắc hơn cả.


Hình ảnh gia đình hạnh phúc 4 người bên nhau. Nguồn: phunugioi.com


"Vu khống" không vẽ lên diện mạo của một gia đình hạnh phúc. Có lẽ bởi "mọi gia đình sung sướng đều giống nhau, nhưng mỗi gia đình bất hạnh lại đau khổ theo một cách riêng" (lời đề của Anna Karenina). Và thứ Linda Lê muốn tạc lên không phải thứ hạnh phúc theo kiểu đồng phục như vậy, nhưng là đào sâu vào những nỗi đau cá thể. Trong bi kịch không giống ai của gia đình "tôi", những ý nghĩa về cội nguồn, gốc rễ nói trên đã tan nát, bị tái kiến tạo và được phân cho một vai vế khác: những xiềng xích không tên.


Những xiềng xích, đôi khi hữu hình như những sợi xích sắt trói nghiến chân tay những người bị chẩn đoán là "điên" để họ không nổi thói khát máu của mình, nhưng cũng nhiều lúc vô hình, cuốn lấy những thân phận con người, khéo léo đến nỗi chính họ không nhận thức được. Trong tác phẩm, ngoài gia đình mang lời nguyền về di truyền còn có một gia đình nhỏ khác trong tuyến tự sự phụ - anh thợ sửa giày và người mẹ mất nửa thân dưới. Người mẹ chỉ có thể chờ đợi sự chăm sóc từ người con trai, và dần nhu cầu được chăm sóc ấy trở nên độc đoán, biến thành tính chiếm hữu độc hại. Bà muốn con trai chỉ phục tùng riêng bà, bà giám sát anh khiến anh phải từ bỏ mong muốn được kết nối với người khác. Người mẹ vì vậy là gánh nặng của cậu con trai, mà trong một tiểu luận, Linda Lê diễn tả nó như việc "mang theo một cái bào thai chết".


Con người với ý chí cá nhân không chịu được cảnh giam lỏng ấy đã nổi loạn, mà sự nổi loạn cũng rất phi lý: tự bứt mình ra khỏi cội nguồn, dù biết rằng cái cây bứng khỏi gốc không chết đói cũng sẽ chết khát. Họ chọn chịu đau đớn và sống cùng những đau đớn đó để có thể sải chân bước dài. Đó là cô cháu gái trốn chạy gia đình, khinh ghét thói hám danh lợi mà dòng họ dạy cô như thể đó là truyền thống của gia đình. Cô đi theo người cha biệt tích của mình, dứt khỏi cái vốn liếng, mà đúng hơn là món nợ đời cô.


Nhân vật "tôi" - người cậu, cũng sống trong tình trạng tha hương như thế, nhưng trong hoàn cảnh đối lập: không tự nguyện rời đi, nhưng bị chính gia đình tống khứ, đưa đến một đất nước hoàn toàn xa lạ, với tư cách là một người bị điên cần được nhốt vào nhà thương điên. Và vì vậy sự trốn chạy mang tính bị động kia vừa mang lại tự do hạnh phúc vừa mang lại cảm giác khổ đau.


Mối liên kết đặc biệt giữa người cậu và người cháu khiến họ dù di cư theo những phương thức khác nhau vẫn chịu chung vài nỗi ám ảnh, mà cậu tự nhận định về hai người: "Chúng tôi như những cô hồn. Gốc rễ chúng tôi bập bềnh mặt nước. [...] Chúng tôi trôi dạt, hi vọng sóng nước sẽ cuốn chúng tôi về cội nguồn, nhưng chúng tôi bì bõm trong một nhánh sông tù, chúng tôi mãi mãi lay động cùng những ám ảnh như nhau, chúng tôi mãi mãi cuốn theo cùng những xác chết như nhau". Đây là một trong nhiều lần Linda Lê đề cập về những cái xác rỗng, những sinh thể mất hết sinh lực và chết mà không ai biết đến, không ai nhớ thương bởi đã ly khai khỏi mọi tập thể.


Nhưng ly khai thì đã sao? Họ tưởng họ đã thoát khỏi những nanh vuốt, những xiềng xích trói lấy họ, nhưng cái tất định vẫn là thứ huyết thống vẫn luôn lưu thông dưới lớp da. "Ta đắp đổi đời mình, tẩy sạch trí mình, rồi một ngày chẳng ngờ, di truyền lại níu lấy chân ta, và thế là tiêu tan cái bộ mã ung dung". Chi tiết bức thư, tuy nhỏ nhưng được lặp đi lặp lại xuyên suốt tác phẩm, một bức thư không được miêu tả về nội dung, và tất cả những gì ta biết về nó là nó được gửi bởi cháu gái cậu, và nó khiến cậu phải rối trí. Bức thư ấy là đại diện cho một mối liên hệ, mối liên hệ cậu tưởng mình đã dứt bỏ (cô cháu gái là đại diện cho gia đình). Mười lăm năm yên thân của cậu bị đảo lộn vì một cái thư, khiến ta nhận ra tình cảm gia đình không hề bị loại bỏ một cách triệt để, nhưng vẫn luôn nhức nhối ở một tầng sâu nào đấy kín đáo trong nội tâm dễ thương tổn của cậu, chờ cơ hội bộc phát. Giống cách tưởng tượng của cô cháu gái - đào một cái hố để chôn vùi những bí mật ấy đi, nhưng càng đào, ký ức càng được giải phóng, và cuối cùng người bị vùi lấp là chính bản thân họ chứ không phải bất kỳ ai khác.


Bệnh điên và sự đảo ngược


Nơi hội tụ đậm đặc những sự kỳ dị và những chấn thương ấy là bệnh điên. Bệnh điên của dòng họ, bệnh điên di truyền, bệnh điên của người cậu. Ở người cậu, căn bệnh ấy được kìm nén và ức chế đến nỗi nếu không phải do nhân vật tự khai từ đầu, ta cũng không nghi ngờ anh ta bị điên, bởi người điên không thể có những ý thức sâu sắc và rành rõ về những tình cảm cùng những thương tổn của mình đến vậy. Chính anh ta cũng tự nhận thức mình không phải loại điên loạn hoàn toàn, nhưng là loại người có thể đi đi lại lại giữa vùng tỉnh và vùng mơ, như một tấm vải mới chỉ nhuốm bẩn một chút, có thể giũ sạch mọi dấu vết.


Bệnh vò nhàu hồn họ, bệnh vấy máu những cơn mơ của họ, bệnh buộc họ trốn chạy chính mình. Và thế giới trong mắt kẻ điên hiện ra theo một cấu trúc rất khác, trong những quan niệm rất khác. Với Linda Lê, chính thế giới kinh khủng ấy mới là nơi bộc lộ rõ nhất bản chất cuộc sống, và vì vậy, bà cho nhân vật của mình phát biểu: "Người nắm được sự thực chuyện này là một người điên".


Chính điều này tạo nên nghịch lý: sự tráo đổi thân phận giữa người điên và kẻ tỉnh, khi người bị cho là điên lại giác ngộ được những sự thật không ai thấu, còn những kẻ tự cho mình là tỉnh táo, lại mù quáng chạy theo những giá trị phù phiếm. "Tôi kinh khiếp những kẻ tâm trí lành mạnh. Họ phun ra những từ trống rỗng và đợi được những lời vô nghĩa đáp lại" - sự lên ngôi của cái điên đồng nghĩa với việc hạ bệ những chuẩn mực thông thường, khi những người-không-điên trở thành những kẻ đại trà, giống nhau một cách vô nghĩa. Và khi nhân vật "điên" được đề cao, sự thất thế của họ trước những "người bình thường" trở thành bi kịch. Kẻ ai nấy đều coi là điên là kẻ lãnh nhận mọi tội lỗi và mọi hình phạt.


Khi nhìn nhân vật đau đớn trong những chấn thương ấy, trong vài khoảnh khắc, ta buộc phải nhìn lại mình. Hình như chính ta cũng giằng co như thế. Trong tròng mắt, nơi thế giới hiện ra đối với mỗi người một vẻ rất riêng, ai cũng là kẻ điên với vũ trụ. Nhưng kẻ điên này không phải ngẫu nhiên lại điên, mà bởi những đụng độ bất đắc dĩ giữa cái mình không muốn dứt bỏ và cái mình cần đuổi theo.


Nghệ nhân và vu khống


"Vu khống", chỉ ra sự vu khống, lên tiếng về việc bị vu khống là một hình thức giãi bày, tự giải oan cho sự trong sạch của mình.


Quá trình bị cô lập và bị "vu khống" là quá trình nhân vật lãnh lấy bản án của mình - bản án cho một người vô tội, như cái chết của Jesus Christ trên thập tự. "Kẻ vác dao là kẻ bị hi sinh. Kẻ ai nấy đều coi là điên. Kẻ nhận lãnh hết mọi bại hoại, tránh cho những người khác bị nghi là rồ dại". Kẻ điên sẽ là kẻ bị vu khống, nhưng không đủ khả năng thanh minh cho mình, và bị tước đi tiếng nói trong xã hội. Vu khống ở đây để cất tiếng nói và cấp quyền được nói cho kẻ điên ấy.


"Quá trình bị cô lập và bị "vu khống" là quá trình nhân vật lãnh lấy bản án của mình". Nguồn: vinmec.com


Dĩ nhiên người phát hiện những nạn nhân bị vu khống và lên tiếng cho họ chính là nhà văn, là nghệ sĩ. Để có thể phát hiện, họ phải trà trộn vào những đám bùn lầy xã hội ấy. Có những người phát ngôn một cách kín đáo nhưng thâm sâu, nhưng đồng thời có những người như một chiếc loa phát ngôn, tuy mang danh là lên tiếng cho những kẻ bị vu khống, nhưng dường như không phát ngôn cho họ, mà phát ngôn cho chính mình.


Trong tác phẩm, hình tượng nhân vật Ricin được xây dựng như một cái tôi thứ hai của Linda Lê để nêu lên những quan điểm sáng tác của cô. Ricin, một nhà văn kỳ lạ, quan sát thời đại một cách ngờ vực, viết nhưng không xuất bản, như thể "đánh đĩ niềm đau khổ của mình". Anh cho rằng những nhà văn khác - đi lượm lặt những đau khổ của người khác và xuất bản, rêu rao khắp nơi như thể họ là đại diện công lý, họ cứu độ chúng sinh, đều là bọn múa rối. "Chúng tự nhận là đặc phái viên của khổ đau khắp địa cầu. [...] Đến nơi, chúng yêu cầu người này kể lại kinh nghiệm bố thí, người kia tả tỉ mỉ một ngày ở bãi rác công cộng. Trở về, chúng xuất bản một cuốn sách, dày cộp". Đó là loại nghệ sĩ thành danh trên nỗi đau của người khác, mà không hề mảy may bận tâm về nỗi đau đó.


Loại nhà văn ấy không cứu rỗi những kẻ điên, nhưng đang tiếp tục vu khống cho nạn nhân bằng những lời lẽ của riêng họ, ép nạn nhân vào một cốt truyện họ tự tay nhào nặn. "Cô lạm dụng sự buồn khổ nhiều rồi. Dẹp những chuyện sâu kín của cô lại. Cô hãy tập viết về hoan lạc đi. Đừng tự vu khống mình nữa, đừng vu khống chúng tôi nữa". Lời van xin ấy có lẽ được Linda Lê gián tiếp nói trên cả hai tư cách - một nhà văn chân chính (?) van xin những nhà văn kiểu phóng viên, và một nạn nhân van xin những kẻ không ngừng moi lấy câu chuyện đời mình để biến tấu lại mà vu khống mình.


Nỗi cô đơn bạt ngàn


Hơn mười lăm năm bị coi như một kẻ dư thừa, bị cô lập bên những kẻ dở hơi, hay những thiên tài bất đắc chí, người cậu sống cô độc như thể chưa từng có một quá khứ, một người không được chấp nhận ở hiện tại, và vì vậy, không có quyền mơ tưởng đến tương lai. Xung quanh cậu cũng có những tinh cầu độc hành với quỹ đạo riêng lẻ như thế.



Một thầy tu không ra khỏi khuôn viên nhà thương điên, chết trong cô đơn không ai cất tiếng đau xót. Một anh thợ bị bó buộc với lịch trình nhàm tẻ người mẹ vạch ra, và cho đến khi người mẹ chết, không được phép có mối quan hệ thân thích nào với những người khác. Một gã nhà văn với những tư tưởng riêng biệt khó tìm tri kỷ. Một cô gái vì gia đình ruồng rẫy cha mình, đã tự mình ruồng rẫy cái gia đình kia, lang thang không biết bến bờ.


Họ mãi lang thang với một ám ảnh: "Miễn sao mình không một mình chiều nay".


Nhưng sở dĩ ngay cả chúng ta cũng tìm thấy nỗi cô đơn của bản thân trong đó và có thể đồng cảm với nó dù ta không bị điên, là vì nhà văn đang mô phỏng một nỗi cô đơn tự trong bản chất. Nỗi cô đơn ấy không phân biệt người điên hay người tỉnh, người đang trôi dạt hay người được cố định, nhưng ám lên toàn thể con người. "Chúng ta là những con vật da dày cộm, chúng ta chìa tay cho nhau, nhưng hoài công, chúng ta chỉ cọ lớp da thô nhám của chúng ta vào nhau - chúng ta cô đơn vô cùng".


Vì đau đớn, vì cô đơn, con người tìm cách vu khống cho kẻ khác. Rồi vu khống, nhưng vu khống cũng bất thành. Người, vì thế đáng thương vô cùng. Kể cả là kẻ tội đồ hay nạn nhân.


Bi kịch sinh ra một cách phi lý cùng với con người - thế giới của Linda Lê vốn vẫn luôn đầy rẫy những sự phi lý. Và nỗi đau bộc lộ ở chỗ con người không thể đặt câu hỏi cho bi kịch: tại sao nó lại giáng lên đầu tôi? Cũng như tình trạng không thể thích nghi với bi kịch ấy, một cảm thức hiện sinh gần giống với thứ Kafka trói vào Samsa trong Hoá thân.


Một phép liên tưởng sâu sắc mà tôi không nghĩ rằng ai đó chưa chịu qua những nỗi dày vò ghê gớm có thể viết ra được: "Chúng ta chẳng khác nào bầy chim nhỏ đáng thương muốn bay xa nhưng không may đã đậu phải những cọc trét nhựa, rồi thành loài nuốt nhựa. Chúng ta nào có là gì khác loài nuốt nhựa. Những động vật biết bay dính nhựa, kêu chiêm chiếp để quên đi mình dính nhựa".


Lời kết


Tôi nhớ mãi nơi cái bóng cuối cùng của người cậu khuất về: "Tôi trở lui, rẽ theo hướng bên phải". Hướng bên phải, một con chó lững thững đi. Cậu ta theo dấu một con vật, và trong óc vẫn đinh ninh, đấy là con đường sáng.


Cái kết lửng lờ như thế, chẳng ai biết cậu ta sẽ đi về đâu, với bức thư vẫn đang vò nhàu tâm trí kia. Cái dở dang ấy là cái gây dư chấn, cái khiến ta không thể không suy nghĩ về nó. Có lẽ tôi cũng muốn để lại một lời kết như vậy.


Còn ta, ta sẽ đi về đâu đây?


Còn bạn, bạn thấy sao về cuốn sách này? Hãy chia sẻ cho Bookiee biết nhé!


Người viết: Tuyết Nhi
Người thiết kế: Khánh Linh

(*) Bản quyền bài viết thuộc về BOOKIEE.ORG. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ gồm tên người viết, tên người thiết kế và Bookiee - Sách Là Niềm Vui. Mọi hành vi sao chép hoặc trích nguồn, chia sẻ bài viết không đầy đủ đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

______________________________


Bookiee - Sách là niềm vui


Bài đăng liên quan

Xem tất cả

Comments


bottom of page